Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 55/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 1999

NGHỊ ĐỊNH

SỐ: 55/1999/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 1999 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH VỀ NGƯỜI TÀN TẬT

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về người tàn tật ngày 30 tháng 7 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 1. Bảo vệ, giúp đỡ và tạo điều kiện để người tàn tật hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội.

Người tàn tật còn sức khỏe và khả năng hoạt động, được hỗ trợ để học văn hóa, học nghề, tạo việc làm.

Người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa; người tàn tật nặng tuy có người thân thích nhưng già yếu, gia đình nghèo không đủ khả năng kinh tế để chăm sóc; trẻ em tàn tật được Nhà nước và xã hội quan tâm chăm sóc và được trợ giúp xã hội theo quy định của Pháp lệnh về người tàn tật và của Nghị định này.

Điều 2. Người tàn tật là thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, được hưởng những chế độ ưu đãi theo ''Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng''. Ngoài ra, còn được hưởng những quyền lợi quy định chung đối với người tàn tật.

Người tàn tật được hưởng các quyền lợi sau:

1. Được cơ quan y tế hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, sử dụng các dụng cụ chỉnh hình;

2. Được hưởng sự trợ giúp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

3. Được thành lập, gia nhập và hoạt động trong các tổ chức xã hội, các hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người tàn tật theo quy định của pháp luật;

4. Khi có nhu cầu hướng nghiệp, tư vấn nghề, học nghề và tìm việc làm, thì được trung tâm dịch vụ việc làm giúp đỡ, giảm hoặc miễn phí dịch vụ; trong trường hợp tự tạo việc làm và làm việc tại nhà, thì được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật;

5. Được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và sử dụng công trình công cộng.

Điều 3. Người lao động bị tàn tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ. Ngoài ra, còn được hưởng những quyền lợi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 2 của Nghị định này.

Điều 4. Người tàn tật là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, sinh sống, làm việc tại Việt Nam được áp dụng những quy định của Pháp lệnh về người tàn tật như sau:

1. Được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Pháp lệnh;

2. Được cơ quan y tế hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, sử dụng các dụng cụ chỉnh hình theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Pháp lệnh;

3. Được tạo điều kiện để tham gia hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và sử dụng công trình công cộng.

Điều 5. Người tàn tật được giám định về dạng tật và mức độ tàn tật, để làm căn cứ thực hiện các chính sách trợ giúp theo quy định của Pháp lệnh về người tàn tật.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ TRỢ GIÚP NGƯỜI TÀN TẬT

Điều 6.

1. Mức trợ cấp thường xuyên tối thiểu do ngân sách nhà nước cấp đối với người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa; người tàn tật nặng, tuy có người thân thích nhưng già yếu, gia đình nghèo không đủ khả năng kinh tế để chăm sóc theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Pháp lệnh về người tàn tật như sau:

a) Trợ cấp tại cộng đồng xã, phường quản lý bằng 45.000 đồng/người/ tháng;

b) Trợ cấp nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở xã hội của Nhà nước bằng 100.000 đồng/người/tháng;

c) Đối với người tâm thần thể nặng, đã qua điều trị dài ngày, được cơ quan y tế có thẩm quyền giám định là mãn tính và có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, thì cơ quan y tế lập hồ sơ bệnh án theo quy định, chuyển đến cơ sở xã hội nuôi dưỡng tập trung người tâm thần của Nhà nước, mức trợ cấp bằng 115.000 đồng/người/tháng.

2. Trường hợp người tàn tật nặng, đang hưởng trợ cấp xã hội, thuộc diện xã, phường quản lý mà bị chết, thì ủy ban nhân dân xã, phường có trách nhiệm hỗ trợ tổ chức mai táng và quyết định mức chi phí theo khả năng của địa phương; trường hợp người tàn tật nặng, đang được nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở xã hội của Nhà nước mà bị chết, thì cơ sở xã hội tổ chức mai táng, mức chi phí do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Điều 7. Việc bảo đảm khám, chữa bệnh miễn phí đối với người tàn tật nặng, không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa, người tâm thần phân liệt và người tàn tật nghèo, được thực hiện theo Nghị định số 95/CP ngày 27 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ về thu một phần viện phí.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn mức miễn giảm phí về khám, chữa bệnh cho người tàn tật, trừ những người tàn tật đã được các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế nhân đạo họăc được tổ chức quốc tế tài trợ.

Điều 8.

1. Người tàn tật được các cơ sở chỉnh hình phục hồi chức năng của Nhà nước chỉ định cần có chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình thì được mua theo giá quy định của Nhà nước hoặc được xét cấp không phải trả tiền do ủy ban nhân dân xã, phường đề nghị với cơ quan y tế có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định sau:

a) Người tàn tật nặng, không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa; người tàn tật nặng, tuy có người thân thích nhưng già yếu, gia đình nghèo không đủ khả năng kinh tế để chăm sóc; trẻ em tàn tật dưới 15 tuổi nhưng gia đình nghèo được cấp chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình không phải trả tiền do ngân sách địa phương đài thọ.

b) Những người tàn tật nghèo khác được hỗ trợ từ ngân sách địa phương 50% tiền mua chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình.

Chuẩn mực nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Liên Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội và Tài chính quy định thủ tục cấp chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình; chế độ tiền ăn, tiền thuốc tại các cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng, tiền xe đi lại của người tàn tật; thời hạn sử dụng các loại chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình.

Điều 9. Nhân viên được giao nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp chăm sóc người tàn tật nặng trong các cơ sở nuôi dưỡng tập trung do Nhà nước quản lý, được hưởng phụ cấp theo quy định tại khoản 4 Điều 12 của Pháp lệnh về người tàn tật. Trong thời gian hưởng chế độ theo quy định này thì không được hưởng các chế độ phụ cấp khác.

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp cho nhân viên được giao nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp chăm sóc người tàn tật nặng.

Điều 10. Người học nghề, bổ túc nghề, học sinh, sinh viên là người tàn tật đang học trong các cơ sở dạy nghề, các trường công lập, được cơ sở dạy nghề hoặc nhà trường xét giảm hoặc miễn học phí và các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng và trợ cấp xã hội theo quy định hiện hành của Nhà nước, kinh phí lấy trong dự toán Ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã được bố trí hàng năm.

Học sinh, sinh viên là người tàn tật trong các trường bán công, dân lập, tư thục cũng được hưởng chế độ xét giảm hoặc miễn học phí, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 11.

1. Học sinh là trẻ em tàn tật không nơi nương tựa, được ủy ban nhân dân xã, phường đề nghị và được cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng nội trú tiếp nhận, được miễn học phí; trong thời gian nội trú, được hưởng trợ cấp xã hội là 100.000 đồng/tháng và được cấp sách, vở, đồ dùng học tập phù hợp với bậc học, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ kinh phí sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã được bố trí hàng năm.

2. Giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các trường, lớp chuyên biệt bao gồm các trường dạy văn hóa, dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, được hưởng chế độ ưu đãi như chế độ áp dụng đối với giáo viên trong các trường công lập theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân mở trường, lớp từ thiện dạy văn hóa, dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, được chính quyền địa phương sở tại tạo thuận lợi cho việc cấp phép hoạt động. Cơ sở dạy nghề thu nhận người tàn tật vào học nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho người tàn tật được giảm, miễn thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 12.

Lao động và việc làm của người tàn tật, thực hiện theo Nghị định số 81/CP ngày 23 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật.

Điều 13. Các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên, các đơn vị sự nghiệp có nhu cầu tuyển mới cán bộ, công chức, viên chức hoặc những công việc tuyển theo hợp đồng lao động, đều phải thông báo công khai và không được từ chối nhận người tàn tật đủ năng lực phù hợp với tiêu chuẩn chức danh công việc. Các tiêu chuẩn tuyển chọn phải được áp dụng chung cho cả người không tàn tật và người tàn tật, trừ trường hợp do có liên quan đến tính chất nghề nghiệp, công việc.

Điều 14. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trợ giúp nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho người tàn tật, có quyền kiến nghị mục tiêu và đối tượng trợ giúp thông qua Quỹ nhân đạo trợ giúp người tàn tật, các hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người tàn tật, các cấp chính quyền, tổ chức xã hội hoặc trợ giúp trực tiếp cho cơ sở xã hội nuôi dưỡng người tàn tật hoặc cho cá nhân người tàn tật.

Tổ chức, đơn vị nhận nguồn tài trợ có trách nhiệm chuyển đầy đủ, trực tiếp nguồn tài trợ đến đối tượng được trợ giúp.

Điều 15. Uỷ ban nhân dân xã, phường có trách nhiệm thực hiện chi trợ cấp theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 6 của Nghị định này, đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội khác của địa phương tạo các hình thức và biện pháp thích hợp trợ giúp người tàn tật theo khả năng; xem xét các trường hợp người tàn tật nặng đặc biệt khó khăn tại địa bàn quản lý, đề nghị với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thu nhận vào cơ sở xã hội của Nhà nước.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 16.

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc người tàn tật trong phạm vi cả nước; nghiên cứu ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành các chính sách áp dụng đối với người tàn tật về dạy nghề, tạo việc làm và trợ giúp xã hội; tổ chức và quản lý các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người tàn tật là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh và các cơ sở xã hội khác.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý nhà nước về chỉnh hình, phục hồi chức năng; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc phân loại, phân hạng tàn tật; xây dựng và thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu để phòng ngừa tàn tật, chương trình phục hồi chức năng cho người tàn tật dựa vào cộng đồng phù hợp với khả năng, trình độ phát triển kinh tế và khoa học, kỹ thuật của đất nước; tổ chức và quản lý các cơ sở điều dưỡng phục hồi chức năng, các trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng, hệ thống phục hồi chức năng trong các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm đào tạo giáo viên và biên soạn chương trình, giáo trình sách giáo khoa áp dụng cho học sinh là người tàn tật; phối hợp với Bộ Y tế biên soạn chương trình đào tạo cán bộ chuyên ngành phục hồi chức năng, giáo trình y học phục hồi chức năng trong các trường trung học, đại học y; cung ứng các thiết bị dạy học cho giáo viên và phương tiện học tập thích hợp với từng loại tàn tật cho học sinh là người tàn tật; tổ chức mạng lưới trường, lớp với những điều kiện cần thiết để có thể thu nhận trẻ em tàn tật học theo hướng giáo dục hòa nhập; chỉ đạo việc mở lớp, tuyển sinh, dạy và học, chế độ sinh hoạt ở các trường, lớp chuyên biệt cho người tàn tật.

4. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng quy hoạch, các tiêu chuẩn về xây dựng các công trình công cộng, bệnh viện, trường học, công sở, phương tiện phục vụ giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu sử dụng tối thiểu của người tàn tật, trước hết là người tàn tật vận động và người tàn tật thị giác, đặc biệt là ở các thành phố và đầu mối giao thông quan trọng theo quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh về người tàn tật.

Bộ Giao thông vận tải quy định chế độ ưu tiên khi đi tàu xe công cộng và giảm, miễn cước phí, miễn phí vận chuyển xe lăn, xe đẩy phục vụ sự di chuyển áp dụng cho người tàn tật.

5. Bộ Văn hóa - Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các biện pháp phòng ngừa tàn tật, chính sách, chế độ của Nhà nước đối với người tàn tật, việc trợ giúp người tàn tật tại cộng đồng; xây dựng và truyền thông các chương trình, các tác phẩm văn học, nghệ thuật có ý nghĩa giáo dục về người tàn tật, các chương trình bằng thủ ngữ trên vô tuyến truyền hình; tạo điều kiện để người tàn tật tham gia các hoạt động văn hóa phù hợp với khả năng và sức khỏe.

6. Các Bộ, ngành khác có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc người tàn tật theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành.

7. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc người tàn tật ở địa phương; xác định số lượng, cơ cấu người tàn tật trên địa bàn, tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ đối với người tàn tật và vận động nhân dân phòng ngừa tàn tật, trợ giúp người tàn tật.

Điều 17. Căn cứ các quy định của Pháp lệnh về người tàn tật và đối tượng người tàn tật thuộc diện quản lý, hàng năm các địa phương, Bộ, ngành lập kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách trợ giúp người tàn tật trong phạm vi được giao, gửi Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương, Bộ, ngành về việc lập kế hoạch và dự toán nói trên.

Điều 18.

1. Hội bảo trợ người tàn tật Việt Nam thành lập và quản lý ''Quỹ nhân đạo trợ giúp người tàn tật'' ở Trung ương.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và quản lý ''Quỹ nhân đạo trợ giúp người tàn tật'' ở địa phương.

2. ''Quỹ nhân đạo trợ giúp người tàn tật'' được sử dụng trong việc nuôi dưỡng, mua dụng cụ chỉnh hình, học nghề, tạo việc làm, giải quyết khó khăn đột xuất, hỗ trợ xây dựng khu vui chơi giải trí cho người tàn tật, hỗ trợ học bổng cho học sinh là người tàn tật nghèo.

Kinh phí trợ giúp người tàn tật, ''Quỹ nhân đạo trợ giúp người tàn tật'' phải bảo đảm chi đúng mục đích; thu chi và quyết toán theo quy định hiện hành về tài chính; chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan tài chính.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ''Quỹ nhân đạo trợ giúp người tàn tật''.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 20. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 21. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 55/1999/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh người tàn tật

  • Số hiệu: 55/1999/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/07/1999
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản