Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM

Ngày 16 tháng 01 năm 2014, tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng kết luận như sau:

Hà Nội là thủ đô của cả nước, tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành phố, là thành phố đông dân cư với nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, đồng thời cũng là một trong các đầu mối giao thông, lưu thông hàng hóa lớn trong cả nước. Năm 2013, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đã có bước chuyển biến tích cực: tỉ lệ cơ sở đạt điều kiện an toàn thực phẩm đã tăng hơn so với năm trước, việc xây dựng mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống đã được triển khai tại 176 phường, thị trấn, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được quản lý tốt, các hội nghị lớn của Đảng, nhà nước và quốc tế đã được bảo đảm an toàn thực phẩm tuyệt đối. Hà Nội cũng là một trong các địa phương đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088).

Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh thực phẩm của thành phố vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ của thành phố, năng lực quản lý chuyên môn nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, đặc biệt là của cán bộ xã, phường còn hạn chế, nhận thức về an toàn thực phẩm có nơi, có chỗ còn chưa tốt, kinh phí phục vụ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phấn đấu đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu trong bảo đảm an toàn thực phẩm, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm góp sức, chia sẻ với Hà Nội, giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại, cùng Hà Nội quyết tâm làm tốt công tác an toàn thực phẩm trong thời gian tới, cụ thể: khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ, đồng thời thực hiện một số công việc sau đây:

1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội:

- Triển khai thực hiện tốt, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do các cơ quan Trung ương ban hành, các kết luận và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ban hành văn bản về an toàn thực phẩm, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phù hợp với đặc thù của địa phương.

- Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở cấp quận/huyện, xã/phường trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Trước Tết Nguyên đán cần tập trung kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết, sau Tết cần kiểm tra hàng tồn kho, không để hàng đã hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục được tiêu thụ. Xử lý nghiêm các vi phạm, nhanh chóng khắc phục tình trạng chỉ nhắc nhở, không xử lý đối với các vi phạm tại tuyến xã.

- Phối hợp với các Bộ liên quan để bố trí thiết bị kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số chợ, siêu thị để cung cấp dịch vụ kiểm tra nhanh cho người tiêu dùng theo phương thức xã hội hóa.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương chú trọng thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Trong đó nêu rõ tên các cơ sở, sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm; các cơ sở sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội trong việc phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, về tác hại của thực phẩm không an toàn và giám sát việc sản xuất thực phẩm trên địa bàn.

- Có biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu, các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, thức ăn đường phố; quản lý vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, hộ gia đình, đồng thời tăng số lượng các cơ sở giết mổ tập trung.

- Phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; mở rộng diện tích trồng rau an toàn của thành phố; đối với các tỉnh cung cấp lượng lớn nông sản, thực phẩm cho thành phố cần thống nhất, thực hiện các biện pháp để quản lý an toàn thực phẩm đưa vào thành phố tiêu thụ. Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đã ký tại nơi sản xuất và tại các chợ đầu mối.

- Tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088).

- Chủ động cân đối ngân sách, tăng đầu tư cho các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.

2. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương:

- Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn phương thức quản lý đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình theo lĩnh vực được phân công.

- Hỗ trợ Hà Nội trong công tác kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, hướng dẫn lựa chọn thiết bị kiểm tra nhanh các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, bảo đảm giá trị của kết quả kiểm nghiệm.

- Đẩy nhanh, việc chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, chú trọng thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này, đặc biệt trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhanh chóng mở rộng mạng lưới kiểm nghiệm phục vụ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quy định cấp 01 giấy chứng nhận về đủ điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm động vật, bảo đảm đơn giản về thủ tục, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân nhưng chặt chẽ, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

4. Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Th tướng Chính ph;
- Các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương, TT&TT, Công an (C49);
- UBND: TP. HCM, TP HN;
- Các thành viên BCĐ liên ngành Tư về VSATTP;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, KTN, V.III;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Khắc Định

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 23/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 23/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 17/01/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Khắc Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản