Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 214-CT

Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 1983

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC KIỆN TOÀN ĐỘI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHÍNH QUYỀN CẤP HUYỆN VÀ CƠ SỞ

Thi hành nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành trung ương Đảng (khoá 5), căn cứ nghị quyết số 50-HĐBT ngày 17-5-1983 của Hội đồng bộ trưởng về tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện việc kiện toàn cán bộ chính quyền cấp huyện và cơ sở như sau.

A. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU KIỆN TOÀN CÁN BỘ.

Từ nay đến hết năm 1984, phải kiện toàn cho được đội ngũ cán bộ của tất cả các huyện trong cả nước, chú trọng trước hết các huyện trọng điểm về kinh tế và quốc phòng, theo hướng dẫn sau đây:

a) Những cán bộ lãnh đạo cấp huyện, trước hết là cán bộ chủ chốt phải có phẩm chất, đạo đức tốt, đoàn kết, thống nhất, có ý chiến đấu và quyết tâm cao trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, có kiến thức và năng lực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, phát huy được hiệu lực của bộ máy chính quyền Nhà nước và tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

b) Những cán bộ quản lý ngành phải có kiến thức và kinh nghiệm công tác, biết phát huy và sử dụng tốt cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, biết điều hành công việc của ngành mình, phải có trình độ đại học hoặc trung cấp về ngành đó.

Cán bộ quản lý ngành cần được bố trí ổn định và chuyên môn hoá, không tuỳ tiện thay đổi sau mỗi lần bầu cử huyện uỷ hoặc Uỷ ban nhân dân huyện.

c) Trưởng, phó các trạm, trại, công ty, xí nghiệp... phải có trình độ đại học hoặc trung cấp về ngành nghề được phân công phụ trách, biết điều hành công việc được giao, đã được rèn luyện qua công tác thực tế, có kinh nghiệm trong công tác.

d) Đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ phải đáp ứng được yêu cầu xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, bảo đảm an ninh, quốc phòng của huyện ở từng vùng khác nhau.

Uỷ ban nhân dân huyện căn cứ vào đặc điểm và cơ cấu kinh tế của huyện mà xác định yêu cầu về cán bộ kinh tế, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ cho huyện và cơ sở ở từng vùng để lập quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ. Phải bảo đảm cho mỗi ngành kinh tế, kỹ thuật của huyện có một, hai cán bộ giỏi làm nòng cốt.

Ở miền Nam và miền núi thì yêu cầu về trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ huyện và cơ sở có thể định thấp hơn và thực hiện dần từng bước.

B. CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP

Để đạt được mục tiêu trên đây, việc kiện toàn đội ngũ cán bộ chính quyền huyện và cơ sở cần được tiến hành đồng bộ và có sự kết hợp chặt chẽ cả ba mặt công tác sau đây:

1. Sắp xếp lại hợp lý, sử dụng tốt và bồi dưỡng nâng cao đội ngũ cán bộ hiện có ở huyện, theo hướng:

- Tăng cường cán bộ cho cơ sở, đưa cán bộ về bám sát cơ sở, bám sát sản xuất.

- Mạnh dạn đề bạt cán bộ lâu năm trong nghề đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác, những cán bộ trẻ có phẩm chất và kiến thức, năng lực vào những vị trí xứng đáng.

- Sử dụng đúng ngành, nghề của cán bộ khoa học, kỹ thuật. Các ngành ở tỉnh có thể điều chỉnh cán bộ từ huyện thừa sang huyện thiếu.

2. Tiếp tục điều động cán bộ tăng cường cho huyện và cơ sở:

Các cơ quan ở trung ương và tỉnh, thành phố cần tích cực đưa thêm một số lớn cán bộ, nhất là cán bộ kinh tế, kĩ thuật nghiệp vụ về cho huyện và cơ sở, trước hết là các huyện trọng điểm về kinh tế, quốc phòng đang còn thiếu cán bộ. Cần có kế hoạch cụ thể lựa chọn và phân phối tốt, bảo đảm từ nay đến hết năm 1984 căn bản ổn định và kiện toàn bộ máy của các huyện.

Phải quán triệt tinh thần vừa tăng cường bộ máy cấp huyện, vừa tạo điều kiện để rèn luyện, đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho quy hoạch kiện toàn các cơ quan ở tỉnh, thành phố và trung ương.

Phải làm tốt việc phân phối về huyện và cơ sở những học sinh tốt nghiệp đại học và trung cấp.

Cần động viên đông đảo cán bộ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ ở các cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố về giúp huyện và cơ sở giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ theo các hình thức kết nghĩa, ký kết hợp đồng nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội.

3. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ huyện và cơ sở:

a) Bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước cho cán bộ huyện và cơ sở:

- Các cán bộ chủ chốt trong Uỷ ban nhân dân huyện (chủ tịch, các phó chủ tịch, uỷ viên thư ký) đến hết năm 1985 phải được bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước. Trường quản lý kinh tế trung ương và Trường hành chính trung ương có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ này.

- Các cán bộ phụ trách các ngành kinh tế, chuyên môn của huyện, cũng phải được học tập về quản lý kinh tế, chuyên môn theo một chương trình ngắn hạn thích hợp do các ngành ở trung ương hoặc tỉnh, thành phố phụ trách.

b) Chuyển hướng công tác đào tạo cán bộ kinh tế, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm đào tạo cho huyện và cơ sở được nhiều cán bộ là người tại chỗ:

- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cần bàn ngay với các Bộ và các tỉnh tổ chức, điều chỉnh lại mạng lưới các trường và sửa đổi quy chế tuyển sinh cho hợp lý, bảo đảm yêu cầu đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ cho các huyện thuộc từng vùng, nhất là ở miền Nam và miền núi.

- Về tuyển sinh, căn cứ vào quy hoạch cán bộ của từng huyện, từng cơ sở mà xây dựng nguồn tuyển sinh, chủ yếu lựa chọn những người tích cực, có thành tích trong công tác hoặc sản xuất tại địa phương đó đi học để trở về địa phương công tác.

Cơ quan tổ chức chính quyền ở từng huyện sẽ cùng với các phòng, ban của huyện và các Uỷ ban nhân dân xã làm tốt khâu tuyển chọn người đưa đi đào tạo.

- Về chương trình đào tạo, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cần điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu của huyện.

C. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Trước hết, các Uỷ ban nhân dân huyện căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu của huyện, cần xem xét đội ngũ cán bộ các loại, sắp xếp lại cho hợp lý và báo cáo với tỉnh, thành phố, yêu cầu cụ thể về các loại cán bộ cần bổ sung cho huyện.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần xem xét kỹ yêu cầu về cán bộ của các huyện, và có kế hoạch cụ thể để tăng cường cán bộ cho huyện theo hướng trước hết điều động cán bộ ở các cơ quan của tỉnh mình, nếu thiếu thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố báo cáo yêu cầu lên các Bộ, các ngành ở trung ương để xin bổ sung.

3. Các Bộ, các ngành ở trung ương theo yêu cầu của các tỉnh, thành phố, điều động cán bộ bổ sung cho các huyện, chú trọng đặc biệt các huyện ở Nam Bộ cũ, Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.

4. Các đồng chí lãnh đạo các ngành, các cấp, các cơ quan cung cấp cán bộ cũng như nơi tiếp nhận cán bộ cần quan tâm làm tốt công tác tư tưởng; bố trí công tác thích hợp và chăm sóc chu đáo đời sống vật chất, tinh thần đối với cán bộ được phân công, điều động.

5. Về chính sách:

a) Cán bộ lãnh đạo và quản lý được điều động từ địa phương này đến địa phương khác, cần được bố trí ổn định về công tác và sinh hoạt lâu dài.

b) Đối với số cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ đến công tác ở miền núi, và ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, thời hạn công tác là 5 năm đối với nam và 4 năm đối với nữ. Hết thời hạn này, nêu tình nguyện ở lại sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ khuyến khích.

c) Ban tổ chức của Chính phủ cùng Bộ Lao động, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cần kịp thời nghiên cứu trình Hội đồng bộ trưởng bổ sung và ban hành chính sách đãi ngộ, khuyến khích theo các hướng nói trên.

Chỉ thị này bổ sung cho chỉ thị số 110-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng bộ trưởng về việc tăng cường cán bộ cho cấp huyện và cơ sở. Những điều quy định trước đây trái với chỉ thị này đều bãi bỏ.

Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các huyện có trách nhiệm làm tốt chỉ thị này.

Ban tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chỉ thị này và báo cáo kết quả với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 214-CT năm 1983 về việc tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ chính quyền cấp huyện và cơ sở do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 214-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/08/1983
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản