Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1873/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 02 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ VỚI ẢNH HƯỞNG CỦA EL NINO TRONG MÙA KHÔ NĂM 2015 - 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức ngày 31 tháng 10 năm 2015, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Công điện số 32/CĐ-TW ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015 - 2016, Hè Thu 2016, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của El Nino;

Căn cứ Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCTL ngày 23 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino;

Căn cứ kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tại Hội nghị sơ kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và triển khai nhiệm vụ tháng 11 năm 2015 (Thông báo số 1066/TB-VP ngày 02 tháng 11 năm 2015 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Kế hoạch số 47/SKH-SNN ngày 17/11/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án Ứng phó với ảnh hưởng của El Nino trong mùa khô năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau (kèm theo Phương án).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định này; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau và tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./. 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hải

 

PHƯƠNG ÁN

ỨNG PHÓ VỚI ẢNH HƯỞNG CỦA EL NINO TRONG MÙA KHÔ NĂM 2015 - 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Kèm theo Quyết định số: 1873/QĐ-UBND ngày 02/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. TÊN PHƯƠNG ÁN

Ứng phó với ảnh hưởng của El Nino trong mùa khô năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

II. LÝ DO LẬP PHƯƠNG ÁN

Theo dự báo, El Nino 2015 sẽ đạt cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục 1997-1998 và có khả năng kéo dài sang năm 2016, nên mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm, hạn hán gay gắt và kéo dài, triều cường dâng và nước mặn xâm nhập sớm hơn trung bình nhiều năm, tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống của nhân dân và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Vì vậy, việc xây dựng Phương án Ứng phó với ảnh hưởng của El Nino trong mùa khô năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiệt hại có thể xảy ra là rất cần thiết và cấp bách.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Phương án nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiệt hại do ảnh hưởng của El Nino; nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành xử lý tình huống của các cấp, các ngành có liên quan và ý thức của Nhân dân về ứng phó với El Nino. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, góp phần ổn định sản xuất, đời sống của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đảm bảo đa số người dân trên địa bàn tỉnh nắm được thông tin, tác hại do ảnh hưởng của El Nino để chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.

- Triển khai biện pháp ứng phó với tình trạng thiếu nước, điện sản xuất, sinh hoạt; nước mặn xâm nhập vào nội đồng; phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng, chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm và tôm nuôi.

- Phân công nhiệm vụ các các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc triển khai giải pháp ứng phó với tác động của El Nino.

IV. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA PHƯƠNG ÁN

- Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức ngày 31 tháng 10 năm 2015, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Công điện số 32/CĐ-TW ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015 - 2016, Hè Thu 2016, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của El Nino.

- Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCTL ngày 23 tháng 10 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

- Kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Hội nghị sơ kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và triển khai nhiệm vụ tháng 11 năm 2015 (Thông báo số 1066/TB-VP ngày 02 tháng 11 năm 2015 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh).

- Kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại cuộc họp về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2015 - 2016 (Thông báo số 1112/TB- VP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh).

V. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

1. Thực trạng sản xuất, đời sống của Nhân dân và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng:

Quy hoạch hệ thống thủy lợi Cà Mau gồm 02 vùng Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau, với 23 tiểu vùng (05 tiểu vùng thủy lợi Bắc Cà Mau và 18 tiểu vùng thủy lợi Nam Cà Mau). Tỉnh đã phê duyệt 17/23 dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiểu vùng. Trong đó, đã đầu tư khép kín 01 tiểu vùng (tiểu vùng III - Bắc Cà Mau), các tiểu vùng còn lại chưa được khép kín, do thiếu vốn. Việc đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông, xây dựng cống, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, do Cà Mau có 03 phía giáp biển; hệ thống thủy lợi (đê biển Đông, đê biển Tây, đê sông, cống, kênh mương nội đồng) chưa được đầu tư đồng bộ; sản xuất và sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô. Với tình trạng hạn hán kéo dài sẽ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, phòng cháy, chữa cháy rừng và nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng rất cao, tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở dự báo diễn biến El Nino và đặc điểm tình hình địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xác định một số vấn đề tập trung thực hiện như sau:

1.1. Về nước sinh hoạt:

Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đến cuối năm 2015 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 85%. Do sản xuất và sinh hoạt của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô. Khi nắng hạn kéo dài, nguồn nước mặt cạn kiệt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, dẫn đến mực nước và chất lượng nước ngầm giảm sút. Tuy nhiên, khu vực thành thị và các khu dân cư tập trung, do có hệ thống nước nối mạng, nên không thiếu nước sinh hoạt. Riêng những khu vực không có nguồn nước ngầm khai thác, sử dụng được (do nhiễm mặn, nhiễm phèn) và chưa có hệ thống nước nối mạng sẽ thiếu nước sinh hoạt, cụ thể như: khu vực ven rừng tràm, thuộc địa bàn các xã: Biển Bạch (huyện Thới Bình), Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Thuận (huyện U Minh),... và các cụm đảo.

1.2. sản xuất và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi:

a) Sản xuất lúa:

- Theo kế hoạch sản xuất năm 2015, tỉnh Cà Mau có tổng diện tích gieo trồng lúa 129.306 ha, trong đó lúa hè thu 35.200 ha, lúa mùa 16.106 ha, lúa vụ 2 (đông xuân) 35.200 ha và lúa - tôm 42.000 ha. Đến nay, đã thu hoạch xong trà lúa hè thu được 36.586 ha, tương đương cùng kỳ, đạt gần 100% diện tích xuống giống, năng suất bình quân đạt 05 tấn/ha; gieo cấy 15.353 ha lúa mùa, bằng 91% cùng kỳ, đạt 95% kế hoạch; 15.676 ha lúa đông xuân, bằng 86% cùng kỳ, đạt 76% kế hoạch; kết thúc xuống giống lúa - tôm, được 32.328 ha, bằng 88% cùng kỳ, đạt 76% kế hoạch. Lúa mùa và lúa vụ 2 tập trung tại Tiểu vùng II và III Bắc Cà Mau, có hệ thống thủy lợi cơ bản khép kín, chủ yếu trữ nước mưa, không có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô. Do đó, khi nắng hạn gay gắt kéo dài, nước ở hệ thống kênh rạch khô cạn nhanh, nước mặn xâm nhập nội đồng, dẫn đến thiếu nguồn nước ngọt tưới bổ sung. Diện tích lúa - tôm tập trung vùng Quản lộ Phụng Hiệp và vùng Nam Cà Mau, với hệ thống thủy lợi chưa được khép kín. Vì vậy, khi nắng hạn kéo dài, mực nước trên hệ thống kênh xuống thấp, thủy triều dâng cao, nước mặn xâm nhập nội đồng, gây thiệt hại trong sản xuất.

- Kế hoạch năm 2016, toàn tỉnh gieo trồng 127.250 ha lúa, trong đó có 34.560 lúa hè thu, 50.960 ha lúa - tôm, 7.170 ha lúa mùa, 12.300 ha lúa thu đông và 22.260 ha lúa đông xuân. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, thời vụ xuống giống lúa - tôm năm 2016 sẽ chậm hơn trung bình nhiều năm, nên có thể bị giảm năng suất hoặc bị thiệt hại do nước mặn xâm nhập. Bên cạnh đó, thời vụ xuống giống lúa hè thu cũng trễ hơn, dẫn đến xuống giống lúa vụ thu đông và đông xuân trễ, nên sẽ thiếu nước ngọt vào cuối vụ sản xuất.

b) nuôi trồng thủy sản:

Diện tích nuôi thủy sản của tỉnh khoảng 298.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khoảng 268.500 ha, bao gồm 9.500 ha tôm nuôi công nghiệp, 78.000 ha tôm quảng canh cải tiến, 180.000 ha tôm nuôi quảng canh và còn lại là tôm - rừng. Trong 10 tháng đầu năm 2015, có 733 ha tôm nuôi công nghiệp bị bệnh (đốm trắng, hoại tử gan tụy,…), giảm 480 ha so cùng kỳ. Tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến có 10.155 ha bị bệnh (mức độ thiệt hại khoảng 30 - 70% năng suất), giảm 157 ha so cùng kỳ. Do nhiệt độ nước tăng, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, không có nguồn nước ngọt bổ sung, nên dự báo độ mặn tại các ao đầm nuôi tôm sẽ trên 40‰, vượt ngưỡng sinh trưởng của tôm; đồng thời các yếu tố môi trường khác thay đổi theo, dẫn đến tôm nuôi chậm lớn, dễ bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, đóng rong, đen mang,...gây thiệt hại cho người nuôi tôm.

c) Về chăn nuôi gia súc, gia cầm:

Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 294.000 con và đàn gia cầm khoảng 2,6 triệu con. Trong những tháng đầu năm, đã phát hiện, tiêu hủy 11 con heo bệnh tai xanh và 6.698 con gia cầm bệnh cúm A/H5N1. Do nhiệt độ không khí tăng, thiếu nước ngọt, khả năng đề kháng của gia súc, gia cầm giảm,...dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như: bệnh heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và cúm gia cầm.

1.3. Về phòng cháy, chữa cháy rừng:

Diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh 164.587 ha (đã rà soát theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014), bao gồm khu vực rừng ngập mặn 110.742 ha, rừng tràm 53.275 ha và cụm đảo 570 ha. Diện tích có rừng 92.284 ha, bao gồm rừng ngập mặn 55.640 ha, khu vực rừng tràm 36.111 ha và cụm đảo 533 ha; trong đó, có 36.111 ha khu vực rừng tràm (bao gồm Vườn Quốc gia U Minh Hạ 8.528 ha, có rừng 8.009 ha) và 533 ha rừng cụm đảo có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã qua được thực hiện tốt, tuy nhiên mùa khô 2014 - 2015 vẫn xảy ra 02 vụ cháy rừng, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại 1,4 ha, nguyên nhân do người dân vào rừng lấy mật ong gây cháy rừng. Dự báo mùa khô 2015 - 2016 kéo dài, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Bên cạnh đó, nước trong hệ thống kênh mương cạn nhanh, nếu xảy ra cháy rừng, sẽ thiếu nước chữa cháy.

1.4. Về cung cấp điện:

Hệ thống lưới điện nông thôn được ưu tiên đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã đầu tư 509 km đường dây trung thế, 677 km đường dây hạ thế, 10.805 kVA trạm biến áp với tổng vốn đầu tư 256 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, góp phần tăng nhanh tỷ lệ hộ dân sử dụng điện và giảm tỷ lệ hộ sử dụng điện chia hơi, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tăng từ 94,7% năm 2010 lên 97,5% năm 2015. Trong đó, lưới điện 3 pha phục vụ nuôi tôm công nghiệp được ưu tiên đầu tư. Khi nắng hạn kéo dài, các hồ chứa nước phục vụ thủy điện trên toàn quốc sẽ cạn kiệt, dẫn đến tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhất là điện phục vụ sản xuất 9.500 ha tôm nuôi công nghiệp, 38 xí nghiệp chế biến thủy sản và các công trình trọng điểm, cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn.

1.5. Về phòng, chống dịch bệnh trên người:

Cơ sở vật chất ngành y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở được đầu tư, mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Số giường bệnh/vạn dân đến cuối năm 2015 đạt 25,1 giường. Mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, giám sát dịch bệnh chặt chẽ, không để dịch bệnh xảy ra. Cơ sở vật chất phục vụ y tế dự phòng được quan tâm đầu tư. Nguồn nhân lực và chất lượng đội ngũ y bác sỹ đã tăng đáng kể trong các năm qua. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật ngành y tế được tăng cường, đã thực hiện được nhiều kỹ thuật y học và vận hành các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Công tác xã hội hóa về y tế được mở rộng. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được chú trọng, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2015, đã xảy ra 33 ca bệnh viêm não (cùng kỳ không có), chết 01 người; 1.493 ca bệnh tiêu chảy (cùng kỳ 1.806 ca); 1.036 ca bệnh sốt xuất huyết (cùng kỳ 392 ca), chết 02 người (bằng cùng kỳ); 1.994 ca hội chứng tay chân miệng (cùng kỳ 2.763). Khi nắng nóng kéo dài, dự báo các bệnh thường xuất hiện vào mùa hè sẽ tăng hơn trung bình nhiều năm.

2. Giải pháp thực hiện:

2.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền:

- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các Cơ quan Báo, Đài, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiện tượng El Nino; những tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của Nhân dân và các biện pháp phòng, chống thiệt hại để các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư chủ động thực hiện.

- Trung tâm Khí tượng Thủy văn Cà Mau thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, thông báo đến các cấp, các ngành có liên quan và người dân ứng phó kịp thời.

2.2. Về đảm bảo nước phục vụ dân sinh:

- Các cấp, các ngành có liên quan tăng cường khuyến cáo người dân sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm; chủ động dự trữ nước mưa; hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại khu vực đã có công trình cấp nước tập trung; xử lý, trám lấp giếng khoan hư hỏng, không sử dụng để tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm.

- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau tiếp tục đầu tư tăng sản lượng nguồn nước, mở rộng mạng lưới đường ống và giảm tỷ lệ thất thoát nước, đảm bảo cung cấp nguồn nước ổn định, liên tục, đạt chất lượng phục vụ nhu cầu người dân.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước tập trung, tại khu vực khan hiếm nguồn nước ngọt và dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt trên đảo Hòn Khoai theo kế hoạch được duyệt, góp phần giải quyết tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt tại các khu vực này.

- Ủy ban nhân dân huyện khẩn trương rà soát, hỗ trợ các dụng cụ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt mùa khô 2015 - 2016 cho hộ nghèo nơi không có nguồn nước ngầm sử dụng được và nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, phèn. Trong đó, lưu ý khu vực ven rừng tràm, thuộc địa bàn các xã: Biển Bạch (huyện Thới Bình), Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Thuận (huyện U Minh),... và các cụm đảo. Quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, đơn vị chức năng và các tổ chức đoàn thể của tỉnh để nâng cao năng lực hỗ trợ người dân trong việc giải quyết khó khăn về nước sạch sinh hoạt.

2.3. Về sản xuất và phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và tôm nuôi:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau:

- Khẩn trương lập kế hoạch chống hạn, xâm nhập mặn cụ thể đối với từng vùng, tiểu vùng và từng đối tượng khác nhau. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch củng cố bờ bao ngăn mặn, giữ ngọt, chống hạn cục bộ và điều tiết nước tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau. Phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Bạc Liêu xác định lịch điều tiết nước chung cho vùng dự án thuộc hệ thống Quản lộ Phụng Hiệp.

- Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn và hệ thống kênh cấp I, II, III do tỉnh và cấp huyện quản lý đầu tư, để kịp thời ngăn mặn, chống tràn, trữ nước, cấp thoát nước phục vụ sản xuất. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình cống đập, kênh mương, để có kế hoạch tu sửa, nạo vét kịp thời.

- Khẩn trương triển khai nguồn vốn Trung ương cấp bù miễn thủy lợi phí 2016 và nguồn vốn chống hạn và xâm nhập mặn năm 2016, trong đó chú trọng đến các công trình bức xúc cần nạo vét để trữ nước kết hợp ngăn mặn, chống tràn và tạo nguồn nước để phục vụ sản xuất.

- Theo dõi sát diễn biến thời tiết, điều chỉnh lịch thời vụ trồng lúa và nuôi tôm phù hợp từng vùng, tiểu vùng. Tích cực đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất lúa, tôm, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn sản xuất đúng lịch thời vụ; bố trí cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước hiện có; sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm cho lúa và cây trồng cạn. Đối với kế hoạch sản xuất lúa năm 2016, sau khi thu hoạch trà lúa hè thu, chỉ đạo huy động ngay phương tiện cải tạo đất, để sớm xuống giống vụ lúa thu đông và đông xuân, nhằm hạn chế thiếu nước cuối vụ sản xuất; lưu ý chỉ bố trí sản xuất ở những nơi có điều kiện nguồn nước để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, nhất là cúm A (H5N1, H5N7, H7N9,…) trên gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc, heo tai xanh, bệnh dại và bệnh trên tôm nuôi. Chỉ đạo đơn vị trực thuộc có liên quan tăng cường công tác thống kê, chẩn đoán, xét nghiệm, tổng hợp thông tin tình hình dịch bệnh; kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt các quy định về vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; kịp thời tiêu độc, khử trùng mầm bệnh và hướng dẫn khôi phục sản xuất sau thiệt hại và kịp thời hỗ trợ thiệt hại do thiên tai theo đúng quy định; xử lý nghiêm vi phạm trong chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm và quản lý chặt chẽ thức ăn, thuốc thú y thủy sản và chất lượng tôm giống.

b) Sở Công thương: chịu trách nhiệm triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc sắp xếp các điểm mua, bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp mua, bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không đúng quy định hiện hành.

c) Sở Giao thông vận tải: tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, lái xe, lái tàu không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch hoặc vận chuyển chung với các hàng hóa khác; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định hiện hành.

d) Sở Khoa học và Công nghệ: tích cực nghiên cứu, cập nhật các quy trình sản xuất lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm công nghiệp, sản xuất giống và xử lý môi trường có hiệu quả để chuyển giao, hướng dẫn hộ dân thực hiện.

đ) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để chủ động phòng, chống thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015 - 2016.

- Triển khai các phương án cấp nước phục vụ sản xuất, bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, đảm bảo sản xuất có hiệu quả.

- Tăng cường kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống, đập, kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra nhằm tránh nước mặn xâm nhập vào nội đồng; đồng thời hướng dẫn Nhân dân kiểm tra, chủ động gia cố bờ bao và thực hiện các giải pháp thích hợp khác nhằm phòng tránh nước mặn xâm nhập vào diện tích sản xuất lúa - tôm; quản lý quy hoạch chặt chẽ nhằm không để xảy ra tình trạng người dân tự phát đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

- Huy động máy bơm nước ngọt từ các kênh trục vào dự trữ tại các kênh nội đồng để tưới bổ sung cho lúa khi cần thiết.

- Chỉ đạo nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương; phát động phong trào thủy lợi, thủy nông nội đồng ngay từ đầu mùa khô 2015 - 2016 để trữ nước ngọt tại chỗ phục vụ sản xuất các năm sau.

- Tăng cường quản lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các ổ dịch bệnh mới phát sinh, tránh để lây lan ra diện rộng.

2.4. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng:

- Về công tác chuẩn bị, các chủ rừng đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; đóng cống, đắp đập giữ nước ngọt; sửa chữa 65 chòi quan sát lửa kiên cố; xây dựng thêm 62 chòi tạm; trồng 243 km băng xanh, phát dọn 345 km băng trắng cản lửa; dọn luồng 203 km kênh mương; ban gạt 58 km đường lộ đất đen; bố trí 77 máy bơm với trên 59.300 mét ống chữa cháy; 100 phương tiện vận chuyển; trang bị 172 máy Icom và 25 máy điện thoại bàn phục vụ thông tin liên lạc. Do đó, đề nghị các đơn vị chủ rừng tiếp tục rà soát, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2015 - 2016, tuyệt đối không để xảy ra cháy rừng.

- Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ kết hợp việc cảnh báo cấp độ cháy rừng, với việc khoanh vùng trọng điểm trên bản đồ và thực địa để chủ động chỉ đạo, ứng cứu trong tình huống cấp thiết. Vận động Nhân dân phát dọn bờ thửa, kênh mương, thực bì và trồng cây tạo băng xanh phòng cháy rừng, không vào rừng trong thời gian cao điểm mùa khô, không đốt dọn đất nông nghiệp khu vực lân cận để lửa lây lan gây cháy rừng...

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp tục chỉ đạo phát triển mô hình trồng rừng thâm canh để hạn chế cháy rừng.

2.5. Công tác phòng chống cháy nổ:

- Công an tỉnh chủ trì, hướng dẫn và kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ mùa khô, tập trung là các khu vực có nguy cơ cao như: chợ, nơi tập trung dân cư...

- UBND các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống cháy nổ; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn cháy nổ, nhất là nguy cơ chập điện, tuyệt đối không để cháy nổ xảy ra.

2.6. Về cung cấp điện: Sở Công thương phối hợp với Công ty Điện lực Cà Mau:

- Xây dựng kế hoạch cung ứng điện phù hợp, chủ động khắc phục tình trạng thiếu điện trong mùa khô.

- Ưu tiên điều tiết điện phục vụ các vùng nuôi tôm công nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, các công trình trọng điểm và cơ quan Đảng, Nhà nước trong thời gian cao điểm của mùa khô; thông báo rộng rãi kế hoạch cắt điện để các tổ chức, cá nhân biết và chủ động sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, đảm bảo cung cấp điện ổn định và liên tục đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt trước, trong và sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2016.

- Công ty Điện lực Cà Mau chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, sửa chữa, khắc phục những vị trí có nguy cơ rò rỉ điện và thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn lưới điện; đồng thời tăng cường hướng dẫn nhân dân các biện pháp đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, nhất là trong nuôi tôm công nghiệp và phòng, chống cháy nổ do chập điện.

- Phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam (chủ đầu tư) đẩy nhanh tiến độ Dự án thành phần Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Cà Mau, thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 03 vay vốn Ngân hàng Thế giới, góp phần đảm bảo nguồn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

2.7. Về phòng, chống dịch bệnh trên người: Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, bệnh trên người; chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị và bố trí nhân lực đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh; quản lý chặt chẽ giá thuốc và giá các dịch vụ y tế; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ đạo các bệnh viện, các trung tâm y tế... duy trì tốt việc khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu người bệnh, các trường hợp ngộ độc thực phẩm...

3. Tổ chức thực hiện:

3.1. Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau hoàn thành công tác chuẩn bị theo Phương án trước ngày 15/12/2015, nhằm đảm bảo ứng phó kịp thời khi có tình huống bất lợi xảy ra; riêng công tác thông tin tuyên truyền và phòng cháy, chữa cháy rừng, đề nghị các đơn vị có liên quan triển khai thực ngay. Báo cáo tình hình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo định kỳ trước ngày 15 hàng tháng.

3.2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau: Phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đúng nội dung Phương án này. Thống kê, rà soát tình hình thiệt hại xảy ra trên địa bàn quản lý, kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại và tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.3. Về kinh phí thực hiện: Sử dụng kinh phí đã giao đầu năm cho ngành, địa phương, đơn vị. Trường hợp phát sinh kinh phí vượt khả năng cân đối của đơn vị, báo cáo Sở Tài chính tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3.4. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Phương án, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

4. Đề xuất, kiến nghị:

Để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn dưới tác động nặng nề của El Nino, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những nội dung cụ thể như sau:

- Bổ sung thêm kinh phí chống hạn hán, xâm nhập mặn cho tỉnh Cà Mau để nạo vét kênh mương, đắp đê bao ngăn triều cường phục vụ sản xuất của Nhân dân.

- Tỉnh Cà Mau hiện còn một số khu vực không có nguồn nước ngầm để khai thác sử dụng do bị nhiễm phèn, mặn; mặt khác dân cư sống phân tán, nên chưa đầu tư hệ thống cấp nước nối mạng. Vì vậy, kiến nghị Trung ương có kế hoạch hỗ trợ cho tỉnh kinh phí để cung cấp dụng cụ trữ nước ngọt phục vụ đời sống của Nhân dân ở những khu vực này.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 2065/QĐ-TTg ngày 12/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cấp nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, trong đó có phương án dẫn nước ngọt từ Sông Hậu cung cấp nước sinh hoạt cho vùng bán đảo Cà Mau; Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vườn Quốc gia U Minh Hạ tỉnh Cà Mau, trong đó phê duyệt dự án xây dựng hồ dự trữ nước ngọt phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.

Trên đây là Phương án Ứng phó với ảnh hưởng của El Nino trong mùa khô năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau báo cáo Bộ, ngành Trung ương theo quy định; đồng thời yêu cầu Thủ trưởng sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau triển khai thực hiện nghiêm túc Phương án này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1873/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Phương án Ứng phó với ảnh hưởng của El Nino trong mùa khô năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 1873/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Nguyễn Tiến Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản