Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 30 tháng 08 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2017 - 2018 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT ngày 08/8/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 của ngành Giáo dục; căn cứ Nghị quyết của Đảng, các văn bản của Nhà nước về giáo dục và đào tạo; căn cứ tình hình thực tế giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 như sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

Tiếp tục xây dựng kỷ cương, nề nếp trong ngành giáo dục và đào tạo; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, hạn chế hiện tượng bạo lực học đường, học sinh, sinh viên không tuân thủ pháp luật; nâng cao năng lực, đẩy mạnh thực hiện kỷ cương công vụ, đạo đức nhà giáo; tăng cường đầu tư các điều kiện đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, trình độ đào tạo phục vụ nhu cầu học tập của xã hội và đào tạo nhân lực của địa phương.

II. CÁC NHÓM NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo

Phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư, vùng nông thôn. Mở rộng quy mô lớp học, khắc phục tình trạng lớp học ca ba, lớp học có số học sinh vượt mức quy định ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Phát triển quy mô mở rộng các ngành đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực của địa phương. Tạo điều kiện để nhà đầu tư cùng với nhà nước phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ngoài công lập; tiếp tục triển khai thực hiện định hướng phát triển trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2022.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

a) Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 7533/KH-UBND ngày 23/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức, tổ chức dạy học kiểm tra đánh giá trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

b) Tổ chức đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên đã được điều chuyển dạy học tiểu học không dùng trình độ đào tạo sư phạm theo cấp học; tuyển dụng, sử dụng hợp lý, từng bước khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ; chú trọng bồi dưỡng năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý giáo dục.

3. Đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông

a) Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 147/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2015 - 2020, đảm bảo các điều kiện để tăng cường huy động trẻ ra lớp, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; Kế hoạch số 8332/KH-UBND ngày 14/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, điều chỉnh nội dung, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới; Kế hoạch số 3111/KH-UBND ngày 24/4/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các đề án thành phần, nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

b) Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 1963/KH-UBND ngày 18/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020; Kế hoạch số 4856/KH-UBND ngày 13/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 01/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong trường học.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 63-KH/TU ngày 10/4/2012 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo

Tập trung thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện các định dạng đề thi, quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; chú trọng thực hành trong quá trình dạy học ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên; đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học ngoại ngữ; thực hiện công tác khảo thí ngoại ngữ đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng.

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.

b) Tập trung xây dựng hệ thống thông tin kết nối liên thông giữa cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và đào tạo toàn tỉnh; tổ chức hội nghị trực tuyến, tập huấn qua mạng; sử dụng sổ sách điện tử trong quản lý; triển khai mô hình giáo dục điện tử, lớp học, trường học thông minh; áp dụng mạnh mẽ phương pháp học trực tuyến (e-learning), kết hợp giữa phương pháp học truyền thống với học trực tuyến (blended learning).

6. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo

Tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý, điều hành các hoạt động của đơn vị; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo. Công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, các hoạt động cơ bản của trường đại học, tỷ lệ sinh viên có việc làm và các thông tin khác theo quy định để người học lựa chọn và các bên liên quan cùng giám sát.

7. Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo

a) Triển khai thực hiện đề án, chương trình thúc đẩy hội nhập quốc tế để có yếu tố hội nhập ở các cấp học với các mức độ khác nhau. Tiếp tục thí điểm áp dụng các mô hình, chương trình, giáo trình và phương thức dạy học, kiểm tra, đánh giá của các nước có nền giáo dục tiên tiến; tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học.

b) Các trường đại học chủ động và tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, liên thông chương trình, đồng cấp bằng với các trường đại học được kiểm định của nước ngoài; phát triển các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý với các trường đại học nước ngoài; tham gia phát triển không gian giáo dục Việt Nam, kết nối với ASEAN và thế giới.

8. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo

a) Thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực của nhà nước và xã hội đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, các trường trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia, duy trì kết quả đã đạt chuẩn; mở rộng quy mô lớp học để giảm sĩ số ở khu vực có nhiều áp lực huy động học sinh.

b) Tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

a) Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 3164/KH-UBND ngày 25/4/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; phát triển, nâng cao chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tạo động lực bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông để đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

b) Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 4698/QĐ-UBND ngày 30/12/2016; đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, hợp lý về cơ cấu.

c) Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường lao động, ưu tiên đào tạo những ngành thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng cao; chú trọng công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên. Tăng cường liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín trên thế giới, đào tạo những ngành mà trường đối tác có thế mạnh và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; hợp tác với doanh nghiệp trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sử dụng lao động sau đào tạo.

III. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CƠ BẢN

1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo

Rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo phù hợp với thực tiễn Triển khai thực hiện Kế hoạch số 6708/KH-UBND ngày 11/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021. Thực hiện chặt chẽ cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng,

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp

Triển khai thực hiện Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND ngày 07/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thực hiện quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn các chức danh quản lý, phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành; tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ quản lý giáo dục.

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo

a) Tiếp tục bố trí hợp lý chi ngân sách đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tập trung giải quyết các khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ, chính sách của học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục.

b) Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 3866/QĐ-UBND ngày 05/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án phát triển xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tăng cường xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo, chăm lo, giáo dục học sinh sinh viên tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng các trường tư thục.

4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo

Tăng cường phối hợp, tập trung truyền thông các hoạt động đổi mới của ngành nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia đánh giá, phản biện của xã hội. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông; chủ động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các chỉ đạo của ngành, giám sát kiểm tra và có chế tài thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tình hình trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trong phạm vi phân cấp quản lý thực hiện nhiệm vụ năm học; kịp thời tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học; tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị này gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sau học kỳ I và cuối năm học 2017-2018.

2. Các Sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ có liên quan trong Chỉ thị này.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa căn cứ Chỉ thị này và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 trên địa bàn.

4. Hiệu trưởng các trường Đại học trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng Kế hoạch năm học 2017 - 2018, cụ thể hóa các nhiệm vụ trên đây và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện báo cáo định kỳ gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

5. Cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục đại học quán triệt thực hiện Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các cơ sở giáo dục đại học kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- Các tổ chức, đoàn thể tỉnh;
- Các trường: ĐH Đồng Nai, ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Công nghệ Miền Đông;
- Báo Đồng Nai, Đài PTTH Đồng Nai;
- UBND các huyện, TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa;
- Chánh, Phó Chánh Văn phòng VX;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hòa HIệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2017 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành giáo dục và đào tạo do tỉnh Đồng Nai ban hành

  • Số hiệu: 14/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/08/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Hòa Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản