Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2012/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 06 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN - KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2012 – 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc Hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Xét Tờ trình số 50/TTr-UBND, ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết về Bảo tồn, phát huy di sản - không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 36/BC- HĐND ngày 29 tháng 6 năm 2012 của Ban Văn hoá - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết về Bảo tồn, phát huy di sản - không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 – 2015 với các nội dung sau:

1. Mục tiêu:

Gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản Văn hóa cồng chiêng, từng bước khôi phục Không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2. Các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng:

a) Công tác tuyên truyền:

- Tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đồng bào các dân tộc nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng; chú trọng tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thông tin lưu động.

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh và Trung ương tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng.

b) Tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng: Mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào các dân tộc bản địa trong tỉnh, nhằm chuyển giao kỹ năng sử dụng chiêng giữa thế hệ cha anh cho thế hệ trẻ.

c) Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của một số buôn truyền thống: Chọn mỗi huyện, thị xã, thành phố 01 buôn để bảo tồn.

d) Hỗ trợ cho một số đội chiêng truyền thống có thành tích bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng: Mỗi huyện chọn 03 đội chiêng của 03 buôn.

đ) Phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa gắn với môi trường diễn xướng văn hóa cồng chiêng.

e) Tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng giữa các buôn làng trong cộng đồng và giao lưu văn hóa cồng chiêng giữa 3 cụm trong tỉnh.

g) Tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống trong nhà sinh hoạt cộng đồng trở thành không gian diễn xướng văn hóa cồng chiêng.

h) Thống kê, sưu tầm, lưu giữ các bài chiêng trong nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc bản địa bằng phương tiện hiện đại.

i) Xuất bản sách và đĩa CD về kết quả bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015 để phát hành sâu rộng trong đồng bào các dân tộc thiểu số Đắk Lắk.

k) Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện đề án, định hướng bảo tồn, phát huy trong giai đoạn tiếp theo.

3. Các giải pháp thực hiện:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động, giúp cho đồng bào ý thức được việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng.

b) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa cồng chiêng nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu cồng chiêng, có các biện pháp để bảo vệ và xử lý đối với các hành vi trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng; ban hành Chỉ thị bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trong thời kỳ mới.

c) Tổ chức các hoạt động văn hóa cồng chiêng trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, trong các hoạt động du lịch, văn hóa. Hai năm một lần tổ chức ngày hội văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk. Chú trọng đưa hoạt động văn hóa truyền thống, trong đó có cồng chiêng vào sinh hoạt trong nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc tại chỗ.

d) Phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào dân tộc trong cộng đồng. Động viên, khuyến khích các nghệ nhân, các đội chiêng và gia đình gìn giữ phát huy văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng.

đ) Từng bước đưa văn hóa cồng chiêng vào chương trình chính khóa của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, các trường dân tộc nội trú. Vận động các nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy di sản - không gian văn hóa cồng chiêng.

4. Kinh phí thực hiện:

Tổng kinh phí thực hiện: 48.890.000.000 đ.

(Bốn mươi tám tỷ, tám trăm chín mươi triệu đồng).

Trong đó:

- Ngân sách tỉnh: 27.880.000.000 đ.

- Ngân sách huyện: 15.010.000.000 đ.

- Chương trình mục tiêu quốc gia: 6.000.000.000 đ.

Ngoài ra còn tranh thủ nguồn xã hội hóa của các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh để thực hiện đề án.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.

Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua;.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 06 tháng 7 năm 2012./.

 

 

CHỦ TỊCH




Niê Thuật

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 63/2012/NQ-HĐND bảo tồn, phát huy di sản - không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 – 2015

  • Số hiệu: 63/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/07/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Niê Thuật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản