Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1952/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 31 tháng 08 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA QUY ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH, GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 15/2014/QĐ-UBND NGÀY 24/9/2014 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”;
Căn cứ Thông báo số 996-TB/TU ngày 29/7/2015 của Tỉnh ủy Thái Bình về việc thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch và xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 127/TTr-SKHĐT ngày 13/8/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh, với các nội dung như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 1:
“Điều 1. Nguyên tắc thực hiện
7. Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn của tỉnh.”
2. Sửa đổi, bổ sung Chương III:
“Chương III. CƠ CHẾ HỖ TRỢ XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT BẰNG CÔNG NGHỆ LÒ ĐỐT HOẶC CÔNG NGHỆ KHÁC, KHÔNG CHÔN LẤP
Điều 3. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc xử lý rác thải sinh hoạt được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này đối với các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt.
b) Quy định về cơ chế hỗ trợ cho việc xử lý rác thải sinh hoạt đối với doanh nghiệp được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Ủy ban nhân dân xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; trừ các xã, thị trấn thuộc phạm vi Dự án xử lý rác thải tập trung do doanh nghiệp đầu tư theo quy định tại Điểm b Khoản này và các xã, phường thuộc Thành phố Thái Bình được xử lý rác thải tại cơ sở xử lý rác của Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị tỉnh Thái Bình; trường hợp Công ty đã hoạt động hết công suất mà vẫn chưa xử lý hết lượng rác thải sinh hoạt của tất cả các xã, phường thì áp dụng cơ chế tại Quy định này đối với các xã, phường chưa được xử lý rác thải (do Ủy ban nhân dân Thành phố xác định cụ thể).
b) Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt hoặc công nghệ khác, không chôn lấp, trên địa bàn các xã, thị trấn được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư (trước ngày 01/7/2015) hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
c) Các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện Quy định này.
Điều 4. Điều kiện được ngân sách tỉnh hỗ trợ
1. Công nghệ lò đốt hoặc công nghệ khác, không chôn lấp phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc được phép nhập khẩu.
2. Trường hợp các xã, thị trấn đầu tư cơ sở xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt thì phải thực hiện theo đúng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện đầu tư cơ sở xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt hoặc công nghệ khác, không chôn lấp thì phải thực hiện theo đúng dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư (trước ngày 01/7/2015) hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
3. Các xã, thị trấn, doanh nghiệp thực hiện đầu tư, vận hành cơ sở xử lý rác phải tổ chức xử lý hết lượng rác thải sinh hoạt trong phạm vi dự án. Trường hợp đầu tư cơ sở xử lý rác theo quy mô cụm xã phải tổ chức thu gom, vận chuyển hết lượng rác thải sinh hoạt từ khu tập kết rác tập trung của các xã trong cụm đến cơ sở xử lý rác thải và xử lý hết lượng rác thải đó.
Điều 5. Phương thức và nguồn vốn hỗ trợ đầu tư
1. Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư, việc hỗ trợ được thực hiện sau khi công trình hoàn thành, đi vào hoạt động.
2. Nguồn vốn hỗ trợ: Từ kinh phí sự nghiệp môi trường; vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; vốn hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 6. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư
1. Định mức kinh phí hỗ trợ việc xây dựng, mua sắm thiết bị (bao gồm kinh phí đầu tư hạ tầng cơ sở xử lý rác thải, mua sắm thiết bị (lò đốt hoặc thiết bị khác) và phương tiện vận chuyển rác thải): 500 triệu đồng/xã, thị trấn.
2. Định mức hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải: 15.000 đồng/người/năm theo số liệu thống kê dân số năm trước liền kề.
3. Khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt theo quy mô cụm xã. Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, doanh nghiệp đầu tư cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt theo quy mô cụm xã thì được hỗ trợ kinh phí bằng tổng số kinh phí hỗ trợ của các xã trong cụm, theo định mức quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này; trong đó, kinh phí hỗ trợ theo định mức quy định tại Khoản 2 Điều này bao gồm cả kinh phí vận chuyển rác thải từ điểm tập kết rác thải tập trung của các xã vệ tinh về cơ sở xử lý.
4. Đối với các xã, thị trấn đã đầu tư và vận hành xử lý rác bằng công nghệ lò đốt trước khi ban hành quy định này thì được áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều này.
5. Đối với doanh nghiệp đầu tư và vận hành cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, ngoài chính sách hỗ trợ đầu tư, xử lý rác thải quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều này; doanh nghiệp còn được hưởng các ưu đãi về đất đai, về thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 7. Phương thức cấp vốn hỗ trợ
1. Kinh phí hỗ trợ xây dựng, mua sắm thiết bị:
a) Đối với các xã, thị trấn: Ủy ban nhân dân tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu qua ngân sách huyện để hỗ trợ cho các xã, thị trấn đã hoàn thành xây dựng, mua sắm thiết bị lò đốt rác và đi vào hoạt động, được nghiệm thu.
b) Đối với các doanh nghiệp: Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp từ nguồn kinh phí hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Doanh nghiệp thực hiện thủ tục, quy trình đề nghị hỗ trợ đầu tư theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Kinh phí hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt:
a) Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, Ủy ban nhân dân các huyện có trách nhiệm cấp kinh phí Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ cho các xã, thị trấn (trường hợp các xã, thị trấn quản lý, vận hành cơ sở xử lý rác); cấp kinh phí Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp trên cơ sở hợp đồng ký kết xử lý rác thải giữa Ủy ban nhân dân xã, thị trấn với doanh nghiệp xử lý rác (trường hợp doanh nghiệp nghiệp đầu tư, quản lý, vận hành cơ sở xử lý rác).
b) Trường hợp các cơ sở xử lý rác thải chưa hoàn thành việc vận chuyển và xử lý rác thải theo đúng quy định thì bị thu hồi kinh phí hỗ trợ theo mức độ vi phạm.”
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai hướng dẫn thi hành Quyết định này.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình và các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền về chủ trương, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh trước đây có nội dung trái Quyết định này thì bị bãi bỏ.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Nghị quyết 19/2014/NQ-HĐND phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020
- 2Hướng dẫn 01/HD-LN năm 2015 Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020
- 3Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 1196/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án "Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 19/2014/NQ-HĐND phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020
- 4Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 5Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu
- 6Hướng dẫn 01/HD-LN năm 2015 Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020
- 7Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Quyết định 1952/QĐ-UBND năm 2015 sửa đổi quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020 kèm theo Quyết định 15/2014/QĐ-UBND
- Số hiệu: 1952/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/08/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Nguyễn Hồng Diên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra