Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 30 tháng 06 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG, CÔNG ĐOÀN GÓP PHẦN XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH VÀ TIẾN BỘ TRONG DOANH NGHIỆP

Những năm vừa qua việc thực hiện Pháp luật lao động và Công đoàn trong các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ luật Lao động, nhất là các nội dung về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện làm việc, chế độ ăn giữa ca, quy chế dân chủ ở cơ sở, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; một số doanh nghiệp chưa tạo điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn và chưa trích nộp kinh phí công đoàn,... Việc thực hiện pháp luật lao động chưa nghiêm đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động, nhất là tranh chấp lao động tập thể, đình công, làm hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành pháp luật lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định về pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Để người lao động và người sử dụng lao động hiểu và thực hiện đúng những quy định của pháp luật về việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, dạy nghề, an toàn vệ sinh lao động, các quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

b) Theo dõi tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, phối hợp với các ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các nội dung như hợp đồng lao động, sử dụng lao động, chính sách tiền lương, tiền thưởng, an toàn và vệ sinh lao động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tại nơi làm việc, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp có sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

c) Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, dạy nghề, quan hệ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; chỉ đạo, hướng dẫn quy trình, thủ tục tuyển chọn hòa giải viên lao động, giải quyết kịp thời các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, không để xảy ra tranh chấp lao động kéo dài, nguy cơ dẫn đến lãn công, đình công.

2. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia, đảm bảo cho người lao động tiếp cận được đầy đủ thông tin về chính sách bảo hiểm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu, lộ trình thực hiện bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động, bảo hiểm y tế toàn dân.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo đối với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về tình hình thực hiện sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

4. Sở Y tế: Phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của việc đảm bảo chất dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm; phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; cảnh báo các vấn đề ngộ độc thực phẩm cho các doanh nghiệp. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất,... có tổ chức bếp ăn tập thể cho người lao động.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế: Tăng cường tuyên truyền phổ biến các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, bảo đảm thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để người sử dụng lao động và người lao động nắm bắt và thực hiện đúng quy định.

6. Công an tỉnh: Chủ động nắm tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động lợi dụng đình công để kích động, lôi kéo người đình công bất hợp pháp, làm thất bại các âm mưu của kẻ xấu lợi dụng đình công, lãn công để tác động gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

7. Ban Quản lý Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh:

a) Tăng cường công tác quản lý hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ quản lý lao động đối với các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế - Công nghiệp trên địa bàn tỉnh; bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, giải quyết tranh chấp lao động, đình công theo quy định của pháp luật về lao động.

b) Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh về quy hoạch xây dựng nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao cho người lao động tại các Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp theo Nghị định 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ.

8. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

Chủ động nắm bắt các vấn đề nảy sinh trong hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã có liên quan đến vấn đề quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại tại nơi làm việc, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc và chất lượng bữa ăn ca cho người lao động. Triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực nâng cao năng lực cho hiệp hội doanh nghiệp thực hiện tốt chức năng đại diện người sử dụng lao động để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển quan hệ lao động.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

Tích cực phối hợp với công đoàn cùng cấp, các ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động đến với người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên địa bàn; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã... có sử dụng lao động tại địa bàn; chỉ đạo doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; đưa nội dung đảm bảo chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động vào thỏa ước lao động tập thể để thương lượng, ký kết.

10. Các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:

a) Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tuyển lao động, hợp đồng lao động, trả lương, thưởng, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trích nộp kinh phí công đoàn và thực hiện các chế độ, nghĩa vụ khác theo quy định. Thực hiện nghiêm túc các quy định về xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện đúng quy định; gửi Thỏa ước lao động tập thể và đăng ký Nội quy lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị chức năng theo quy định.

b) Nghiêm túc thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Phối hợp với công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (đối với nơi chưa có tổ chức công đoàn) định kỳ tiến hành đối thoại tại nơi làm việc; thực hiện việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, xây dựng Nội quy lao động doanh nghiệp theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định.

c) Hỗ trợ tạo điều kiện thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ; phối hợp với các tổ chức đoàn thể và các cơ quan chức năng liên quan chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, giải quyết các tranh chấp lao động ngay tại doanh nghiệp khi mới phát sinh theo đúng quy định.

11. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh:

a) Tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn đến người lao động trong các doanh nghiệp. Triển khai chương trình nâng cao chất lượng, thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nghị quyết số 07c/NQ-BCH ngày 25/02/2016 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca của người lao động.

b) Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho người lao động; chủ động thực hiện đối thoại tại nơi làm việc và phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Triển khai các hoạt động nâng cao trình độ học vấn, ý thức chấp hành pháp luật và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.

c) Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố Huế, công đoàn ngành, công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh phối hợp cùng các doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển đoàn viên tại các doanh nghiệp.

d) Thực hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại Khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn.

12. Đối với người lao động:

- Chủ động tìm hiểu để nắm rõ những quy định của pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động, tích cực tham gia xây dựng và củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; chấp hành nghiêm những điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, nâng cao trách nhiệm phối hợp với người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

13. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên Đoàn Lao động tỉnh theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/11 hàng năm./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động TBXH;
- Tổng LĐLĐ Việt Nam;
- TT Tỉnh ủy;
- CT, các Phó CT UBND tỉnh;
- Các đơn vị nêu tại Chỉ thị;
- CVP, PCVP UBND tỉnh KGVX;
- Lưu VT, TH, XH.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2017 tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật lao động, công đoàn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 14/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản