Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2006/CT-TTG

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP NGƯỜI TÀN TẬT TRONG TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HIỆN NAY

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, xã hội và gia đình đối với người tàn tật; quyền và nghĩa vụ của người tàn tật đã được quy định tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động trợ giúp người tàn tật, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của đa số người tàn tật. Một số Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người tàn tật trong các lĩnh vực: xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề và tạo việc làm, khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật tiếp cận các công trình công cộng v.v... nhờ vậy, đời sống của phần lớn những người tàn tật được cải thiện rõ rệt, vị thế của người tàn tật ngày càng được khẳng định trong các hoạt động kinh tế - xã hội ở nước ta.

Tuy nhiên, trong 7 năm qua, quá trình thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật còn nhiều bất cập, một số quy định của pháp luật về người tàn tật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Các quy định của pháp luật liên quan đến chính sách đối với người tàn tật còn thiếu và chưa đồng bộ, không cụ thể và chưa chú trọng nghiên cứu đề ra các biện pháp hiệu quả trong khâu tổ chức thực hiện. Nhận thức của cộng đồng, gia đình, một số cấp chính quyền và chính bản thân người tàn tật ở nhiều nơi chưa thật đúng mực; tỷ lệ trẻ khuyết tật/tàn tật được học văn hóa tại các trường, lớp theo mô hình hòa nhập còn thấp; các mô hình giáo dục chuyên biệt hiệu quả chưa cao; việc tiếp cận các công trình công cộng của một bộ phận những người tàn tật còn có nhiều trở ngại, khó khăn. Còn tồn tại không ít những trường hợp người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách trợ cấp, trợ giúp mặc dù có đủ điều kiện theo quy định. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta kéo theo những biến động về giá cả sinh hoạt và tiền lương - thu nhập, trong khi các chính sách trợ giúp người tàn tật chưa được điều chỉnh kịp thời, làm cho đời sống của người tàn tật đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Chính phủ Việt Nam về 7 lĩnh vực ưu tiên trong Thập kỷ thứ II với mục đích thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người tàn tật ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a. Tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất biện pháp sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách trợ giúp đối với người tàn tật.

b. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án hỗ trợ người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010; tổ chức thực hiện đề án sau khi được phê duyệt.

c. Đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện cho người tàn tật nghèo tiếp cận và thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010.

d. Hướng dẫn các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và sử dụng Quỹ việc làm cho người tàn tật; đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật theo hướng học nghề và truyền nghề; xây dựng các chương trình dạy nghề dành riêng cho người tàn tật.

2. Bộ Văn hóa - Thông tin

Đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật, tàn tật và người tàn tật nhằm phổ biến rộng rãi các biện pháp phòng ngừa tàn tật và tạo điều kiện để người tàn tật tham gia các hoạt động văn hóa phù hợp.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo

Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược và kế hoạch hành động về giáo dục trẻ khuyết tật giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo theo hướng hòa nhập và dựa vào cộng đồng. Thống nhất việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật/tàn tật về ngôn ngữ trong phạm vi cả nước.

4. Bộ Y tế

a. Xây dựng và triển khai chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người tàn tật, trong đó chú trọng xây dựng các chương trình phát hiện sớm dị tật và phục hồi chức năng cho người tàn tật dựa vào cộng đồng.

b. Hướng dẫn thực hiện các chính sách miễn, giảm viện phí đối với người tàn tật thuộc diện nghèo.

c. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo cán bộ chuyên ngành phục hồi chức năng trong các trường trung học, đại học Y khoa để áp dụng thống nhất toàn quốc.

d. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham khảo các kinh nghiệm quốc tế và của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại các dạng khuyết tật/tàn tật ở Việt Nam.

5. Ủy ban Thể dục thể thao

a. Xây dựng chương trình, bài tập và hướng dẫn người tàn tật tham gia tập luyện tại cộng đồng.

b. Chỉ đạo Hiệp hội thể thao người khuyết tật xây dựng phong trào tập luyện thi đấu thể thao; đề xuất hình thức khen thưởng hoặc mức khen thưởng phù hợp với những người tàn tật có thành tích trong luyện tập và thi đấu thể thao.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng các quy định khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các sản phẩm phù hợp để hỗ trợ người tàn tật có khả năng dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin.

7. Bộ Xây dựng

Chỉ đạo việc xây dựng các công trình mới, nâng cấp các công trình hiện có theo bộ quy chuẩn xây dựng công trình công cộng số: QCXDVN 01: 2002 và các bộ tiêu chuẩn số: TCXD Việt Nam 246:2002, TCXD VN 265:2002 , TCXD VN 266:2002 . Rà soát, sửa đổi các bộ quy chuẩn nêu trên phù hợp với người tàn tật.

8. Bộ Giao thông vận tải

Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc thiết kế, xây dựng các công trình mới, nâng cấp, cải tạo các công trình dành cho người tàn tật hiện có theo bộ quy chuẩn đã ban hành. Phối hợp với Bộ Công nghiệp cải tạo, chế tạo mới các phương tiện giao thông công cộng để người tàn tật có điều kiện tiếp cận an toàn và tham gia giao thông thuận lợi.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a. Chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định số lượng, phân dạng người tàn tật theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê và cơ quan liên quan.

b. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm, hoạt động văn hóa, thể thao đối với người tàn tật theo các quy định của Nhà nước.

10. Trong quá trình thẩm định, phê duyệt và nghiệm thu các dự án đầu tư, các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn để người tàn tật tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng các công trình công cộng.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc thực hiện pháp luật về người tàn tật; vận động nhân dân tham gia bảo vệ, chăm sóc người tàn tật, tạo cơ hội cho người tàn tật tiếp cận được với các chương trình, các dịch vụ xã hội, hòa nhập được với cộng đồng.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
 



Phạm Gia Khiêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2006/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 01/2006/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/01/2006
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 23 đến số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản