Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2012/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC Ở ĐẮK LẮK TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ.

Di sản văn hóa (gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Đắk Lắk nói riêng, là cốt lõi của bản sắc văn hóa, cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu văn hóa.

Triển khai Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001, nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk, góp phần hiệu quả xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/2003/CT-UB ngày 24/4/2003 về tăng cường công tác bảo vệ di sản văn hóa ở Đắk Lắk, Chỉ thị số 25/2006/CT-UBND ngày 18/12/2006 về việc bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa các dân tộc Đắk Lắk để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng chủ động phối hợp với Cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả; nhất là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống: văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng, văn hóa sử thi, văn hóa nhà dài, văn hóa thổ cẩm…; bảo tồn, khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh…, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, đồng thời phục vụ khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18/6/2009; để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí trong tỉnh, đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành lập hồ sơ các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh (theo danh mục đã được tỉnh công bố) để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét công nhận di tích quốc gia và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xét công nhận di tích cấp tỉnh. Xây dựng kế hoạch trùng tu, bảo quản, khai thác các di tích đã được xếp hạng, nhằm phục vụ ngày càng cao nhu cầu tham quan của khách du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

b) Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số: 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Quyết định số: 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020"; Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Bảo tồn, phát huy di sản - không gian văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015".

Tiến hành lập hồ sơ khoa học "Nghệ thuật truyền khẩu sử thi Tây Nguyên", đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

Ở tỉnh hai năm một lần, ở huyện mỗi năm một lần tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ và trình diễn thời trang các dân tộc Đắk Lắk, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

c) Hàng năm, nhân ngày "19/4 - Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam"; ngày "23/11 - Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh và phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy có hiệu quả di sản văn hóa các dân tộc Đắk Lắk.

d) Tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản về thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa; tăng cường các biện pháp để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa của các dân tộc trong tỉnh, trong đó có các dân tộc nhập cư đến Đắk Lắk, tạo điều kiện cho các dân tộc này gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của mình trong cộng đồng các dân tộc anh em ở Đắk Lắk.

3. Sở Khoa học và Công nghệ: Hàng năm cần ưu tiên các đề tài khoa học, nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc, có kế hoạch xuất bản các công trình khoa học về văn hóa dân tộc, nhằm đưa các công trình khoa học phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.

4. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cân đối, bố trí ngân sách hàng năm, đảm bảo nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án đã được thông qua.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan tham mưu cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích; sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa và các nguồn vốn đầu tư khác.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phát động cuộc thi tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử của các dân tộc bản địa Đắk Lắk trong các trường học; tổ chức các buổi thực tế, tham quan Bảo tàng, nhằm giáo dục cho học sinh hiểu và nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cục Hải quan và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Có kế hoạch phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa, nhằm ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt trái phép, làm sai lệch giá trị di sản văn hóa, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; mua bán, trao đổi trái phép bảo vật, cổ vật, di vật và các di sản văn hóa phi vật thể theo quy định.

8. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Có kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đó có lễ hội truyền thống, của đồng bào các dân tộc ở địa phương mình; gắn các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Nhân dân tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để chỉ đạo kịp thời.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số: 05/2003/CT-UB ngày 24/4/2003 về tăng cường công tác bảo vệ di sản văn hóa ở Đắk Lắk và Chỉ thị số: 25/2006/CT-UBND ngày 18/12/2006 về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL (B/c);
- TT Tỉnh ủy (B/c);
- TT HĐND tỉnh (B/c);
- Đoàn đại biểu QH tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMT TQVN tỉnh;
- Cục KTVB (Bộ Tư pháp);
- Ban VHXH HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, Tp, Tx;
- Công báo tỉnh; Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh, Website tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
+ CVP, các Phó CVP;
+ TH;
- Lưu: VT, VHXH.H. 130

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Dhăm Ênuôl

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/2012/CT-UBND về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc ở Đắk Lắk trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

  • Số hiệu: 06/2012/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/12/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Y Dhăm Ênuôl
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/01/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 09/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản