Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ
HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI, NUÔI TRỒNG, BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN; AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG, LÂM, THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2019

Thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới; số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 27/10/2016 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội. Để nâng cao hiệu quả công tác phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố năm 2019, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan tập trung chỉ đạo tốt một số nội dung, chính sau:

1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo chuỗi liên kết, theo quy hoạch, quy định và gắn với thị trường tiêu thụ; quán triệt nhận thức, trách nhiệm, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh của vật nuôi, thủy sản; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

- Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện công tác phát triển chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý giết mổ, phòng, chống dịch bệnh thủy sản và bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2019 trên địa bàn kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách, chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở địa phương; quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản và sinh vật ngoại lai; nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.

- Giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm của Thành phố và các chuỗi an toàn thực phẩm; dự báo khả năng biến động giá cả thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Thông tin trên phương tiện thông tin truyền thông để người chăn nuôi chủ động trong sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, ổn định cung cầu.

- Giao chỉ tiêu kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm cho UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn đối với 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phân cấp của UBND Thành phố; kiên quyết xử lý và công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát lấy mẫu, hậu kiểm tự công bố, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để người dân biết và tẩy chay.

- Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản tại các thủy vực ngoài tự nhiên; thanh tra, kiểm tra về phòng, chống dịch bệnh thủy sản và công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT- BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo phân công, phân cấp của UBND Thành phố.

- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai đồng bộ, quyết liệt Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông về việc quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chỉ đạo và giao các Ban quản lý Chợ kiểm tra, giám sát các cơ sở, các hộ kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Huy động hệ thống chính trị vào cuộc trong thực hiện quản lý an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Phối hợp các sở, ban ngành liên quan trong việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; thực hiện có hiệu quả các chương trình; đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch, kế hoạch của UBND Thành phố liên quan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung chất lượng cao, gắn với quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm phát triển sản xuất bền vững, có hiệu quả và đảm bảo an toàn thực phẩm; bố trí quỹ đất và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến và giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

- Báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ vào ngày 20 hàng tháng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi, thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản và đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố ngay từ khâu sản xuất ban đầu theo thẩm quyền.

- Phối hợp UBND các huyện, thị xã rà soát quy hoạch chăn nuôi, thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm; xây dựng cơ sở sản xuất an toàn về dịch bệnh thủy sản; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo phân cấp. Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống thủy sản, quản lý nuôi thủy sản theo đúng quy định.

- Tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo tiếp tục phát triển có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, bảo tồn, phát triển nguồn gen động vật quý, hiếm trên địa bàn Thành phố và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

- Triển khai tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phát triển chuỗi sản xuất an toàn, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm và quảng bá các sản phẩm an toàn; đồng thời hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm. Phối hợp các cơ quan chức năng liên quan các tỉnh, thành phố liên quan trong kiểm soát thực phẩm nông, lâm, thủy sản đưa về Thành phố tiêu thụ và trung chuyển đưa đi các tỉnh.

- Chỉ đạo thực hiện tốt việc giám sát và phòng, chống dịch bệnh động vật và thủy sản. Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm nông lâm, thủy sản theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố. Tổ chức phối hợp liên ngành kiểm soát chặt chẽ các nguồn nông sản thực phẩm vào Thành phố.

- Tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, hậu kiểm tự công bố để có những thông tin cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời về an toàn thực phẩm. Thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại đối với nông sản thực phẩm trong các khâu nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh nông sản thực phẩm tại các chợ đầu mối và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ về điều kiện vệ sinh thú y, thủy sản, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật và thủy hải sản trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

- Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh và các phản ánh về mất an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Quản lý thị trường phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

- Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện của các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã; những khó khăn vướng mắc trong chỉ đạo, thực hiện, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúng quy định.

3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể

Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành: Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố Hà Nội, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các sở, ngành và đoàn thể liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị chủ động, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện theo quy định.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị này, thường xuyên báo cáo kết quả và những vấn đề phát sinh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện; những khó khăn, vướng mắc, tham mưu giải quyết, báo cáo UBND Thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (để báo cáo)
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các Sở, ngành: NN&PTNT, TT&TT, YT, TC, KH&ĐT, CT, CATP, Cục QLTT TP;
- Thành viên BCĐ công tác ATTP TP;
- UBND: quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, các PCVP: P.C. Công, Đ.H.Giang, KT, KGVX, NC, TKBT;
- Lưu VT, KT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-UBND về tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019

  • Số hiệu: 05/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/04/2019
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/04/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản