Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2003/CT.UBNDT

Sóc Trăng, ngày 08 tháng 01 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Giáo dục Đào tạo đã phối hợp cùng các cấp, các ngành tích cực đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đào tạo theo hướng xã hội hóa, nhất là chăm lo giáo dục mầm non để giúp trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách và chuẩn bị vào lớp một theo độ tuổi quy định. Tuy nhiên, công tác giáo dục mầm non của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, yếu kém như do ngân sách địa phương còn khó khăn nên việc đầu tư xây dựng nhà trẻ và trường, lớp mẫu giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế (hiện toàn tỉnh chỉ có 38/102 xã, phường, thị trấn có nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo); tỷ lệ huy động trẻ em ở bậc học mầm non còn rất thấp (nhà trẻ chỉ đạt 1,18%, mẫu giáo 34,35%); đội ngũ giáo viên mầm non vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ (hiện toàn tỉnh còn thiếu 1.163 giáo viên và còn khoảng 300 cán bộ, giáo viên mầm non chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định); việc thực hiện xã hội hóa giáo dục mầm non cũng chưa đạt hiệu quả cao,....

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng nêu trên, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg , ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:

1. Sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở, ngành chức năng có liên quan và các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

a. Căn cứ Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg , ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành khảo sát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non công lập, ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, có xác định qũy đất dành cho xây dựng trường, lớp mầm non ở từng xã, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ em. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục mầm non, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn từ nay đến năm 2005 và 2010, trình UBND tỉnh.

Phấn đấu nâng tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi đến nhà trẻ lên 15% vào năm 2005 và 18% vào năm 2010; tỷ lệ trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt ít nhất 58% vào năm 2005 và 67% vào năm 2010; tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt ít nhất 85% vào năm 2005 và 95% vào năm 2010; đến năm 2005 mỗi xã có một trường mầm non công lập và nhiều trường mầm non ngoài công lập, có ít nhất 20% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia vào năm 2005 và 50% vào năm 2010.

b. Tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non theo nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó ưu tiên cho các xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc Khmer. Mở rộng hệ thống nhà trẻ và trường, lớp mẫu giáo trên mọi địa bàn dân cư với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương để thu hút nhiều trẻ em vào học. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ đến các cụm dân cư, các hộ gia đình và đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục mầm non, gắn với các hoạt động khác trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ em, giúp các em hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách.

c. Nghiên cứu, xây dựng mức học phí và đóng góp xây dựng trường, lớp mầm non công lập, bán công phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, trình UBND tỉnh xem xét, thông qua HĐND tỉnh quyết định.

d. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục và kế hoạch biên chế, hợp đồng giáo viên mầm non theo từng năm, nhằm bảo đảm bố trí đủ giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là tập trung phân bổ biên chế giáo viên ở các xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các xã vùng dân tộc Khmer. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với giáo viên mầm non, kể cả giáo viên làm việc theo hình thức hợp đồng lao động theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Mặt khác, sớm xây dựng những quy định ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng các loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Tài chính Vật giá, các Sở, ngành chức năng có liên quan, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể và UBND các huyện, thị xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực (theo mục 3, Điều 5 Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg , ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ) để đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị phát triển giáo dục mầm non, nhất là tích cực huy động mọi lực lượng xã hội tham gia đóng góp sức người, sức của theo khả năng thực tế của mình để đầu tư cho phát triển giáo dục mầm non. Đồng thời, cân đối bố trí ngân sách hàng năm để bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho giáo viên và hỗ trợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên mầm non làm việc theo hình thức hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và bán công theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng có liên quan có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Giáo dục Đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển giáo dục mầm non. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các Đoàn thể và chính quyền địa phương triển khai rộng khắp “Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường”, đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp giáo dục mầm non theo hướng “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, đầu tư xây dựng các loại hình trường, lớp mầm non công lập và ngoài công lập.

4. ủy ban nhân dân các huyện, thị có trách nhiệm:

a. Căn cứ kế hoạch phát triển giáo dục mầm non, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn từ nay đến năm 2005 và 2010 để xây dựng chương trình, đề án phát triển giáo dục mầm non theo từng năm, từng giai đoạn. Đồng thời, có kế hoạch sử dụng đất xây dựng trường, lớp mầm non phù hợp với quy hoạch và tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho cơ sở giáo dục mầm non sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các Đoàn thể triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục mầm non, nhất là tổ chức huy động trẻ em vào nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo theo độ tuổi quy định; đặc biệt là chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng trường, lớp mầm non công lập, bán công trên địa bàn, bảo đảm thi công công trình có chất lượng và đưa vào quản lý, sử dụng đạt hiệu quả; vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non ngoài công lập .

c. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp giáo dục mầm non, nhất là tập trung huy động nguồn lực tại chỗ để xây dựng nhà trẻ, trường lớp mầm non. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với giáo viên mầm non theo quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên mầm non yên tâm công tác.

Giao Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và phối hợp với các Sở, ngành chức năng có liên quan, UBND các huyện, thị triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này và định kỳ báo cáo tình hình kết quả về UBND tỉnh.

 

 

TM. UBND TỈNH SÓC TRĂNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thành Hiệp

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2003/CT.UBNDT về phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

  • Số hiệu: 01/2003/CT.UBNDT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/01/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Huỳnh Thành Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/01/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 20/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản