Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 15 tháng 3 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC VỆ SINH MÔI TRƯỜNG, THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, cơ sở hạ tầng các dự án xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường từng bước được quan tâm đầu tư, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt không sử dụng nhiên liệu hoặc bằng công nghệ chế biến phần hữu cơ đang dần dần thay thế các bãi chôn lấp tập trung, mạng lưới hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường ở các địa phương ngày càng được mở rộng và phát triển về số lượng cũng như chất lượng, nhận thức của cộng đồng về vai trò trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao, nhất là ở các địa phương đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương, đơn vị liên quan và của toàn thể nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương còn tồn tại và nảy sinh nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm, sự quan tâm động viên, khuyến khích, hỗ trợ để các HTX, tổ đội vệ sinh môi trường hoạt động có hiệu quả chưa được thực hiện kịp thời, còn hạn chế, việc hỗ trợ kinh phí trong vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đã được tỉnh quan tâm nhưng ở cấp huyện, cấp xã chưa được giải quyết gây khó khăn cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường; vẫn còn tình trạng nhiều điểm tập kết rác thải không đúng quy định ở ven đường, gần kênh mương thủy lợi, các khu vực ven sông, chân cầu, cống gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và mỹ quan khu vực; lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu. Đây là hệ quả của quá trình tổ chức thực hiện chưa được nghiêm túc, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể tại một số địa phương còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền trong các hoạt động bảo vệ môi trường chưa thường xuyên, sâu rộng; việc kiểm tra, xử lý những vi phạm trong bảo vệ môi trường thiếu kiên quyết, triệt để; việc xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển rác thải là hết sức cần thiết nhằm hoàn chỉnh hệ thống quản lý, mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững, tạo hành lang pháp lý về cơ chế tài chính để triển khai thực hiện nhưng đến nay, nhiều địa phương chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng tổ chức thực hiện chưa hiệu quả...

Để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn nói chung và đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tạo cảnh quan môi trường sạch - đẹp trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường và Kế hoạch số 489/KH-UBND ngày 29/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Xây dựng và các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá và hoàn thiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với công nghệ xử lý tại mỗi địa phương, cụ thể về cơ chế tài chính trong việc hỗ trợ kinh phí vận chuyển, xử lý rác thải cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường (phần thu từ các tổ chức, cá nhân; phần từ ngân sách cấp xã, cấp huyện; hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh), đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định mới về giá dịch vụ để triển khai thực hiện, yêu cầu hoàn thành trước ngày 31/3/2017.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát để thống nhất các loại phí chuyển sang giá dịch vụ trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật phí, lệ phí; theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, trình thẩm định và phê duyệt để triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ tình hình thực tế và các quy định hiện hành, rà soát, xem xét sự cần thiết ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường trên địa bàn tỉnh đối với các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm, kịp thời tham mưu đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo thực hiện.

- Theo chức năng nhiệm vụ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm (nếu có); Định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Xây dựng:

- Theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật và đôn đốc các địa phương chỉ đạo thực hiện xây dựng điểm thu gom, trung chuyển rác cấp xã theo quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch chất thải rắn đã được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan, địa phương liên quan rà soát, thống nhất các loại đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, xem xét sự cần thiết điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện bộ đơn giá dịch vụ công ích phù hợp với thực tế và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, tham mưu đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phù hợp thực tế và điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, tham mưu đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/5/2017.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan tham mưu đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để bố trí nguồn kinh phí hàng năm hỗ trợ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời tham mưu phương án hỗ trợ các HTX, tổ đội vệ sinh môi trường trong đầu tư trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, phát triển kinh tế tập thể.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

Cập nhật thông tin, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương, đề xuất áp dụng và nhân rộng; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường.

6. Các sở: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:

Theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo, quản lý, giám sát tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đồng thời phối hợp với các địa phương liên quan trong việc tổ chức phát động phong trào và tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin truyền thông khác tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp, thường xuyên có các chuyên mục tuyên truyền trên các thông tin đại chúng về việc thực hiện Chỉ thị này; Kịp thời phản ánh tình hình thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh cũng như kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến, đề xuất cấp trên, tuyên truyền nhân rộng.

8. Công an tỉnh:

Tăng cường hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường theo hướng tập trung đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường; Chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan để kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm, trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu đề xuất phương án xử lý và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thị xã:

- Tăng cường, nâng cao năng lực quản lý và vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy tối đa vai trò hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Khẩn trương hoàn thiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại mỗi địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả theo Đề án được duyệt; Chủ động bố trí từ ngân sách cấp huyện và chỉ đạo bố trí từ ngân sách cấp xã để kịp thời hỗ trợ chi phí vận chuyển và xử lý nhằm đảm bảo các điều kiện hoạt động cho các đơn vị môi trường.

- Phân rõ trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, giám sát nhằm thực hiện thường xuyên, có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải; Chỉ đạo các công ty, HTX, tổ đội vệ sinh môi trường tăng cường tần suất thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, không để tình trạng rác thải ứ đọng diễn ra gây ô nhiễm môi trường đặc biệt vào các dịp lễ, tết; Tập trung thu gom triệt để rác thải phát sinh, tồn đọng tại nơi công cộng, các khu vực ven đường giao thông huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ,...

- Soát xét triển khai thu hút đầu tư xây dựng các khu xử lý rác tập trung của địa phương theo quy hoạch, chỉ đạo cấp xã đầu tư xây dựng điểm thu gom, trung chuyển xác theo quy hoạch đã được duyệt và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

- Tổ chức, phát động các phong trào vì môi trường xanh, sạch, đẹp, định kỳ ít nhất 01 tháng/1 lần vào ngày 18 hàng tháng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải đồng loạt, đặc biệt đối tại các khu vực công cộng, các tuyến đường giao thông, kênh mương thủy lợi, chân cầu, vị trí giáp ranh giữa các địa phương nhằm chấm dứt tình trạng rác thải ứ đọng gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

- Định kỳ 06 tháng (vào ngày 30/6 và 31/12 hàng năm) tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh:

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành, chính quyền các cấp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao nhận thức về công tác thu gom, tập kết rác thải đúng quy định; tham gia tích cực các phong trào vì môi trường và các đợt tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thực hiện vệ sinh môi trường tại hộ gia đình, đường làng, ngõ xóm, khu dân cư và tại cơ quan đơn vị.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMT Tổ quốc tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- Báo Hà-Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Lưu: VT, NL2, XD2.
- Gửi:
+ Bản giấy: TP không nhận VBĐT.
+ Bản ĐT: Các TP còn lại.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Sơn

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

  • Số hiệu: 05/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Đặng Ngọc Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản