Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2002/CT-UB

Cần Thơ, ngày 16 tháng 10 năm 2002

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ

Những năm gần đây, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa (gọi chung là di tích) và hoạt động của Nhà truyền thống, hệ thống Bảo tàng trên địa bàn tỉnh Cần Thơ được các ngành, các cấp quan tâm; chủ trương "Xã hội hoá" các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, "Nhà nước và nhân dân cùng làm" ngày càng được đẩy mạnh thực hiện, thông qua các hoạt động tu bổ, đóng góp hiện vật trưng bày; đã thu hút được nhiều lượt khách trong và ngoài tỉnh, khách nước ngoài đến tham quan, đặc biệt là lực lượng thanh, thiếu niên và học sinh đến kết hợp tham quan di tích với sinh hoạt truyền thống, ... đã góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước; giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào dân tộc; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phổ biến khoa học, nghệ thuật và tham quan du lịch; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hoá của nhân dân; từng bước trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, các cơ sở giáo dục truyền thống, bảo tàng còn thiếu thường xuyên, chưa tương xứng với giá trị các di tích và nhà truyền thống; sự phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành, đoàn thể với chính quyền các cấp từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ trong việc tổ chức khai thác, sử dụng các di tích.

Để bảo vệ và phát huy có hiệu quả các di tích, các cơ sở giáo dục truyền thống, bảo tàng và kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý các di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh Chỉ thị như sau:

1/- Tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân trên địa bàn tỉnh Cần Thơ đều phải có trách nhiệm bảo vệ, sử dụng và phát huy có hiệu quả các di tích và các cơ sở giáo dục truyền thống, hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh.

2/- Các Sở, Ban, ngành phối hợp với UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh, các địa phương có kế hoạch thường xuyên và định kỳ tổ chức cho cán bộ, công chức, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên... đến tham quan, sinh hoạt lễ, hội, cắm trại, "về nguồn",... tại các di tích, cơ sở giáo dục truyền thống và bảo tàng kết hợp với tìm hiểu lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sở Du lịch cùng với Sở Văn hóa - Thông tin xây dựng hình thức giới thiệu các di tích của tỉnh trên mạng thông tin hoặc bằng những hình ảnh để giới thiệu, quảng bá rộng rãi trong cả nước và nước ngoài nhằm thu hút nhiều du khách đến tham quan.

3/- Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tổ chức và chỉ đạo việc bảo vệ, tôn tạo, sử dụng và quản lý các di tích, các cơ sở giáo dục truyền thống, thuộc địa phương mình trừ những di tích do Sở Văn hóa - Thông tin quản lý; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và sử dụng các di tích thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các di tích, các cơ sở giáo dục truyền thống để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn các địa phương thành lập Ban quản lý di tích tại địa phương, xây dựng nội qui, qui chế hoạt động cho từng khu di tích, tăng cường đầu tư kinh phí và cán bộ cho các di tích, cơ sở giáo dục truyền thống để tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và khai thác, sử dụng, phát huy có hiệu quả các giá trị di tích, nhất là trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lịch sử.

4/- UBND các cấp phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin quản lý và phát huy tốt các di tích, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm,... tự nguyện đóng góp hiện vật trưng bày, tham gia vào việc bảo quản, tu bổ, chống xuống cấp và sử dụng có hiệu quả các di tích, các cơ sở giáo dục truyền thống trên địa bàn. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trongviệc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích.

 

Giao Giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin tổ chức triển khai nội dung Chỉ thị này, quá trình thực hiện tổ chức sơ, tổng kết, có khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh
- Các Sở, ban ngành tỉnh
- UBMTTQ và Đoàn thể tỉnh
- Cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh
- UBND TP Cần Thơ, TX Vị Thanh và các huyện.
- Các cơ quan Báo, Đài.
- Lưu VP (LT,NCTH )

TM. UBND TỈNH CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phong Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/2002/CT-UB tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa và cơ sở giáo dục truyền thống trên địa bàn tỉnh Cần Thơ

  • Số hiệu: 18/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/10/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Phong Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/10/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 16/06/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản