Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2013/CT-UBND

Bến Tre, ngày 04 tháng 5 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Sau hơn 6 năm triển khai Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã cho thấy vị thế, vai trò của phụ nữ từng bước được nâng lên; phụ nữ ngày càng tích cực tham gia vào công tác xã hội; góp phần vào thu nhập kinh tế cho gia đình; quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ ngày càng được các ngành, các cấp quan tâm; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ được quan tâm hơn trong công tác đào tạo, đề bạt, bố trí sử dụng ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; nhiều phụ nữ đã giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các ngành, chính quyền các cấp; trong đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp; khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình được thu hẹp dần.

Tuy nhiên, hiện nay công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh một số ngành, địa phương, một số lĩnh vực của đời sống xã hội chưa được quan tâm đúng mức và chưa tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng, năng lực của mình; chưa lồng ghép bình đẳng giới vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đã phần nào làm hạn chế vai trò phụ nữ trong các hoạt động, ảnh hưởng việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia các cấp uỷ, chỉnh quyền, đại biểu dân cử chưa cao, chưa ngang tầm với năng lực, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và tiếp tục thực hiện nghiêm công tác bình đẳng giới và các mục tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Các sở, ban ngành tỉnh:

a) Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật Bình đẳng giới và các văn bản dưới luật; phổ biến chính sách, pháp luật; thu thập, xử lý thông tin số liệu về giới, bình đẳng giới; tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học về bình đẳng giới.

b) Củng cố, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các sở, ngành các đơn vị; có chương trình cụ thể nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban hàng năm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để thực hiện nghiêm túc Luật Bình đẳng giới và các văn bản có liên quan. Bố trí kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ hoạt động.

c) Thực hiện nghiêm việc lồng ghép giới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trong các chương trình kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động họp hội, tập huấn, hội thảo, hội nghị, lồng ghép giới trong hoạt động truyền thông và trong nghiên cứu khoa học; góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới; các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cần quan tâm chăm l0 việc nâng cao trình độ, nhận thức của phụ nữ nông thôn về kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khoẻ, sản xuất kinh doanh, chăm lo dạy nghề tạo việc làm, nâng cao đời sống cho phụ nữ nông thôn.

d) Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo đánh giá hàng năm và định kỳ về tình hình thực hiện bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực phụ trách gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc ban hành theo thẩm quyền các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới.

b) Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các sở, ban ngành đoàn thể cập nhật, tổng hợp xây dựng hệ thống văn bản nguồn về giới và bình đẳng giới.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê và các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thu thập và tổng hợp thông tin, số liệu về bình đẳng giới; cung cấp thông tin, số liệu về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật; xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá hàng năm và định kỳ về tình hình thực hiện bình đăng giới trên địa bàn báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

d) Tổ chức kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hoặc tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tư pháp:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới; bồi dưỡng kiến thức về giới và chính sách pháp luật về bình đẳng giới cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp cơ sở.

4. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội UBND các huyện, thành phố nghiên cứu đề xuất bộ máy tổ chức, đội ngũ, cơ chế, chính sách cho cán bộ hoạt động về bình đẳng giới từ tỉnh đến huyện, xã hoạt động kiêm nhiệm theo quy định của pháp luật.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào việc xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện việc thu thập tổng hợp số liệu thống kê về giới thuộc hệ thống chỉ tiêu quốc gia và tính toán chỉ số phát triển về giới của quốc gia trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

6. Sở Tài chính:

Bố trí kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới theo quy định của pháp luật.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; giới thiệu mô hình, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong việc thực hiện bình đẳng giới; phê phán hành vi, cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động truyền thông giáo dục ở cộng đồng, công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai kế hoạch thông tin, giáo dục truyền thông về giới và bình đẳng giới.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Triển khai, theo dõi đánh giá nội dung về giới và bình đẳng giới thuộc các chương trình giáo dục trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Sở Y tế:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và các chính sách hỗ trợ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ ở các xã bãi ngang, vùng khó khăn của tỉnh.

10. Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:

Xây dựng các chuyên mục, chương trình có nội dung về bình đẳng giới; tăng thời lượng đưa các tin, bài tuyên truyền các hoạt động, tình hình thực hiện công tác bình đẳng giới của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tỉnh:

Phối hợp vận động và hướng dẫn nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện và giám sát việc quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

12. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các chính sách về giới và bình đẳng giới trên địa bàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về giới và chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đến từng hộ dân để biết và thực hiện.

c) Thu thập, xử lý thông tin, số liệu về bình đẳng giới; sơ kết, tổng kết, báo cáo đánh giá hàng năm và định kỳ về tình hình thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

d) Kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2013/CT-UBND về tăng cường thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 04/2013/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Cao Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản