Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ THUỶ LỢI-TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 29-TT-LB | Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 1964 |
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRỒNG CÂY GÂY RỪNG Ở CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI - TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
Kính gửi: Ủy ban hành chính các tỉnh, thành, khu
Trồng cây gây rừng trên các đầu nguồn, hồ chứa nước và dọc theo các nông giang, kênh máng, đê điều có một ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng. Vì vậy, từ năm 1960, liên Bộ Nông lâm - Thủy lợi đã có Thông tư số 02-TT-LB ngày 11-4-1960 cho các địa phương đẩy mạnh công tác này, và đầu năm 1963 lại phối hợp tổ chức một hội nghị trồng rừng bảo vệ đê biển.
Thông tư và hội nghị trên đã nêu một số vấn đề cụ thể, nhưng chỉ mới trong phạm vi trồng cây ven đê, còn các công trình thủy lợi khác nói chung chưa đề cập đến. Mặt khác, ngay trong những điểm đã quy định, kiểm điểm lại đến nay nhiều địa phương vẫn chưa coi trọng đúng mức.
Dựa trên tinh thần những nghị quyết lần thứ 5, thứ 8 của Trung ương Đảng, dựa theo Thông tư số 466-TTg ngày 06-12-1961 của Thủ tướng Chính phủ và dựa vào chủ trương, đường lối của hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc trong tháng 11-1963 vừa qua, thông tư này quy định có tính chất toàn diện nhiệm vụ, phương hướng và biện pháp trồng cây gây rừng trên tất cả các loại công trình thủy lợi (gọi tắc là trồng cây thủy lợi).
Bộ và Tổng cục mong Ủy ban hành chính các cấp nghiên cứu kỹ tinh thần của thông tư này và tình hình thực tế của địa phương để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo thật mạnh mẽ, vững chắc công tác này gắn liền với lãnh đạo phong trào làm thủy lợi hai năm đã được phát động.
I. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH TRỒNG CÂY THỦY LỢI.
Trước hết cần xác định rõ trồng cây gây rừng trên các công trình thủy lợi sẽ đưa lại những mục đích gì để thấy rõ mục tiêu phấn đấu và quyết tâm thực hiện.
Có mấy mục đích chính:
1. Tạo cơ sở tốt để bảo vệ tích cực các công trình thủy lợi, cụ thể là:
a) Làm hàng rào chắn sóng, cho đê biển, đê sông;
b) Cố định đất, chống sụt lở, chống xói mòn, bảo vệ các đầu nguồn, ao, hồ, bảo vệ các nông giang, đê điều;
c) Ngăn nước lũ; tăng lượng nước ngầm trong đất làm cho lưu lượng khe, suối, sông, ngòi, hồ, ao được điều hòa;
d) Che bóng hạn chế sự bốc hơi ở các ao, hồ; nông giang;
e) Có nguyên liệu như tre, cọc, gỗ, v .v… dùng cho việc xây dựng, bồi trúc các công trình thủy lợi.
2. Gây thành nhiều hàng cây; dải rừng tạo thành một màng lưới ngang dọc khắp đồng ruộng nông thôn, có tác dụng hết sức quan trọng đảm bảo cho sản lượng nông nghiệp thu hoạch cao và vững chắc, cụ thể là:
a) Ngăn gió, hạn chế bão; bảo vệ cho lúa; màu.
b) Tăng độ ẩm không khí, giảm lượng nước bị bốc hơi của đồng ruộng, do đó hạn chế được hạn hán, đồng thời tránh được hiện tượng “đất mặn” do muối theo nước từ dưới sâu đưa lên.
c) Ngăn cản sự lai giống tự nhiên hỗn tạp làm giảm giá trị kinh tế và giảm sản lượng nông nghiệp;
d) Có điều kiện ngăn chặn sâu bọ lan tràn từ cánh đồng này sang cánh đồng khác;
e) Cung cấp lá làm phân xanh; tăng thêm nguồn phân bón ruộng.
3. Tạo nguồn dự trữ cung cấp gỗ, củi, hoa quả và nhiều sản phẩm khác, tăng thu nhập cho xã viên, tăng tích lũy cho hợp tác xã, tăng của cải vật chất cho xã hội.
4. Ngoài ra, còn tạo được bóng mát, tạo nên những phong cảnh đẹp, góp phần đổi mới nông thôn xã hội chủ nghĩa làm cho người nông dân được thoải mái, dễ chịu trong giờ làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, đồng thời còn có tác dụng về mặt bảo vệ quốc phòng.
Trong bốn mục đích trên thì hai mục đích “bảo vệ công trình thủy lợi” và “phòng hộ cho đồng ruộng” là chủ yếu nhất, cho nên từ quy hoạch thiết kế đến việc chọn loại cây trồng v .v… đều phải quán triệt hai mục đích ấy, còn những mục đích khác chỉ là kết hợp.
Những diện sau đây cần phải tiến hành trồng cho được:
1. Dọc theo chân đê biển (phía biển) rộng 100 mét, được liệt vào khu vực phòng hộ, cần đặt kế hoạch trồng rừng nước mặn càng nhanh, càng nhiều càng tốt, đồng thời phải triệt để bảo vệ những rừng cây đã có, nghiêm cấm mọi việc làm có hại đến cây cối trong khu vực này.
2. Dọc theo chân đê sông (phía sông) từ 5 mét trở lại, cần trồng thành một lũy tre liên tục đề án ngữ cho đê. Kể cả những nơi hiện nay đang làm hoa màu cũng cần vận động chuyển sang kinh doanh trồng tre.
3. Dọc theo các bờ khoanh vùng, dọc theo các nông giang, kênh máng, trừ những nơi có khó khăn đặc biệt, trừ những vị trí xét có thể phạm đến an toàn của công trình, còn lại đều phải tận dụng đất “lưu không”, đất trên bờ kênh, bờ mương để trồng cây, gây rừng kết hợp trồng cỏ cho trâu bò, trồng dâu nuôi tằm mà không nên trồng hoa màu ngắn ngày, vừa làm hỏng đất vừa không có tác dụng phòng hộ.
4. Trên các đầu nguồn (sườn dốc) đổ nước trực tiếp xuống các ao, hồ, kho chứa nước, các kênh, máng và các công trình thủy lợi khác nếu đã có rừng phải bảo vệ tích cực, nếu chưa có rừng phải đặt kế hoạch trồng cho được, nếu khai thác phải theo phương thức đặt chọn, và tích cực tu bổ, giặm thêm cây con, phải có tác dụng làm cho rừng tăng thêm khả năng phòng hộ nguồn nước mới khai thác.
Căn cứ vào quy định chung trên đây và bảng hướng dẫn chi tiết cách trồng cây (kèm theo thông tư này) (1) Ủy ban hành chính các tỉnh, thành, khu sẽ quy định cụ thể diện phải trồng đối với từng hệ thống nông giang, kênh máng, đê điều…thuộc phạm vi mình.
Từ nay đến cuối năm 1965, những xã, hợp tác xã đã có quy họach thủy lợi, hoặc quy hoạch trồng cây gây rừng, hay đã có cả hai quy hoạch, cần cố gắng trồng xong ở các cơ sở cũ, đồng thời chuẩn bị cho thật đầy đủ cây con, giống má để trồng ở các kênh máng mới đào đắp.
Thực hiện khẩu hiệu “kênh máng, đê điều đào đắp đến đâu, cây xanh mọc lên đến đó”. Nhưng cần chú ý những vùng đất chua mặn mới đắp lên mà muốn trồng ngay thì phải cải tạo đất cho kỹ hoặc đào hố để sau một thời gian 3, 4 tháng mới trồng.
1. Lấy lợi ích bảo vệ công trình thủy lợi và phòng hộ đồng ruộng làm cơ sở, cố gắng kết hợp với lợi ích khác.
2. Dung hòa lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ với lợi ích lâu dài, toàn diện, lấy lợi ích lâu dài và toàn diện làm căn bản.
3. Dựa vào quần chúng: lấy lực lượng hợp tác xã làm trung tâm, đồng thời huy động các lực lượng khác như cơ quan, công, nông, lâm trường, bộ đội, học sinh v .v…
4. Ai trồng cây nấy hưởng lợi.
Để thực hiện chủ trương trên, Bộ và Tổng cục nhấn mạnh mấy biện pháp sau đây:
A. XÂY DỰNG QUY HOẠCH TRỒNG CÂY THỦY LỢI
Trồng cây gây rừng trên các công trình thủy lợi về căn bản sẽ đưa lại nhiều tác dụng to lớn, nhưng nếu làm không đúng quy cách, đúng phương hướng, không những về mặt lợi ích bị hạn chế, mà còn có thể gây ra tổn thất đáng tiếc, vì vậy điều kiện cơ bản trước tiên là phải làm quy hoạch “trồng cây thủy lợi”.
Quy hoạch phải thể hiện tình hình các công trình thủy lợi, diện tích, chiều dài các hệ thống, những đoạn, những khu vực cần trồng hoặc không nên trồng, số lượng, loại cây phải trồng, thời gian thực hiện và những biện pháp giải quyết về đất đai, giống, vốn, nhân lực.
Quy hoạch trồng cây thủy lợi phải gắn liền với các quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy lợi phải có phần trồng cây thủy lợi.
Những tỉnh, huyện, xã, hợp tác xã đã xây dựng xong quy hoạch thủy lợi nếu chưa có phần trồng cây thủy lợi thì nay phải bổ sung bằng xây dựng một quy hoạch trồng cây thủy lợi.
Những tỉnh, huyện, xã, hợp tác xã chưa xây dựng quy hoạch thủy lợi, khi xây dựng phải đồng thời xây dựng phần trồng cây thủy lợi.
Trong bản quy hoạch “trồng cây gây rừng” hay “quy hoạch thủy lợi" đều phải có sự tham gia trực tiếp của hai ngành thủy lợi – lâm nghiệp.
Khi xây dựng quy hoạch, thiết kế các công trình nông giang, kênh máng ngành thủy lợi chú ý kết hợp tạo thành hệ thống các đai rừng, chắn gió cho đồng ruộng bằng cách bố trí các kênh máng chính chạy theo hướng càng thẳng góc càng tốt với gió mùa đông bắc (ở Bắc bộ) hay gió nam Lào (ở các tỉnh liên khu 4) và gió bão (vùng ven biển).
Khi hướng dẫn thi công làm đất cũng cần tạo điều kiện tốt, thuận lợi cho giao thông vận tải cũng như trồng cây gây rừng.
B. TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG, VỐN, KINH PHÍ
Ủy ban hành chính các tỉnh, thành, khu chịu trách nhiệm trước Bộ và Tổng cục trực tiếp chỉ đạo thực hiện kế hoạch trồng cây gây rừng trên toàn bộ các công trình thủy lợi trong phạm vi địa phương mình.
Dựa trên phương châm “ai trồng cây nấy hưởng lợi” sẽ vận dụng các lực lượng sau đây:
1. Trừ những vị trí đặc biệt, tất cả những diện còn lại đều giao cho các hợp tác xã nông nghiệp trồng cây lấy lợi. Lấy lực lượng hợp tác xã làm trung tâm trong việc thực hiện kế hoạch trồng cây thủy lợi.
2. Những vùng, những đoạn xét cần thiết và có điều kiện tốt, các Ty Thủy lợi, các ban quản trị nông gian có thể đứng ra tổ chức trồng dưới hình thức công quản hay kinh doanh sau này thu lợi cho Nhà nước.
Các khu vực kế cận hay nằm trong phạm vi các nông, ngư, diêm, lâm trường, xí nghiệp; doanh trại quân đội, giao cho các đơn vị ấy chịu trách nhiệm trồng và hưởng lợi.
Về phần vốn kinh doanh và kinh phí:
a) Đối với việc kinh doanh của hợp tác xã do hợp tác xã tự đầu tư toàn bộ vốn liếng, nhân lực, giống và cây con để trồng, Chính phủ chỉ giúp đỡ, hướng dẫn về kế hoạch và kỹ thuật là chủ yếu, đồng thời có thể giúp thêm một phần kinh phí khi xét thật cần thiết. Trường hợp cần trồng những loại cây đòi hỏi có nhiều vốn như trồng dừa, hợp tác xã sẽ xin vay vốn của Ngân hàng.
Nhưng một biện pháp tích cực hơn để giải quyết vốn trồng cây cho hợp tác xã là áp dụng trồng cây xen canh, lấy ngắn nuôi dài, vừa có thu hoạch trước mắt, vừa có điều kiện chăm sóc, bảo vệ cây tốt.
b) Đối với cơ quan, bộ đội, công, nông, lâm trường…chủ yếu là huy động công lao động xã hội chủ nghĩa của cán bộ, công nhân viên. Khi cần chi tiêu, ngành nào sẽ xin kinh phí của ngành ấy.
c) Về phần trồng cây của các cơ quan thủy lợi:
- Nếu chỉ trồng chung quanh cơ quan, trụ sở thì chỉ huy động sự đóng góp có tính chất nghĩa vụ của cán bộ, công nhân viên, không sử dụng kinh phí.
-Nếu trồng dưới hình thức công quản như trồng cây nước mặn, trồng tre ven đê, các Ty Thủy lợi dự trù vào kinh phí đê điều để xin Bộ Thủy lợi cấp (nếu là đê do trung ương quản lý) hoặc tỉnh, thành cấp (nếu là đê do địa phương quản lý). Phải sử dụng kinh phí thật dè dặt; tiết kiệm. Nơi nào, việc nào các hợp tác xã; các xã có thể làm được thì nên vận động các xã; hợp tác xã làm. Chính phủ chỉ giúp thêm một phần phương tiện trong trường hợp thật cần thiết.
- Nếu trồng dưới hình thức kinh doanh như trồng dừa, trồng cây ăn quả ở các kênh máng; do các ban quản trị nông giang dự trù trong kinh phí quản lý nông giang hàng năm.
C. TRÁCH NHIỆM CỦA HAI NGÀNH THỦY LỢI-LÂM NGHIỆP
Để thực hiện kế hoạch “trồng cây thủy lợi” Ủy ban hành chính các tỉnh, thành; khu sẽ vận động lực lượng của nhiều ngành, nhiều địa phương. Nhưng về phương diện nghiệp vụ hai ngành Thủy lợi – Lâm nghiệp sẽ giúp Ủy ban với những trách nhiệm cụ thể như sau:
Ngành thủy lợi :
1. Chủ động giúp Ủy ban lên quy hoạch trồng cây thủy lợi có sự tham gia trực tiếp của ngành lâm nghiệp;
2. Đề xuất yêu cầu, tham gia ý kiến trong các quy hoạch trồng rừng, bảo vệ, khai thác rừng để tạo điều kiện phục vụ đắc lực cho ngành thủy lợi;
3. Tích cực giúp tỉnh, thành, khu đẩy mạnh kế hoạch trồng cây thủy lợi và hướng dẫn chu đáo về chuyên môn để đảm bảo thực hiện quy trình, quy phạm về thủy lợi.
4. Trực tiếp tổ chức trồng ở một số đê điều, nông giang do tỉnh, thành, khu hay Bộ duyệt.
Ngành lâm nghiệp
1. Hướng dẫn, bồi dưỡng, đào tạo kỹ thuật viên cho xã, hợp tác xã, cho cán bộ, công nhân ngành thủy lợi về trồng cây gây rừng;
2. Trực tiếp tham gia xây dựng quy hoạch trồng cây thủy lợi;
3. Giới thiệu, điều hòa và cung cấp một phần giống, cây con để trồng trên các công trình thủy lợi;
4. Cùng với Thủy lợi hướng dẫn các xã, hợp tác xã xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch trồng cây thủy lợi.
Đó là những trách nhiệm chính của hai ngành. Trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa hai ngành sẽ cùng nhau bàn những biện pháp phối hợp thường xuyên chặt chẽ như trong việc huấn luyện, xây dựng quy hoạch, chỉ đạo điểm hình v .v… tránh tư tưởng tách rời hay ỷ lại lẫn nhau làm thiệt thòi đến công việc chung.
Bộ và Tổng cục cũng như các Ủy ban sẽ dựa trên những trách nhiệm đã quy định trên để kiểm điểm kết quả hoạt động của từng ngành.
Vấn đề trồng cây gây rừng trên các công trình thủy lợi đã trở nên cấp thiết. Nhưng kiểm điểm lại, đến nay ta làm còn quá ít, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có một nhận thức đúng đắn, chưa được các cấp bộ lãnh đạo quan tâm và bản thân các ngành chuyên môn chưa tích cực phát huy tác dụng của mình giúp cho Ủy ban lãnh đạo.
Trong hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tháng 11 năm 1963 vừa qua đã đặc biệt nhấn mạnh đến công tác này.
Bộ và Tổng cục yêu cầu các Ủy ban nghiên cứu kỹ chủ trương này, có biện pháp chỉ đạo thực hiện kế hoạch trồng cây thủy lợi thật nhanh chóng, mạnh mẽ và vững chắc để tạo cơ sở tốt cho công cuộc thủy lợi hóa miền Bắc nước ta, biện pháp hàng đầu để phát triển nông nghiệp.
Từ nay về sau, khi xét thành tích thi đua thực hiện kế hoạch thủy lợi của các địa phương, đơn vị, hợp tác xã sẽ không tách rời với thành tích thi đua trồng cây gây rừng trên các công trình thủy lợi.
Trong khi thi hành có gì mắc mứu, thường xuyên phản ánh lên Bộ và Tổng cục có biện pháp giải quyết.
BỘ TRƯỞNG | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
[1]Bảng hướng dẫn các trồng cây không đăng công báo |
- 1Chỉ thị 3-CT năm 1990 về đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây, gây rừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng ban hành
- 2Nghị quyết liên tịch về việc tổ chức động viên nhân dân trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế vườn do Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam - Bộ Lâm nghiệp ban hành
- 3Nghị quyết liên tịch số 03 về việc tổ chức và động viên tuổi trẻ xung kích đẩy mạnh trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp do Bộ Lâm nghiệp - Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ban hành
- 1Chỉ thị 3-CT năm 1990 về đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây, gây rừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng ban hành
- 2Nghị quyết liên tịch về việc tổ chức động viên nhân dân trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế vườn do Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam - Bộ Lâm nghiệp ban hành
- 3Nghị quyết liên tịch số 03 về việc tổ chức và động viên tuổi trẻ xung kích đẩy mạnh trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp do Bộ Lâm nghiệp - Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ban hành
Thông tư liên bộ 29-TT-LB năm 1964 đẩy mạnh trồng cây gây rừng ở các công trình thủy lợi do Bộ Thủy lợi - Tổng cục Lâm nghiệp ban hành
- Số hiệu: 29-TT-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 06/10/1964
- Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi, Tổng cục Lâm nghiệp
- Người ký: Nguyễn Tạo, Hà Kế Tấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 37
- Ngày hiệu lực: 21/10/1964
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra