Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND | Thanh Hóa, ngày 28 tháng 04 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP XỬ LÝ VÀ HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG TRỐN ĐÓNG, NỢ ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Trong thời gian gần đây, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Tính đến ngày 31/3/2017, tổng số tiền nợ là 357,161 tỷ đồng, trong đó có 3.046 doanh nghiệp nợ trên tổng số 4.012 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm 75,92%). Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về BHXH còn hạn chế; một số doanh nghiệp luôn tìm cách trốn đóng BHXH nhằm giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận; một số doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường trong nước và thế giới, sản xuất kinh doanh không hiệu quả; một số doanh nghiệp xây dựng chưa quyết toán được công trình.
Để tăng cường các biện pháp xử lý và hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc quán triệt, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT; bằng nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật BHXH; nỗ lực phấn đấu đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 21-NQ/TW và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, trong đó tập trung vào các hoạt động đối thoại chính sách với người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong việc tham gia và thực hiện chính sách BHXH cho người lao động.
c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong các doanh nghiệp nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài; nhằm rà soát, xác định rõ tình trạng của doanh nghiệp và hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng lộ trình trả nợ cụ thể để giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động; xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH.
d) Thường xuyên đôn đốc phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện theo các quy định của pháp luật.
3. Bảo hiểm Xã hội tỉnh
a) Chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN để đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp tham gia đóng BHXH, BHTN đầy đủ cho người lao động.
b) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH. Công khai các thông tin thu nộp BHXH cho cá nhân người lao động và thực hiện việc trả sổ BHXH kịp thời cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
c) Là cơ quan Thường trực chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp.
d) Hằng quý, thống kê danh sách doanh nghiệp và số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp giải quyết kịp thời chế độ cho người lao động trong các doanh nghiệp khó khăn đã có lộ trình trả nợ cụ thể.
e) Chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp lập hồ sơ khởi kiện ra Tòa án đối với những đơn vị, doanh nghiệp chây ì, nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với cơ quan thi hành án để thực thi bản án có hiệu lực.
g) Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND huyện tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.
h) Tổng hợp báo cáo tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN và đề xuất biện pháp giải quyết đối với người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thu hẹp sản xuất, nguy cơ phá sản, ngừng hoạt động hoặc có chủ bỏ trốn.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên cung cấp thông tin các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại kinh doanh cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh để thực hiện hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật lao động.
5. Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ngành có liên quan cung cấp, kết nối thông tin, dữ liệu liên quan đến đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN.
6. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tăng cường công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH; kiểm tra, đôn đốc khắc phục tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN ở các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; thông báo kịp thời các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, thu hẹp sản xuất, phá sản hoặc chủ bỏ trốn cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.
7. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình có kế hoạch, dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về BHXH.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra liên ngành về thực hiện pháp luật BHXH tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH.
b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với BHXH huyện xác định tình trạng doanh nghiệp (hoạt động, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn) để đề xuất biện pháp kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.
9. Đề nghị Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan Nhà nước, Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHXH tại các doanh nghiệp, cùng với cơ quan Bảo hiểm xã hội tháo gỡ, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN.
10. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo tổ chức công đoàn các cấp giám sát việc thực thi pháp luật tại các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng các buổi đối thoại tại nơi làm việc; thực hiện khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN.
11. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách BHXH.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2015 về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tỉnh Quảng Nam
- 2Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2015 tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 3Quyết định 180/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Quy chế phối hợp công tác thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 4Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2017 về tăng cường phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 5Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 6Công văn 5755/UBND-KGVX năm 2020 về tăng cường thực hiện giải pháp thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 1Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2012 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, y tế giai đoạn 2012 – 2020 do Bộ Chính trị ban hành
- 2Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 3Chỉ thị 05/CT-TTg năm 2015 về tăng cường thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2015 về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tỉnh Quảng Nam
- 5Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2015 tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 6Quyết định 180/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Quy chế phối hợp công tác thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 7Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2017 về tăng cường phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 8Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 9Công văn 5755/UBND-KGVX năm 2020 về tăng cường thực hiện giải pháp thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội
Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2017 về tăng cường giải pháp xử lý và hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Số hiệu: 06/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/04/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Phạm Đăng Quyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra