Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/CT-BCT

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM SOÁT, BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP NGỌ 2014

Thực hiện Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, năm 2013 Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ các hoạt động quản lý nhà nước nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực được phân công quản lý và đạt được nhiều kết quả quan trọng như: triển khai việc kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và mạng lưới an toàn thực phẩm ngành Công Thương tích cực tham gia thực hiện hoạt động truyền thông, giáo dục kiến thức và tuân thủ pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch hoạt động do Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm phân công; Xây dựng các mô hình điểm về chợ an toàn thực phẩm: Thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm ngành Công Thương được triển khai trên phạm vi toàn quốc đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn được nhiều vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm vào nề nếp. Lực lượng quản lý thị trường tham gia tích cực và hiệu quả cao trong chống thực phẩm giả, kém chất lượng, ghi nhãn sai, công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương... đã phát hiện một số sai phạm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định.

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, sức khoẻ của cộng đồng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị:

1. Các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Công Thương

Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai nhiệm vụ được giao bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.

a) Vụ Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trực thuộc các Bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm theo sự phân công của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Vụ Công nghiệp nhẹ

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu, bia, nước giải khát, dầu thực vật và bánh, kẹo tại địa phương có nguy cơ cao. Đề xuất hình thức xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm đặc biệt là các hành vi sử dụng nguyên liệu cấm trong các cơ sở sản xuất rượu, bia, nước giải khát, dầu thực vật và bánh, kẹo.

c) Vụ Thị trường trong nước

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tiến hành kiểm tra việc bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh rượu; bia, nước giải khát, dầu thực vật và bánh, kẹo tại địa phương có nguy cơ cao.

d) Cục Quản lý thị trường

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trực thuộc các Bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm theo sự phân công của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.

đ) Cục Xuất nhập khẩu

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Vụ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp triển khai các công việc sau:

a) Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý;

b) Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng và người tiêu dùng thực phẩm tại địa phương.

3. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đóng trên địa bàn, trong đó tập trung các mặt hàng: rượu, bia, nước giải khát dầu thực vật và bánh, kẹo;

b) Xử lý kịp thời, dứt điểm và công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm trước công luận đồng thời có các phương án ngăn chặn các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm tại địa phương;

c) Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh về chấp hành Luật An toàn thực phẩm.

d) Đặc biệt triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu do methanol, cụ thể như sau:

- Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu đang lưu thông trên thị trường, trọng tâm là các sản phẩm được sản xuất trong nước tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ; kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) và các ngành chức năng liên quan khi phát hiện những thông tin về nguy cơ ô nhiễm rượu để kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn cho cộng đồng;

- Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tại địa phương có nguy cơ cao. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đặc biệt là các hành vi làm giả, sử dụng nguyên liệu cấm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu;

- Đảm bảo các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phải đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành;

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về tác hại của lạm dụng rượu và tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế.

4. Chế độ báo cáo

- Sở Công thương các tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc Bộ báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này về Bộ Công Thương (Vụ Khoa học và Công nghệ) trước ngày 15 tháng 02 năm 2014.

- Vụ Khoa học và Công nghệ tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị của các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm trước ngày 25 tháng 02 năm 2014.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo kịp thời về Bộ Công Thương để phối hợp giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo TWVSATTP;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Bộ: Y tế, NN&PTNN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Công thương các tỉnh/tp trực thuộc TW;
- Các Vụ: KHCN, TTTN, CNN TMMN;
- Các Cục: QLTT, XNK;
- Thanh tra Bộ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Lưu: VT, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 26/CT-BCT năm 2013 tăng cường công tác kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất và kinh doanh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 26/CT-BCT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/12/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản