Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 29/1998/CT.UB

Long xuyên, ngày 13 tháng 8 năm 1998

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC.

Trong thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định danh mục bí mật Nhà nước. Qua công tác kiểm tra, theo dõi việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, nhiều cơ quan ở cấp tỉnh và cấp huyện chưa thực hiện đúng quy trình, phương pháp đã được quy định trong Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh. Để tăng cường quản lý công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong từng cơ quan ban, ngành, đoàn thể, UBND Tỉnh chỉ thị cho Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức thực hiện một số công tác sau đây:

1. Về công tác lập danh mục bí mật Nhà nước:

Khi tiến hành lập danh mục bí mật Nhà nước cần phải căn cứ vào nội dung của chương I Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và điều 1 của Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện do Hội đồng thẩm định danh mục bí mật Nhà nước tỉnh cung cấp.

Căn cứ vào tình hình cụ thể về tính chất, nội dung hoạt động chuyên ngành của từng cơ quan, ban, ngành để tiến hành lập danh mục bí mật.

2. Nội dung danh mục bí mật nhà nước:

Tuỳ theo đặc điểm tình hình, tính chất hoạt động của từng địa phương, ban, ngành mà xác định số lượng và tính chất danh mục, sắp xếp những danh mục bí mật nhà nước vào các độ " Tuyệt mật", " Tối mật", "Mật" cho theo quy định tại chương II của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

Đối với một số cơ quan đã xây dựng danh mục bí mật Nhà nước: Ngân hàng nhà nước, Công ty Xuất khẩu, Chi Cục thú y, Công ty dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.v.v..., thời gian qua nếu có danh mục nào phát sinh, hoặc có tài liệu đã giải mã thì cũng phải báo cáo bằng văn bản về Hội đồng thẩm định danh mục bí mật Nhà nước.

3. Xây dựng nội quy bảo vệ bí mật Nhà nước:

Khi danh mục bí mật Nhà nước đã được lập hoàn chỉnh, tùy theo tình hình thực tế của từng cấp, từng ngành phải tiến hành xây dựng nội quy bảo vệ bí mật Nhà nước trong cơ quan. Quá trình thực hiện phải có báo cáo theo các chế độ được quy định tại điều 17 của quy chế bảo vệ bí mật nhà nước (ban hành kèm theo Nghị định số 84-HĐBT ngày 9/3/1992 của Hội Đồng Bộ Trưởng.

4. Thời gian thực hiện:

Để Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước được thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phải lập chương trình, kế hoạch cụ thể theo sự hướng dẫn của Hội đồng thẩm định danh mục bí mật nhà nước, bảo đảm cập nhật kịp thời các văn bản thuộc danh mục bí mật Nhà nước để quản lý và bảo mật. Mỗi đơn vị cần phân công trách nhiệm cụ thể cho một cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.

Các cơ quan ban, ngành phải chuyển danh mục bí mật Nhà nước đã được lập theo quy định của Pháp lệnh về Hội đồng thẩm định danh mục bí mật nhà nước (Phòng PA 25 Công an tỉnh) trước ngày 30/9/1998.

Hội đồng thẩm định danh mục bí mật nhà nước chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc triển khai tổ chức thực hiện chỉ thị này và báo cáo kết quả cho Thường trực UBND tỉnh .

 

 

Nơi nhận :          
- TT. TU (thay báo cáo)          
- TT. HĐND tỉnh (thay báo cáo)
- Các sở, ban ngành
 đoàn thể cấp tỉnh
- UBND huyện, thị
- Lưu

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Minh Nhị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29/1998/CT-UB về tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 29/1998/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/08/1998
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Minh Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản