Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2004/CT-UB | Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHỐNG THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG.
Trong những năm qua vừa qua, Thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn vốn đầu tư Nhà nước cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Nhiều dự án, công trình với các hình thức và quy mô khác nhau đã được thực hiện và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, phục vụ cho các nhu cầu đời sống của nhân dân Thủ đô, tạo nên được bộ mặt đô thị ngày càng khang trang và hiện đại. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, công tác quản lý đầu tư xây dựng nói chung và quản lý đầu tư xây dựng các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước còn tồn tại những hạn chế, vi phạm trong các khâu từ tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, lập và thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, đấu thầu, quản lý tiến độ và chất lượng công trình, nghiệm thu, đến khai thác sử dụng và thanh, quyết toán vốn đầu tư, gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và kỷ cương pháp luật.
Để tăng cường quản lý Nhà nước, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các Quận, Huyện, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các tổ chức hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng, các nhà thầu thi công xây lắp tham gia các hoạt động xây dựng trên địa bàn Hà Nội, nghiêm túc triển khai thực hiện ngay các nội dung sau:
1. Giám đốc các Sở, Ngành, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chủ tịch về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, Chỉ thị số 08/2004/CT-UB ngày 25/2/2004 của Chủ tịch UBND Thành phố về nâng cao chất lượng quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Thành phố để tổ chức thực hiện. Khẩn trương tập trung nghiên cứu Luật Xây dựng, Luật Đất đai và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, trên cơ sở đó rà soát lại các văn bản quy phạm có liên quan của Thành phố đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc soạn thảo ban hành mới, đảm bảo đồng bộ, thống nhất các cơ chế chính sách, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý Nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng.
Trong tổ chức quản lý, phải bố trí các cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm công tác và trung thực để đảm đương các chức trách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án theo quy hoạch, kế hoạch và các quy định hiện hành của Nhà nước và UBND Thành phố về quản lý đất đai, quản lý đầu tư và xây dựng, thực hiện đúng các yêu cầu về bảo đảm chất lượng công trình, tiến độ thực hiện.
2. Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc và Giám đốc các Sở có xây dựng chuyên ngành là đầu mối thực hiện việc rà soát để bổ sung, sửa đổi hoặc soạn thảo mới các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực quản lý của Sở để trình Thành phố ban hành; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, giải quyết kịp thời các vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý đầu tư và xây dựng của Thành phố.
3. Tăng cường quản lý các mặt công tác sau:
3.1. Quản lý dự án và phân bổ vốn đầu tư: Chỉ xem xét, giao kế hoạch vốn đầu tư cho những dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội và phải phù hợp với khả năng cân đối vốn, quỹ nhà đất phục vụ GPMB của địa phương. Trong bố trí vốn, phải đảm bảo đầu tư tập trung, có trọng điểm, ưu tiên cho các dự án trọng điểm của Thành phố và Quận, Huyện, các dự án giải quyết yêu cầu dân sinh, xã hội búc xúc.
Các dự án đã được ghi kế hoạch và giao vốn phải hoàn thành đúng thời gian quy định (từ khi khởi công đến lúc hoàn thành: Nhóm C không quá 2 năm, Nhóm B không quá 4 năm).
3.2. Đảm bảo nội dung chuẩn bị đầu tư và thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư theo phân công, phân cấp, đúng quy định hiện hành; phù hợp với quy hoạch phát triển, lãnh thổ, quy hoạch xây dựng và mục tiêu sử dụng; tuân thủ yêu cầu về kiến trúc, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các yêu cầu sử dụng đất, tài nguyên, môi trường, các vấn đề xã hội, tính khả thi của dự án và các điều kiện tài chính, giá cả, hiệu quả đầu tư, hoàn trả vốn đầu tư (nếu có); Đảm bảo thời gian thực hiện theo quy định của Thành phố.
3.3. Tăng cường chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo tiến độ thi công, không để xảy ra tình trạng “Vốn chờ công trình”.
3.4. Các chủ đầu tư và cấp trên trực tiếp của chủ đầu tư phải lựa chọn các đơn vị tư vấn đầu tư có đủ năng lực, trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu đặt ra (bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình và hiệu quả của dự án) và chịu trách nhiệm toàn diện đối với các họat động tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lập tổng dự toán, giám sát ...
- Các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố phải tăng cường công tác quản lý thẩm định dự án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán theo phân công, phân cấp, kiểm tra điều kiện, năng lực hoạt động của các tổ chức tư vấn thiết kế đảm bảo theo quy định của Bộ Xây dựng và chỉ thị số 09/2004/CT-UB ngày 26/2/2004 về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố. Việc thẩm định phải đảm bảo đầy đủ các quy định về thủ tục, trình tự theo quy định, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và phù hợp với nội dung đã được phê duyệt trong quyết định đầu tư (về quy mô, công nghệ, công suất, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thụât, quy hoạch, kiến trúc, quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng, tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân thiết kế, sự hợp lý của giải pháp thiết kế kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn và phòng chống cháy nổ), đảm bảo sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (kể cả thiết bị) để so sánh với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán phải tuân thủ nội dung quy định và phải làm rõ những nội dung thay đổi của thiết kế kỹ thuật với thiết kế sơ bộ (không làm thay đổi trong quyết định đầu tư), phải đảm bảo sự hợp ký của các định mức, đơn giá, các chế độ, chính sách, chi phí có liên quan. Đảm bảo thời gian thẩm định, phê duyệt theo quy định của Thành phố.
3.5. Trong tổ chức đấu thầu xây dựng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, các chủ đầu tư phải nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu và xét chọn nhà thầu theo quy định. Chủ yếu tổ chức thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi (hình thức dấu thầu hạn chế chỉ áp dụng khi được UBND Thành phố cho phép);
3.6. Tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng. Trong đó, tập trung vào khâu; Tổ chức giám sát trong quá trình thi công xây lắp, quản lý chất lượng thi công xây lắp của nhà thầu và công tác quản lý chất lượng thi công xây lắp của cả chủ đầu tư ngay từ giai đoạn chuẩn bị thi công đến thực hiện thi công xây lắp, tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng và lập hồ sơ hoàn công công trình.
3.7. Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, nếu có các yếu tố phải thay đổi so với dự án được phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo kịp thời cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét, xử lý giải quyết theo các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng và nhất thiết phải được đánh giá tính khả thi cũng như hiệu quả của sự thay đổi trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định cho điều chỉnh.
3.8. Khi nghiệm thu bàn giao, các chủ đầu tư phải hướng dẫn đơn vị được giao quản lý sử dụng công trình về quản lý vận hành, khai thác, sử dụng công trình theo đúng năng lực công trình, thực hiện đồng bộ hóa trong khai thác, sử dụng, hoàn thiện tổ chức bộ máy và phương pháp quản lý sử dụng để phát huy đầy đủ các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đã được đề ra trong dự án.
3.9. Tăng cường quản lý quyết toán vốn đầu tư xây dựng, báo cáo quyết toán vốn phải xác định đầy đủ, chính xác số vốn đầu tư đã được thực hiện tương ứng với những chi phí được các cơ quan chức năng xác định cụ thể đúng với khối lượng, đơn giá, định mức theo chế độ, chính sách hiện hành. Việc quyết toán vốn đầu tư phải đáp ứng thời gian chế độ theo quy định.
4. Khối lượng rà soát, kiểm tra, kiện toàn hệ thống quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn, triển khai các hoạt động quản lý nhằm đảm bảo các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư và các nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo Quyết định số 19/2003/QĐ-BXD ngày 3/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
5. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm các dự án đầu tư xây dựng. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch số 47-KH/TU ngày 20/11/2003 của Thành ủy, có kế hoạch định kỳ, chủ động tổ chức kiểm tra, thanh tra theo quy định các dự án tại từng ngành, từng cấp, từng đơn vị và xử lý kiên quyết các vi phạm về thất thoát, lãng phí theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo pháp luật hiện hành.
6. Trách nhiệm của Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện thuộc Thành phố như sau:
6.1. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Công chính, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện phải thực hiện nghiêm việc hướng dẫn, kiểm tra các chủ dự án trong việc chuẩn bị đầu tư, tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, giao đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tổ chức đấu thầu thi công xây lắp, tổ chức giám sát đánh giá đầu tư theo đúng quy định hiện hành.
6.2. Giám đốc Sở Xây dựng, Các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện và các chủ đầu tư dự án phải tổ chức quản lý tiến độ và chất lượng xây dựng công trình theo phân công, phân cấp và theo quy định hiện hành.
6.3. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thành phố chịu trách nhiệm bố trí vốn, kiểm tra việc sử dụng vốn, quyết toán vốn, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư xây dựng đáp ứng tiến độ triển khai các dự án theo các quy định về quản lý vốn và tài chính của Nhà nước và Thành phố.
6.4. Sở Nội vụ, các Sở, Ban, Ngành, UBND các Quận, Huyện các Ban Quản lý dự án trực thuộc Thành phố rà soát, kiểm tra năng lực, bổ sung biên chế (nếu thiếu) cho các ban quản lý dự án sử dụng vốn Nhà nước và các tổ chức quản lý hoạt động xây dựng trực thuộc UBND Thành phố theo quy định hiện hành.
6.5. Thanh tra Thành phố, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND các Quận, Huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, thanh tra theo quy định của dự án thuộc Thành phố đề xuất xử lý các vi phạm làm thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng đồng thời có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng.
7. Trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước thuộc Thành phố:
Các chủ đầu tư phải thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn; chủ động, tăng cường kiểm tra, rà soát các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật để phấn đấu giảm suất đầu tư. Thực hiện nội dung quyết định đầu tư, tổ chức thi công xây lắp, nghiệm thu các hạng mục công trình, công trình, quản lý khai thác sử dụng, thanh, quyết toán vốn đầu tư theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố về quản lý đầu tư và xây dựng. Thường xuyên kiểm ta, rà soát đảm bảo điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thực tế của các Ban quản lý dự án thuộc chủ đầu tư; các tổ chức tư vấn xây dựng, nhà thầu thi công xây lắp do Ban quản lý dự án ký hợp đồng thuê để kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với quy định hiện hành và quy mô, loại, cấp công trình được giao làm chủ đầu tư.
Việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế tiêu cực để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị, các cá nhân trực thuộc Thành phố thực hiện nghiệm túc các nội dung trên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần hoàn thành toàn diện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Thủ đô.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1Chỉ thị 02/2008/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước- chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- 2Chỉ thị 15/2012/CT-UBND chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang
- 3Chỉ thị 06/2006/CT-UBND nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 4Chỉ thị 23/2013/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 1Chỉ thị 09/2004/CT-UB về việc nâng thực hiện quy định điều kiện năng lực hoạt động xây dựng do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Chỉ thị 08/2004/CT-UB về nâng cao chất lượng quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn của nhà nước thuộc phạm vi quản lý của thành phố do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 3Quyết định 19/2003/QĐ-BXD Quy định điều kiện năng lực hoạt động xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 4Quyết định 18/2003/QĐ-BXD Quy định quản lý chất lượng công trình Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5Chỉ thị 29/2003/CT-TTg về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Chỉ thị 02/2008/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước- chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- 7Chỉ thị 15/2012/CT-UBND chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang
- 8Chỉ thị 06/2006/CT-UBND nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 9Chỉ thị 23/2013/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Chỉ thị 12/2004/CT-UB về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- Số hiệu: 12/2004/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/04/2004
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Đỗ Hoàng Ân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/04/2004
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra