Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC

******

Số : 825-QĐ

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc

******

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1962

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ VIỆC TỔ CHỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CHUYÊN NGHIỆP TRUNG CẤP

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ theo yêu cầu của thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất trong nhà trường;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp;
Sau khi đã lấy ý kiến của các Bộ có trường Đại học và Chuyên nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1.Nay ban hành quy chế tạm thời về việc tổ chức lao động sản xuất trong các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp, kèm theo quyết định này.

Điều 2.Bản quy chế này bắt đầu áp dụng trong năm học 1962-1963.

Điều 3.Các ông Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục, ông Vụ trưởng Vụ Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp và ông Hiệu trưởng các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

 

 

 

 

 

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ VIỆC TỔ CHỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CHUYÊN NGHIỆP TRUNG CẤP

Sau bốn năm thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp đã được nhiều thành tích trong việc rèn luyện tư tưởng, tác phong của giai cấp công nhân và thói quen lao động chân tay cho sinh viên, học sinh, trong việc gắn liền nhà trường với đời sống, với sản xuất, đồng thời cũng sản xuất ra một số của cải vật chất góp phần xây dựng nhà trường, phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống cho sinh viên, học sinh, cán bộ nhà trường. Những kết quả trên khẳng định nguyên lý giáo dục của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn.

Đến nay việc thực hiện nguyên lý trên có nhiều vấn đề đã rõ, tuy nhiên vẫn chưa được thống nhất thực hiện trong các trường, mặt khác vẫn còn một số vấn đề tồn tại, cần giải quyết. Bản quy chế này nhằm:

- Quy định thống nhất việc tổ chức lao động sản xuất trong nhà trường để bảo đảm yêu cầu đào tạo cán bộ và yêu cầu ổn định mọi hoạt động trong nhà trường nhằm phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và học tập;

- Chuẩn bị rút kinh nghiệm một các toàn diện về việc thực hiện nguyên lý giáo dục trong nhà trường.

I. VỀ MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA NGUYÊN LÝ GIÁO DỤC KẾT HỢP VỚI LAO ĐỘNG SẢN XUẤT

Việc thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất trong các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp nhằm đạt ba yêu cầu sau đây:

1. Để cho sinh viên, học sinh học tập lao động chân tay, tạo điều kiện cho họ được gần gũi với công nhân, nông dân, cùng lao động và học tập công nông, trên cơ sở đó bồi dưỡng cho họ lập trường quan điểm đúng đắn đối với lao động, nhất là lao động chân tay, coi trọng lao động chân tay, trung thành và nhiệt tình với công cuộc lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Đây là yêu cầu cơ bản của nguyên lý, vì vậy việc tổ chức lao động cho sinh viên học sinh trước tiên phải nghĩ đến yêu cầu này.

2. Bồi dưỡng cho sinh viên, học sinh kỹ năng lao động chân tay (giản đơn và có kỹ thuật) kết hợp với việc vận dụng ở một mức độ nhất định trong điều kiện có thể và từng bước những lý luận về kiến thức khoa học, kỹ thuật đã học vào thực tế sản xuất góp phần thúc đẩy sản xuất công nông nghiệp phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 5 và Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng.

Trong lao động có yêu cầu kỹ thuật và vận dụng một phần nào kiến thức khoa học kỹ thuật trong những hình thức lao động có thể nhưng chưa phải yêu cầu vận dụng kiến thức đã học một cách toàn diện như khi thực tập, cũng như trong khi thực tập nhất là thực tập công nhân ở các trường kỹ thuật công nghiệp có một phần lao động chân tay thật sự. Tuy nhiên không nên cho rằng thực tập tức là lao động sản xuất hoặc ngược lại cho lao động là thực tập.

3. Trên cơ sở quán triệt hai yêu cầu trên, cần sử dụng sức lao động và khả năng của nhà trường để làm tăng thêm của cải của xã hội, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, tích cực xây dựng nhà trường, góp phần giảm nhẹ sự cung cấp của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển ngành Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp.

Ba yêu cầu trên đây phải luôn luôn quán triệt đầy đủ trong khi tổ chức lao động, nhưng tùy theo mỗi hình thức lao động mà việc kết hợp với nghiệo vụ hoặc với việc sản xuất của cải vật chất sao cho thích đáng nhất.

II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT.

1. Việc giáo dục lao động sản xuất cho sinh viên, học sinh phải được tiến hành có kế hoạch và thường xuyên trong nhà trường, chủ yếu là qua việc lao động thật sự, qua thực tế bắt tay vào sản xuất (chứ không phải bằng lý thuyết như các môn học khác) mà nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng kỹ thuật, cho nên việc tham gia lao động phải được xem là một khâu quan trọng trong chính khoa để đào tạo người sinh viên, học sinh toàn diện. Do đó dù lao động trong trường hay ngoài trường, nêu cao hình thức lao động ấy nằm trong kế hoạch học tập của trường, thì cấp chính quyền trong nhà trường phải chịu trách nhiệm chính thức không thể khoán trắng cho các đoàn thể quần chúng làm được đến đâu hay đến đấy. Việc tổ chức tham gia lao động có thể tiến hành thường xuyên hàng tuần, hàng tháng, kết hợp với hình thức đi tập trung dài ngày để về nông thôn, xí nghiệp, công trường hoặc trại sản xuất của trường tùy theo sự sắp xếp trong kế hoạch học tập của mỗi trường do Bộ Giáo dục và Bộ có trường duyệt.

2. Các hình thức lao động : Có thể có các hình thức lao động như sau:

a) Lao động nông thôn: Vì nước ta là một nước nông nghiệp, nông thôn là một thực tế rộng lớn, phong phú, có thể rèn luyện cho sinh viên, học sinh được nhiều mặt nên các loại trường, các ngành học, kể cả các ngành kỹ thuật công nghiệp đều có thể tổ chức cho sinh viên, học sinh tham gia nhất là sinh viên, học sinh ở những năm đầu, nhằm:

- Học tập nông dân về mặt cần cù, tích cực trong lao động, sinh hoạt giản dị, tiết kiệm, nhiệt tình và trung thành với sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân;

- Rèn luyện thói quen lao động chân tay về nông nghiệp, tìm hiểu về tình hình sản xuất ở nông nghiệp ở nông thôn trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp;

- Vận dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật đã học được của mình góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu và phương hướng của Nghị quyết 5, nhất là về mặt kỹ thuật, về phổ biến và nâng cao trình độ văn hóa, khoa học cho nông dân…

Việc tổ chức đi lao động nông thôn cần chú trọng và phát triển hình thức kết bạn với các hợp tác xã nông nghiệp để phát huy tác dụng trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật của nhà trường, vừa có cơ sở lâu dài cho sinh viên, học sinh về lao động, thực tập, nghiên cứu khoa học nông nghiệp và sinh hoạt với quần chúng.

Đối với các trường nông nghiệp thì lúc lao động sản xuất ở nông thôn có thể là thực hiện một phần kế hoạch thực tập.

b) Lao động trong các xí nghiệp, công trường, nông trường ở ngoài nhà trường nhằm:

- Tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh gần gũi và học tập công nhân trong lao động, trong sinh hoạt, nhất là học tập tinh thần nhiệt tình lao động quên mình để xây dựng chủ nghĩa xã hội của giai cấp công nhân;

- Bằng cách qua lao động ở xí nghiệp làm cho sinh viên, học sinh hiểu biết về tình hình sản xuất công nghiệp và rèn luyện cho họ một số kỹ năng lao động công nghiệp;

- Vận dụng và khảo nghiêm những điều đã học vào trong thực tế lao động để vừa nâng cao chất lượng học tập vừa góp phần tích cực của nhà trường vào việc cải tiến kỹ thuật và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động công nghiệp, nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển của công nghiệp theo yêu cầu và phương hướng của Nghị quyết trung ương lần thứ 7. Yêu cầu này phải được coi trọng đúng mức nhất là ở các trường kỹ thuật công nghiệp như Bách khoa, Giao thông, Hóa chất, Dệt, Mỏ, Cơ điện, Kiến trúc, Địa chất …

Ở các trường này thì lúc lao động sản xuất ở công trường, xí nghiệp có thể là thực hiện một phần kế hoạch thực tập sản xuất.

c) Lao động xây dựng nhà trường: Nhằm động viên khả năng của nhà trường phục vụ cho việc xây dựng và phát triển nhà trường, qua đó mà thiết thực nâng cao tinh thần làm chủ, ý thức tiết kiệm và tinh thần tự lực cánh sinh của sinh viên, học sinh và cán bộ nhà trường.

Việc tổ chức lao động xây dựng nhà trường cần có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể (làm những công việc gì, khối lượng bao nhiêu, lúc nào hoàn thành…) và phải có kế hoạch điều động nhân lực thật chặt chẽ, sử dụng hết thời gian đã quy định để tránh lãng phí.

d) Lao động trong các xưởng trường nhằm:

- Rèn luyện kỹ năng lao động chân tay có kỹ thuật ở những mức độ khác nhau tùy theo yêu cầu đào tạo ở mỗi trường;

- Làm ra của cải vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học cho yêu cầu của sản xuất và đời sống bên ngoài (nếu có thể);

Việc tổ chức lao động trong xưởng trường tùy theo tình hình cụ thể và khả năng của mỗi trường không nhất thiết trường nào, ngành nào cũng phải có hình thức này.

e) Lao động sản xuất lương thực: Việc sản xuất lương thực, Phủ Thủ tướng đã có chỉ thị số 80-TTg ngày 03-08-1962 trong đó có nói rõ “mỗi cán bộ, công nhân viên, bộ đội, công an nhân dân vũ trang, học sinh các trường Chuyên nghiệp và sinh viên phải đảm bảo sản xuất tự túc mỗi năm một số lương thực nhất định, và từ năm 1963 Nhà nước sẽ bớt được một số lương thực phải cung cấp hàng năm của mỗi người”

Hiện nay vấn đề lương thực của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số sinh viên, học sinh, cán bộ trong các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp đông phải có nghĩa vụ sản xuất một phần lương thực để tự túc, cải thiện và đóng góp chung cho xã hội. Vì vậy các trường cần khắc phục mọi khó khăn, tận dụng hết đất đai hiện có trong trường, gần trường, hoặc nghiên cứu việc xây dựng những cơ sở sản xuất ở những nơi xa trường để trồng cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi gà vịt, bò lợn…Việc tham gia sản xuất lương thực còn có tác dụng giáo dục cho sinh viên, và học sinh nhận thức thêm sâu sắc vai trò của nông nghiệp trong công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và rèn luyện cho họ ý thức tiết kiệm, tinh thần khắc phục khó khăn. Cần chú ý hơn nữa đến vấn đề tổ chức sản xuất, vấn đề kỹ thuật, chăm bón…để có thể thu được kết quả khá hơn trước đây.

Vấn đề sản xuất lương thực Bộ Giáo dục sẽ có văn bản quy định cụ thể riêng.

g)Lao động xã hội chủ nghĩa: Lao động xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ chung của mỗi một người công dân từ 18 tuổi trở lên. Theo quy định chung của Phủ thủ tướng, các cơ quan trường học sẽ tham gia lao động mỗi tháng một buổi vào ngày chủ nhật; vì vậy thời gian dành cho lao động xã hội chủ nghĩa không ghi trong kế hoạch học tập.

Việc tham gia lao động xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng những công trình chung, phục vụ cho toàn dân; vì vậy nó có một ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục ý thức xã hội chủ nghĩa cho sinh viên, học sinh.

III. THỜI GIAN LAO ĐỘNG.

1. Mấy điểm cần chú ý trong khi bố trí thời gian lao động

a) Bố trí theo từng khóa học:

Để đảm bảo một tỷ lệ cân đối và hợp lý giữa các hoạt động trong kế hoạch học tập nhằm đạt yêu cầu đào tạo toàn diện, thời gian lao động sản xuất từ nay trở đi không bố trí theo năm học mà bố trí theo từng khóa học (năm năm học ba năm). Sau đó có phân phối cụ thể cho các loại, các năm học.

b) Ở các trường kỹ thuật:

Vì trong khi đi thực tập (nhất là thực tập công nhân, thực tập sản xuất) cũng có một phần khá quan trong là lao động chân tay, cho nên tổng số thời gian lao động quy định ở đây có thể ít hơn so với các loại trường khác.

c) Lao động chân tay giản đơn (nông nghiệp hoặc công nghiệp) ít kết hợp ngành nghề chủ yếu bố trí trong những năm đầu, các năm sau bố trí lao động ngành nghề và thực tập.

d) Kết hợp hai hình thức lao động tập trung dài ngày và lao động thường xuyên hàng tuần để cho sinh viên, học sinh được lao động thường xuyên trong khi học, nhưng cũng có dịp về các cơ sở công nông nghiệp để lao động dài ngày, do đó có nhận thức và rèn luyện được toàn diện hơn.

e) Việc bố trí thời gian lao động ở đây là một phần nằm trong tỷ lệ chung của kế hoạch học tập dành cho việc thực tập, lao động và đi thực tế. Vì vậy phải đảm bảo thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhất.

2. Bố trí thời gian cụ thể trong toàn khóa học.

a) Đối với Đại học và Học viện

+ Các trường kỹ thuật công nông nghiệp:

- Loại bốn đến năm năm: từ 12 đến 14 tuần lao động

Phân phối: 4-6 tuần: bố trí rải ra thường xuyên mỗi tuần một buổi trong hai hay ba năm đầu.

Nếu trường nào vì điều kiện đặc biệt khó khăn không bố trí được thường xuyên hàng tuần thì có thể bố trí mỗi học kỳ một tuần.

4-6 tuần lao động nông nghiệp (trong đó có 10 đến 15 ngày sản xuất lương thực còn lại đi nông thôn).

4-6 tuần lao động nghiệp vụ của ngành học (có kết hợp nhưng chưa phải thực tập).

- Loại 3 năm: từ 8 đến 10 tuần

phân phối: bốn tuần lao động thường xuyên, rải ra mỗi tuần một buổi trong hai năm đầu (hoặc một học kỳ một tuần).

2-4 tuần lao động nông nghiệp trong đó có sản xuất lương thực (10-15 ngày).

2-3 tuần lao động nghiệp vụ, có thể kết hợp với đi thực tập, hoặc sản xuất trong xưởng trường.

+ Các trường văn hóa, y tế, khoa học cơ bản mỹ thuật:

- Loại bốn, năm năm: từ 12 đến 14 tuần

phân phối: bốn tuần lao động thường xuyên, rải ra hàng tuần trong hai năm đầu (hoặc mỗi học kỳ một tuần)

Sáu tuần đi nông thôn (kể cả những đợt phục vụ giúp nông thôn chống úng, chống hạn)

hai tuần sản xuất lương thực.

hai tuần đi xí nghiệp hoặc lao động xây dựng nhà trường.

- Loại hai, ba năm: từ 8 đến 10 tuần.

phân phối: hai tuần rải ra thường xuyên mỗi tuần một buổi trong một hay hai năm (hoặc mỗi họ kỳ mỗi tuần).

4-5 tuần lao động nông thôn, nông nghiệp (trong đó có 10-15 ngày sản xuất lương thực)

2-3 tuần đi xí nghiệp hoặc lao động xây dựng trường.

b) Đối với các trường Chuyên nghiệp trung cấp

- Các trường kỹ thuật hai, ba năm: từ 8 đến10 tuần.

phân phối: hai tuần lao động thường xuyên, rải ra mỗi tuần một buổi trong một hay hai năm đầu (hoặc mỗi học kỳ một tuần)

2-4 tuần lao động nông thôn, nông nghiệp (trong đó có 10 ngày sản xuất lương thực)

Bốn tuần lao động nghề nghiệp (trong xưởng trường hoặc xí nghiệp, công trường, có thể kết hợp với đi thực tập công nhân hoặc thực tập sản xuất)

- Các trường văn hóa, y tế, khoa học cơ bản, mỹ thuật hai, ba năm : 10 tuần.

hai tuần đi nông thôn

hai tuần sản xuất lương thực

bốn tuần lao động thường xuyên rải ra mỗi tuần một buổi trong hai năm đầu

hai tuần lao động xây dựng trường hoặc đi xí nghiệp.

IV. CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG

1. Chỉ xem là lao động sản xuất và lao động xây dựng những hoạt động chân tay có làm ra của cải vật chất (ví dụ lao động ở trong xưởng, ở nông thôn, sản xuất lương thực, xây dựng trường v .v…

Trong từng lúc, từng nơi khi cần thiết sinh viên phải thay cho anh chị em cấp dưỡng để nấu ăn, hoặc dọn vệ sinh lớn (như đào mương, cống rãnh ..) thì những buổi này có thể xem như một buổi lao động, tuy nhiên không nên để chiếm một tỷ lệ nhiều quá.

Không được xem như là lao động sản xuất những hoạt động như thể dục thể thao, tập văn nghệ, hội nghị, giữ trẻ v .v…

Hiện nay ở nhiều trường có tình trạng sử dụng bốn giờ lao động hàng tuần vào những công việc mà nội dung và yêu cầu không phải là lao động sản xuất. Cần chú ý bốn giờ lao động hàng tuần này là bốn giờ nội khóa, ở trong kế hoạch học tập nên sinh viên, học sinh phải tham gia đầy đủ và không được dùng vào việc khác.

2. Chế độ miễn giảm lao động:

- Ốm đau (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) có thể bố trí lao động nhẹ, thích hợp cho đến mức miễn hẳn do khoa xét đề nghị và ông Hiệu trưởng quyết định cho nghỉ theo chế độ hiện hành;

- nữ sinh có mang, có kinh nguyệt, có con mọn trong 12 tháng có thể miễn;

- sinh viên, học sinh dưới 18 tuổi được miễn lao động xã hội chủ nghĩa (theo quy định của Phủ Thủ tướng);

- Sinh viên, học sinh là người dân tộc thiểu số, hoặc bản thân là công nhân, nông dân, cán bộ lớn tuổi (trên 35 tuổi) được cử đi học, nếu học kém, nhà trường xét thấy cần tăng thêm thời giờ để học tập thì có thể được miễn lao động thường xuyên hàng tuần trong một thời gian, nhưng phải tham gia đầy đủ các đợt lao động tập trung dài ngày ở nông thôn xí nghiệp và sản xuất lương thực;

- sinh viên, học sinh là cán bộ các đoàn thể (Đảng, Đoàn Thanh niên lao động chi hội sinh viên) của toàn trường mà làm công tác thường trực thì mỗi tháng được miễn hai buổi lao động thường xuyên hàng tuần để làm công tác đoàn thể, hai buổi còn lại và các đợt lao động dài ngày phải tham gia đầy đủ như tất cả sinh viên, học sinh khác;

- trong thời gian sinh viên, học sinh đi thực tập hoặc lao động ở xa trường thì được miễn lao động xã hội chủ nghĩa trong thời gian đó, khi về trường không phải đi bù lại.

- để cho sinh viên, học sinh tập trung thì tốt nghiệp đạt được kết quả tốt, trong thời gian thì tốt nghiệp (số tuần đã được liên Bộ duyệt trong kế hoạch học tập) được miễn tham gia lao động thường xuyên hàng tuần và lao động xã hội chủ nghĩa. Đối với các loại thi lên lớp hoặc thi kiểm tra học kỳ, sinh viên, học sinh vẫn phải bảo đảm tham gia lao động như thường lệ;

- các đợt đi nông thôn đột xuất (như gặt mùa, chống úng, chống hạn…) theo yêu cầu của địa phương đều có thể tính vào số thời gian quy định cho lao động nông nghiệp, nông thôn ở trên;

- đối với sinh viên, học sinh là cán bộ theo học với lớp chuyên tu ngắn hạn (một, hạn năm) sẽ có quy định riêng.

V. CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT VÀ THỰC TẬP TRONG NHÀ TRƯỜNG:

Các cơ sở sản xuất trong nhà trường có thể phân làm hai loại với những nhiệm vụ sau đây:

a) Xưởng thực tập (như các xưởng của Bách khoa, Kỹ thuật cơ điện…)

Loại này chủ yếu nhằm phục vụ cho học tập, thực tập nghiên cứu khoa học có kết hợp với việc sản xuất ra các mặt hàng cho trường và cho yêu cầu bên ngoài cụ thể là:

- Làm cơ sở thực tập, học nghề, lao động cho sinh viên, học sinh;

- Sản xuất ra những mặt hàng mẫu, hàng cải tiến cho các cơ sản xuất bên ngoài;

- Sản xuất ra những đồ dùng phục vụ cho việc giảng dạy học tập và nghiên cứu khoa học;

- Có thể nhận sản xuất hàng loạt một số mặt hàng cho yêu cầu bên ngoài theo hợp đồng để vừa phục vụ nhưng cũng vừa giảm bớt chi phí (yêu cầu này là kết hợp nếu thấy có khả năng làm được).

b) Xưởng sản xuất : Vừa làm cơ sở lao động cho sinh viên, học sinh vừa sản xuất ra của cải vật chất, và ở một mức độ nhất định có thể dạy nghề cho sinh viên, học sinh, cụ thể là:

- Nhận sản xuất hợp đồng với bên ngoài;

- Sản xuất đồ dùng giảng dạy học tập cho trường;

- Vừa sản xuất gây vốn vừa phục vụ được yêu cầu bên ngoài, vừa có chỗ cho sinh viên, học sinh lao động thường xuyên.

Thuộc loại này còn có các cơ sở sản xuất lương thực, chăn nuôi gồm có vườn trường, trại chăn nuôi, hồ ao thả cá, nông trường, đất khai hoang…ở trong trường hoặc ngoài trường do trường xây dựng nên, nhiệm vụ các cơ sở này là:

- Sản xuất lương thực để tự túc một phần, đảm bảo chỉ tiêu đã quy định;

- Rèn luyện lao động nông nghiệp và ý thức tiết kiệm cho sinh viên, học sinh.

2. Vấn đề quản lý các cơ sở sản xuất:

a) Các cơ sở sản xuất được xây dựng trong nhà trường phải nhằm phục vụ cho việc thực hiện tốt nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất cụ thể là các yêu cầu đã đề ra ở phần I và phần V.

b) Các cơ sở sản xuất phải thống nhất dưới sự chỉ đạo của ông Hiệu trưởng về mọi mặt: tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của nó.

c) Nhà trường cần phải cố gắng sử dụng các cơ sở sản xuất thiết bị để một mặt kết hợp tốt học với hành, một mặt giảm nhẹ chi phí cho Nhà nước.

d) Tùy theo quy mô lớn nhỏ của từng cơ sở sản xuất có thể có cán bộ và công nhân chuyên nghiệp để đảm bảo nhiệm vụ sản xuất thường xuyên của các cơ sở này.

Vấn đề về cơ sở sản xuất và quản lý của cải vật chất, Bộ Giáo dục sẽ có văn bản quy định riêng.

VI. TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO LAO ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG NHÀ TRƯỜNG.

1. Để việc thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất trong nhà trường có kế hoạch, có nề nếp, có kiểm tra đôn đốc và quản lý chặt chẽ, mỗi trường cần có một cán bộ chuyên trách (hoặc một ban lao động trong đó có một đồng chí chuyên trách, hoặc phòng lao động, tùy theo quy mô lớn nhỏ của các tổ chức lao động sản xuất của trường) để giúp ban Giám hiệu và Đảng ủy phụ trách chung công việc lao động của toàn trường.

2. Trong việc tổ chức cho sinh viên, học sinh tham gia lao động sản xuất, bất kỳ là hình thức lao động nào cũng cần chú ý làm tốt công tác tư tưởng, cần có kế hoạch chủ đạo và kiểm tra chặt chẽ để đạt được kết quả tốt nhất.

Quy chế tạm thời này bắt đầu áp dụng thống nhất trong các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp từ năm học 1962-1963 trở đi. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn hoặc vì điều kiện đặc biệt của trường mà phải thay đổi cần phải được Bộ có trường và Bộ Giáo dục quyết định.

Bản quy chế này để kèm theo Quyết định số 825-QĐ ngày 01-10-1962.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 825-QĐ năm 1962 quy chế tạm thời về việc tổ chức lao động sản xuất trong các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 825-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/10/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: 28/11/1962
  • Số công báo: Số 44
  • Ngày hiệu lực: 16/10/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản