Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2003/CT-UB | Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Thời gian qua, vận tải khách công cộng trên địa bàn Thành phố đã có chuyển biến lớn, vận chuyển khách công cộng bằng xe Buýt đã được Thành phố đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo về tổ chức bộ máy, về tổ chức giao thông, đầu tư và đổi mới phương tiện, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, từng bước tạo được uy tín, niềm tin của nhân dân, góp phần giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.
Vận chuyển khách bằng xe Taxi đã từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân và khách du lịch, làm cho bộ mặt thủ đô ngày càng văn minh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục, xe Buýt còn có hiện tượng bỏ điểm dừng đón trả khách, dừng đỗ xe không đúng quy định, gây nguy hiểm cho các phương tiện và người tham gia giao thông, một số phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn về kỹ, mỹ thuật; xe Taxi, còn nhiều hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, dừng đỗ tùy tiện gây cản trở giao thông, lái xe không đủ tuổi, không được khám sức khỏe định kỳ, không có chứng chỉ hành nghề theo quy định, phương tiện còn cũ nát, không tuân thủ các quy định bên ngoài xe, đồng hồ tính tiền còn chưa được kiểm định đầy đủ, đúng thời hạn.; Còn nhiều Taxi “dù” họat động do không có đăng ký kinh doanh hoặc không đủ điều kiện kinh doanh Taxi theo quy định của pháp luật.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Nghị quyết số 34/2003/NQ-HĐ ngày 13/2/2003 của HĐND Thành phố khóa XII kỳ họp thứ 8 và tăng cường trật tự, kỷ cương về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố Chỉ thị:
1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải công cộng có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, các điều kiện kinh doanh vận tải quy định tại Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11/12/2001 của Chính phủ và các Quy định của Bộ Giao thông Vận tải, kiểm tra chất lượng phương tiện của mình đảm bảo đúng quy định về niên hạn sử dụng, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Cụ thể là:
-Các đơn vị vận tải hành khách bằng xe Buýt: Phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện các nội dung phục vụ của xe buýt, đảm bảo xuất bến đúng giờ, chạy đúng lộ trình, đón trả khách đúng quy định, không phóng nhanh giành đường, không dùng còi hơi trong thành phố, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; Thực hiện nghiêm túc chế độ bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về kỹ thuật trước khi đưa xe ra phục vụ.
-Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách bằng Taxi, phải tuân thủ các quy định về niên hạn sử dụng của xe không quá 12 năm, hình thức của xe Taxi (hộp đèn, biểu trưng, số điện thoại ...), kiểm định đồng hồ tính tiền, đăng ký và niêm yết giá cước, tuyển chọn lái xe, đào tạo và khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo đúng các quy định; Có trách nhiệm thực hiện tốt công tác bảo dưỡng sửa chữa và kiểm tra an toàn trước khi đưa xe ra họat động.
2. Sở Giao thông công chính có trách nhiệm phối hợp với sở Văn hóa thông tin, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các điều kiện kinh doanh vận tải đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh vận tải khách trên địa bàn thành phố; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định cho công tác xã hội hóa vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố, trình UBND Thành phố phê duyệt để tổ chức thực hiện trong quý II/2003; Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và Cục Thuế Hà Nội tiến hành kiểm tra, họat động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng Taxi, xử lý kiên quyết những trường hợp sai phạm, xử lý các hiện tượng tranh giành khách, đậu đỗ xe không đúng quy định, xe và người lái không đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 4126/2001/QĐ-BGTVT ngày 5/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Tổ chức kiểm tra và giải tỏa các bến “dù”, xe chạy vòng vo đón trả khách sai quy định, cương quyết xử lý, không cho phép lưu hành các phương tiện vận tải hành khách không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, về niên hạn sử dụng phương tiện, về tiêu chuẩn của lái xe, luồng tuyến họat động, sổ nhật trình chạy xe, phù hiệu “Xe Hợp đồng”, bên ngoài xe phải có tên, địa chỉ đơn vị theo quy định...
-Khi tiến hành đầu tư, mua sắm các xe mới cần chú ý trong việc tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, quy chế đấu thầu, tổ chức nghiệm thu, tiếp nhận phương tiện theo đúng các quy trình, đặc biệt chú ý việc đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng phương tiện theo đúng nội dung hồ sơ thầu và hợp đồng thực hiện gói thầu.
3. Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Công chính điều tra, xử lý nghiêm minh những trường hợp xe vi phạm, ban hành, tiêu thụ và sử dụng vé tháng xe Buýt giả theo quy định của Pháp luật; áp dụng những biện pháp tích cực ngăn chặn tội phạm hình sự trên các phương tiện giao thông công cộng, bảo đảm trật tự an toàn trong họat động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.
4. UBND các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Công chính và Công an Thành phố xử lý các bến “dù”, bến “cóc” họat động trả đón khách trái phép trên địa bàn.
5. Nhân dân Thủ đô với truyền thống ngàn năm văn hiến, văn minh, thanh lịch khi tham gia giao thông, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cần nêu cao ý thức tự giác chấp hành tốt các quy định của Pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; chấp hành tốt các quy định khi đi xe buýt, tự giác mua vé và sử dụng vé theo đúng quy định, phát hiện kịp thời những đối tượng dùng vé giả, hoặc những đối tượng trộm cắp, lừa đảo trên phương tiện giao thông công cộng, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý.
- UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị này; giao Giám đốc Sở Giao thông Công chính Hà Nội thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện định kỳ báo cáo kết quả về UBND Thành phố.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
|
- 1Chỉ thị 20/2002/CT-UB thực hiện Nghị định 92/2001/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Nghị quyết số 34/2003/NQ-HĐ về một số giải pháp và cơ chế, chính sách để kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm tai nạn giao thông và ùn tắc trên địa bàn thành phố Hà nội. Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hà Nội- khóa XII (Kỳ họp thứ 8, từ ngày 11 đến 13 tháng 2 năm 2003) do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 3Nghị định 92/2001/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô
- 4Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Chính phủ ban hành
Chỉ thị 18/2003/CT-UB về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ vận tải khách công cộng trên địa bàn Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- Số hiệu: 18/2003/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 23/05/2003
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Đỗ Hoàng Ân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra