Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Gia Lai, ngày 17 tháng 3 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2017-2020

Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp tích cực, phục vụ thiết thực cho phát triển nông nghiệp, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, hiện nay năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh còn thấp; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh; nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có triển vọng nhưng chưa được tổng kết đánh giá kịp thời, tuyên truyền sâu rộng để nông dân tiếp thu và nhân rộng; lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ chưa được huy động toàn diện để phục vụ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các nội dung tại Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ) trên địa bàn tỉnh với các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm (Nghiên cứu giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản) tạo bước đột phá mới về nghiên cứu, lai tạo, sản xuất ra nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh để phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm thuộc Sở chủ động đổi mới công tác nghiên cứu khoa học theo hướng nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của thị trường, đáp ứng sát hơn yêu cầu của thực tiễn sản xuất.

b) Xác định các loại nông sản chủ lực của tỉnh theo thứ tự ưu tiên để có đề xuất tỉnh có hướng hỗ trợ phát triển phù hợp.

c) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp, quan tâm đối với sản xuất rau, hoa, cây trồng có giá trị cao; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học và kỹ thuật phù hợp vào sản xuất; rà soát, xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất, thâm canh cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển khu lâm nghiệp công nghệ cao; đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch và sơ chế, bảo quản nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, tạo tiền đề và nội lực vững chắc để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

d) Chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, xây dựng mô hình chuyển đổi hợp tác xã kiểu mới và mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

e) Thực hiện tốt các chính sách phát triển nông thôn mới bền vững, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới (xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu).

f) Đề xuất cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

g) Định kỳ 6 tháng và hàng năm, báo cáo kết quả ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Triển khai và thực hiện có hiệu quả cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan nghiên cứu quy định của pháp luật, cơ chế và chính sách của nhà nước trong hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, khoa học và công nghệ của ngành nông nghiệp nói riêng, các tồn tại và vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết, hợp tác.

c) Đề xuất xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp vào điều kiện thực tế của các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

d) Tổ chức, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới do ngành quản lý.

e) Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ đến các đối tượng có liên quan để phát triển nông nghiệp và phục vụ xây dựng nông thôn mới.

f) Công bố danh mục, địa chỉ đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ có hiệu quả đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh để các địa phương và người dân biết và áp dụng.

g) Củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; rà soát, đánh giá, chuyển giao các đề tài khoa học và công nghệ có triển vọng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương để mở rộng ứng dụng vào sản xuất.

h) Tổng hợp các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, nguồn kinh phí, từ Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, định kỳ hàng năm gửi về Thường trực Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Trên cơ sở nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

b) Đề xuất UBND tỉnh giải pháp huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vào Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

4. Sở Tài chính: Hướng dẫn các cơ chế, tài chính để thực hiện Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới theo quy định.

5. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện chính sách chuyển dịch lao động nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

6. Sở Công thương: Triển khai thực hiện chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, phục vụ xây dựng nông thôn mới.

7. Sở Xây dựng: Xây dựng mô hình quy hoạch, kiến trúc nông thôn mới.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng mô hình quản lý và xử lý môi trường nông thôn.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Rà soát, đánh giá kết quả tập huấn, hướng dẫn, xây dựng mô hình, dự án, đề tài chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, v.v.... Từ đó, lựa chọn các mô hình, đề tài, dự án, cách thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật có kết quả tốt để phổ biến, nhân rộng; đồng thời tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp thiết thực để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất trên địa bàn.

b) Thực hiện tốt chính sách kêu gọi đầu tư, thực hiện xã hội hóa và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Huy động, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo bước đột phá trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững, từng bước chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng dần tỉ trọng ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

c) Lựa chọn, khảo nghiệm, khuyến cáo bộ giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, có lợi thế và phù hợp với từng địa bàn cho nông dân để sản xuất. Thường xuyên nghiên cứu thị trường tiêu thụ nông sản, giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp để dự báo, cảnh báo, hướng dẫn cho nông dân phát triển sản xuất để đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh Hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

d) Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nông dân tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Chủ động phối hợp, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học để nghiên cứu và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

10. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Đẩy mạnh các hoạt động: Thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ hội viên tham gia hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông lâm sản trên địa bàn tỉnh trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

11. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh:

a) Cần đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tăng cường áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch, sơ chế, chế biến; từng bước xây dựng và mở rộng sản xuất theo Chương trình cánh đồng lớn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và thế giới.

b) Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

12. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai: Tăng cường thời lượng, chất lượng các chuyên mục về khoa học và công nghệ để giới thiệu các kết quả nghiên cứu, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; phổ biến kiến thức sản xuất trong nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là về kỹ thuật và thị trường với những hình thức dễ hiểu và dễ thực hiện. Kịp thời nêu gương các tổ chức, cá nhân điển hình trong ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh để các tổ chức, cá nhân, người dân học tập, nhân rộng.

13. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020.

Định kỳ ngày 15/12 hàng năm, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; các sở, ban, ngành liên quan; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai; các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Bộ Khoa học và Công nghệ (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, KH&CN, KH&ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH, CT, XD, TN&MT;
- Liên Hiệp các Hội KH&KT tỉnh;
- Các DN SX&KD NN trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Gia Lai;
- Chánh VP, các Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KT, TH, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Ngọc Thành

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2017 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Võ Ngọc Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản