Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CT-UBND

Thái Nguyên, ngày 08 tháng 12 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ THEO CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Qua 5 năm thực hiện Luật Thực hành Tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về thực hành tiết kiệm chống lãng phí ban hành tại Quyết định số 1329/QĐ-UBND ngày 29/6/2006, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tích đáng kể. Đã góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của địa phương cho phát triển kinh tế xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và công dân về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Tuy nhiên có lúc, có nơi cấp uỷ chính quyền địa phương, một số cơ quan đơn vị trong tỉnh chưa thực sự coi trọng thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Việc tổ chức tự kiểm tra, thực hiện tổng kết đánh giá, kiểm điểm báo cáo định kỳ chưa đặt thành công việc thường xuyên. Qua tổng hợp kết quả báo cáo tổng kết thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2006-2010, nhiều đơn vị thuộc khối sở, ban ngành và có 3/9 huyện, thành phố, thị xã chưa nộp báo cáo cho cơ quan tổng hợp theo quy định. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi sai phạm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa được xử lý triệt để về kinh tế, hành chính và trách nhiệm.

Để triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2011-2015, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện tốt ngay một số công việc sau:

1. Tăng cường và nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các cấp, các ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, triển khai các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến các đơn vị cơ sở, thông qua việc ban hành Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình hành động; rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm phù hợp với lĩnh vực quản lý và đặc thù của từng ngành, địa phương; các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực phải xây dựng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý được giao; xây dựng các mức tiết kiệm cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý để giao thành chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện; gắn cơ chế khen thưởng, xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện để đạt được mức tiết kiệm đã giao.

Triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, coi đó là biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển hoạt động sự nghiệp phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn.

2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các sở, ngành, cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện lại các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng, phương tiện và tài sản công khác; khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; lập, thống kê danh mục các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, định mức kinh tế - kỹ thuật còn thiếu hoặc không còn phù hợp trong thực tiễn để có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, tránh chồng chéo, có tính khả thi làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác thông tin, phân tích, dự báo vĩ mô trong quá trình điều hành và thực hiện chính sách.

3. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với mọi hành vi vi phạm, gây lãng phí xẩy ra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối với cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong khi thi hành công vụ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp sai phạm gây lãng phí tiền và tài sản của nhà nước.

Không dùng công quỹ để biếu xén, quà cáp, quà tặng dưới mọi hình thức nhất là trong dịp Tết nguyên đán; không sử dụng xe công vào mục đích đi lễ đền, chùa, hội…dù dưới danh nghĩa tập thể hay cá nhân (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ).

4. Thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực sau: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý các dự án đầu tư phát triển; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, tài nguyên thiên nhiên; đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại công ty nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

5. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Xử lý dứt điểm các vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã phát hiện qua kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí; thực hiện công khai việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao tính răn đe của pháp luật, tính phê phán, lên án của xã hội. Trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh đề xuất báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để xử lý kịp thời.

6. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ chương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, chương trình hành động của Chính phủ và của UBND tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, nhất là trong việc quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước. Các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tin, báo chí tổ chức tuyên truyền khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước; tuyên tuyền, vận động nhân dân đẩy mạnh tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng.

Đề cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đưa tin phản ánh kịp thời các hành vi gây lãng phí; biểu dương gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

7. Tổng kết đánh giá tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2005-2010; Xây dựng chương trình hành động giai đoạn 2011-2015 và Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí hàng năm. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức kiểm điểm, đánh giá và gửi báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua ở Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính).

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo thẩm quyền và nhiệm vụ, tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và chỉ đạo thực hiện trong toàn thể cơ quan, đơn vị, địa phương mình./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch các PCT UBND tỉnh;
- Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Chủ tịch UBND các huyện, TP, TX;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, TH1;
(VN/T12/12/70b)

CHỦ TỊCH




Dương Ngọc Long

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2011 về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015

  • Số hiệu: 24/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Dương Ngọc Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản