Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2003/QĐ-BXD | Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG SỐ 19/2003/QĐ-BXD NGÀY 03 THÁNG 7 NĂM 2003 BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo các Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Xây lắp và Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và được áp dụng thống nhất trong cả nước.
Điều 3: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các Đoàn thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Hồng Quân (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2003/QĐ-BXD ngày 03 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định điều kiện năng lực đối với tổ chức, cá nhân khi hoạt động xây dựng bao gồm tư vấn đầu tư xây dựng, thi công xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện và các công trình xây dựng khác trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2: Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động xây dựng là hoạt động thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng, thi công xây lắp các loại công trình.
2. Tư vấn đầu tư xây dựng bao gồm:
a- Lập dự án đầu tư xây dựng (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đầu tư),
b- Quản lý dự án đầu tư xây dựng,
c- Khảo sát xây dựng,
d- Thiết kế công trình,
e- Giám sát thi công xây lắp,
g- Kiểm định chất lượng xây dựng,
h- Các tư vấn xây dựng khác.
3. Thi công xây lắp công trình bao gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị các công trình xây dựng mới; cải tạo, trùng tu, bảo trì các công trình xây dựng.
4. Chủ nhiệm lập dự án là người trực tiếp tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng, chịu trách nhiệm cao nhất về nội dung, chất lượng của dự án.
5. Chủ trì khảo sát xây dựng là người trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ khảo sát xây dựng, chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả thực hiện nhiệm vụ khảo sát.
6. Chủ nhiệm đồ án thiết kế là người trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ thiết kế công trình, chịu trách nhiệm cao nhất về nội dung và chất lượng của đồ án thiết kế.
7. Chủ trì thiết kế là người trực tiếp tổ chức và thực hiện một lĩnh vực chuyên môn của đồ án thiết kế theo sự chỉ đạo của chủ nhiệm đồ án thiết kế, chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng của lĩnh vực chuyên môn đó.
8. Kỹ sư giám sát trưởng là người đại diện cho chủ đầu tư (hoặc ban quản lý dự án) trực tiếp tổ chức thực hiện công tác giám sát thi công xây lắp công trình, chịu trách nhiệm về chất lượng xây lắp công trình do mình giám sát.
9. Kỹ sư giám sát chuyên ngành là người trực tiếp tổ chức và thực hiện công tác giám sát một lĩnh vực chuyên ngành theo sự chỉ đạo của kỹ sư giám sát trưởng, chịu trách nhiệm về chất lượng xây lắp công trình thuộc chuyên ngành do mình giám sát.
10. Chủ trì kiểm định là người trực tiếp tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng xây dựng, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của công tác kiểm định.
11. Chỉ huy trưởng thi công là người đại diện cho nhà thầu thi công xây lắp thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tại công trường, trực tiếp chỉ huy và chịu trách nhiệm về thi công xây lắp công trình.
12. Thầu chính là nhà thầu trực tiếp ký kết hợp đồng với chủ đầu tư nhận thầu thực hiện công việc chính của công trình. Thầu chính có thể là: thầu chính thiết kế, thầu chính cung cấp thiết bị công nghệ, thầu chính xây lắp.
13. Thầu phụ là nhà thầu ký kết hợp đồng với thầu chính hoặc tổng thầu nhận thầu thực hiện một phần công việc của thầu chính hoặc tổng thầu.
14. Tổng thầu là nhà thầu ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư nhận thầu toàn bộ một công việc hoặc toàn bộ các công việc của dự án đầu tư xây dựng công trình. Tổng thầu có những hình thức chủ yếu sau:
a- Tổng thầu thiết kế;
b- Tổng thầu xây lắp;
c- Tổng thầu thiết kế và xây lắp;
d- Tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và xây lắp (tổng thầu EPC);
e- Tổng thầu lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và xây lắp (tổng thầu chìa khoá trao tay).
Điều 3: Nguyên tắc đảm bảo điều kiện năng lực hoạt động xây dựng
1. Tổ chức, cá nhân khi hoạt động xây dựng chỉ được thực hiện các công việc phù hợp với năng lực của mình theo Quy định này.
2. Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ, sức khoẻ phù hợp với công việc đảm nhận; có đạo đức nghề nghiệp; am hiểu những quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
3. Người có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho cá nhân đảm nhận các chức danh trong hoạt động xây dựng dưới đây phải tuân thủ các quy định về điều kiện năng lực tại Quy định này, đảm bảo đủ thời gian để các cá nhân đó có điều kiện thực hiện theo chức danh đảm nhận và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình: Chủ nhiệm lập dự án; phụ trách lĩnh vực chuyên môn của dự án; trưởng ban, phó ban (hoặc giám đốc, phó giám đốc) ban quản lý dự án; phụ trách lĩnh vực chuyên môn của ban quản lý dự án; chủ trì khảo sát xây dựng; chủ nhiệm đồ án thiết kế; chủ trì thiết kế; kỹ sư giám sát trưởng; kỹ sư giám sát chuyên ngành; chủ trì kiểm định; chỉ huy trưởng thi công; phụ trách kỹ thuật thi công.
4. Một người không được đảm nhận đồng thời quá 2 chức danh và thực hiện đồng thời quá 2 công việc theo 1 chức danh nêu tại khoản 3 Điều này. Người đảm nhận các chức danh nêu trên không được giao lại cho người khác thay mình đảm nhận chức danh đó.
5. Chủ đầu tư hoặc bên giao thầu, nhà tư vấn khi lựa chọn nhà thầu để thực hiện các công việc trong hoạt động xây dựng và khi thành lập ban quản lý để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo các điều kiện năng lực theo Quy định này.
6. Người thẩm tra, thẩm định và nghiệm thu các sản phẩm tư vấn đầu tư xây dựng phải xem xét về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân làm ra sản phẩm đó; trường hợp không đảm bảo điều kiện năng lực theo Quy định này thì được quyền không xem xét hoặc không nghiệm thu.
Điều 4: Loại và nhóm dự án, loại và cấp công trình
1. Loại và nhóm dự án đầu tư xây dựng trong Quy định này theo quy định tại Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ.
2. Loại và cấp công trình được áp dụng trong Quy định này theo quy định trong Quy chuẩn xây dựng, Tiêu chuẩn xây dựng, Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
Riêng các công trình nhà chung cư, công trình công cộng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình cấp thoát nước nêu tại Phụ lục số 1 của Quy định này được quy định tạm thời để làm căn cứ cho việc xác định năng lực trong hoạt động xây dựng.
Chương 2:
ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC CỦA TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
Tổ chức khi nhận thầu tư vấn đầu tư xây dựng phải đáp ứng các Điều kiện chung quy định tại Điều 5 và các điều kiện riêng quy định đối với từng lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng nêu tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11 của Chương này.
Trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện một số lĩnh vực thuộc hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng phải đảm bảo điều kiện năng lực theo Quy định này.
Điều 5: Điều kiện chung
1. Có đủ lực lượng chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng đảm nhận.
2. Có trang thiết bị chủ yếu đáp ứng được công việc tư vấn đầu tư xây dựng đảm nhận.
3. Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với lĩnh vực hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng.
4. Thực hiện các quy định về bảo hiểm trong hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Điều 6: Điều kiện năng lực của tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng
1. Khi lập dự án đầu tư xây dựng, phải có đủ số người đáp ứng các điều kiện năng lực để đảm nhận các chức danh: Chủ nhiệm lập dự án, phụ trách các lĩnh vực chuyên môn theo yêu cầu của việc lập dự án.
2. Chủ nhiệm lập dự án và người phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn của dự án phải có trong biên chế hoặc hợp đồng lao động với tổ chức tư vấn lập dự án theo quy định của pháp luật.
3. Chủ nhiệm lập dự án phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của dự án và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a- Đã là chủ nhiệm lập 1 dự án tương tự.
b- Đã là chủ nhiệm lập 2 dự án cùng loại, nhóm thấp hơn liền kề.
c- Đã phụ trách lĩnh vực chuyên môn chính của 2 dự án tương tự.
4. Người phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn của dự án phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với công việc đảm nhận và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a- Đã phụ trách lĩnh vực chuyên môn cùng loại của 1 dự án tương tự.
b- Đã phụ trách lĩnh vực chuyên môn cùng loại của 2 dự án thuộc nhóm thấp hơn liền kề.
c- Đã trực tiếp thực hiện công việc chuyên môn cùng loại của 2 dự án tương tự.
Điều 7: Điều kiện năng lực của Ban quản lý dự án
1. Ban quản lý dự án khi được thành lập để quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo các điều kiện năng lực như sau:
a- Phải có bộ máy trực tiếp quản lý thực hiện các công việc của dự án có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của dự án.
b- Phải có đủ số người đáp ứng các điều kiện năng lực để đảm nhận các chức danh: Trưởng ban quản lý dự án, các phó ban phụ trách lĩnh vực, phụ trách các lĩnh vực chuyên môn của ban quản lý dự án theo yêu cầu của công tác quản lý thực hiện dự án.
c- Trưởng ban, phó ban hoặc giám đốc, phó giám đốc (gọi chung là trưởng ban, phó ban) và người phụ trách các lĩnh vực chuyên môn của ban quản lý dự án phải có trong biên chế hoặc có hợp đồng lao động với tổ chức lập ra ban quản lý dự án.
d- Trưởng ban quản lý dự án phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đã là trưởng ban hoặc phó ban quản lý 1 dự án tương tự.
- Đã là trưởng ban quản lý 2 dự án cùng loại, nhóm thấp hơn liền kề.
- Đã phụ trách kỹ thuật hoặc kinh tế của 2 dự án tương tự.
e- Phó trưởng ban quản lý dự án phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực phụ trách và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đã là phó ban quản lý 1 dự án tương tự.
- Đã là trưởng ban quản lý 1 dự án cùng loại, nhóm thấp hơn liền kề.
- Đã phụ trách lĩnh vực chuyên môn cùng loại của 2 dự án tương tự.
g- Người phụ trách kỹ thuật, công nghệ phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành xây dựng hoặc chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của công việc đảm nhận và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đã phụ trách kỹ thuật, công nghệ của 1 dự án tương tự.
- Đã phụ trách kỹ thuật, công nghệ của 2 dự án cùng loại, nhóm thấp hơn liền kề.
- Có thời gian trực tiếp tham gia quản lý kỹ thuật, công nghệ của các dự án tương tự tối thiểu 3 năm.
h- Người phụ trách kinh tế phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kinh tế, tài chính và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đã phụ trách kinh tế của 1 dự án tương tự.
- Đã phụ trách kinh tế của 2 dự án cùng loại, nhóm thấp hơn liền kề.
- Có thời gian trực tiếp tham gia quản lý kinh tế của các dự án tương tự tối thiểu 3 năm.
2. Trường hợp các dự án nhóm C, công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, được áp dụng hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án (không thành lập ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy hiện có của chủ đầu tư kiêm nhiệm việc quản lý thực hiện dự án) thì những người được giao quản lý thực hiện dự án phải có điều kiện sau:
a- Người phụ trách chung về quản lý thực hiện dự án phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án, có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng ít nhất 3 năm.
b- Người phụ trách quản lý kỹ thuật của dự án phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với công việc đảm nhận, có thời gian công tác trong lĩnh vực chuyên môn ít nhất 3 năm.
c- Người phụ trách kinh tế phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kinh tế, tài chính, có thời gian công tác trong lĩnh vực chuyên môn ít nhất 3 năm.
3. Một số trường hợp đặc biệt:
a- Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền có thể giao các chức danh nêu tại các điểm d, e, g, h khoản 1 Điều này cho những người có đủ trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm quản lý nhưng chưa trực tiếp quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Người giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
b- Đối với các dự án nhóm C ở vùng sâu, vùng xa nếu không đủ cán bộ có điều kiện năng lực theo Quy định này thì có thể giao các chức danh nêu tại các điểm d, e, g, h khoản 1 Điều này cho những người có năng lực thấp hơn nhưng phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp phù hợp với công việc đảm nhận. Người giao nhiệm vụ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình.
4. Các cá nhân được cử tham gia quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của dự án đầu tư xây dựng phải đáp ứng các điều kiện năng lực theo Quy định này và phải có chứng chỉ xác nhận đã qua các lớp đào tạo về quản lý dự án đầu tư xây dựng theo chương trình của Bộ Xây dựng hoặc chương trình được Bộ Xây dựng thoả thuận. Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi Quy định này có hiệu lực, các cá nhân tham gia quản lý chuyên môn, nghiệp vụ phải có chứng chỉ theo quy định.
5. Các ban quản lý dự án đã được thành lập trước đây không đủ điều kiện năng lực thì trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Quy định này có hiệu lực phải bổ sung năng lực đáp ứng các yêu cầu theo Quy định này đối với các chức danh nêu tại điểm d, e, g, h khoản 1 Điều này.
Điều 8: Điều kiện năng lực nhà thầu khảo sát xây dựng
1. Phải có đủ số người đáp ứng các điều kiện năng lực để đảm nhận chức danh: Chủ trì khảo sát, phụ trách các lĩnh vực chuyên môn theo yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát.
2. Người chủ trì khảo sát và người phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn phải có hợp đồng lao động với nhà thầu khảo sát theo quy định của pháp luật.
3. Người chủ trì khảo sát phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát, đã trực tiếp thực hiện công tác khảo sát ít nhất 5 năm và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a- Đã là chủ trì khảo sát của 1 nhiệm vụ khảo sát tương tự.
b- Đã phụ trách lĩnh vực chuyên môn chính của 2 nhiệm vụ khảo sát tương tự.
4. Người phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn thực hiện nhiệm vụ khảo sát phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với công việc đảm nhận, đã trực tiếp thực hiện công tác khảo sát ít nhất 3 năm và đã thực hiện công tác chuyên môn của 2 nhiệm vụ khảo sát tương tự.
5. Trường hợp có sử dụng phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác khảo sát thì phòng thí nghiệm phải được công nhận hợp chuẩn theo quy định hiện hành.
Điều 9: Điều kiện năng lực nhà thầu thiết kế công trình
1. Phải có đủ số người đáp ứng các điều kiện năng lực để đảm nhận chức danh: Chủ nhiệm đồ án thiết kế, các chủ trì thiết kế theo yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế.
2. Chủ nhiệm đồ án thiết kế và các chủ trì thiết kế phải có hợp đồng lao động với nhà thầu thiết kế công trình theo quy định của pháp luật.
3. Chủ nhiệm đồ án thiết kế phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình phù hợp với loại công trình thiết kế và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a- Đã là chủ nhiệm đồ án thiết kế 1 công trình cùng loại, cùng cấp.
b- Đã là chủ nhiệm đồ án thiết kế 2 công trình cùng loại, có cấp thấp hơn liền kề.
c- Đã là chủ trì thiết kế lĩnh vực chuyên môn chính của 2 công trình cùng loại, cùng cấp.
4. Chủ trì thiết kế phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình phù hợp với công việc đảm nhận và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a- Đã chủ trì thiết kế lĩnh vực chuyên môn cùng loại của 1 công trình cùng loại, cùng cấp.
b- Đã chủ trì thiết kế lĩnh vực chuyên môn cùng loại của 2 công trình cùng loại, có cấp thấp hơn liền kề.
c- Đã trực tiếp thiết kế lĩnh vực chuyên môn cùng loại của 2 công trình cùng loại, cùng cấp.
Điều 10: Điều kiện năng lực nhà thầu giám sát thi công xây lắp
1. Khi thực hiện công tác giám sát thi công xây lắp, phải có đủ số người đáp ứng các điều kiện năng lực để làm kỹ sư giám sát trưởng, kỹ sư giám sát chuyên ngành theo yêu cầu của công tác giám sát.
2. Kỹ sư giám sát trưởng, kỹ sư giám sát chuyên ngành phải có hợp đồng lao động với nhà thầu giám sát theo quy định của pháp luật và phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát xây dựng theo chương trình của Bộ Xây dựng hoặc chương trình được Bộ Xây dựng thoả thuận.
3. Kỹ sư giám sát trưởng phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với loại công trình giám sát và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a- Đã là kỹ sư giám sát trưởng của 1 công trình cùng loại, cùng cấp.
b- Đã là kỹ sư giám sát trưởng của 2 công trình cùng loại có cấp thấp hơn liền kề.
c- Đã là kỹ sư giám sát chuyên ngành của 2 công trình cùng loại, cùng cấp.
4. Kỹ sư giám sát chuyên ngành phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với công việc đảm nhận, đã trực tiếp tham gia thi công xây lắp công trình ít nhất 3 năm.
Điều 11: Điều kiện năng lực nhà thầu kiểm định chất lượng xây dựng
1. Có đủ lực lượng chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ kiểm định đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm định.
2. Người chủ trì kiểm định phải có hợp đồng lao động với nhà thầu kiểm định chất lượng xây dựng theo quy định của pháp luật.
3. Người chủ trì kiểm định phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với công tác kiểm định, đã trực tiếp thực hiện công tác kiểm định ít nhất 5 năm và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a- Đã chủ trì 1 công tác kiểm định tương tự.
b- Đã là kiểm định viên thực hiện kiểm định 2 công việc tương tự.
4. Có phòng thí nghiệm hợp chuẩn theo quy định hiện hành.
Chương 3:
ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC CỦA TỔ CHỨC THI CÔNG XÂY LẮP, THẦU CHÍNH VÀ TỔNG THẦU
Điều 12: Điều kiện năng lực nhà thầu thi công xây lắp công trình
1. Phải có đủ lực lượng chuyên môn, nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật được đào tạo đáp ứng yêu cầu của công tác thi công xây lắp công trình.
2. Có máy móc, thiết bị thi công chủ yếu đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng và an toàn trong thi công xây lắp, có năng lực tài chính phù hợp với công trình nhận thầu.
3. Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với lĩnh vực hoạt động thi công xây lắp.
4. Thực hiện các quy định về bảo hiểm liên quan đến hoạt động thi công xây lắp theo quy định của pháp luật.
5. Phải có đủ số người đáp ứng các điều kiện năng lực để làm chỉ huy trưởng thi công và phụ trách kỹ thuật thi công theo yêu cầu của công tác thi công xây lắp công trình.
6. Chỉ huy trưởng thi công và những người phụ trách các lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật phải có hợp đồng lao động với nhà thầu thi công xây lắp theo quy định của pháp luật.
7. Chỉ huy trưởng thi công phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với công trình đảm nhận và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a- Đã là chỉ huy trưởng thi công của 1 công trình cùng loại, cùng cấp.
b- Đã là chỉ huy trưởng thi công 2 công trình cùng loại, có cấp thấp hơn liền kề.
c- Đã phụ trách kỹ thuật thi công xây lắp của 2 công trình tương tự.
8. Người phụ trách kỹ thuật thi công phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với chuyên môn kỹ thuật đảm nhận và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a- Đã phụ trách kỹ thuật thi công của 1 công trình cùng loại, cùng cấp.
b- Đã phụ trách kỹ thuật thi công của 2 công trình cùng loại, cấp thấp hơn liền kề.
c- Đã là cán bộ kỹ thuật thi công các công trình tương tự trong thời gian ít nhất 3 năm.
Điều 13: Điều kiện năng lực nhà thầu chính
1. Đối với thầu chính thiết kế:
a- Có đủ các điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.
b- Đã thực hiện thiết kế ít nhất 2 công trình xây dựng tương tự hoặc 3 công trình xây dựng cùng loại, cấp thấp hơn liền kề.
c- Trực tiếp đảm nhận công việc chính và thực hiện tối thiểu 70% khối lượng công việc thiết kế theo hợp đồng ký với chủ đầu tư.
2. Đối với thầu chính xây lắp:
a- Có đủ các điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 12 của Quy định này.
b- Đã thực hiện thi công xây lắp ít nhất 1 công trình tương tự hoặc 3 công trình cùng loại, cấp thấp hơn liền kề.
c- Trực tiếp đảm nhận công việc chính và thực hiện trên 50% công việc theo hợp đồng ký với chủ đầu tư.
Điều 14: Điều kiện năng lực tổng thầu
1. Có các điều kiện năng lực theo quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 phù hợp với hình thức tổng thầu nêu tại khoản 14 Điều 2 của Quy định này.
2. Có kinh nghiệm:
a- Đối với tổng thầu thiết kế: Đã làm tổng thầu thiết kế 1 công trình tương tự hoặc thầu chính thiết kế 2 công trình tương tự.
b- Đối với tổng thầu xây lắp: Đã làm tổng thầu xây lắp 1 công trình tương tự hoặc thầu chính xây lắp 2 công trình tương tự.
c- Đối với tổng thầu thiết kế và xây lắp: Đã làm tổng thầu thiết kế và xây lắp hoặc tổng thầu xây lắp 1 công trình tương tự.
d- Đối với tổng thầu EPC: Đã làm tổng thầu EPC hoặc tổng thầu thiết kế và xây lắp hoặc tổng thầu xây lắp 1 công trình tương tự hoặc thầu chính xây lắp 3 công trình tương tự.
e- Đối với tổng thầu chìa khoá trao tay: Đã làm tổng thầu chìa khoá trao tay 1 dự án tương tự hoặc tổng thầu EPC hoặc tổng thầu thiết kế và xây lắp 1 công trình hoặc một dự án tương tự.
Chương 4:
BÁO CÁO, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 15: Chế độ báo cáo
1. Vào tháng 10 hàng năm, các tổ chức hoạt động xây dựng có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động xây dựng tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Quy định này.
2. Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn Ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo tới cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này về hoạt động của Ban quản lý dự án theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Quy định này.
3. Các tổ chức hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng, thi công xây lắp, chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án thuộc địa phương nào thì báo cáo Sở Xây dựng địa phương đó. Các tổ chức hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng, thi công xây lắp, chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án thuộc các Bộ, ngành, cơ quan trung ương quản lý thì báo cáo Bộ Xây dựng và Bộ, ngành, cơ quan quản lý trực tiếp.
4. Tháng 12 hàng năm, các Bộ, ngành, cơ quan ở trung ương; Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình hoạt động xây dựng của Bộ, ngành, địa phương mình theo mẫu tại Phụ lục số 4 của Quy định này về Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Điều 16: Kiểm tra, xử lý vi phạm
1. Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền việc thực hiện Quy định này trong phạm vi cả nước.
2. Các Bộ, ngành ở trung ương; Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm việc thực hiện Quy định này thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình và trên địa bàn do địa phương quản lý.
3. Việc kiểm tra được tiến hành không quá một lần trong năm đối với một đơn vị. Kế hoạch và nội dung kiểm tra phải được thông báo trước 15 ngày.
4. Xử lý vi phạm: Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, bồi thường thiệt hại, đình chỉ hoạt động hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17: Hiệu lực thi hành
1. Quy định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và được áp dụng thống nhất trong cả nước.
2. Bãi bỏ các quy định sau:
a- Quy định điều kiện kinh doanh xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 27/2000/QĐ-BXD ngày 08/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
b- Các quy định về năng lực quản lý thực hiện dự án tại điểm 1.2, 2.3 mục II; điểm 2.3 mục III của Thông tư số 15/2000/TT-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn các hình thức quản lý thực hiện dự án đầu tư và xây dựng.
c- Nội dung về chủ trì thiết kế công trình, chủ nhiệm đồ án thiết kế quy định tại khoản 2, Điều 1 của Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình ban hành kèm theo Quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
- 1Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 2Nghị định 12/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-Cp
- 3Quyết định 23/2000/QĐ-BXD về Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 4Thông tư 15/2000/TT-BXD hướng dẫn các hình thức quản lý thực hiện dự án đầu tư và xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 5Quyết định 27/2000/QĐ-BXD về điều kiện kinh doanh xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 6Nghị định 07/2003/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư xây dựng ban hành kèm Nghị định 52/1999/NĐ-CP và Nghị định 12/2000/NĐ-CP
- 7Nghị định 36/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng
- 8Thông tư 08/2003/TT-BXD hướng dẫn nội dung và quản lý hợp đồng tổng thầu thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - xây dựng (EPC) do Bộ Xây dựng ban hành
Quyết định 19/2003/QĐ-BXD Quy định điều kiện năng lực hoạt động xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- Số hiệu: 19/2003/QĐ-BXD
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/07/2003
- Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
- Người ký: Nguyễn Hồng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 110
- Ngày hiệu lực: 16/08/2003
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra