Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 30 tháng 06 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA VÀ GIẢM NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Trong những năm qua hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội tiếp tục được hoàn thiện, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, số người tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, quyền lợi của người tham gia được đảm bảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện công tác bảo hiểm xã hội vẫn còn một số hạn chế như: Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, mới chỉ đạt 21,31% lực lượng lao động, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ đạt 19,01% lực lượng lao động; nhận thức của một số người sử dụng lao động, người lao động về pháp luật bảo hiểm xã hội còn hạn chế; tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội chưa cao, tình trạng chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương, thậm chí ở cả đơn vị hành chính sự nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội chưa được thường xuyên, chưa thực hiện nghiêm túc việc khởi kiện các vi phạm pháp luật về nợ đọng bảo hiểm xã hội; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội chưa được quan tâm đúng mức...

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trên 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Căn cứ các nội dung quy định tại Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp và các thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chỉ đạo triển khai thực hiện và chủ động phối hợp với:

a) Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc khai trình, cập nhật tình hình biến động lao động trong doanh nghiệp và chia sẻ cơ sở dữ liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội để tăng cường quản lý lao động tại doanh nghiệp.

b) Các ngành, cơ quan, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó ưu tiên tập trung vào các hoạt động đối thoại chính sách với người lao động, người sử dụng lao động.

c) Bảo hiểm xã hội, Thanh tra tỉnh và các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chi tiêu hằng năm về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các huyện, thị xã, thành phố Huế.

3. Sở Tài chính: Hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc trích nộp và quyết toán kinh phí bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc địa phương quản lý.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan truyền thông có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng và dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là về trách nhiệm và quyền lợi của người sử dụng lao động, người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.

5. UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện:

a) Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp) trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đã đặt ra.

b) Chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan trực thuộc thực hiện các giải pháp quản lý được số doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đang làm việc và số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

c) Xây dựng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tính tuân thủ trong tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, yêu cầu người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ cho người lao động; đóng đầy đủ, kịp thời theo quy định tiền bảo hiểm xã hội đã khấu trừ của người lao động và phân phải trích nộp của người sử dụng lao động. Nghiêm túc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.

d) Phát huy vai trò của chính quyền, đoàn thể địa phương trong đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; đặc biệt tăng cường vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

6. Kho bạc Nhà nước tỉnh: Hướng dẫn và tăng cường kiểm soát chi, việc trích nộp kinh phí bảo hiểm xã hội ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp đúng quy định.

7. Cục Thuế tỉnh: Phối hợp với Bảo hiểm xã hội định kỳ 06 tháng hội ý, trao đổi thông tin các tổ chức, doanh nghiệp mới đăng ký mã số thuế, doanh nghiệp ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh.... để thống nhất xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng và đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội đúng quy định của pháp luật.

8. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

a) Chủ động phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh.

b) Chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND thành phố Huế các thị xã và các huyện xây dựng các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, giảm nợ bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện các giải pháp đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội;

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan truyền thông tuyên truyền đồng bộ và có hiệu quả các hình thức, nội dung tuyên truyền về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội giúp người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội hiểu mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội.

d) Phối hợp với các ngành, thống nhất với Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Nghiêm túc xử lý hành vi vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội.

e) Đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả giao dịch điện tử đối với các hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển đổi tác phong phục vụ cải cách thủ tục hành chính, tham gia đầy đủ, hiệu quả việc nhận, trả hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, huyện theo Đề án của tỉnh; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ bảo đảm việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

h) Mở rộng, hoàn thiện mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện; có giải pháp khuyến khích các địa phương vận động, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Phối hợp hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; tuyên truyền, vận động người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

10. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh: Tổ chức và chỉ đạo Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận, xét xử kịp thời Đơn khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội của tổ chức Công đoàn.

11. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Chỉ đạo tổ chức công đoàn các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, giám sát việc thực thi pháp luật tại các đơn vị, doanh nghiệp; kiên quyết thực hiện khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi cố tình vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

12. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/11 hàng năm./.

 


Nơi nhận:
- BHXH Việt Nam;
- TT Tỉnh ủy (báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, TX và TP Huế;
- CVP, PCVP KGVX;
- Các đơn nêu tại Chỉ thị;
- Lưu: VT, XH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Dung

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2017 về tăng cường phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 13/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản