THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 205-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 1972 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO VỆ TÍNH MẠNG, CỦA CẢI CỦA NHÂN DÂN, TÀI SẢN CỦA TẬP THỂ VÀ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG TRƯỜNG HỢP THIÊN TAI, ĐỊCH HỌA LÀM VỠ ĐÊ, GÂY RA LŨ, LỤT
Việc bảo vệ tính mạng, của cải của nhân dân, tài sản của tập thể và của Nhà nước đã được nêu trong các chỉ thị số 46-TTg ngày 25-2-1972, số 147-TTg ngày 17-5-1972, hiện nay các địa phương, các ngành đang tích cực thực hiện.
Nay đã sắp đến mùa lụt, bão, địch đánh phá đê điều ngày càng ác liệt hơn. Để đối phó với lũ, bão lớn gây nên tình huống xấu và đề phòng địch đánh vỡ đê gây nên lũ, lụt, kể cả lúc nước còn ở mức thấp, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Ủy ban hành chính các cấp, nhất là ở những vùng có đê, vùng thấp, trũng, các vùng phân lũ, chứa lũ, tiến hành những việc cần kíp sau đây:
1. Phải chăm lo giữ gìn của cải của nhân dân, tài sản của tập thể và của Nhà nước. Kiểm tra, đôn đốc từng gia đình, từng hợp tác xã nông nghiệp, từng công trường, nhà máy, v.v… thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ tài sản, của cải của mình, không được để ẩm ướt, hư hỏng hoặc mất mát. Tùy theo tính chất của mỗi loại của cải, hàng hóa khác nhau và địa hình ở mỗi nơi để có biện pháp xử lý thích hợp như: kê kích, tôn cao, đắp đê khoanh vùng hoặc di chuyển đi nơi khác v.v… đặc biệt đối với các chất độc hại dễ hòa tan trong nước, các chất cháy, chất nổ phải đưa đến nơi an toàn. Các loại tư liệu sản xuất thiết yếu trong nông nghiệp như hạt giống cây trồng, trâu bò cày kéo và sinh sản, máy móc thiết bị khác, lương thực cho người, thức ăn gia súc, phân bón, v.v… phải có biện pháp bảo vệ chu đáo. Đi đôi với phòng, chống lũ, lụt, không được coi nhẹ việc phòng, chống bão, nhất là đối với kho tàng, nhà cửa, thuyền bè, cây cối… Phải giáo dục cán bộ và nhân dân ý thức tự giữ gìn của cải của mình và bảo vệ của công, động viên nhân dân thu nhặt những tài sản từ nơi khác trôi dạt về địa phương, trả lại cho nơi mất. Khi có lũ lụt, bão xẩy ra, các địa phương phải dựa vào lực lượng công an và dân quân tự vệ tổ chức canh gác, tuần tra, phát hiện kịp thời những vụ hư hỏng, mất mát, nghiêm trị những kẻ lợi dụng lúc lũ lụt đầu cơ, ăn cắp của cải của nhân dân, của tập thể và của Nhà nước.
2. Phải quản lý và sắp xếp tốt lực lượng lao động. Tổ chức thành đội ngũ, phân công trách nhiệm cụ thể như cứu đê, chống lụt, đảm bảo giao thông vận tải, sản xuất và bảo vệ sản xuất, phòng không sơ tán, trật tự trị an trong thôn xóm v.v… Mỗi gia đình, mỗi hợp tác xã và cơ quan, xí nghiệp cho đến những người trực tiếp làm công tác hộ đê, chống lụt v.v… đều phải chuẩn bị sẵn sàng thuyền, bè, mảng, phao bơi để tự cứu khi xẩy ra lũ, lụt, đặc biệt đối với người già, người bệnh và trẻ em phải có kế hoạch chủ động di chuyển trước đến chỗ an toàn. Khi xẩy ra lũ, lụt, bão các nơi sẽ gặp nhiều khó khăn trong đời sống, do đó mỗi gia đình, mỗi hợp tác xã và cơ quan, xí nghiệp… đều phải có kế hoạch để tự giải quyết đời sống của mình khi có lũ lụt, bão, như dự trữ lương thực và thực phẩm bố trí nơi tạm trú, chuẩn bị phương tiện đi lại, tổ chức vệ sinh, phòng bệnh v.v… không được ỷ lại vào Nhà nước. Các ngành ở trung ương như: Nội thương, Lương thực và thực phẩm, Y tế, Công an, Ủy ban Nông nghiệp trung ương v.v... có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và các cơ sở thuộc ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên. Riêng các ngành Nội thương, Lương thực, Y tế phải chuẩn bị để khi có lũ, lụt, bão vẫn có thể bán những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày mà nhân dân không có hoặc không tự giải quyết được, đồng thời phải tổ chức thu mua kịp thời những thứ nhân dân cần bán ra.
3. Về sản xuất nông nghiệp, dù thiên tai hay địch họa, mỗi hợp tác xã nông nghiệp, mỗi nông trường quốc doanh đều phải phấn đấu bảo đảm diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng, bảo đảm số lượng và chất lượng cây trồng, bảo đảm số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm.
Đối với trồng trọt, khi lũ, lụt xẩy ra phải ra sức bảo vệ cây trồng, sau lũ, lụt phải nhanh chóng phục hồi sản xuất như chăm sóc những cây còn lại, gieo cấy những cây còn thời vụ hoặc chuyển hướng canh tác phù hợp với tính chất đất đai, thời tiết, khí hậu của từng vùng.
Đối với chăn nuôi phải có biện pháp bảo vệ tốt đàn gia súc và gia cầm, đặc biệt đối với trâu, bò cày kéo và gia súc, gia cầm sinh sản của nông trường, hợp tác xã và gia đình xã viên, chuẩn bị sẵn địa điểm an toàn và nơi chăn dắt trâu bò. Không để trâu bò ngâm mình dưới nước hoặc bị nước cuốn trôi. Phải dự trữ đủ thức ăn cho từng loại gia súc, gia cầm, không để thiếu ăn hoặc chết đói, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh phát sinh, chống lạm sát gia súc khi xảy ra lũ, lụt.
Bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của tập thể và của Nhà nước là nhiệm vụ của mỗi cấp chính quyền và của mỗi người dân. Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm tổ chức, động viên nhân dân làm tốt công tác này, quyết thắng thiên tai, địch họa, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 205-TTg năm 1972 về bảo vệ tính mạng, của cải của nhân dân, tài sản của tập thể và của Nhà nước trong trường hợp thiên tai, địch họa làm vỡ đê, gây ra lũ, lụt do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 205-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 17/07/1972
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Đỗ Mười
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 01/08/1972
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định