Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 254-CT | Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Tại kỳ họp tháng 6 năm 1985, Quốc hội đã thông qua chính thức Bộ luật Hình sự và quyết định cho thi hành Bộ luật từ ngày 1 tháng 1 năm 1986. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong công tác lập pháp của Nhà nước ta nhằm thực hiện chủ trương tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bộ luật Hình sự thể hiện toàn diện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay, là công cụ sắc bén của chuyên chính vô sản, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, hiệu lực quản lý của nhà nước, góp phần hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để chuẩn bị chu đáo và kịp thời những việc cần thiết trước mắt cho việc triển khai thi hành Bộ luật hình sự, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị các Bộ, các ngành ở Trung ương, và Uỷ ban nhân dân các cấp, khẩn trương tiến hành những việc dưới đây:
I. PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HÌNH SỰ, NÂNG CAO Ý THỨC ĐẤU TRANH CHỐNG VÀ PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM.
Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật là một bộ phận rất quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức làm chủ tập thể của nhân dân. Để thi hành tốt Bộ luật hình sự cần phải phổ biến, tuyên truyền thật sâu rộng trong cán bộ, nhân viên các cơ quan Nhà nước, các lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội và trong nhân dân về nội dung cơ bản của Bộ luật hình sự, làm cho mọi người nắm được chính sách hình sự của Nhà nước, thấy rõ thế nào là tội phạm hình sự và các hình phạt đối với những người phạm tội; trên cơ sở đó mỗi người cán bộ, công nhân viên, quân đội và mỗi công dân nghiêm chỉnh chấp hành Bộ luật hình sự. Cần nhận rõ sức mạnh của quần chúng hiểu biết pháp luật, chấp hành pháp luật, và dám đấu tranh bảo vệ pháp luật là nhân tố có ý nghĩa quyết định để Bộ luật Hình sự được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và phát huy đầy đủ hiệu lực.
1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan như Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Văn hoá, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, Công đoàn, Hội Luật gia Việt nam và các cơ quan thông tin đại chúng (Báo chí, phát thanh, truyền hình) tổ chức một chiến dịch tuyên truyền phổ biến Bộ luật hình sự. Để nội dung tuyên truyền phổ biến luật được thống nhất, cần phải có đề cương thích hợp với từng loại đối tượng, và phải có một đội ngũ báo cáo viên được bồi dưỡng, huấn luyện chu đáo trước khi về các địa phương và cơ sở để phổ biến, tuyên truyền Bộ luật hình sự.
Bộ Tư pháp bàn với Bộ Tài chính để giải quyết kinh phí cho việc in tài liệu (Bộ luật hình sự, các đề cương tuyên truyền, v.v...) và tổ chức các lớp tập huấn cán bộ và báo cáo viên. Bộ Văn hoá cần dành ưu tiên cho việc in các tài liệu trên.
2. Thủ trưởng các Bộ, các ngành, các đoàn thể ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các cấp cần nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thi hành tốt Bộ luật hình sự; phải chỉ đạo chặt chẽ việc tuyên truyền phổ biến Bộ luật hình sự trong ngành và trong địa phương, kịp thời giải đáp những thắc mắc của cán bộ và nhân dân.
Các Bộ, các ngành có trách nhiệm kết hợp việc tuyên truyền, phổ biến Bộ luật hình sự (nhất là những chương, những điều có liên quan đến hoạt động của ngành) với việc kiểm điểm việc chấp hành các luật lệ hiện hành của ngành, nhằm giúp cho cán bộ, nhân viên nêu cao tinh thần gương mẫu chấp hành pháp luật, tránh được những việc làm trái pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ.
3. Cán bộ, nhân viên các ngành chuyên trách (như Công an, Toà án, Kiểm sát, Tư pháp, Thanh tra) càng phải hiểu biết và nắm vững nội dung Bộ luật hình sự để thi hành pháp luật được đúng đắn, thống nhất. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ, Uỷ ban Thanh tra Nhà nước, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức tốt việc bồi dưỡng về đường lối, chính sách hình sự thể hiện trong Bộ luật hình sự nhằm bảo đảm việc xử lý tội phạm được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong khi nghiên cứu Bộ luật mới, cần liên hệ kiểm điểm sâu sắc việc thi hành luật pháp trong thời gian qua, đồng thời tổ chức một đợt kiểm tra việc bắt giữ, khám xét, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp làm trái pháp luật
II. BỔ SUNG, SỬA ĐỔI NHỮNG VĂN BẢN HIỆN HÀNH, RA NHỮNG VĂN BẢN MỚI BẢO ĐẢM VIỆC THI HÀNH ĐÚNG ĐẮN BỘ LUẬT HÌNH SỰ.
1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành những văn bản để thi hành những điều quy định trong Bộ luật hình sự, như: cải tạo không giam giữ, trường giáo dưỡng, xoá án v.v...
2. Các Bộ, các ngành, nhất là các ngành trong khối kinh tế, tài chính kết hợp với việc thi hành Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần khẩn trương soát xét lại những quy định hiện hành của ngành có liên quan đến việc thi hành Bộ luật hình sự; đề nghị Hội đồng Bộ trưởng ban hành những văn bản mới để bảo đảm việc thi hành đúng Nghị quyết của Trung ương và Bộ luật hình sự.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn các ngành về mặt pháp lý trong việc soát xét lại các văn bản hiện hành.
III. ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG VÀ PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM.
Tình hình phạm tội hiện nay còn diễn biến phức tạp, có nơi có lúc nghiêm trọng; việc đấu tranh chống tội phạm còn thiếu kiên quyết và triệt để. Vì vậy, đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật hình sự, cần đẩy mạnh công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao đề ra kế hoạch giải quyết nhanh và đúng những vụ án hình sự còn tồn đọng, nhất là các vụ trọng án xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tính mạng và các quyền tự do dân chủ của công dân; kiên quyết chấm dứt tình trạng kéo dài việc xử lý tội phạm, thậm chí bỏ qua không xử lý. Mặt khác, cần củng cố tổ chức của ngành nội chính. Mỗi ngành cần đề cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đồng thời tăng cường sự đoàn kết nhất trí, hợp tác chặt chẽ trong việc thi hành Bộ luật hình sự, gây được lòng tin của quần chúng nhân dân đối với pháp luật và các cơ quan thi hành và bảo vệ pháp luật.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Bộ, các ngành, các đoàn thể ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch cụ thể phổ biến, tuyên truyền, giáo dục và thi hành Bộ luật hình sự trong ngành và trong địa phương mình. Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình triển khai việc thi hành Bộ luật hình sự, và báo cáo Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 10 năm 1985.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
- 1Chỉ thị 15/1986-VKSND/CT về xử lý kịp thời và nghiêm chỉnh những vụ phạm pháp do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Chỉ thị 54-V3/CT năm 1990 về xử lý tội phạm hình sự trong tình hình mới do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự do Quốc hội ban hành
- 4Quyết định 1236/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 15/1986-VKSND/CT về xử lý kịp thời và nghiêm chỉnh những vụ phạm pháp do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Chỉ thị 54-V3/CT năm 1990 về xử lý tội phạm hình sự trong tình hình mới do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Bộ luật Hình sự 1985
- 4Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự do Quốc hội ban hành
- 5Quyết định 1236/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 254-CT năm 1985 thi hành bộ luật hình sự do Hội đồng bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 254-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 13/08/1985
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 28/08/1985
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra