Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50-HĐBT

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 1983

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 50-HĐBT NGÀY 17-5-1983VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG HUYỆN VÀ TĂNG CƯỜNG CẤP HUYỆN

I. TÌNH HÌNH VÀ NHIỆM VỤ

Thi hành các nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V của Đảng, trong những năm qua các ngành, các cấp đã làm được nhiều việc trong công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện. Những cố gắng của các ngành, các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược này tuy chưa đáp ứng yêu cầu nhưng đã bước đầu đem lại sự chuyển biến trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương. Thực tiễn ngày càng chứng minh chủ trương xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện là rất đúng đắn, đồng thời cũng làm sáng tỏ thêm nội dung cụ thể của công tác này ở những vùng khác nhau của đất nước.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, trong công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện còn có những thiếu sót cần khắc phục:

Chất lượng quy hoạch huyện còn thấp, chưa thể hiện đầy đủ tính chất một quy hoạch kinh tế - xã hội, chưa phát huy thế mạnh của địa phương; chưa gắn chặt nông, lâm, ngư nghiệp với công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng; chưa gắn sản xuất với phân phối lưu thông, tổ chức đời sống dân cư về vật chất và văn hoá.

Công tác kế hoạch hoá ở huyện chưa được cải tiến, nhiều chính sách khuyến khích huyện mở rộng sản xuất, kinh doanh chưa được ban hành, bộ máy huyện chưa được phù hợp khiến cho huyện thiếu chủ động phát huy tiềm lực lao động và đất đai, còn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ các điều kiện vật chất từ cấp trên giao xuống, chưa biết tự mình tìm ra các nguồn để tự cân đối các nhu cầu.

Việc phân cấp quản lý cho huyện chưa được thực hiện tốt, nhiều nơi làm hình thức, không đồng bộ.

Việc tăng cường bộ máy tổ chức và cán bộ cho huyện chưa đáp ứng yêu cầu. Các mối quan hệ giữa huyện với tỉnh và các ngành kinh tế kỹ thuật chưa thật phù hợp với vị trí chức năng của cấp huyện.

Nhìn chung nhận thức, quan điểm về xây dựng huyện của các ngành, các cấp chưa thật sâu sắc nên có ảnh hưởng đến việc chỉ đạo thực hiện công tác này.

Thi hành nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V, nghị quyết của Ban chấp hành trung ương lần thứ ba (khoá 5), các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã ban hành về công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, Hội đồng bộ trưởng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, coi đó là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm thúc đẩy sự lớn mạnh của các ngành, các địa phương và của toàn bộ nền kinh tế, tạo cơ sở thực hiện tốt kế hoạch kinh tế, xã hội năm 1983 và mục tiêu phấn đấu đến 1985 của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Các ngành, các cấp phải nắm vững nội dung chủ yếu của công tác xây dựng huyện và phát huy quyền làm chủ tập thể của huyện và đơn vị cơ sở, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt, thực hiện tổ chức lại sản xuất, phân bố lại lao động, xây dựng cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp huyện, làm cho huyện tự đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của đời sống nhân dân và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Đi đôi với phát triển kinh tế, phải phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế, thể dục thể thao..., tổ chức tốt đời sống vật chất và văn hoá, xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người lao động mới, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.

Phải quán triệt quan điểm huyện là địa bàn quan trọng để tổ chức lại sản xuất, phân công lại lao động và đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Kinh tế huyện gồm các cơ sở thuộc nhiều ngành sản xuất, nhiều thành phần (quốc doanh, hợp tác xã, cá thể) là bộ phận hợp thành kinh tế của tỉnh, thành, nằm trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất và phải đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý của Nhà nước

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Trong ba năm tới (1983 - 1985), các ngành, các cấp ngành chỉ đạo thực hiện tốt những công tác quan trọng sau đây.

A. VỀ XÂY DỰNG KINH TẾ CỦA HUYỆN.

1. Cần soát lại quy hoạch tổng thể và quy hoạch từng ngành của huyện để bổ sung và hoàn chỉnh thêm, trên cơ sở nhận thức đầy đủ hơn về đường lối phát triển kinh tế trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ và những hiểu biết sâu sắc hơn về tiềm lực kinh tế và thế mạnh của huyện. Quy hoạch tổng thể của huyện phải mang tính chất một quy hoạch kinh tế - xã hội toàn diện, phù hợp với quy hoạch của tỉnh và trung ương, đồng thời thể hiện đúng đắn sự phân bố sản xuất chuyên môn hoá của từng ngành trên lãnh thổ. Phải kết hợp nông nghiệp (và lâm nghiệp, ngư nghiệp) với công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải...; kết hợp sản xuất với phân phối lưu thông, xây dựng các khu dân cư, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, tổ chức đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế, văn hoá với củng cố quốc phòng và an ninh.

Các cơ quan quản lý ngành ở tỉnh và trung ương phải hướng dẫn quy hoạch phát triển ngành mình trên địa bàn huyện, phù hợp với từng loại hình huyện và theo phương châm trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Tỉnh phải chỉ đạo huyện thực hiện việc xây dựng hoặc bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch của xã, thị trấn, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất khác của huyện.

Các tỉnh phải dựa theo cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển mà phân loại hình huyện nhằm mục đích xác định đúng phương hướng đầu tư và đối tượng đầu tư thích hợp, sớm tạo nên thế phát triển đồng đều giữa các huyện, song cần tập trung trước hết vào những vùng trọng điểm có tiềm lực về kinh tế hàng hoá, đặc biệt là những huyện trọng điểm về lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp, về sản phẩm xuất khẩu.

2. Công tác xây dựng kế hoạch ở huyện và cơ sở phải được đổi mới ngay từ năm 1983 theo tinh thần dân chủ hoá kế hoạch, phát huy đầy đủ quyền tự chịu trách nhiệm và tính chủ động của huyện và cơ sở. Kế hoạch của mỗi huyện phải xây dựng và tổng hợp từ cơ sở lên (từ xã, hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất, trạm, trại, xí nghiệp...), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của huyện uỷ và Uỷ ban nhân dân huyện. Kế hoạch của huyện phải cố gắng tự giải quyết được các mặt cân đối trong sản xuất và đời sống từ 4 nguồn khả năng sau đây:

a) Từ kết quả tận dụng với mức cao nhất tiềm lực kinh tế của huyện (lao động, đất đai, rừng, biển, ngành nghề, các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có và đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật).

b) Từ quan hệ hợp tác, liên kết kinh tế với các huyện khác hoặc các đơn vị kinh tế khác trong khuôn khổ chế độ, chính sách của Nhà nước cho phép.

c) Từ nguồn vốn được bổ sung thêm (kể cả vật tư hàng hoá) do vượt kế hoạch xuất khẩu.

d) Từ nguồn vốn, vật tư cấp trên giao xuống.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn về nội dung và phương pháp tính các cân đối, về tổ chức xây dựng kế hoạch từ cơ sở.

Để bảo đảm hiệu lực thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao, phải sử dụng tốt hệ thống đòn bẩy kinh tế, đặc biệt phải mở rộng thực hiện chế độ ký kết hợp đồng kinh tế.

3. Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trên địa bàn huyện.

Trước hết cần sử dụng có hiệu quả những cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, tính toán kỹ hiệu quả kinh tế khi xây dựng các cơ sở mới, ưu tiên tập trung vào những công trình trực tiếp phục vụ cho sản xuất như hệ thống thuỷ nông; các trạm, trại giống cây trồng và con nuôi, thú y, bảo vệ thực vật; cơ sở chế biến nông, lâm thuỷ sản, chế biến thức ăn gia súc; trạm máy kéo, cơ sở sửa chữa và sản xuất các loại công cụ cho nông, lâm, ngư nghiệp; mạng lưới giao thông vận thải thuỷ, bộ; cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; các kho tàng và cửa hàng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa (bao gồm cửa hàng cung ứng vật tư, thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán). Đặc biệt coi trọng xây dựng những cơ sở chế biến và sản xuất những mặt hàng tiểu, thủ công nghiệp phục vụ cho sản xuất, đời sống ngay trên địa bàn huyện và phục vụ xuất khẩu. Phải trên cơ sở quy hoạch đã có, quán triệt phương châm trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm; khắc phục tư tưởng ỷ lại trông chờ ở cấp trên. Đi đôi với coi trọng việc củng cố xây dựng cơ sở quốc doanh, phải hết sức chú ý xây dựng cơ sở kinh tế tập thể. Về trang bị, chú ý kết hợp thủ công với cơ giới.

4. Phải tổ chức, sắp xếp lại lực lượng sản xuất của huyện và cơ sở theo hướng gắn nông nghiệp với công nghiệp, gắn sản xuất với phân phối lưu thông, thực hiện sự liên kết giữa các thành phần kinh tế (quốc doanh, hợp tác xã, kinh tế gia đình), giữa các huyện trong tỉnh, giữa huyện với tỉnh hoặc ngành ở trung ương. Mục đích cuối cùng phải đạt được trong việc tổ chức lại sản xuất là nâng cao hơn trước mức sản xuất cả về số lượng và chất lượng, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập quốc dân, nâng cao chất lượng quản lý kinh doanh, phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống.

Trong khi sắp xếp, phát triển các cơ sở vật chất kỹ thuật của huyện, phải chú trọng xây dựng các cụm kinh tế - kỹ thuật ở các vùng trên địa bàn huyện, với các cơ sở vật chất kỹ thuật (trạm máy kéo, xưởng sửa chữa cơ khí, trạm thú y và bảo vệ thực vật, cơ sở chế biến thức ăn gia súc, v.v..., các cửa hàng vật tư, cửa hàng thương nghiệp, trạm thu mua, các xí nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, các cơ sở giáo dục, văn hoá, y tế, thể dục thể thao...) nhằm gắn liền huyện với xã, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, sản xuất với phân phối lưu thông, kinh tế quốc doanh với kinh tế tập thể, liên kết kinh tế giữa các hợp tác xã để cùng phát triển.

Phải có kế hoạch củng cố, sắp xếp lại các cơ sở kinh tế quốc doanh và tập thể để quản lý tốt hơn và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trong năm 1983, các tỉnh phải làm xong việc phân cấp cho huyện quản lý các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ trên địa bàn huyện; nơi chưa đủ điều kiện thì phải chuẩn bị và phân cấp từng bước.

Cùng với sự phát triển lực lượng kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, phát triển mạnh kinh tế gia đình (bao gồm cả chăn nuôi, trồng trọt, nghề rừng, nghề cá, tiểu, thủ công nghiệp, vận tải...) đưa kinh tế gia đình trở thành một bộ phận hỗ trợ của kinh tế hợp tác xã, có sự giúp đỡ hướng dẫn của hợp tác xã và gắn với kinh tế quốc doanh trên những mặt hàng cần thiết.

5. Về phân bố lao động huyện có trách nhiệm nắm chắc lao động trên địa bàn huyện và chủ động xây dựng kế hoạch phân bố lại lao động trong huyện cho phù hợp với yêu cầu từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế huyện. Ngoài các chỉ tiêu pháp lệnh về phân bố lao động do cấp trên giao như tuyển quân, tuyển lao động đi ra ngoài huyện, chỉ tiêu về biên chế hành chính sự nghiệp, chỉ tiêu phân phối cán bộ và điều lao động đến, v.v... huyện được quyết định điều hành lao động trong huyện, tuyển lao động vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh của huyện để mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo nên cơ cấu lao động mới của huyện. Về mặt quản lý biên chế thuộc khu vực sản xuất, các cơ quan kế hoạch, lao động và quản lý ngành ở tỉnh chỉ quản lý các định mức về lao động và tiền lương trên đơn vị sản phẩm hoặc khối lượng hàng hoá kinh doanh.

Giữa các huyện miền núi, trung du và các huyện miền xuôi, có thể hợp tác lao động nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật của địa phương.

6. Công tác phân phối lưu thông ở huyện cần được tổ chức lại theo tinh thần chủ động gắn với sản xuất và nhằm thúc đẩy sản xuất, phục vụ tốt đời sống nhân dân.

Huyện có trách nhiệm thống nhất tổ chức việc thu mua các hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản (trừ các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung, vùng trọng điểm nghề cá đã giao cho các xí nghiệp chế biến trực tiếp thu mua) và chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch giao nộp các sản phẩm nói trên. Các cơ quan ở cấp trên có yêu cầu thu mua nông, lâm, thuỷ sản ở huyện, phải thông qua ký hợp đồng kinh tế cụ thể với cơ quan thu mua của huyện và giúp đỡ huyện thực hiện chỉ tiêu kế hoạch thu mua đã giao cho huyện. Đối với hàng bán ra, huyện được quyền chủ động bố trí kế hoạch bán theo đúng chính sách chế độ của Nhà nước quy định và chịu trách nhiệm về hiệu quả trao đổi thu mua sản phẩm hàng hoá thông qua hợp đồng kinh tế hai chiều.

Huyện có quỹ lương thực và được chủ động sử dụng quỹ lương thực của huyện để phân công lại lao động, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế... (Hội đồng Bộ trưởng sẽ có quy định cụ thể về nội dung của quỹ này).

Huyện có trách nhiệm đối với việc xây dựng thị trường xã hội chủ nghĩa của huyện trên cơ sở các quy định của Nhà nước.

Trong năm 1983, các ngành ở trung ương và tỉnh có trách nhiệm giúp các huyện xây dựng và củng cố các công ty:

- Công ty lương thực (thu mua, cung cấp, chế biến, bảo quản).

- Công ty thương nghiệp tổng hợp (cả mua và bán).

- Công ty cung ứng và thu mua vật tư, làm cả nhiệm vụ cung ứng và đại lý thu mua vật tư cho cấp trên.

Huyện nào có điều kiện có thể thành lập công ty vận tải thô sơ và cơ giới (kể cả vận tải đường bộ, đường thuỷ,...). Tuỳ theo thế mạnh và nhu cầu của sản xuất và kinh doanh, huyện có thể lập công ty chuyên làm việc thu mua hàng xuất khẩu.

Các công ty trên do Uỷ ban nhân huyện cùng các sở chủ quản quản lý, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế, có tư cách pháp nhân.

Trong việc phân cấp, cho huyện quản lý công tác phân phối lưu thông, các ngành ở trung ương và tỉnh phải tạo điều kiện cho huyện chủ động nắm được quỹ hàng hoá, sử dụng có hiệu quả cho sản xuất và đời sống. Cần giảm bớt cấp kinh doanh trung gian từ công ty cấp I xuống huyện. Các cơ quan thương nghiệp, vật tư ở huyện sau khi làm xong nhiệm vụ thu mua, giao nộp sản phẩm lên cấp trên, được phép lưu thông số hàng hoá, vật tư vượt kế hoạch ở thị trường huyện và trao đổi với các huyện khác trong tỉnh để có thêm tư liệu sản xuất (kể cả trâu, bò) và hàng tiêu dùng. Trong trường hợp cần bán những hàng thu mua của huyện vượt kế hoạch ra ngoài tỉnh, phải được sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, và phải đưa vào kế hoạch sản xuất, phân phối lưu thông của huyện và thể hiện vào ngân sách huyện. Việc tiêu thụ hàng ra ngoài huyện đều phải chấp hành đúng chính sách, nhằm phục vụ cho kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể hoặc người sản xuất hàng hoá cho Nhà nước, không được để lọt vào tay kẻ đầu cơ trục lợi.

Các cơ quan quản lý vật tư, thương nghiệp cấp trên cần quy định tỷ lệ triết khấu hợp lý cho công ty cấp huyện, bảo đảm cho công ty cấp huyện bù đắp đủ chi phí lưu thông hợp lý và có lãi thích đáng để mở rộng kinh doanh. Tổ chức kinh doanh thương nghiệp và vật tư ở huyện phải hoạt động theo đúng các chế độ quản lý của Nhà nước, nhất là các quy định về quản lý thị trường, giá cả và phải nhằm mục đích phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân, tạo nguồn tích luỹ cho địa phương, hỗ trợ cho tỉnh và trung ương, chống xu hướng chạy theo cơ chế thị trường.

Về mặt tài chính, phải bảo đảm cho ngân sách huyện thật sự là kế hoạch tài chính cơ bản của chính quyền Nhà nước ở cấp huyện, là công cụ để xây dựng huyện vững mạnh. Kế hoạch tài chính đó phải trông vào nguồn lao động và tài nguyên do huyện quản lý và khai thác bằng mọi biện pháp được pháp luật cho phép. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình do huyện quản lý từ nay phải cân đối vào ngân sách huyện. Các tỷ lệ điều tiết các nguồn thu tài chính trên địa bàn huyện được giữ ổn định trong ba năm tới (1983-1985) và cứ mỗi kế hoạch 5 năm mới quy định tỷ lệ điều tiết một lần để khuyến khích huyện tăng nguồn thu ngân sách. Cần quy định chế độ trích để lại cho huyện một tỷ lệ thích đáng lợi nhuận của các xí nghiệp tỉnh hoặc trung ương nằm trên địa bàn huyện, các khoản thưởng về thu mua tính tỷ lệ theo giá trị hàng thu mua được để lại cho huyện để huyện kịp thời khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích và tăng cường trang bị mở rộng kinh doanh.

Để khuyên khích các huyện đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho các huyện dựa vào nguồn xuất khẩu mà nhập khẩu tư liệu cần thiết, các tỉnh phải dành cho các huyện được tỉnh giao chỉ tiêu hàng xuất khẩu một tỷ lệ thích đáng trong số tiền thưởng xuất khẩu mà tỉnh được hưởng về những mặt hàng đã giao.

Mọi khoản thu, chi phải được phản ánh đẩy đủ vào ngân sách và phải chịu sự kiểm soát của ngành tài chính cấp trên.

Trong công tác đầu tư qua tín dụng ngân hàng, huyện có trách nhiệm vạch rõ phương hướng đầu tư và chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư. Kế hoạch tín dụng của ngân hàng ở huyện phải được Uỷ ban nhân dân huyện thông qua.

7. Về xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, các huyện miền Bắc và miền Trung phải tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; củng cố và nâng cao trình độ quản lý của hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp trên cơ sở phát huy quyền làm chủ tập thể của xã viên, tăng cường quản lý kinh tế kỹ thuật, quản lý đất đai và tài sản xã hội chủ nghĩa, hoàn chỉnh chế độ khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, bảo đảm làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường phúc lợi tập thể và bảo đảm quý tích luỹ ngày càng phát triển. Các huyện Nam - bộ cũ phải coi việc cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đồng thời không xem nhẹ cải tạo công thương nghiệp, nghề cá trong việc xây dựng huyện, gắn việc điều chỉnh ruộng đất với xây dựng tổ đoàn kết, tập đoàn và hợp tác xã sản xuất, gắn việc cải tạo quan hệ sản xuất với tổ chức lại sản xuất, phân phối lại lao động, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển mạnh sản xuất, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ khác.

Ở tất cả các huyện phải mở rộng hoạt động của các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng ở nông thôn để hỗ trợ cho thương nghiệp quốc doanh trong việc mua và bán, phục vụ sản xuất, đời sống của xã viên, đấu tranh chống bóc lột, đầu cơ tích trữ.

B. VỀ XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ VĂN HOÁ Ở HUYỆN

1. Huyện phải có kế hoạch từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trên cơ sở phát triển sản xuất. Phải có kế hoạch sử dụng có hiệu quả ngày càng cao mọi nguồn nguyên liệu, phế liệu và sức lao động trong từng hợp tác xã, từng xã, ấp, kể cả lao động phụ và thời gian nông nhàn để có thêm công ăn việc làm, tăng năng suất lao động, phát triển nghề phụ và kinh tế gia đình. Hết sức chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc ít người, vùng cao, biên giới, hải đảo, đời sống của gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, đời sống của trẻ em mồ côi và những người già yếu, neo đơn, tàn tật.

2. Có kế hoạc phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hoá, thông tin, y tế, thể dục thể thao trong huyện và từng xã, ấp; xây dựng các trường học, bệnh viện, bệnh xá, các công tình như nhà văn hoá, rạp chiếu bóng, thư viện, đài truyền thanh, sân vận động v.v... ở huyện lỵ và các xã trọng diểm, tạo điều kiện để phát triển nền văn hoá mới, bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ nếp sống lạc hậu và văn hoá đồi truỵ. Việc xây dựng và duy trì hoạt động của các cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao ở huyện và xã một phần do ngân sách huyện, phần khác phải huy động sự đóng góp công sức của hợp tác xã và nhân dân. Huyện và xã phải rất quan tâm đến giáo viên, thầy thuốc ở nông thôn, tuỳ điều kiện cụ thể mỗi nơi mà có chế độ đãi ngộ, giúp đỡ thiết thực để anh chị em ổn định đời sống và phục vụ tốt nhân dân.

3. Để đảm bảo mức tăng dân số hợp lý của cả nước, mỗi huyện nhất là các vùng đồng bằng và trung du, phải thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch, giao chỉ tiêu cho từng xã (trừ những dân tộc có số người quá ít) và giúp đỡ, hướng dẫn thực hiện.

4. Các huyện phải tuỳ theo đặc điểm của mình mà có kế hoạch từng bước xây dựng các khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Việc này phải thực hiện theo quy hoạch, phù hợp với điều kiện thiên nhiên, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tập quán sinh hoạt ở địa phương.

C. VỀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN

Phải xây dựng mỗi huyện trở thành một pháo đài để giữ vững an ninh quốc phòng trong thời bình và đủ sức tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh. Huyện phải có kế hoạch củng cố và nâng cao năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang của huyện, xây dựng, rèn luyện lực lượng dân quân tự vệ và công an xã, chuẩn bị đầy đủ lực lượng dự bị để hoàn thành nhiệm vụ gọi thanh niên nhập ngũ hàng năm và động viên thời chiến. Giáo dục và bồi dưỡng nhân dân về tinh thần cảnh giác cách mạng, đoàn kết quân dân, về kiến thức quân sự cần thiết, về ý thức bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và về chính sách hậu phương.

Quy hoạch và kế hoạch kinh tế của mỗi huyện, của từng ngành phải gắn với nhiệm vụ quốc phòng, bảo đảm sẵn sàng làm tốt nhiệm vụ hậu cần tại chỗ hoặc chuyển hướng sang kinh tế thời chiến khi cần thiết.

Ở các vùng biên giới phía Bắc là nơi thường xuyên xảy ra các vụ khiêu khích, xâm lấn của bọn bành trướng Trung Quốc, huyện phải bảo đảm luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới, giữ vững trật tự an ninh, đồng thời vẫn bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất, xây dựng, phục vụ đời sống của địa phương.

Đối với công trình xây dựng, các tuyến đường, cầu cống, đường dây điện, đường điện thoại, ống dẫn dầu đi qua huyện, cần tổ chức kế hoạch bảo vệ chống các hoạt động phá hoại của địch và phần tử xấu.

D. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CÁN BỘ CẤP HUYỆN

1. Cần tăng cường bộ máy cấp huyện theo nghị quyết của Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ đã đề ra, bảo đảm các phòng, ban của huyện vừa là bộ máy chuyên môn của Uỷ ban nhân dân huyện do Uỷ ban nhân dân huyện trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo mọi mặt, vừa là tổ chức chịu sự chỉ đạo của tổ chức ngành dọc cấp trên về nghiệp vụ kinh tế - kỹ thuật... Về bộ máy Nhà nước, dựa vào sự hướng dẫn của Uỷ ban nhân tỉnh , thành, quy mô địa lý, tính chất và cơ cấu kinh tế, năng lực đội ngũ cán bộ, Uỷ ban nhân dân huyện có thể sắp xếp hoặc điều chỉnh cho hợp lý với điều kiện không vượt quá mức biên chế hành chính đã quy định và bảo đảm tiêu chuẩn hoá cán bộ, sử dụng đúng cán bộ với tinh thần coi trọng chất lượng hơn số lượng, tránh tổ chức cồng kềnh, xa rời sản xuất, xa rời cơ sở.

2. Cùng với việc tăng cường cấp huyện, phải tăng cường tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã. Nhà nước cần quy định rõ nội dung hoạt động và chế độ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã để phát huy đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức đó.

3. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện, và tăng cường cấp huyện, các ngành ở tỉnh và trung ương cần có quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho huyện và xã, kiên quyết điều những cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ có trình độ khá, có kinh nghiệp thực tiễn từ các ngành trung ương và tỉnh về cho huyện và các đơn vị cơ sở nhất là bảo đảm các công ty kinh doanh, các trạm, trại kỹ thuật thuộc huyện quản lý có cán bộ phụ trách có năng lực. Cần củng cố hệ thống trường hành chính ở trung ương và tỉnh để tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ chính quyền huyện, xã. Để có thêm cán bộ, các huyện và xã được lựa chọn những cán bộ, đảng viên, thanh niên ưu tú tại địa phương có đủ điều kiện gửi đi các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học của tỉnh hoặc trung ương để đào tạo các loại cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho huyện và đơn vị cơ sở, nhanh chóng đưa khoa học kỹ thuật về nông thôn. Cần tạo mọi điều kiện (về giáo trình, giảng viên, kinh phí) để các huyện ở các tỉnh Nam-bộ cũ nhanh chóng chủ động đào tạo được đội ngũ cán bộ tổ trưởng tổ đoàn kết, tập đoàn sản xuất, bảo đảm nhiệm vụ cơ bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn vào năm 1985 như nghị quyết Đại hội 5 của Đảng đã quy định.

Trong khi nghiên cứu cải tiến hệ thống tiền lương nói chung, cần cải tiến thang lương cán bộ huyện.

III. TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Công việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện là công việc quản lý của bộ máy Nhà nước ở các cấp, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cơ quan Nhà nước ở các cấp tuỳ theo chức năng, trách nhiệm và quyền hạn phải có kế hoạch triển khai thực hiện công tác xây dựng huyện và kiểm tra việc thực hiện đến tận cơ sở.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện của địa phương mình.

Các tỉnh, thành phố được lập Ban xây dựng huyện do đồng chí bí thư tỉnh uỷ hoặc đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố làm trưởng ban. Ban náy đặt tại Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, ngoài các thành viên tham gia, có một phó ban và một số cán bộ chuyên trách.

3. Các bộ trưởng và thủ trưởng các ngành trung ương phải chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng và Hội đồng bộ trưởng về việc lập quy hoạch ngành, hướng dẫn và thực hiện sự phân bố lực lượng sản xuất và các nhiệm vụ thuộc ngành mình quản lý trên địa bàn huyện. Để tạo điều kiện cho cấp trung ương nắm được cấp huyện, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống kê... cần ban hành, thống nhất các chế độ thống kê và báo cáo của cấp huyện gửi trực tiếp lên cấp trung ương. Các cơ quan quản lý ngành ở trung ương cần thành lập bộ phận chuyên trách giúp lãnh đạo những công tác nói trên, kịp thời giải quyết các vấn đề của huyện, kiểm tra chặt chẽ việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, đề ra phong trào thi đua với nội dung thiết thực cho từng loại hình huyện.

4. Ở trung ương, thành lập Ban xây dựng huyện ở Trung ương Đảng và Hội đồng bộ trưởng. Ban này có bộ máy chuyên giúp việc đặt tại Văn phòng Hội đồng bộ trưởng.

Xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện là một vấn đề lớn rất phức tạp, nhiều việc không phải chỉ làm ở cấp huyện, mà cùng một lúc phải làm ở cấp tỉnh và các ngành ở cấp trung ương. Vì vậy Hội đồng bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các Bộ, các ban, ngành, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phát huy trí tuệ tập thể thực hiện nghị quyết một cách khẩn trương, vững chắc; kịp thời đề xuất và xử lý cụ thể những vấn đề nảy sinh trong các mối quan hệ, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt ở tất cả các huyện, nhất là những huyện quan trọng về kinh tế - quốc phòng, nhằm đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch Nhà nước 1983 - 1985.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 50-HĐBT về tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 50-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/05/1983
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: 15/08/1983
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 01/06/1983
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản