Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2006/CT-UBND | Long Xuyên, ngày 29 tháng 12 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG INTERNET CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet có tốc độ phát triển vượt bậc; nhất là từ khi xuất hiện Internet tốc độ cao đã góp phần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin và làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội. Internet đã đem lại nguồn thông tin to lớn phục vụ cho mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân tiếp thu nhiều kiến thức mới, nâng cao trình độ và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Đây là nguồn thông tin vô cùng quan trọng và hữu ích, là động lực để phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà Internet mang lại, còn tồn tại không ít những mặt hạn chế, những tiêu cực cần phải được khắc phục như: các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, đại lý Internet và người sử dụng còn vi phạm các quy định về cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và trò chơi trực tuyến (trong đó số lượng học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ khá cao); trò chơi kích động bạo lực; truy nhập các Website không lành mạnh, đồi truỵ, lợi dụng diễn đàn dân chủ …để chống phá Đảng và Nhà nước; việc hiểu biết và chấp hành các quy định về quản lý kinh doanh và sử dụng Internet còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ.
Nhằm tiếp tục phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt tiêu cực, những mặt còn hạn chế, đồng thời để tăng cường công tác quản lý và đẩy mạnh phát triển dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đòan thể cấp tỉnh, UBND huyện, thị, thành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và các đại lý Internet thực hiện các công việc sau đây:
1. Công tác thanh tra, kiểm tra:
Về quan điểm, mục đích của công tác thanh tra, kiểm tra Internet nhằm hướng dẫn, giúp các doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, có hiệu quả; không để việc thanh tra, kiểm tra gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong đó bao hàm cả cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet công cộng.
Sở Bưu chính, Viễn thông phải làm tốt chức năng đầu mối; phối hợp, thống nhất chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động Internet hằng năm với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
Chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ phải có sự phân cấp thống nhất giữa các cơ quan liên ngành cấp tỉnh và các cơ quan liên ngành cấp huyện nhằm giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra và tránh sự trùng lặp và chỉ thanh tra, kiểm tra một lần với một nội dung trong một năm cho một doanh nghiệp. Khi kết thúc việc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải có kết luận bằng văn bản về nội dung đã thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ tiến hành khi doanh nghiệp, đại lý kinh doanh Internet công cộng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền yêu cầu và phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Những cán bộ thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật, gây tổn thất cho doanh nghiệp phải bồi thường cho doanh nghiệp và bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Internet có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh của mình.
2. Sở Bưu chính, Viễn thông:
a) Trực tiếp thực hiện chức năng quản lý và phối hợp với các ngành chức năng liên quan quản lý các hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet công cộng. Chủ động đề xuất, tham mưu và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định để quản lý hoạt động Internet có hiệu quả;
b) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet; xem xét các văn bản, quy định không còn phù hợp, chưa có khả năng thực hiện gây khó khăn cho doanh nghiệp, đại lý và người sử dụng dịch vụ Internet đề nghị các cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp;
c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng Internet công cộng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; thông báo kịp thời những cơ sở kinh doanh Internet cố ý vi phạm các quy định hiện hành cho Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố để biết và phối hợp quản lý;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn và tập huấn cho phòng Hạ tầng kinh tế các huyện, phòng Quản lý đô thị thành phố và thị xã về nghiệp vụ chuyên môn và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra các đại lý Internet công cộng;
e) Chủ trì công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, đại lý và người sử dụng dịch vụ Internet theo định kỳ và đột xuất theo quy định của pháp luật; yêu cầu doanh nghiệp cắt hợp đồng đối với các đại lý Internet cố tình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật;
f) Kết hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng dịch vụ Internet.
3. Sở Văn hoá – Thông tin:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về nội dung thông tin, phát hành báo chí, xuất bản ấn phẩm trong hoạt động kinh doanh Internet và người sử dụng Internet theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo nhiệm vụ quản lý về hoạt động kinh doanh Internet đến các phòng Văn hoá - Thông tin huyện, thị xã, thành phố;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân về những lợi ích và những tác hại của Internet. Hướng dẫn người sử dụng Internet khai thác những thông tin lành mạnh, mang lại những lợi ích thiết thực, đồng thời ngăn ngừa việc khai thác, phổ biến những thông tin không lành mạnh làm ảnh huởng đến môi trường văn hoá, thuần phong mỹ tục, an ninh chính trị và trật tự xã hội tại địa phương;
c) Phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các đại lý và người sử dụng Internet theo quy định của pháp luật;
d) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, ban hành các quy định, đề xuất những giải pháp, tham gia xây dựng các quy định về quản lý hoạt động cung cấp và khai thác thông tin trong việc sử dụng dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động Internet theo lĩnh vực quản lý.
4. Công an tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng thông tin trên Internet;
b) Tham gia, phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, đại lý và người sử dụng Internet theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh Internet tại địa phương;
c) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, đề xuất những giải pháp, tham gia xây dựng các quy định về quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet bảo đảm an toàn, an ninh và trật tự. Kiến nghị các cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh và an toàn, an ninh trên Internet;
d) Tổ chức nắm tình hình phát hiện các điểm kinh doanh Internet vi phạm các quy định về quản lý nhà nước, vi phạm pháp luật để phối hợp các ngành liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý theo pháp luật.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên và cán bộ giáo viên về tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc ứng dụng Internet trong công tác nghiên cứu, học tập và giảng dạy ở các nhà trường phổ thông các cấp và các đơn vị trực thuộc; tuyên truyền những quy định của Nhà nước về quản lý cung cấp và sử dụng Internet;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng giáo dục, các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên về công tác quản lý học sinh trong việc sử dụng Internet; hướng dẫn học sinh, sinh viên sử dụng Internet phục vụ cho học tập, nghiên cứu;
c) Tăng cường chỉ đạo các Phòng giáo dục, các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên kết hợp với gia đình, các ban ngành, đoàn thể tại địa phương quản lý chặt chẽ việc học tập của học sinh; ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học để truy nhập Internet, chơi game trực tuyến và truy nhập Internet với những nội dung không lành mạnh; nêu rõ những điều cấm khi sử dụng Internet.
d) Chủ động và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đề xuất các biện pháp quản lý việc học tập và sử dụng Internet của học sinh có hiệu quả cao nhất, tránh những tiêu cực có thể xảy ra.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về việc cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực Internet theo đúng quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thị, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị, thành thực hiện việc cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực Internet theo đúng quy định của pháp luật.
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh lĩnh vực Internet; tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng kinh doanh lĩnh vực Internet thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành.
7. UBND các huyện, thị, thành phố:
a) Tăng cường chỉ đạo các phòng, ban có liên quan thực hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng Internet trên địa bàn phụ trách.
b) Phối hợp thực hiện Chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn phòng Giáo dục - Đào tạo, các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục tăng cường ứng dụng Internet vào công tác nghiên cứu, học tập và giảng dạy; đồng thời cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cán bộ, giáo viên và học sinh sử dụng Internet để khai thác những nội dung lành mạnh, bổ ích; ngăn ngừa trường hợp truy nhập, khai thác những nội dung không lành mạnh hoặc các trường hợp học sinh bỏ học để truy nhập Internet.
8. Các đoàn thể:
a) Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ các cấp,…tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến các đối tượng đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên những lợi ích và tác hại của việc sử dụng Internet;
b) Kết hợp với các ban, ngành, nhà trường, hội phụ huynh học sinh ở địa phương trong công tác tuyên truyền giáo dục, quản lý nhằm ngăn chặn các học sinh, sinh viên truy nhập Internet vào những nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc học tập và nhiều hậu quả tiêu cực khác.
9. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet:
a) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
b) Thực hiện việc cung cấp và quản lý hoạt động khai thác dịch vụ Internet đúng theo những quy định của Nghị định 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet; Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14/7/2005 về quản lý đại lý Internet và Quyết định số 24/2006/QĐ-UBND ngày 28/4/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý đại lý Internet trên địa bàn tỉnh An Giang;
c) Tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh Internet tại các đại lý; tập huấn, hướng dẫn cho các đại lý Internet đã ký hợp đồng đại lý với mình về các quy định quản lý đối với dịch vụ Internet, các quy định về an toàn an ninh thông tin, các giải pháp kỹ thuật phù hợp để đại lý thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ vào những mục đích lành mạnh; có trách nhiệm theo dõi phát hiện, ngăn chặn kịp thời những khách hàng có hành vi vi phạm quy định trong khai thác và sử dụng dịch vụ Internet; hoàn thiện quy chế quản lý đại lý Internet, thống nhất mẫu hợp đồng đại lý Internet; kiểm tra việc chấp hành của đại lý; triển khai thiết lập các thiết bị quản lý tập trung, cung cấp phần mềm quản lý đại lý Internet, theo quy định của Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT và công văn số 2520/BBCVT-VT ngày 14/12/2005 của Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet;
d) Thực hiện chế độ báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet, các đại lý Internet công cộng của doanh nghiệp theo quy định.
10. Các đại lý Internet:
a) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
b) Đăng ký kinh doanh và hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, hoạt động khai thác dịch vụ Internet đúng quy định của pháp luật ;
c) Nghiêm chỉnh chấp hành và hướng dẫn người sử dụng Internet chấp hành tốt việc khai thác và sử dụng Internet theo đúng những quy định của Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14/7/2005 về quản lý đại lý Internet và Quyết định số 24/2006/QĐ-UBND ngày 28/4/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý đại lý Internet trên địa bàn tỉnh An Giang và nội quy sử dụng dịch vụ Internet;
d) Tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, sử dụng dịch vụ Internet và trò chơi trực tuyến để thực hiện và cung cấp cho khách hàng khi cần thiết.
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và các Đại lý Internet tổ chức triển khai thực hiện đúng tinh thần nội dung Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 216/2005/QĐ-UBND Quy định một số nội dung về quản lý đại lý Internet trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 2Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2010 tăng cường quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng internet do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 3Chỉ thị 06/2005/CT-UBND tiếp tục tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng internet và kinh doanh dịch vụ internet công cộng do Tỉnh Bình Thuận ban hành
- 4Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977 - 31/12/2013
- 5Chỉ thị 13/2003/CT-UBBT về tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng internet và kinh doanh dịch vụ internet công cộng do Tỉnh Bình Thuận ban hành
- 1Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT về quản lý đại lý Internet do Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Văn hoá-Thông tin, Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Quyết định 24/2006/QĐ-UBND về quản lý đại lý Internet trên địa bàn tỉnh An Giang do Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 3Nghị định 55/2001/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet
- 4Công văn số 2520/BBCVT-VT về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
- 5Quyết định 216/2005/QĐ-UBND Quy định một số nội dung về quản lý đại lý Internet trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 6Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2010 tăng cường quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng internet do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 7Chỉ thị 06/2005/CT-UBND tiếp tục tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng internet và kinh doanh dịch vụ internet công cộng do Tỉnh Bình Thuận ban hành
- 8Chỉ thị 13/2003/CT-UBBT về tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng internet và kinh doanh dịch vụ internet công cộng do Tỉnh Bình Thuận ban hành
Chỉ thị 28/2006/CT-UBND tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng Internet công cộng trên địa bàn tỉnh An Giang
- Số hiệu: 28/2006/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 29/12/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Phạm Kim Yên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra