Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Cà Mau, ngày 03 tháng 03 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG THIỆT HẠI DO HẠN HÁN VÀ XÂM NHẬP MẶN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Ngay từ đầu mùa khô 2015 - 2016, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn theo Phương án Ứng phó với ảnh hưởng của El Nino trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, do hạn hán gay gắt kéo dài, tốc độ xâm nhập mặn nhanh, nên đã tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống của nhân dân và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; cụ thể như: dịch bệnh trên tôm nuôi có xu hướng gia tăng, nhưng chưa có biện pháp phòng, chống hiệu quả; diện tích lúa - tôm thiệt hại khoảng 70% diện tích xuống giống; nước trong kênh rạch cạn kiệt, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người tăng so với cùng kỳ; nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao và thiếu nước để chữa cháy;...

Trước tình hình nêu trên, để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, góp phần ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị Thủ trưởng sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau thực hiện nghiêm túc các nội dung sau đây:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 22/02/2016 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quyết định số 1873/QĐ-UBND ngày 02/12/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án Ứng phó với ảnh hưởng của El Nino trong mùa khô năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong mùa khô 2016, để tập trung thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.

2. Chủ động triển khai các biện pháp chăm lo đời sống nhân dân; phòng, chống dịch bệnh do hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, nhất là không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Các cấp, các ngành có liên quan tăng cường khuyến cáo người dân sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm và hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại khu vực đã có công trình cấp nước tập trung. Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau tiếp tục đầu tư tăng sản lượng nguồn nước, mở rộng mạng lưới đường ống và giảm tỷ lệ thất thoát nước, đảm bảo cung cấp nguồn nước ổn định, liên tục, đạt chất lượng phục vụ nhu cầu người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước tập trung theo kế hoạch được duyệt, nhất là những khu vực khan hiếm nguồn nước ngọt. Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên rà soát, nắm tình hình thực tế trên địa bàn để có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo ở những nơi không có nguồn nước ngầm sử dụng được và nguồn nước mặt bị khô cạn, nhiễm phèn, mặn; chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

3. Thường xuyên cập nhật và tăng cường thông tin, tuyên truyền về diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, cấp độ dự báo nguy cơ cháy rừng; những tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân và các biện pháp phòng, chống thiệt hại, để các đơn vị chức năng có liên quan và cộng đồng dân cư chủ động thực hiện.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp U Minh Hạ phối hợp các ngành chức năng tăng cường thực hiện Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; trong đó:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; vận động và quản lý chặt chẽ không để người dân vào rừng ăn ong, săn bắt thú... gây cháy rừng; tổ chức và tăng cường tổ, đội quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng tại cộng đồng dân cư nơi có rừng.

- Kiểm tra việc thực hiện các phương án của các đơn vị quản lý rừng và phương án phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với các đơn vị, địa phương nơi có rừng. Bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ tại các khu vực có nguy cơ cháy cao. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, các trang thiết bị, kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình (giao thông, thủy lợi...) theo kế hoạch được duyệt, nhằm phục vụ tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Xử lý nghiêm các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Nghiên cứu, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phương án điều tiết hợp lý nguồn nước trong lâm phần để phục vụ tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhưng phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường trong khu vực.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện U Minh, Trần Văn Thời và các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao; triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các xã; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị và phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở.

5. Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ mùa khô, tập trung các khu vực có nguy cơ cao như: chợ, nơi tập trung dân cư... UBND các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống cháy nổ; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn cháy nổ, nhất là nguy cơ chập điện, tuyệt đối không để cháy nổ xảy ra.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau:

- Khẩn trương đôn đốc việc triển khai kế hoạch phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn cụ thể đối với từng vùng, tiểu vùng và từng đối tượng khác nhau.

- Chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố về đê, đập, cống bọng trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng người dân tự phát đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

- Khẩn trương rà soát, kiểm tra thực tế để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư những công trình bức thiết nhằm hạn chế thiệt hại do triều cường, xâm nhập mặn và hạn hán kéo dài.

- Hướng dẫn lịch thời vụ sản xuất và bố trí chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi phù hợp với tình hình thời tiết do ảnh hưởng của El Nino và điều kiện sản xuất của từng vùng, tiểu vùng. Tích cực đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất lúa, tôm, chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với khả năng đảm bảo nguồn nước.

- Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và bệnh trên tôm nuôi. Trong đó, tăng cường công tác thống kê, dự báo, phòng ngừa dịch bệnh và chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

- Tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn; đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ, khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất theo Quyết định công bố thiên tai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và quy định hiện hành.

7. Trong điều kiện hạn hán, nắng nóng gay gắt, thiếu nước sinh hoạt, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên người rất cao, đề nghị Sở Y tế khẩn trương triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh theo hướng chủ động phòng ngừa và kịp thời dập tắt dịch bệnh khi mới phát sinh, không để lây lan.

8. Sở Công thương, Công ty Điện lực Cà Mau: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh và công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau và sở, ngành có liên quan chủ động tham mưu bố trí ngân sách thực hiện phòng, chống thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn; hướng dẫn, xử lý việc hỗ trợ kinh phí cho người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai khôi phục sản xuất.

10. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau và đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- UBMTTQ VN tỉnh;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, TP CM;
- Báo, Đài, CTTĐT, Công báo;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Chuyên viên các khối (VIC);
- PNN-NĐ, HC-TC (K);
- Lưu: VT, Mi06.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2016 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 05/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/03/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Nguyễn Tiến Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản