Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2004/CT-UB

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG BẰNG NGUỒN VỐN CỦA NHÀ NƯỚC THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA THÀNH PHỐ

Từ năm 2000, nguồn vốn đầu tư nhà nước của Thành phố Hà Nội (bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước) ngày càng tăng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, giải quyết những vấn đề dân sinh, xã hội bức xúc, bộ mặt đô thị của Thành phố ngày càng khang trang hiện đại hơn.

Tuy nhiên công tác quản lý đầu tư và xây dựng nói chung, cũng như quản lý đầu tư xây dựng các công trình bằng nguồn vốn nhà nước còn một số mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao; vẫn còn tình trạng nợ khối lượng đầu tư, đầu tư kéo dài, chậm quyết toán vốn đầu tư… đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả sử dụng công trình, gây lãng phí đang là vấn đề quan tâm sâu sắc trong xã hội, phải kiên quyết khắc phục.

Quán triệt chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước và Kế hoạch số 47/KH/TU ngày 20-11-2003 của Thành ủy Hà Nội về kiểm tra thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai nhằm chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý đầu tư và xây dựng, tạo chuyển biến mới về nâng cao hiệu quả và chất lượng đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Hội, Đoàn thể, UBND các quận, huyện và các doanh nghiệp trực thuộc thành phố quản lý trỉen khai thực hiện ngay một số công việc sau đây:

1- Giám đốc các Sở, Ngành, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện rà soát lại các dự án đã phân bổ kế hoạch năm 2004 (bao gồm cả nguồn vốn XDCB Thành phố phân cấp và vốn sự nghiệp đầu tư), kiên quyết cắt giảm hoặc rút bỏ các công trình, dự án không phù hợp với quy hoạch hoặc không sát với yêu cầu thực tế. Các Sở, Ngành, Quận, Huyện không được bố trí vốn và giao kế hoạch vốn cho các dự án chưa hoàn thành thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định, chưa xác định rõ hiệu quả đầu tư.

- Không bố trí và giao kế hoạch vốn cho các dự án chuyển tiếp nhưng chưa đủ thủ tục về đầu tư và xây dựng theo quy định. Không được triển khai đối với các dự án đã có quyết định đầu tư, nhưng vẫn chưa đầy đủ thủ tục về đầu tư và xây dựng hoặc không có khả năng cân đối vốn theo tiến độ được duyệt.

- Các dự án khởi công mới phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt; có quyết định đầu tư trước thời điểm 31 tháng 10 năm trước; có thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được duyệt theo đúng quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

- Bố trí vốn đầu tư phải tập trung, có trọng điểm theo các mục tiêu đầu tư của Thành phố; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thuộc 9 cụm công trình trọng điểm, vốn cho giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng nhà tái định cư và vốn đối ứng cho các dự án ODA phù hợp với khả năng cân đối vốn năm 2004 và những năm tiếp theo. Khi phân bổ dự toán vốn đầu tư năm 2004, các Quận, Huyện phải dành một phần vốn được giao để thanh toán khối lượng nợ vốn đầu tư XDCB từ năm 2003 trở về trước đối với các dự án được Thành phố cho phép ứng vốn thi công; bố trí vốn đầu tư để thực hiện các công trình chuyển tiếp. Sau khi bố trí vốn thực hiện những nhiệm vụ nêu trên mới bố trí vốn cho những dự án khởi công mới theo đúng quy định.

- Các dự án được ghi kế hoạch phải được cân đối vốn đầu tư để đảm bảo thời gian thực hiện từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn thành không quá 2 năm đối với nhóm C, không quá 4 năm đối với các dự án nhóm B.

- Khi phân bổ vốn đầu tư phải đảm bảo cơ cấu đầu tư hợp lý giữa cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; riêng lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ phải đảm bảo bố trí mức vốn tối thiểu được giao tại quyết định số 176/2003/QĐ-UB ngày 22-12-2003 của UBND Thành phố.

2- Trong quý I-2004, sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với sở Tài chính rà soát lại việc phân bổ vốn đầu tư cho các mục tiêu, các dự án cụ thể của các Quận, Huyện. Những vấn đề không phù hợp với quy định hiện hành, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

3- Các Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện phải chỉ đạo và giám sát việc thực hiện khối lượng đầu tư không vượt mức vốn giao kế hoạch năm 2004. Từ năm 2004 ngân sách Thành phố không dành vốn để thanh toán nợ XDCB vượt kế hoạch; ngân sách các cấp không thanh toán nợ cho các công trình ngoài kế hoạch (trừ trường hợp các dự án quan trọng, thuộc mục tiêu trọng điểm được Thành phố cho phép đấu thầu nhà thầu thi công ứng vốn). Ngân sách Quận, Huyện phải tự cân đối để thanh toán trả nợ khối lượng đầu tư đối với những công trình đầu tư thuộc phạm vi phân cấp do Quận, Huyện quyết định đầu tư.

4- Các chủ đầu tư thuộc các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trực thuộc Thành phố quản lý có công trình xây dựng trên địa bàn quận, huyện phải phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện để triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư ngày từ đầu năm 2004 để đảm bảo tiến độ thi công.

5- Tăng cường công tác quản lý về đấu thầu:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức một số hội nghị, lớp tập huấn để phổ biến các quy định mới của Nhà nước về đấu thầu, đào tạo nghiệp vụ về đấu thầu cho các đơn vị trực thuộc Thành phố quản lý.

- Tăng cường tính công khai hoá, minh bạch trong công tác đấu thầu:

- Theo phân cấp trong quy chế đấu thầu, các Sở, Ngành, quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo sát sao việc thực hiện đấu thầu theo đúng quy định của Quy chế đấu thầu. Trong quá trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi là chủ yếu, nghiêm cấp áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu trên 1 tỷ động, hình thức đấu thầu hạn chế chỉ được áp dụng khi được UBND Thành phố cho phép. Nâng cao chất lượng phục vụ cho công tác đấu thầu như: chất lượng của báo cáo nghiên cứu khả thi, chất lượng của tư vấn thiết kế, tránh việc điều chỉnh bổ sung trong trình thực hiện. Người ký trình dự án phải chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu nêu trong hồ sơ dự án. Người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi ra quyết định đầu tư.

- Công tác lập dự án và thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, vì vậy chủ đầu tư và cấp trên của chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn các đơn vị tư vấn đầu tư (lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, tư vấn giám sát…). Các đơn vị tư vấn khi lập dự án và thiết kế công trình phải bảo đảm yêu cầu hiện đại, quy mô hợp lý, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, hiệu quả cả công trình.

- Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về đấu thầu nhằm đưa ra việc thực hiện đấu thầu đi vào nề nếp. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về đấu thầu, đây là việc làm thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong quá trình thực hiện đấu thầu; thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy chế; kiểm tra khi có khiếu nại, trước mắt cần tập trung vào việc thanh tra đối với các gói thầu có quy mô lớn.

6- Thực hiện công khai hóa đầu tư và xây dựng:

- Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất, UBND các quận, huyện có trách nhiệm công bố công khai các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch  chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng…) trên địa bàn. Đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, sau khi được HĐND quận, huyện thông qua phải công bố công khai để nhân dân biết và kiểm tra.

- Các dự án đầu tư của các Sở, Ban, Ngành, Hội, Đoàn thể và các doanh nghiệp trực thuộc Thành phố quản lý triển khai trên địa bàn quận, huyện phải thông báo HĐND và UBND cấp quận, huyện và xã, phường để tổ chức giám sát.

- Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải thực hiện công bố công khai nội dung chương trình, dự án đầu tư gồm: Quyết định đầu tư, chương trình kế hoạch đầu tư (tên dự án, quy mô xây dựng, phạm vi chiếm đất, vốn đầu tư, nguồn vốn, chủ đầu tư, tiến độ thực hiện…), chỉ giới về đất đai, quy hoạch mặt bằng chi tiết và phương án kiến trúc, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát xây dựng, nhà thầu, chính sách đền bù GPMB và phương án tái định cư tại địa điểm thực hiện dự án đầu tư và tại trụ sở HĐND, UBND địa phương nơi có dự án để nhân dân biết, tham gia giám sát, kiểm tra.

7- Giám đốc các Sở, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm củng cố tổ chức Ban quản lý dự án để tăng cường năng lực quản lý đầu tư và xây dựng.

8- Sở Xây dựng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các Phòng Địa chính nhà đất và đô thị của các quận, huyện, các phòng nghiệp vụ của các Sở, Ngành để thực hiện tốt công tác kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn.

9- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước Hà nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan đôn đốc công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành từ năm 2003 trở về trước. Các sở, Ban, Ngành, quận, huyện và cơ quan cấp trên trực tiếp của chủ đầu tư có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành báo cáo quyết toán vốn đầu tư các dự án trên gửi cơ quan thẩm tra, phê duyệt trước 30-6-2004.

10- Thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá đầu tư:

- Các Sở, Ban, Ngành, quận, huyện và các chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Báo cáo UBND Thành phố (qua đầu mối Sở Kế hoạch và Đầu tư ) về công tác giám sát đánh giá đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực và địa lý theo Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30-1-2003 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Thông tư số 03/TT-BKH ngày 19-5-2003; riêng các dự án nhóm A, chủ đầu tư thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư gửi UBND Thành phố và đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

- Trong quý I – 2004, các Sở, Ngành, quận, huyện được Thành phố giao nhiệm vụ giám sát đánh giá đầu tư phải lập kế hoạch giám sát, đánh giá đầu tư năm 2004 báo cáo UBND Thành phố và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thành phố phê duyệt kế hoạch giám sát, đánh giá đầu tư năm 2004 trong tháng 4-2004 để tổ chức thực hiện.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai công tác giám sát và đánh giá đầu tư theo Chỉ thị số 27/2003/CT-UB ngày 01/8/2003 của UBND Thành phố, báo cáo UBND Thành phố biện pháp xử lý kịp thời những thiếu sót, sai phạm theo quy định. Trong năm 2004 sẽ tập trung giám sát, đánh giá đầu tư các dự án thuộc một lĩnh vực: Hạ tầng đô thị, xây dựng nhà tái định cư GPMB, cấp nước, các dự án thuộc 9 cụm công trình trọng điểm, các dự án thuộc diện Thành phố phân cấp cho quận, huyện phê duyệt.

- Các Sở, Ngành, quận, huyện không được phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư nếu dự án chưa thực hiện giám sát đánh giá đầu tư theo quy định. Trong quá trình thực hiện giám sát đánh giá đầu tư nếu phát hiện những yếu tố thay đổi so với dự án được duyệt hoặc những vấn đề mới phát sinh, chủ đầu tư phải báo cáo kịp thời và nhất thiết phải đánh giá lại tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án trước khi trình điều chỉnh hoặc tiếp tục thực hiện.

11- Sở Nội vụ thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư dựng phương án thành lập Thanh tra Kế hoạch và đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định vào đầu quý II-2004. Sau khi thành lập, Thanh tra Kế hoạch và đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Nhà nước Thành phố và các Thanh tra chuyên ngành thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ về kế hoạch và đầu tư tại các Sở, Ban, Ngành, Hội, Đoàn thể, UBND các quận, huyện và các doanh nghiệp trực thuộc Thành phố quản lý.

12- Yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Hội, Đoàn thể, UBND các quận, huyện, các doanh nghiệp trực thuộc Thành phố quản lý và các chủ đầu tư chấp hành nghiêm quy định báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư hàng quý, 6 tháng, cả năm đến các cơ quan liên quan về các mặt: Huy động các nguồn vốn, khối lượng xây dựng, chất lượng và sự cố công trình (nếu có), cấp phát, thanh toán, dự án hoàn thành, năng lực tăng thêm. Đối với các dự án nhóm A, chủ đầu tư phải báo cáo riêng về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư chậm nhất vào ngày 20 hàng tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi UBND Thành phố để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chủ động đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư theo đúng tiến độ.

Việc tăng cường công tác quản lý đầu tư và xây dựng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành và các đơn vị trực thuộc Thành phố thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng, góp phần hoàn thành toàn diện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2004 và các năm tiếp theo.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH
 



Hoàng Văn Nghiên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/2004/CT-UB về nâng cao chất lượng quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn của nhà nước thuộc phạm vi quản lý của thành phố do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 08/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/02/2004
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hoàng Văn Nghiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản