Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND | Khánh Hòa, ngày 30 tháng 8 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2017 - 2018 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH KHÁNH HÒA
Năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa có nhiều nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Công tác quản lý không ngừng được đổi mới. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được củng cố, kiện toàn. Mạng lưới trường, lớp được điều chỉnh hợp lý, trang thiết bị dạy học được tiếp tục đầu tư. Quy mô học sinh ổn định, công tác phổ cập giáo dục được giữ vững, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt kết quả cao, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững. Năm học 2017 - 2018, bên cạnh việc triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT ngày 08/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 của ngành giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 24/4/2014 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 5369/KH-UBND ngày 04/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị toàn ngành giáo dục và đào tạo quán triệt phương hướng và tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm học 2017 - 2018, cụ thể như sau:
I. Phương hướng chung
Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên. Giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh; chú trọng việc học đi đối với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.
II. Các nhiệm vụ chủ yếu
1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo
Rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 của tỉnh; tăng cường trang bị cơ sở vật chất trường, lớp học; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để thành lập các trường tư thục; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý
Rà soát, quản lý, đánh giá, xếp loại giáo viên, cán bộ quản lý theo các chuẩn; kiên quyết chuyển đổi vị trí công tác đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
3. Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông
Triển khai thực hiện có chất lượng chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non phát triển chương trình giáo dục phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ.
Tiếp tục giao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục phổ thông trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh; điều chỉnh hợp lý nội dung dạy học theo hướng tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, tham mưu các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tốt nhất để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp học sinh phổ thông gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương; các cơ sở giáo dục hướng nghiệp phối hợp với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục hướng nghiệp phù hợp với thực tiễn đời sống.
Bồi dưỡng công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học phổ thông cho đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy tại các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp.
Triển khai và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 3628/QĐ-UBND ngày 15/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, dân chủ, kỷ cương.
4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo
Triển khai có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
Đa dạng hóa các chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học tập ngoại ngữ của học sinh và mọi tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm.
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục
Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học; tăng cường việc sử dụng sổ điện tử, quản lý hồ sơ chuyên môn, quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, giảm bớt sổ sách không cần thiết cho các thầy, cô giáo phục vụ nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học.
Xây dựng hệ thống thông tin kết nối thông suốt giữa Sở với các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục để trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các chế độ, chính sách.
Xây dựng và đưa vào sử dụng thống nhất toàn ngành các cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và hệ thống phần mềm quản lý trường học, quản lý nhân sự, quản lý điểm,...
6. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo
Các cơ sở giáo dục tăng cường tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch chương trình giáo dục. Tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi,... tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng của học sinh.
Nâng cao năng lực quản trị nhà trường, đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Các cơ sở giáo dục công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, các hoạt động cơ bản của nhà trường và các thông tin khác theo quy định để học sinh, cha mẹ học sinh và mọi người dân cùng giám sát.
7. Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình thúc đẩy hội nhập quốc tế ở các cấp học, ngành học.
8. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo
Thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mở rộng số trường thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, mở rộng quy mô lớp học để giảm sĩ số học sinh ở các khu vực đô thị.
Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 , lộ trình đến năm 2020. Nhanh chóng xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tăng cường cơ sở vật chất cho trẻ 12-36 tháng tuổi từ năm 2018.
Xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng với lộ trình thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
Tập trung phát triển giáo dục và đào tạo gắn với với các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là chương trình phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản, giáo dục chất lượng cao ở cấp phổ thông củng cố và nâng cao năng lực trường trung học phổ thông chuyên.
Tăng cường liên kết với các trường đại học để hợp tác đào tạo trình độ trên chuẩn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên các trường phổ thông và trường trung học phổ thông chuyên.
Đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng trong các hoạt động quản lý; công tác tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên; quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý.
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
III. Các giải pháp cơ bản
1. Đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hết hiệu lực, không còn phù hợp với thực tế, không đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để kiến nghị cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc thay thế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính; đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, đẩy mạnh việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo công khai, minh bạch; xây dựng các tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể gắn với hiệu quả công việc được giao.
2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp
Rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục các cấp giai đoạn 2016 - 2021 và xây dựng quy hoạch giai đoạn 2021 - 2015 tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phong phú và có chất lượng. Thực hiện tốt đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo cán bộ quản lý giáo dục đủ chuẩn khi bổ nhiệm, phù hợp với năng lực của từng cán bộ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành các cơ sở giáo dục.
Thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn; thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp căn cứ năng lực quản lý và đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định; tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ quản lý giáo dục.
3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo
Bố trí hợp lý cho chi đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục, trong đó khuyến khích thành lập các trung tâm ngoại ngữ - tin học, các trường tư thục chất lượng cao.
Tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất mở rộng loại hình trường bán trú, trường dạy học 2 buổi/ngày ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục
Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học.
5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo
Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch truyền thông năm học 2017-2018.
Tập trung tuyên truyền các hoạt động đổi mới của ngành, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia, đánh giá, phản biện mọi tầng lớp nhân dân đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo.
Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình trong việc thông tin, tuyên truyền gương người tốt việc tốt, biểu dương những tấm gương nhà giáo điển hình tiên tiến, các chủ trương và giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm học, phổ biến giáo dục pháp luật và các chỉ đạo về lĩnh vực giáo dục và đào tạo,... để xã hội biết, theo dõi, giám sát và đồng tình ủng hộ.
IV. Tổ chức thực hiện
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về những vấn đề phát sinh.
- Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý cỏ trách nhiệm chủ động triển khai các nội dung nêu trên, cũng như phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này.
- Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về đổi mới và phát triển giáo dục của tỉnh, các gương người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2017 thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng
- 2Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2017 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành giáo dục và đào tạo do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 3Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2017 thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Định
- 4Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2018 thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định
- 1Luật cán bộ, công chức 2008
- 2Luật viên chức 2010
- 3Kế hoạch 5369/KH-UBND năm 2014 thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 4Quyết định 3628/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 5Nghị quyết 52/NQ-CP năm 2016 đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ ban hành
- 6Chỉ thị 2699/CT-BGDĐT năm 2017 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2017 thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng
- 8Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2017 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành giáo dục và đào tạo do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 9Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2017 thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Định
- 10Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2018 thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định
Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2017 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa
- Số hiệu: 17/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 30/08/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Lê Đức Vinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra