Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2008/CT-UBND | Cần Thơ, ngày 26 tháng 8 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và Chỉ thị số 14/2004/CT-UB ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tiếp tục kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở theo Luật Đất đai năm 2003, hiện nay, toàn thành phố đã thành lập được 716 tổ hòa giải với 4314 thành viên ở ấp, khu vực, cụm dân cư.... Thời gian qua, hoạt động của các tổ hòa giải đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, nâng cao kết quả giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân ở cơ sở, góp phần phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ, việc phải xét xử tại Tòa án. Bên cạnh đó, công tác hòa giải còn góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác hòa giải; có nơi việc hòa giải tranh chấp đất đai còn khoán trắng cho cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp - hộ tịch; một số đoàn thể là thành viên nhưng không trực tiếp tham gia hòa giải; việc theo dõi, quản lý, tập huấn, bồi dưỡng, khen thưởng... cho các tổ hòa giải chưa được quan tâm đúng mức.
Nhằm kiện toàn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
1. Công tác hòa giải ở cơ sở là công tác “vận động quần chúng”, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của chính quyền ở cơ sở. Do đó, đòi hỏi sự chỉ đạo giám sát của cấp ủy, sự quan tâm thường xuyên của chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đặc biệt, trong năm 2008 và những năm tiếp theo, công tác hòa giải cần được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Thường xuyên củng cố về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở theo tinh thần Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998, Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo đó, Tổ hòa giải phải được thành lập đều khắp ở tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản và các cụm dân cư như: chợ cố định, tụ điểm vui chơi giải trí, tụ điểm du lịch v.v... Chậm nhất vào cuối quý III năm 2008, căn cứ đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương và kết quả cuộc họp ấp, khu vực, tổ dân phố, kết quả cuộc họp chủ hộ hoặc kết quả lấy ý kiến chủ hộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định số lượng Tổ hòa giải ở địa phương.
3. Về thủ tục bầu tổ viên, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập “Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai” thay cho Ban hòa giải tranh chấp đất đai theo tinh thần Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai được thành lập theo từng vụ việc có từ 05 đến 09 người, gồm:
- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là Chủ tịch Hội đồng;
- Đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn;
- Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng ấp đối với khu vực nông thôn;
- Đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đang tranh chấp;
- Cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn.
5. Đối với hoạt động hòa giải, các hòa giải viên cần nghiên cứu, nắm bắt các quy định của pháp luật để tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận; tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải. Hòa giải phải khách quan, công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hòa giải.
6. Tổ chức thực hiện:
a) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước hữu quan, củng cố Tổ hòa giải và thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai; giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả; tích cực tham gia hòa giải theo đúng quy định của pháp luật;
b) Sở Tư pháp có trách nhiệm sơ kết, tổng kết và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tư pháp về công tác hòa giải ở địa phương; phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn công tác xét thi đua, khen thưởng công tác hòa giải ở địa phương;
c) Sở Nội vụ hướng dẫn chi tiết việc bầu tổ viên Tổ hòa giải theo quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (đối với những nơi chưa thành lập Tổ hòa giải);
d) Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tiếp tục kiện toàn các Tổ hòa giải ở cơ sở, thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai để hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phải bảo đảm nguồn kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả;
đ) Phòng Tư pháp quận, huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp:
- Hướng dẫn Ban Tư pháp cấp xã triển khai thực hiện các quy định về công tác hòa giải tại địa phương; đề xuất với Ủy ban nhân dân quận, huyện về biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương;
- Hàng năm, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở địa phương cho các hòa giải viên và theo hướng dẫn của Sở Tư pháp;
- Sơ kết, tổng kết, xét thi đua, khen thưởng công tác hòa giải ở địa phương; báo cáo công tác hòa giải với Ủy ban nhân dân quận, huyện và Sở Tư pháp;
e) Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp:
- Thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên ở địa phương theo hướng dẫn của Phòng Tư pháp;
- Sơ kết, tổng kết, xét thi đua, khen thưởng công tác hòa giải ở địa phương; báo cáo về công tác hòa giải với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Phòng Tư pháp;
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày và đăng báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 14/2004/CT-UB ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tiếp tục kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở theo Luật Đất đai năm 2003.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; Trưởng phòng Tư pháp quận, huyện, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và theo dõi tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 04/2010/QĐ-UBND về chế độ chi hỗ trợ cho tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 2Chỉ thị 14/2004/CT-UB tiếp tục kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở theo Luật Đất đai năm 2003 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 3Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2014 nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 4Quyết định 307/QĐ-UBND năm 2015 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành
- 5Chỉ thị 06/2015/CT-UBND củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang
- 6Quyết định 535/QĐ-UBND năm 2019 công bố hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của thành phố Cần Thơ trong kỳ hệ thống hóa 05 năm (2014-2018)
- 1Chỉ thị 14/2004/CT-UB tiếp tục kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở theo Luật Đất đai năm 2003 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 2Quyết định 307/QĐ-UBND năm 2015 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành
- 3Quyết định 535/QĐ-UBND năm 2019 công bố hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của thành phố Cần Thơ trong kỳ hệ thống hóa 05 năm (2014-2018)
- 1Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998
- 2Nghị định 160/1999/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở
- 3Luật Đất đai 2003
- 4Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai
- 5Quyết định 04/2010/QĐ-UBND về chế độ chi hỗ trợ cho tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 6Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2014 nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 7Chỉ thị 06/2015/CT-UBND củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang
Chỉ thị 11/2008/CT-UBND về kiện toàn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở do Thành phố Cần Thơ ban hành
- Số hiệu: 11/2008/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/08/2008
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Trần Thanh Mẫn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra