Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 237-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1970 

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG, ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất là một vấn đề quan trọng trong nguyên lý và phương châm giáo dục do Đảng và Nhà nước ta đề ra cho nhà trường xã hội chủ nghĩa. Từ trước đến nay, nhiều trường đại học và trung học chuyên nghiệp và một số trường phổ thông cấp III đã tổ chức được những cơ sở như xưởng trường, vườn trường, ruộng thí nghiệm, phòng thí nghiệm, phòng thiết kế v.v… vừa phục vụ cho học tập, vừa phục vụ cho sản xuất. Nhiều trường phổ thông, với những hình thức tổ chức lao động linh hoạt (như hợp tác xã “măng non” đội học tốt, làm tốt, tổ chăm sóc trâu bò béo khỏe, v.v…) đã đạt một số kết quả tốt trong việc kết hợp giáo dục với lao động sản xuất. Các trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, các trường phổ thông công nghiệp đã cố gắng thực hiện phương thức vừa học vừa làm, bước đầu tạo ra một số kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp giáo dục nói chung.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại, học sinh và thầy giáo nhiều trường, nhất là các trường chuyên nghiệp, đã tự lực xây dựng trường sở, và ở những nơi có điều kiện, đã tổ chức sản xuất lương thực và thực phẩm để tự túc một phần, đã thiết thực phục vụ sản xuất, chiến đấu, đời sống bằng những thành quả nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, thiết kế, điều tra, quy hoạch, v.v… theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất, các địa phương và các ngành, đã tích cực tham gia lao động công ích và nghĩa vụ.

Nhìn chung, qua lao động sản xuất, các trường đã được kết quả: bước đầu gắn nhà trường với thực tế sản xuất, chiến đấu, đời sống của xã hội, tạo điều kiện để thực hiện nguyên lý, phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước, động viên được một phần quan trọng lực lượng lao động của nhà trường để tham gia sản xuất xã hội.

Tuy nhiên, công tác lao động sản xuất của trường học cũng còn những khuyết điểm sau đây:

1. Nhận thức về ý nghĩa và nội dung lao động sản xuất của nhà trường chưa toàn diện, do đó chưa coi trọng đầy đủ tác dụng giáo dục và tác dụng kinh tế của lao động sản xuất,  một số cán bộ, giáo viên còn có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, hoặc có quan điểm không đúng cho rằng nhà trường tham gia lao động sản xuất thì sẽ hạn chế chất lượng dạy và học. Nhà trường còn thiếu kiên trì và thiếu chủ động trong việc tổ chức lao động sản xuất của học sinh, giáo viên và cán bộ.

2. Chỉ đạo lao động sản xuất của các trường chưa có nề nếp, chưa chặt chẽ, có phần tùy tiện, lãng phí nhân lực, thời gian, nguyên liệu, vật liệu, thậm chí có nơi đã xảy ra tệ tham ô. Những khuyết điểm đó đã có ảnh hưởng không tốt đến ý thức lao động của giáo viên và học sinh.

3. Các ngành và cơ quan có trách nhiệm chưa có phương hướng cụ thể và biện pháp cụ thể đối với công tác lao động sản xuất trong các trường học, ít quan tâm giúp đỡ các trường giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình tiến hành lao động sản xuất.

Hiện nay, hàng năm ta có đến mấy chục vạn học sinh đến tuổi lao động đang theo học tại các loại trường. Đó là một lực lượng lao động lớn của xã hội, trong đó có nhiều người có kiến thức khoa học và kỹ thuật. Các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu trong nhiều trường chuyên nghiệp cũng có một tiềm lực khá lớn có thể phục vụ tốt những yêu cầu của sản xuất. Vì vậy, động viên các trường tham gia lao động sản xuất một cách có lãnh đạo và có tổ chức là một bộ phận quan trọng của phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm trong cả nước ta hiện nay. Hơn nữa, việc đó đồng thời cũng là một phương hướng cơ bản và lâu dài để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ và công nhân, theo đúng nguyên lý và phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước ta.

Để lãnh đạo và tổ chức tốt hơn nữa công tác lao động sản xuất của nhà trường, các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính các cấp, và cơ quan lãnh đạo các trường cần nắm vững và thực hiện chu đáo những điều quy định sau đây.

I. MỤC ĐÍCH, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ PHƯƠNG CHÂM TỔ CHỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT CỦA CÁC TRƯỜNG HỌC

1. Mục đích của phong trào lao động sản xuất ở các trường học là:

a) Thông qua lao động sản xuất để rèn luyện ý thức, thói quen và kỹ năng lao động, củng cố và phát huy những kiến thức văn hóa, khoa học và kỹ thuật thu nhận ở lớp học, tăng thêm thể lực của học sinh, phục vụ cho việc dạy tốt, học tốt, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

b) Động viên và tổ chức một cách hợp lý lực lượng lao động to lớn của nhà trường, thiết thực góp phần tạo thêm của cải vật chất và từng bước cải thiện điều kiện học tập, giảng dạy và sinh hoạt của học sinh, giáo viên và các cán bộ, nhân viên khác trong nhà trường.

2. Phương hướng lao động sản xuất của các trường học.

Để thực hiện mục đích nói trên, công tác lao động sản xuất trong các trường cần theo 3 phương hướng sau đây:

a) Lao động sản xuất để giải quyết những nhu cầu của nhà trường.

Hiện nay, xây dựng cơ sở vật chất của các trường để bảo đảm dạy tốt, học tốt là một yêu cầu rất cấp bách. Trong điều kiện kinh tế nước ta còn nghèo, đi đôi với sự cố gắng đầu tư và cung cấp của Nhà nước, nhà trường cần đóng góp phần của mình bằng cách tổ chức tốt lao động sản xuất để tự giải quyết những nhu cầu có thể giải quyết được. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng của nhà trường xã hội chủ nghĩa ở nước ta, một nhiệm vụ mà các loại trường đều cần tùy theo sức của mình mà cố gắng thực hiện. Về mặt này, có thể làm những việc như:

- Tham gia xây dựng và sửa sang trường sở, bàn ghế, bãi tập, v.v… bảo đảm vệ sinh nhà trường, cải tiến điều kiện, ăn, ở, học tập và giảng dạy trong trường.

- Xây dựng vườn trường, xưởng trường, trồng cây và chăm sóc cây, sửa chữa hoặc làm các đồ dùng, thiết bị phục vụ cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu koa học.

- Ở những nơi có điều kiện, các trường nội trú hoặc tập trung nên tổ chức trồng trọt, chăn nuôi (lương thực, thực phẩm) để tự túc một phần và cải thiện đời sống vật chất của học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ trong trường.

b) Lao động sản xuất theo khả năng lao động của nhà trường, kết hợp với chương trình giáo dục nữ công, kỹ thuật nông nghiệp và công nghiệp, hoặc với ngành nghề đào tạo, để vừa bảo đảm giáo dục và đào tạo tốt, vừa tạo thêm của cải vật chất cho xã hội.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng loại trường và của mỗi trường, có thể làm những việc như sau:

- Ở các trường phổ thông, thì tùy theo từng cấp học, lứa tuổi, trai hay gái có thể cho học sinh tham gia một số công việc thích hợp như: nhổ mạ, cấy lúa, làm phân xanh, trừ sâu, diệt chuột, chăn nuôi gia súc nhỏ, chăm sóc trâu bò, trồng cây và chăm sóc cây, đan lát, thêu ren, lắp ráp máy đơn giản, thu dọn phế liệu, phế phẩm v.v… Những công việc làm cho các cơ sở sản xuất địa phương (hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp v.v…) hoặc cho gia đình, thì do cơ sở sản xuất hoặc gia đình 1, nhưng để bảo đảm có tác dụng giáo dục và không ảnh hưởng đến thời gian cần thiết dành cho việc học tập, nhà trường và Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh địa phương cần liên hệ và phối hợtp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất và gia đình để việc hướng dẫn kỹ thuật và việc tổ chức lao động được tiến hành tốt.

- Ở các trường chuyên nghiệp địa phương (nông nghiệp, sư phạm, y dược v.v…) thì tùy theo ngành nghề của trường và khả năng của những cơ sở thực tập sẵn có (đất đai, xưởng trường, trại nhân giống, trạm thí nghiệm v.v…), có thể tổ chức cho học sinh tham gia sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, nhjư: trồng trọt, chăn nuôi, nhân giống, trồng cây gây rừng ở địa phương, chế biến một số nông sản và cây dược liệu, làm một số đồ dùng giảng dạy và học tập, v.v…

- Ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trung ương, thì tùy theo ngành nghề đào tạo và dựa vào những cơ sở vật chất và thiết bị của trường, có thể nhận làm các công tác thiết kế, khảo sát, điều tra, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật nhằm phục vụ sản xuất và xây dựng, do các ngành kinh tế và các cơ sở sản xuất giao cho, một số trường có điều kiện thì có thể nhận sản xuất hay gia công một số sản phẩm phù hợp với chuyên môn của trường.

c) Lao động công ích và nghĩa vụ.

Các trường cần sắp xếp để tham gia lao động công ích và lao động nghĩa vụ, như công tác vệ sinh phòng bệnh, công tác thủy lợi và công tác xây dựng cơ bản khác v.v… Việc huy động lao động nghĩa vụ cần theo đúng Nghị định số 135-CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 05-8-1969.

Trong ba phương hướng lao động sản xuất trên đây, trước mắt cần đặc biệt chú ý đến phương hướng thứ nhất, tức là lao động sản xuất để giải quyết những nhu cầu có thể giải quyết được của nhà trường. Phương hướng này được thực hiện tốt thì sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở vật chất của các trường, làm cho các trường mau chóng được ổn định và có điều kiện thuận lợi để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Do đó, cần có kế hoạch cụ thể và chỉ đạo khẩn trương để đạt kết quả tốt trong thời gian ngắn.

3. Phương châm chỉ đạo việc tổ chức lao động sản xuất ở các trường học.

Tổ chức phong trào lao động sản xuất trong trường học là một công tác tương đối phức tạp. Để thu được kết quả tốt, cần nắm vững những phương châm sau đây:

a) Bảo đảm kết hợp chặt chẽ học tập, giảng dạy với lao động sản xuất, bảo đảm lao động sản xuất phục vụ tốt việc nâng cao chất lượng giáod ục và đào tạo, bảo đảm chương trình giáo dục, không được làm đảo lộn kế hoạch giảng dạy và học tập.

b) Tổ chức lao động sản xuất của trường phải thiết thực, phù hợp với đặc điểm của lứa tuổi, của nam, nữ và của từng vùng.

Đối với học sinh phổ thông cấp I, thuộc lứa tuổi nhi đồng, chỉ nên giao cho làm những việc nhẹ và đơn giản, như làm vệ sinh trường lớp, chăm sóc vườn trường, nuôi gia cầm v.v…

Học sinh phổ thông cấp II, thuộc lứa tuổi thiếu niên, thì có thể làm những việc nhẹ nhưng phức tạp hơn, như tham gia sửa sang trường sở, trồng cây và chăm sóc cây, chăm sóc trâu bò, đan lát, thu dọn phế liệu, phế phẩm v.v…

Học sinh phổ thông cấp III, học sinh đại học và trung học chuyên nghiệp, thuộc lứa tuổi thanh niên, thì có thể làm những công việc phức tạp và đòi hỏi có kỹ thuật hơn.

Đối với học sinh gái, cần chú ý đúng mức đến những điều kiện sinh lý đặc biệt của phụ nữ, không nên giao cho làm những công việc nặng nhọc hoặc không thích hợp, có hại cho sức khỏe của các cháu.

Đối với học sinh ở nông thôn, cần rất coi trọng lao động sản xuất trong các hợp tác xã và dành một phần cho việc giúp đỡ gia đình.

Đối với học sinh ở các thành phố và thị xã, cần chú ý tổ chức tốt việc tham gia lao động công ích trong thành phố và thị xã. Công tác lao động sản xuất để giúp đỡ gia đình cũng cần được coi trọng đúng mức.

c) Tổ chức lao động sản xuất phải tiến hành một cách vững chắc và bảo đảm an toàn, phải phát triển từng bước, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh và phải thu được hiệu quả kinh tế cụ thể.

d) Lao động sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm. Việc huy động và sử dụng lao động của học sinh và giáo viên phải có kế hoạch cụ thể, phải được chuẩn bị chu đáo, không được lãng phí sức lao động. Phải tận dụng vốn sẵn có của trường về công cụ, thiết bị, vật tư, v.v… Việc quản lý thành quả lao động của học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên trong trường phải theo đúng chế độ đã được Nhà nước quy định, không được để xẩy ra tệ tham ô, lãng phí.

e) Phong trào lao động sản xuất ở các trường học phải được chỉ đạo chặt chẽ. Các cơ quan lãnh đạo có trách nhiệm phải làm thí điểm, ở những nơi cần thiết, phải nắm chắc điểm để chỉ đạo diện, phải thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ cấp dưới và kịp thời uốn nắn những lệch lạc này ra trong quá trình phát triển của phong trào.

g) Kiên quyết chống lại những khuynh hướng bảo thủ, ngại khó, giản đơn, không tích cực tìm tòi cách tổ chức lao động sản xuất, thích hợp và có hiệu quả, không kiên trì khắc phục những khó khăn để tổ chức tốt công tác lao động sản xuất, đồng thời, cũng phải kiên quyết chống lại khuynh hướng tách rời lao động sản xuất với công tác nhà trường, coi nhẹ yêu cầu giáo dục và đào tạo của trường học, huy động lao động một cách tùy tiện, ồ ạt, tràn lan, thiếu tính toán chu đáo.

II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHẾ ĐỘ VÀ CHÍNH SÁCH TRONG PHONG TRÀO LAO ĐỘNG SẢN XUẤT CỦA CÁC TRƯỜNG HỌC

1. Thời gian lao động.

Thời gian lao động hàng năm của học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân và nhân viên các trường quy định như sau:

a) Đối với học sinh các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, thời gian tham gia lao động sản xuất hàng năm là 45 ngày, trong đó có 2 tuần lao động nghĩa vụ, việc huy động lao động nghĩa vụ này nên xếp vào thời gian giữa các học kỳ trong năm học.

b) Đối với học sinh phổ thông, thời gian tham gia lao động sản xuất hàng năm và do nhà trường quản lý là 15 ngày đối với cấp I và cấp II, và 25 ngày đối với cấp III.

Học sinh lớp 7, lớp 10 phổ thông và học sinh đại học, trung học chuyên nghiệp học lớp cuối, vì phải thi tốt nghiệp, nên được giảm bớt thời gian tham gia lao động tại trường. Học sinh đại học và trung học chuyên nghiệp lớp cuối được miễn lao động nghĩa vụ.

c) Đối với giáo viên các trường phổ thông, giáo viên, cán bộ, nhân viên và công nhân hướng dẫn và phục vụ thí nghiệm ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, thời gian tham gia lao động sản xuất cũng theo như học sinh, và nói chung phải cùng lao động với học sinh.

Cán bộ, công nhân và nhân viên khác trong trường học thì tham gia lao động theo chế độ chung của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước.

2. Quyền huy động lao động.

Quyền huy động học sinh, cán bộ các trường tham gia lao động quy định như sau:

a) Việc huy động học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên và công nhân trong trường tham gia lao động sản xuất không phải là lao động nghĩa vụ thì do Ban giám đốc nhà trường quyết định.

b) Việc huy động lao động nghĩa vụ ở các trường trung ương do các Bộ và Tổng cục quản lý trường quyết định, sau khi đã xem xét nhằm bảo đảm kế hoạch giảng dạy, học tập và công tác của trường.

Việc huy động lao động nghĩa vụ ở các trường địa phương do Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu quyết định, sau khi đã cùng các Ty, Sở có liên quan xem xét việc bảo đảm kế hoạch giảng dạy, học tập và công tác của trường.

Trong trường hợp cần huy động các trường trung ương với mức cao hơn quy định chung, thì phải đề nghị lên Phủ Thủ tướng và sẽ do Phủ Thủ tướng (Văn phòng Văn giáo) xem xét và quyết định.

c) Việc huy động đi lao động khẩn cấp để đối phó với thiên tai, địch họa thì thực hiện theo Nghị định số 232-CP ngày 24 tháng 11 năm 1965 của Hội đồng Chính phủ.

d) Các cơ quan huy động lao động cần bàn bạc cụ thể với các Bộ, Tổng cục quản lý trường, các Ty, Sở có liên quan và Ban giám đốc trường trước khi thực hiện, để tránh việc huy động tràn lan, ảnh hưởng không tốt đến việc bảo đảm kế hoạch giảng dạy, học tập và công tác của các trường.

3. Về các cơ sở phục vụ giảng dạy làm cả nhiệm vụ sản xuất.

a) Đối với những trường học và trung học chuyên nghiệp dùng lực lượng cán bộ, công nhân, cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ giảng dạy, như cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ giảng dạy, như cơ sở thực tập, xưởng trường, phòng thí nghiệm v.v… để làm nhiệm vụ sản xuất (thiết kế, khảo sát, điều tra, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hoặc gia công một số mặt hàng v.v…) thì khi cần thiết, có thể bổ sung thiết bị lao động lành nghề để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất và làm nòng cốt hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất.

Trong trường hợp có nhu cầu của Nhà nước và xét nhà trường có khả năng bảo đảm làm tốt, có thể cho phép một số trường được lập cơ sở thiết kế và khảo sát để phục vụ yêu cầu của các ngành kinh tế về các mặt đó.

b) Những cơ sở phục vụ giảng dạy làm cả nhiệm vụ sản xuất trong trường hoạt động theo hình thức ký hợp động với các cơ quan đặt hàng. Bên đặt hàng có nhiệm vụ tạm ứng vốn, giao vật tư v.v… và tiêu thụ sản phẩm. Thiết bị, năng lượng và lao động lành nghề cần bổ sung để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất và làm nòng cốt về hướng dẫn kỹ thuật sẽ do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phân phối chỉ tiêu, theo đề nghị của các Bộ, Tổng cục có trường. Khi cần thiết, ngân hàng Nhà nước có thể cho nhà trường vay vốn theo chế độ hiện hành.

Trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết, mỗi trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sản xuất và tổ chức thực hiện kế hoạch đó, bảo đảm chỉ tiêu số lượng và chất lượng sản phẩm, bảo đảm thời gian giao hàng và quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu lao động, tiền vốn.

c) Hoạt động của các cơ sở giảng dạy làm cả nhiệm vụ sản xuất trong nhà trường phải tuân theo chế độ hạch toán kế toán, bảo đảm b ù đắp chi phí sản xuất và bồi dưỡng sản xuất. Mọi chi phí sản xuất, kể cả mua thêm thiết bị bổ sung, đều do vốn sự nghiệp của các trường đài thọ, nhưng phải có hạch toán kế toán từng việc. Khi cần thiết, các Bộ Tổng cục có trường có thể đề nghị Nhà nước tăng thêm vốn sự nghiệp cho các trường.

4. Vấn đề sử dụng tiền lãi thu được.

Sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, số thu nhập còn lại là tiền lãi, phần này cần được sử dụng tốt, cụ thể là:

a) Đối với các trường phổ thông.

Số tiền lãi thu được từ lao động của học sinh và giáo viên mà do nhà trường quản lý (không phải lao động do sơ cở sản xuất và gia đình quản lý) thì thuộc về nhà trường, phân phối như sau:

- 60% đến 70% để dùng vào các việc có ích chung cho nhà trường và giảm bớt phần đóng góp của gia đình đối với trường, như mua sách giáo khoa, sách báo tham khảo cho tủ sách của học sinh và thầy giáo, mua sắm đồ dùng dạy học, đồ dùng thể dục thể thao và văn nghệ, v.v…

- 30% đến 40% để tích lũy mở rộng sản xuất.

b) Đối với các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

- 40% để tích lũy mở rộng sản xuất và cải thiện điều kịên làm việc ở nơi sản xuất.

- 40% để sửa chữa trường lớp, nơi ăn ở tập thể, mua sắm một số trang bị và đồ dùng dạy học.

- 20% để làm quỹ phúc lợi tập thể và quỹ tiền thưởng, trong đó quỹ tiền lương không được quá một phần ba (1/3).

Việc quản lý, phân phối và sử dụng tiền lãi do thành quả lao động của học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên nhà trường đem lại, phải thật chặt chẽ, minh bạch, đúng chính sách. Tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng vào các việc như liên hoan ăn uống, biếu xén v.v…

5. Chính sách đối với học sinh, cán bộ, công nhân, nhân viên nhà trường tham gia sản xuất.

a) Học sinh trong thời gian thực tập theo kế hoạch học tập vẫn hưởng chế độ bồi dưỡng thực tập đã quy định.

Ngoài thời gian thực tập, tham gia sản xuất ở khâu nào, thì được hưởng mọi chế độ về trang bị bảo hộ lao động, về lương thực, thực phẩm và bồi dưỡng vật chất như người công nhân sản xuất ở khâu ấy.

b) Giáo viên, công nhân, cán bộ, nhân viên tham gia sản xuất ở khâu nào thì được hưởng mọi chế độ về trang bị bảo hộ lao động, về lương thực thực phẩm v.v… như cán bộ, công nhân trực tiếp sản xuất ở khâu ấy.

c) Trong lao động sản xuất, những người có năng suất cao, thành tích tốt đều được xét khen thưởng theo chế độ thưởng năng suất, cải tiến kỹ thuật mà Nhà nước đã ban hành.

III. TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO LAO ĐỘNG SẢN XUẤT

Để chỉ đạo phong trào lao động sản xuất trong các trường học, từ các Bộ, Tổng cục quản lý trường, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu, cho đến các nhà trường, cần có tổ chức như sau:

1. Ở Bộ giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.

Thành lập Ban chỉ đạo lao động sản xuất của Bộ gồm một đồng chí thứ trưởng và các đồng chí phụ trách các Cục, Vụ, Viện có liên quan để chỉ đạo phong trào chung trong toàn ngành và riêng trong các trường trực thuộc Bộ. Ban chỉ đạo cần có một số cán bộ có hiểu biết kỹ thuật và kinh nghiệm về quản lý giúp việc.

Tổ chức chỉ đạo lao động sản xuất của các cấp dưới của Bộ thì do Bộ trưởng quyết định.

2. Ở các Bộ, Tổng cục có trường và các Ủy ban hành chính.

Cần phân công một đồng chí lãnh đạo Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính phụ trách chỉ đạo phong trào lao động sản xuất tại các trường thuộc ngành hoặc địa phương mình. Có thể chọn một vài cán bộ có hiểu biết kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý trong cơ quan Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính để giúp việc.

3. Ở các trường học.

Thành lập Ban chỉ đạo lao động sản xuất của trường gồm có một hiệu phó, một đại diện ban chấp hành Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh của trường, một đại diện ban chấp hành Công đoàn trường, một đại diện giáo viên, và do đồng chí hiệu phó làm trưởng ban.

Trên đây là những quy định có tính chất nguyên tắc. Bộ Giáo dục, Bộ Đại học, và trung học chuyên nghiệp cần ra thông tư hướng dẫn cụ thể việc thi hành chỉ thị này cho các ngành, địa phương quản lý trường và cho các trường.

Các Bộ và Tổng cục có liên quan cần làm tốt trách nhiệm cùng với Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp thường xuyên bàn bạc và giải quyết những vấn đề về tổ chức lao động, vật tư, vốn sản xuất và về các chế độ, chính sách cần thiết để thực hiện và đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất ở các trường học.

Ở địa phương thì Ủy ban hành chính cùng các Sở, Ty, Phòng có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo các trường tham gia lao động sản xuất theo chế độ, chính sách chung.

Đối với những vấn đề quá quyền hạn của các ngành, các địa phương thì báo cáo lên Phủ Thủ tướng (Văn phòng Kinh tế, Văn phòng Văn giáo) và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giải quyết.

Chú thích: Chỉ thị này thay cho bản Chỉ thị số 190-TTg ngày 07-10-1970 mà Phủ Thủ tướng đã ra lệnh hoãn phổ biến theo công điện số 1030-Vg ngày 14-10-1970.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG 
 


 
Lê Thanh Nghị 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 237-TTg năm 1970 về tổ chức lao động sản xuất trong các trường phổ thông, đại học và trung học chuyên nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 237-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/12/1970
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản