Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2006/CT-BGTVT | Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP NGƯỜI TÀN TẬT TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật nhằm thực hiện chính sách trợ giúp người tàn tật: Nghị định số 55/1999/NĐ-CP ngày 10/07/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về người tàn tật; Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/04/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động là người tàn tật; Luật Giao thông đường bộ cũng có 3 điều (Điều 3, Điều 31 và Điều 40) quy định việc tham gia giao thông của người tàn tật. Bằng văn bản số 3026/GTVT-KHCN ngày 18/06/2004, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai các hoạt động trợ giúp người tàn tật khi tham gia giao thông. Các đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ cơ bản đã thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường giao thông công cộng để người tàn tật tiếp cận sử dụng. Đến nay giao thông tiếp cận bước đầu đã có kết quả nhất định, nhận thức của cán bộ quản lý và cộng đồng đã có chuyển biến cơ bản.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều trở ngại: một số quy định vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống; nhận thức của cộng đồng, cán bộ quản lý và chính bản thân người tàn tật chưa đầy đủ, đúng mức.
Để tạo điều kiện cho người tàn tật hoà nhập được với cộng đồng và cống hiến cho xã hội, ngày 09/01/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/2006/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và để nâng cao hơn nữa việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về người tàn tật trong ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị:
1. Các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ, Sở GTVT (GTCC) căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện chính sách trợ giúp người tàn tật. Trước mắt, tổ chức thực hiện ngay các công việc, chính sách có thể triển khai được trong phạm vi trách nhiệm để tạo điều kiện cho người tàn tật hoà nhập với cộng đồng.
2. Vụ Vận tải chủ trì nghiên cứu, đề xuất thể chế, chính sách vận tải khách công cộng có tính đến nhu cầu tham gia giao thông của người tàn tật, người già yếu; phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam tham mưu để Bộ ban hành quy định về tuyến xe buýt tiếp cận và hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
3. Cục giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch đầu tư, các Ban quản lý dự án và các cơ quan hữu quan có biện pháp quản lý, tổ chức hướng dẫn kiểm tra việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng TCXDVN 265 : 2002 "Đường và hè phố - Nguyên tắc cơ bản trong xây dựng công trình để người tàn tật tiếp cận sử dụng" và các tiêu chuẩn khác có liên quan đối với các công trình giao thông xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhằm tạo điều kiện cho người tàn tật tham gia giao thông theo quy định tại Điều 31, Điều 40 của Luật Giao thông đường bộ.
4. Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, khảo sát hiện trạng vận tải khách công cộng bằng ôtô; phối hợp với các cơ quan hữu quan chủ động đưa các thể chế, chính sách về giao thông tiếp cận vào thực hiện có hiệu quả, thiết thực; phối hợp với Sở GTVT (GTCC) các địa phương chỉ đạo doanh nghiệp vận tải khách công cộng có biện pháp triển khai tuyến xe buýt thí điểm theo chương trình giao thông tiếp cận giai đoạn 2006 - 2007.
5. Cục đường sắt Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Cục Đường sông Việt Nam kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả đã đạt được về công tác giao thông tiếp cận; chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp chủ động đưa thể chế, chính sách về giao thông tiếp cận vào thực hiện có hiệu quả, thiết thực trong phạm vi quản lý của ngành.
6. Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn ôtô khách thành phố, tiêu chuẩn toa xe khách đường sắt có xét đến nhu cầu sử dụng của người tàn tật, người già yếu trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, ban hành; phối hợp với các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp sản xuất ôtô, toa xe giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn giao thông tiếp cận trong phạm vi quản lý của Cục.
7. Các Sở GTVT (GTCC) căn cứ điều kiện của địa phương báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức tuyến xe buýt thí điểm để người tàn tật, người già yếu tiếp cận sử dụng; cần lưu ý việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng TCXDVN 265 : 2002 "Đường và hè phố - Nguyên tắc cơ bản trong xây dựng công trình để người tàn tật tiếp cận sử dụng" tại các công trình thuộc địa phương quản lý.
8. Tổng Công ty công nghiệp ôtô Việt Nam tổ chức nghiên cứu, thiết kế, đóng mới một số xe buýt phù hợp tiêu chuẩn tiếp cận; phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT (GTCC), các doanh nghiệp vận tải khách bằng ôtô đưa vào sử dụng trên các tuyến xe buýt thí điểm.
9. Tổng Công ty đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan hữu quan trước mắt có cơ chế để tạo thuận lợi cho người tàn tật, người già yếu tham gia giao thông đường sắt trong điều kiện có thể; về lâu dài có kế hoạch thiết kế, đóng mới toa xe khách đường sắt theo tiêu chuẩn tiếp cận và phấn đấu đến năm 2010 trên các tuyến đường sắt có một số toa xe bảo đảm để người tàn tật tiếp cận sử dụng.
10. Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu chế độ, chính sách phù hợp để hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc Bộ trong quá trình tuyển dụng và sử dụng lao động là người tàn tật; cần có chính sách ưu tiên đối với lao động là người tàn tật; lưu ý thực hiện Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 và Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/04/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật.
11. Vụ Khoa học công nghệ là đầu mối; điều phối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, đào tạo về giao thông tiếp cận; định kỳ 6 tháng một lần tổng hợp và báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, các doanh nghiệp thuộc Bộ; Giám đốc Sở GTVT (GTCC) các địa phương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các công việc nêu trên. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Chỉ thị 01/2006/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 81-CP năm 1995 hướng dẫn Bộ Luật lao động về lao động là người tàn tật
- 3Pháp lệnh người tàn tật năm 1998
- 4Nghị định 55/1999/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh người tàn tật
- 5Luật Giao thông đường bộ 2001
- 6Nghị định 116/2004/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 81/CP năm 1995 Hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật
Chỉ thị 03/2006/CT-BGTVT về tăng cường thực hiện chính sách trợ giúp người tàn tật trong ngành Giao thông Vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- Số hiệu: 03/2006/CT-BGTVT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/03/2006
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Đào Đình Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 12 đến số 13
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra