Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 24 tháng 5 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG, KHỐNG CHẾ DỊCH BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để; số lượng trâu, bò mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy vẫn phát sinh hàng ngày, gây thiệt hại kinh tế cho bà con nông dân và ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của tỉnh.

Thực hiện Công điện số 631/CĐ-TTg ngày 17/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và Công văn số 193-CV/TU ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện ngay các biện pháp cấp bách sau:

1. Sở Thông tin và Truyền Thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, đặc biệt là việc đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, chỉ sử dụng sản phẩm từ trâu, bò có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch; các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh; kịp thời định hướng dư luận, bảo đảm người dân, người tiêu dùng hiểu rõ, không hoang mang trong xã hội.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2.1. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, nhất là công tác giám sát dịch bệnh, công tác quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, công tác tái đàn, kiểm soát việc tập kết, vận chuyển, giết mổ và các biện pháp xử lý các ổ dịch. Chuẩn bị đầy đủ số lượng vắc xin Viêm da nổi cục trên trâu, bò phục vụ công tác tiêm phòng và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị tổ chức tiêm phòng vắc xin theo quy định.

2.2. Khẩn trương rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, trên cơ sở đó đề xuất phương án kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ tại các địa phương, đơn vị.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

3.1. Phải xác định công tác phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh với phương châm “huyện phải giữ huyện”, “xã giữ xã”, “thôn giữ thôn” và “hộ giữ hộ”, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan mạnh hơn; nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch bệnh trong thời gian sớm nhất để bảo vệ tài sản cho Nhân dân, bảo đảm an toàn, tạo điều kiện thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Đồng chí Bí thư huyện, thị, thành ủy và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa phương mình phụ trách.

3.2. Đối với các huyện, thị xã, thành phố đang có dịch phải tập trung nguồn lực, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y và áp dụng các biện pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, phát sinh ổ dịch mới; trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, kịp thời công bố dịch và tổ chức chống dịch theo quy định; thường xuyên tổ chức công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm, bãi chăn thả; tiếp tục tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch và phòng bệnh cho toàn bộ đàn trâu, bò thuộc diện tiêm; thành lập các đoàn công tác, phân công cán bộ đến các địa phương có dịch phụ trách việc giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh đến tận hộ gia đình, thôn, bản để phát hiện sớm, báo cáo kịp thời và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới xuất hiện, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi và tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, côn trùng hút máu,...); tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị trâu, bò bị bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y, nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi.

3.3. Đối với các huyện, thành phố chưa có dịch thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh; trọng tâm là chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, sát trùng trên trâu, bò; tiến hành kịp thời, triệt để việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò thuộc diện tiêm phòng. Tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn trâu, bò để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng.

4. Công an tỉnh, Cục Quản lý Thị trường tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò trái pháp luật, làm lây lan dịch bệnh.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan chủ động tham mưu, cân đối nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo đúng nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

6. Các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây từ động vật sang người, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 để có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc các địa phương được phân công phụ trách thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò.

7. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là người chăn nuôi trâu, bò tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung của Chỉ thị này; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định và chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh;
- Thành viên BCĐ phòng, chống dịch theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 09/02/2021;
- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Lưu: VT, NN, (263.2021)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2021 về tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống, khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 10/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/05/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Lê Đức Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản
File đang được cập nhật