Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/CT-UBND

Huế, ngày 17 tháng 5 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VÀ CÔNG ĐOÀN TRONG CÁC DOANH NGHIỆP

Trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, số lượng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tăng nhanh, cùng với đó lực lượng sản xuất ngày càng phát triển đã tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên , tình hình thực hiện pháp luật lao động và công đoàn trong các doanh nghiệp chưa được thực thi nghiêm chỉnh, như vấn đề: Hợp đồng lao động, ký kết Thoả ước lao động tập thể, điều kiện làm việc; tiền lương, tiền công, thang bảng lương, quy chế trả lương, thưởng trong doanh nghiệp; việc thành lập tổ chức Công đoàn, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí Công đoàn ở nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc mà tập trung là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tình hình trên đã làm phát sinh tranh chấp lao động, quan hệ lao động ngày càng phức tạp và việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người lao động trong các doanh nghiệp trở nên khó khăn.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế tồn tại và từng bước đưa việc thực hiện pháp luật lao động và Luật Công đoàn trong các doanh nghiệp đi vào nề nếp, đồng thời thực hiện tốt Chỉ thị 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư trung ương Đảng về “xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp”; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên Đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế, Ban quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và các huyện:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và Luật Công đoàn để Giám đốc các doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hiểu, biết và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thi hành pháp luật lao động và Luật Công đoàn, đồng thời phối hợp với công đoàn các cấp trong việc phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp;

b) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp về nội dung hợp đồng lao động, quy trình thương lượng ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể, xây dựng thang bảng lương và quy chế trả lương, thưởng ở doanh nghiệp, việc thực hiện bảo hộ lao động, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động;

c) Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về thực hiện pháp luật lao động và Luật Công đoàn trong các doanh nghiệp để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật lao động tại doanh nghiệp;

d) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Báo Thừa Thiên Huế tăng cường tuyên truyền phổ biến các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động và Công đoàn; biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện tốt các quy định về Luật Lao động và Luật Công đoàn tại đơn vị.

2. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên Đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm tại địa phương, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện pháp luật lao động và Công đoàn, kịp thời giải quyết những vụ tranh chấp lao động xảy ra ở các doanh nghiệp.

3. Ban quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật lao động và Luật Công đoàn, hỗ trợ, tạo điều kiện việc phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp và Khu kinh tế.

4. Yêu cầu Giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật lao động và Luật Công đoàn, phối hợp tạo điều kiện trong việc phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp và trích nộp kinh phí Công đoàn theo luật định.

5. Giám đốc Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh nghiên cứu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện hỗ trợ tổ chức Công đoàn trong việc thu kinh phí Công đoàn ở các doanh nghiệp.

6. Căn cứ vào các nội dung nêu trên và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu: UBND thành phố Huế, Thị xã Hương Thủy và các huyện, các sở, ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị mình; báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2010, thông qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo.

7. Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, báo cáo thường xuyên với Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình, triển khai thực hiện tại các sở, ban, ngành và địa phương liên quan./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2010 tăng cường thực hiện Pháp luật lao động và Công đoàn trong doanh nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 21/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/05/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản