Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2014/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 17 tháng 6 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng đi vào nề nếp. Các tổ hòa giải ở cơ sở (gọi tắt là tổ hòa giải) đã được thành lập đều khắp ở các ấp, khu phố và luôn được kiện toàn, củng cố. Chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng lên, đã giải quyết kịp thời nhiều vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm nhỏ trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở được quan tâm thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế nhất định, như: hoạt động của một số tổ hòa giải còn mang tính hình thức; một số tổ hòa giải có thay đổi thành viên nhưng chưa được kiện toàn, củng cố kịp thời; việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên; chế độ hỗ trợ cho các hòa giải viên chưa được quan tâm đúng mức… Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự nhận thức và quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế; một số Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chưa có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong việc kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; kinh phí bố trí cho công tác hòa giải ở một số đơn vị cấp xã chưa được đảm bảo theo quy định. Từ đó, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, tỷ lệ các vụ, việc hòa giải thành còn thấp so với chỉ tiêu hàng năm.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp; nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và tăng cường hơn nữa công tác tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là cấp huyện), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác hòa giải ở cơ sở

a) Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU và các văn bản có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở trong ngành, cấp mình, trong thành viên các tổ hòa giải và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là nhận thức của người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác này, từ đó vận dụng và kết hợp nhiều phương thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân.

b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản có liên quan trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở cũng như việc phối hợp thực hiện quản lý, kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải.

c) Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về hòa giải ở cơ sở, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cấp, các ngành. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp cơ sở trong chỉ đạo, thực hiện việc kiện toàn, củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

2. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản về hòa giải ở cơ sở

a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản có liên quan.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền được giao ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản khác của Trung ương, của tỉnh về công tác hòa giải ở cơ sở.

c) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành văn bản về chính sách, chế độ đãi ngộ đối với hòa giải viên theo quy định của pháp luật.

3. Củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; củng cố đội ngũ cán bộ, công chức quản lý công tác hòa giải ở cơ sở

a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các sở, ngành liên quan hướng dẫn cấp xã thực hiện việc kiện toàn, củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức và tổ viên tổ hòa giải ở cơ sở, nhất là sau khi tổ chức bầu cử Trưởng ấp, khu phố; kiểm tra, hướng dẫn cấp xã trong việc kiện toàn, củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở để đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở cơ sở.

c) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong việc thành lập các tổ hòa giải, công nhận tổ trưởng tổ hòa giải và hòa giải viên của các tổ hòa giải, phải đảm bảo ở mỗi ấp, khu phố trên địa bàn xã, phường, thị trấn có ít nhất một tổ hòa giải để thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động để kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải trên địa bàn.

d) Các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể động viên, khuyến khích những cá nhân có uy tín trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, đội ngũ luật sư, luật gia, những người am hiểu pháp luật, những người có uy tín trong xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

đ) Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hàng năm có kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở. Biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở. Hướng dẫn việc trang bị, củng cố tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, quan tâm xây dựng mô hình tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa, điểm đọc sách tại ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư để các tổ hòa giải, hòa giải viên có điều kiện tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật phục vụ công tác hòa giải, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.

e) Các tổ hòa giải và hòa giải viên khi thực hiện hòa giải phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về phạm vi, nguyên tắc, thủ tục hòa giải. Phát huy vai trò, năng lực, uy tín của hòa giải viên và tổ hòa giải trong việc thuyết phục, vận động các bên thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện nội dung hòa giải thành.

g) Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp huyện kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.

h) Phấn đấu hàng năm trên địa bàn tỉnh có trên 90% số tổ hòa giải hoạt động đạt hiệu quả cao; tỷ lệ hòa giải thành giai đoạn 2014 - 2015 đạt 80% trở lên, giai đoạn 2015 - 2020 đạt từ 90% trở lên; đối với các xã được công nhận xã nông thôn mới tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 90% trở lên.

4. Đảm bảo kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở

a) Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 29 của Luật Hòa giải ở cơ sở, Chương IV Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của cấp Trung ương.

b) Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành và được tổng hợp vào dự toán hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Việc lập dự toán kinh phí chi hỗ trợ cho hoạt động của Tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

c) Kinh phí từ nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện đúng theo sự thỏa thuận với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ trong và ngoài nước và phù hợp với pháp luật Việt Nam.

d) Kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và theo các quy định hiện hành.

5. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, chế độ thông tin, báo cáo, sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở

a) Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện hàng năm có kế hoạch kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phụ trách. Định kỳ tổ chức hội thi Hòa giải viên giỏi trên phạm vi toàn tỉnh.

b) Các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện đúng chế độ thông tin, báo cáo, thống kê về hoạt động hòa giải ở cơ sở theo định kỳ; tổ chức sơ kết, tổng kết công tác hòa giải cơ sở theo quy định. Phát động phong trào thi đua và có biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.

6. Tổ chức thực hiện

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp thực hiện Chỉ thị trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc.

Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi việc thực hiện Chỉ thị. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, các cấp kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Kim Mai

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/2014/CT-UBND tăng cường công tác tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 14/2014/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Kim Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản