Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 138-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 1974 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BẢO VỆ TÍNH MẠNG, CỦA CẢI CỦA NHÂN DÂN, TÀI SẢN TẬP THỂ VÀ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG MÙA LỤT BÃO

Lụt bão hàng năm xảy ra thường xuyên; đặc biệt mấy năm gần đây liên tiếp xảy ra bão to, lụt lớn; cán bộ và nhân dân ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, chống nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, có nơi, có lúc do chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

Năm nay tuy chưa đến mùa lụt, bão nhưng đã xảy ra mưa đá, gió lốc, gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân ở một số địa phương.

Nay đã sắp bước vào mùa bão, lụt, chủ động để đối phó với với lụt, bão lớn, gây tình huống xấu, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Ủy ban hành chính các cấp và các ngành khẩn trương thực hiện những việc sau đây:

1. Phải chuẩn bị mọi điều kiện để đảm bảo đến an toàn tính mạng và chăm lo đời sống cho nhân dân khi xảy ra lụt, bão. Chú ý giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình bộ đội, những người neo đơn, ốm đau, già cả, trẻ em v.v…

Khi xả ra lụt, bão khó có thể tránh khỏi khó khăn trong sinh hoạt và đời sống nếu không có chuẩn bị trước, do đó mỗi gia đình, mỗi hợp tác xã, cơ quan, xí nghiệp … phải có kế hoạch để tự giải quyết điều kiện việc làm và đời sống của minh như: dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt, vật liệu, che mưa, che nắng, phương tiện đi lại, vệ sinh, phòng bệnh, v.v… Phải tích cực hướng dẫn nhân dân tinh thần tự lực cánh sinh và tương trợ giúp đỡ nhau giải quyết đời sống, chằng chống nhà cửa, cất giấu, di chuyển của cải v.v… dự trữ nơi tạm trú cho những người già, người bệnh và trẻ em khi xảy ra lụt bão.

Phải chuẩn bị sẵn phương tiện cứu người, cứu tài sản, đặc biệt đối với những người hoạt động trên sông nước phải có đủ phương tiện bảo đảm an toàn.

Các ngành trung ương như: nội thương, lương thực và thực phẩm, y tế v.v… có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và các cơ sở thuộc ngành mình thực hiện tốt công việc nói trên. Riêng ngành nội thương, lương thực và thực phẩm, y tế phải chuẩn bị trước và có thể bán theo định lượng một số mặt hàng thiết yếu cho nhân dân như muối ăn, chất đốt, …và tổ chức tốt mạng lưới phục vụ để khi có lụt bão vẫn có thể bán cho nhân dân được, đồng thời phải tổ chức thu mua kịp thời những mặt hàng nhân dân cần bán ra.

2. Bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản tập thể và của cải của nhân dân.

Căn cứ vào quyền hạn và phạm vi trách nhiệm của mình mỗi ngành, mỗi cấp phải tổ chức kiểm tra, có biện pháp bảo vệ thích đáng tài sản của Nhà nước, của tập thể và nhân dân trong mùa bão lụt.

Đối với kho tàng, nhà cửa, trường học v.v… nếu xét không đảm bảo an toàn trong khi có mưa, bão, phải có biện pháp tu sữa, chằng chống vững chắc, đặc biệt chú trọng các cơ sở của tập thể và của Nhà nước, đồng thời phải bố trí lực lượng và phương tiện để ứng phó khi xảy ra lụt, bão.

Đối với vật tư và tài sản: tất cả các loại vật tư và tài sản của Nhà nước, của tập thể và của gia đình đều phải được bảo vệ triệt để, không được để hư hỏng, mất mát khi có lụt, bão. Những loại vật tư tài sản để ở ngoài bãi sông, bến cảng, nơi trũng thấp hoặc nơi đê kè, cống xung yếu, ở vùng phân lũ… hàng năm thường xuyên bị bão uy hiếp đều phải có biện pháp di chuyển vào trong đồng, kê kích, che đậy hoặc đắp đê bao xung quanh. Những tài sản quý, hiếm, hoặc các chất độc hại dễ hòa tan trong nước, chất nổ… phải được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đi đôi với các biện pháp nói trên phải bố trí lực lượng, phương tiện ứng cứu đề phòng mọi bất trắc khi có lụt bão. Những loại vật tư, tài sản phải để ở ven sông bến bãi như các be tre, nứa, gỗ phải kìm giữ vững chắc không để tan vỡ hoặc cuốn trôi khi có lũ, bão gây ra nguy hại cho đê kè, cống. Những vật tư, hàng hóa đang trên đường vận chuyển như tầu, thuyền. đều phải có kế hoạch và phương tiện phòng, chống và phải theo dõi sát tin thời tiết để khi giữa đường xảy ra lũ, bão có thể kịp thời tìm thấy nơi ẩn tránh an toàn.

Đối với những công trình đang xây dựng dở dang phải bố trí thi công dứt điểm những bộ phận có thể làm được trước mùa lũ, bão, đồng thời phải có kế hoạch cụ thể, đồng thời phải có kế hoạch cụ thể, phân công từng đơn vị, từng người bảo vệ công trình, giữ gìn vật tư khi có lũ, bão.

Từng đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã phải có kế hoạch bảo vệ tài liệu, hồ sơ của mình. Những tài sản, hồ sơ quý, hồ sơ lưu trữ phải được chuyển tới nơi an toàn. Hồ sơ, tài liệu làm việc hàng ngày phải giao cho cá nhân sử dụng và chịu trách nhiệm bảo quản.

Các công, nông, lâm trường, xí nghiệp phải có kế hoạch dự trữ nguyên, nhiên vật liệu không được để phải ngừng sản xuất vì không cung ứng được khi có lụt, bão.

Công tác trật tự trị an càng phải được tăng cường trên cơ sở tổ chức lực lượng tự vệ trong các cơ quan, công trường, xí nghiệp, đường phố và các thôn xóm, phối hợp với công an để tuần tra canh gác, đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, kịp thời ngăn chặn và trừng trị những phần tử lưu manh trộm cắp.

3. Khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất. Đề khắc phục hậu quả sau lụt, bão, nhanh chóng ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, Ủy ban hành chính các cấp và các ngành phải có kế hoạch và lực lượng dự trữ để sau lụt, bão, kịp thời cung ứng cho nhu cầu cấp bách như: vật liệu sửa chữa nhà cửa và kho tàng …; lương thực thực phẩm, dùng cụ sinh hoạt, dụng cụ sản xuất v.v...

Các cấp chính quyền địa phương phải kịp thời tổ chức, vận động nhân dân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khắc phục hậu quả và vận dụng thực hiện các chính sách trợ giúp của Nhà nước đã ban hành như chính sách đối với vùng phân lũ, chính sách cứu tế đối với những gia đình gặp khó khăn, thiếu đói, không tự giải quyết được.

Phải tổ chức chăm sớc sức khỏe cho nhân dân như khám bệnh, chữa bệnh, vệ sinh phòng dịch …

Việc phục hồi các công trình sản xuất, công trình công cộng như trường học, bệnh xá, trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất phải được ưu tiên giải quyết trước.

Về sản xuất nông nghiệp: phải tập trung sức chống úng bằng mọi biện pháp, kịp thời chăm sóc những cây còn lại, gieo cấy những cây con thời vụ hoặc hướng canh tác cho phù hợp với tính chất đất đai và thời tiết khí hậu từng vùng.

Đối với chăn nuôi: phải phục hồi kịp thời đàn gia súc, gia cầm, không để thiếu ăn, chết đói, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch phát sinh và chống lạm sát.

4. Trong mùa bão lụt, các ngành giao thông, thủy lợi, điện, bưu điện, v.v… phải tổ chức thường trực để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết như đảm bảo giao thông vận tải, thông tin liên lạc, ngăn ngừa tai nạn có thể xảy xa như vỡ đê, ngập lụt hoặc gió bão làm đổ cây, sập nhà, dây điện đứt v.v… Đối với đường dây cao thế và điện trong các thành phố phải có biện pháp phòng, chống sét, phòng chống đổ gẫy cột, đứt dây và phải kịp thời sửa chữa để nhanh chóng đưa điện vào phục vụ sản xuất và đời sống.

Công tác bảo vệ hậu phương, phòng, chống, lụt, bão là công tác hết sức quan trọng nhưng cũng rất phức tạp và thật khẩn trương Ủy ban hành chính các cấp và các ngành phải thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để chỉ đạo thật chặt chẽ vì nếu không chuẩn bị tốt thì không thể tránh khỏi được thiệt hại lớn khi có lụt báo xảy xa, nhưng khi tiến hành công tác chuẩn bị lại phải thấy hết khó khăn về vật tư trong tình hình hiện nay mà đề cao ý thức tiết kiệm và phát huy triệt để tinh thần tự lực cánh sinh, tận dụng khả năng nhân tài vật lực tại chỗ của mỗi địa phương và đơn vị mình. Các ngành quản lý, phân phối vật tư phải cố gắng chuẩn bị và giải quyết một số nhu cầu cần thiết không có không được cho các nghành và các địa phương theo chỉ tiêu kế hoạch hoặc cho nhu cầu đột xuất.

Trên đây là một số vấn đề có tính chất chung, mỗi ngành, mổi địa phương, nhất là những nơi mấy năm qua bị bão lụt nhiều cần liên hệ, bổ sung cho đầy đủ, khắc phục những mặt còn yếu, kém, đảm bảo hoàn thành tốt công tác chuẩn bị bảo vệ hậu phương, chống lụt, bão năm nay.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Đỗ Mười

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 138-TTg năm 1974 về việc bảo vệ tính mạng, của cải của nhân dân, tài sản tập thể và của Nhà nước trong mùa lụt bão do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 138-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/05/1974
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 12/06/1974
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản