Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2015/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 18 tháng 03 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Trong thời gian qua các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông, đặc biệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, từ đó công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến, bước đầu kiềm chế được tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Cụ thể, trong năm 2014, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục chuyển biến tích cực. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2013 tiếp tục giảm trên cả ba mặt (giảm 17,56%), đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra là giảm từ 5 - 10% và mục tiêu của Hội đồng nhân dân tỉnh là giảm ít nhất từ 10% trở lên.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, triển khai thực hiện đồng bộ chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về mục tiêu, giải pháp kiềm giảm tai nạn giao thông năm 2015 và các năm tiếp theo; tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 69/2013/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị như sau:

1. Ban An toàn giao thông tỉnh

a) Thực hiện chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt trong nội bộ và nhân dân thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa; Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Nghị quyết số 69/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang và Báo Ấp Bắc tổ chức thực hiện chuyên mục, chuyên trang về an toàn giao thông với nội dung phong phú; kịp thời thông tin tình hình trật tự an toàn giao thông; thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt cũng như phê phán những cá nhân, tổ chức, đơn vị chưa chấp hành tốt pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm; phân tích ưu, khuyết điểm trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong thời gian qua, từ đó có giải pháp đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trên địa bàn tỉnh cho các năm tiếp theo. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng có sự phân công đầu mối, phối hợp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; tuyên truyền đúng đối tượng, lứa tuổi thường gây tai nạn; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt nội bộ cơ quan, đơn vị, họp dân tại ấp, khu phố; các cuộc họp sinh hoạt của hội, đoàn thể quần chúng; tránh tuyên truyền dàn trải, hiệu quả không cao.

d) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập các đoàn liên ngành định kỳ, đột xuất kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, tập trung các công trình đang thi công, nhất là trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.

đ) Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho lắp đặt các bảng điện tử tại một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Mỹ Tho để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông và kết hợp thông tin các tin tức; chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh Tiền Giang.

e) Đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kỷ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

2. Sở Giao thông vận tải

a) Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ:

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hệ thống đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh để có biện pháp tập trung xử lý, sửa chữa các hư hỏng về cầu, đường; phát quang hai bên hành lang và bán kính cong để đảm bảo tầm nhìn thông thoáng; kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo đường bộ; tăng cường kiểm tra tải trọng các cầu yếu trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn giao thông thông suốt.

- Phối hợp các ngành, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông ở những địa bàn giao thông phức tạp; xác định và có biện pháp khắc phục các “điểm đen” về tai nạn giao thông; phối hợp các ngành liên quan kiểm tra phương án bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công xây dựng các công trình trên đường bộ.

- Tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ vận tải công cộng bằng xe buýt, tuyến cố định trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải như phương tiện chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định, thái độ phục vụ hành khách, lái xe không đảm bảo sức khỏe hoặc có chất ma túy trong người; phương tiện không đảm bảo các quy định điều kiện về bảo dưỡng, niên hạn, an toàn kỹ thuật phương tiện.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bảo vệ công trình đường bộ như điều khiển xe quá tải trọng của cầu đường, xây dựng các công trình trong hành lang an toàn đường bộ; vi phạm trật tự an toàn giao thông như họp chợ trên cầu, trên đường; dừng, đỗ xe trái phép.

- Phối hợp các địa phương tiếp tục triển khai Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và các đơn vị chức năng có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, kế hoạch điều tiết giao thông trên Quốc lộ 1, nhất là trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán.

- Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đảm bảo thực hiện đúng quy trình đào tạo, sát hạch theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát các kỳ sát hạch.

- Tăng cường kiểm tra hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và phòng, chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm” của Bộ Giao thông vận tải.

b) Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa:

- Chủ trì, phối hợp với Chi cục Đăng kiểm Tiền Giang, các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Mỹ Tho tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định pháp luật. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo bằng thuyền trưởng, máy trưởng và chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên phương tiện thủy nội địa theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải. Đảm bảo thực hiện đúng quy trình đào tạo, sát hạch theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát các kỳ sát hạch.

- Chỉ đạo Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy và các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với luồng tuyến, bến bãi, phương tiện và người điều khiển phương tiện tại cảng, bến, nhất là đối với các bến và phương tiện chở khách; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp hoạt động bến thủy nội địa không phép, xây dựng công trình, đăng đáy cá trái phép hoặc tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thủy nội địa. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm về bến, phương tiện và người điều khiển phương tiện chở khách theo quy định.

3. Công an tỉnh

a) Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ:

- Chỉ đạo các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội và Công an các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường giao thông quan trọng như các quốc lộ, các tuyến đường tỉnh, đường huyện thường xảy ra tai nạn giao thông hoặc các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi như: chở quá trọng tải, quá số người, chạy quá tốc độ quy định; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép; không đội mũ bảo hiểm; đi sai làn đường, phần đường; phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng, cấm lưu hành,…

- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông.

- Tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra tải trọng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tăng cường quản lý và kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe ôtô chở khách, nhất là xe ôtô chở khách ban đêm tại các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh và trong các dịp nghỉ Lễ, Tết; tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự công cộng, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, xây cất công trình trái phép.

- Thực hiện việc thông báo vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, học sinh, sinh viên và người dân về cơ quan, trường học, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi người vi phạm công tác, học tập, cư trú để kiểm điểm, giáo dục.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho nhân dân, tập trung vào các chủ đề hàng năm của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

b) Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa:

- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hoạt động của các phương tiện thủy nội địa, nhất là các tuyến có mật độ phương tiện thủy lớn, các đò du lịch, đò ngang. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện không bằng, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện vi phạm quy tắc giao thông; phương tiện chở quá tải; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; không trang bị đầy đủ áo phao cho hành khách. Tuyên truyền, nhắc nhở hành khách chấp hành quy định về sử dụng áo phao hoặc dụng cụ nổi khi qua sông.

- Phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, xử lý về an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với các phương tiện thủy nội địa hoạt động khai thác cát lòng sông; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; bến thủy nội địa kinh doanh vận tải hành khách du lịch. Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát để phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thủy, kịp thời đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng chấn chỉnh, khắc phục.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” và Chương trình hành động “Vì an toàn trẻ em trên sông nước”. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình điển hình tốt.

c) Đề xuất, lập dự toán và phân bổ dự toán kinh phí đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao và trong khả năng cân đối ngân sách.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên, khoáng sản tại các khu vực mỏ đang hoạt động khai thác cát sông, đảm bảo khai thác đúng trong khu vực mỏ được phép khai thác theo giấy phép.

b) Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các khu vực khai thác cát không bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, khai thác trên luồng chạy tàu.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với cảnh sát giao thông, Cảng vụ hàng hải Mỹ Tho, các đơn vị quản lý đường thủy nội địa thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tàu cá hoạt động trên đường thủy nội địa bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; bố trí, sắp xếp các tàu cá neo đậu khu vực cảng cá, vùng quy hoạch bảo đảm an toàn, không lấn chiếm luồng chạy tàu.

b) Phối hợp cảnh sát giao thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa vi phạm về đăng kiểm, đăng ký và thiết bị an toàn phương tiện; người điều khiển phương tiện không bằng thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ thuyền viên theo quy định.

6. Sở Tài chính

a) Trong khả năng cân đối ngân sách địa phương, tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông hàng năm đúng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của thi hành.

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo các quy định hiện hành.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Tuyên truyền thường xuyên, liên tục để mọi người dân nhận biết, phân biệt mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng và mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

b) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm theo quy định.

8. Sở Công Thương

a) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cửa hàng, đại lý cam kết không kinh doanh các loại mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, không có nhãn mác xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chỉ đạo các trường có biện pháp hữu hiệu trong việc giáo dục, quản lý học sinh, sinh viên chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các điểm trường trong giờ cao điểm.

b) Có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học; giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông.

c) Tăng cường phối hợp với Đoàn, Đội, Hội Phụ huynh học sinh và gia đình giáo dục học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Có biện pháp mạnh ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi hoặc chưa có Giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy; xây dựng quy chế xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

d) Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh trong việc cung cấp các tài liệu giáo dục kỹ năng an toàn giao thông, bổ sung vào chương trình chính khóa của các cấp học bảo đảm đủ nội dung, thời lượng và phù hợp với lứa tuổi.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu (sách, bài viết, hình ảnh...) về an toàn giao thông cho cán bộ làm công tác tuyên truyền lưu động ở các huyện, thành phố, thị xã, tạo phong trào toàn dân tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa và các hình ảnh về an toàn giao thông.

b) Phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền nội dung “Văn hóa giao thông” và tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân.

c) Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải có kế hoạch kiểm tra hoạt động tại các bến du lịch, phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển khách du lịch trên địa bàn tỉnh.

11. Sở Tư pháp

a) Tổ chức các lớp tập huấn pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật toàn tỉnh để làm nòng cốt thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến các đối tượng tham gia giao thông.

b) Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức các Hội thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông.

12. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp sơ cứu, cấp cứu ban đầu nạn nhân bị tai nạn giao thông cho lực lượng cảnh sát giao thông, cán bộ, cộng tác viên ở các trạm y tế dọc theo tuyến quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh.

b) Chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về tác hại của việc lạm dụng rượu bia và hậu quả sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông.

c) Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe đúng theo quy định.

13. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp Ban An toàn giao thông tỉnh theo dõi định kỳ việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng của các cơ quan, đơn vị; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên lĩnh vực an toàn giao thông; đồng thời phê bình nghiêm túc các cơ quan, đơn vị, tổ chức có người vi phạm trật tự an toàn giao thông và những quy định tại Chỉ thị này.

14. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chỉ đạo các đồn biên phòng, các đơn vị trực thuộc phối hợp với cảnh sát giao thông, công an địa phương thuộc Công an tỉnh; các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho và các cơ quan khác thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy, đường bộ thông qua hoạt động tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy, đường bộ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh tại Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Soài Rạp - Hiệp Phước; kiểm soát người, phương tiện qua lại các trạm kiểm soát biên phòng và ra vào khu vực biên giới biển. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các phương tiện không đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật để phòng ngừa tai nạn giao thông.

15. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc

a) Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông để phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo, chủ trương, giải pháp thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Trung ương và địa phương để các cơ quan, tổ chức, cá nhân biết và chấp hành nghiêm.

b) Tăng cường và nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình, nội dung về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thường xuyên phát sóng, đăng báo các thông điệp về an toàn giao thông, phản ánh được những hậu quả, mất mát, thiệt hại do tai nạn gây ra để nhân dân hiểu và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

c) Kịp thời giới thiệu, nhân rộng những điển hình, tiên tiến và phê phán những mặt chưa tốt trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cấp tỉnh

a) Tích cực tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường việc phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong hệ thống tổ chức của mình bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng; vận động hội viên, đoàn viên tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật giao thông; tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền giáo dục bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

b) Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ của các tổ chức, đoàn thể và việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào tiêu chí để bình xét thi đua cuối năm.

17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy

a) Xác định công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng; tổ chức quán triệt nghiêm túc các quy định về trật tự an toàn giao thông cho cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách; đưa nội dung này vào quy chế làm việc, tiêu chí xét thi đua trong cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới nếu có cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị mình vi phạm trật tự an toàn giao thông; đồng thời phải có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với người vi phạm trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó mỗi cán bộ, công chức, nhân viên, hội viên… phải vận động con, em, người thân trong gia đình chấp hành tốt quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Các cơ quan, đơn vị ban hành quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; kỷ luật nghiêm khắc người của cơ quan, đơn vị mình vi phạm quy định trên.

b) Chỉ đạo Ban An toàn giao thông huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm trong tổ chức, thực hiện và giám sát việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhất là việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; có phương án giải quyết dứt điểm các “điểm đen” tiềm ẩn về tai nạn giao thông tại địa phương; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và cảnh báo các nguy cơ, nguyên nhân gây tai nạn giao thông sâu rộng từ xã, phường, thị trấn đến khu phố, khóm, ấp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân.

c) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, các mô hình an toàn giao thông đường thủy nhằm xây dựng ý thức và thói quen ứng xử có văn hóa, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, từng bước xây dựng nếp sống “Văn hóa giao thông” trong toàn dân. Chú ý biểu dương, khen thưởng gương người tốt việc tốt, đồng thời phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy; Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh để tổng hợp, nghiên cứu tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Giao Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải theo dõi, kiểm tra đôn đốc, định kỳ tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/2015/CT-UBND về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 05/2015/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/03/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Khang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản