Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 74/BC-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 07 năm 2009

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT CÔNG TÁC SẮP XẾP ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NĂM 2001 ĐẾN 2008

Đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước Thành phố trước khi sắp xếp đều do các Sở - ngành, quận huyện quản lý có qui mô nhỏ, hoạt động cùng ngành nghề kinh doanh nhất là lãnh vực thương mại, dịch vụ. Công tác sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước có quy mô nhỏ đã thực hiện bằng các hình thức: sáp nhập, giải thể, phá sản đối với các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả đồng thời cổ phần hóa các doanh nghiệp hội đủ điều kiện theo tiêu chí, danh mục phân loại các Công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Quá trình triển khai công tác sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước của Thành phố đã bám sát các nghị quyết của Đảng và các quy định của pháp luật nhất là từ khi có Nghị quyết TW 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Việc xây dựng và triển khai thực hiện các đề án sắp xếp được tiến hành một cách kiên quyết, thận trọng đảm bảo dân chủ và chặt chẽ từ cơ sở lên, sự chuyển biến trong tư duy nhận thức và quyết tâm trong việc đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Thành phố. Nhìn chung, các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước Thành phố thực hiện còn chậm so với tiến độ đề ra nên cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Phần 1.

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TỪ NĂM 2001 ĐẾN 2008:

I. QUAN ĐIỂM VÀ NỘI DUNG CHỈ ĐẠO SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC:

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (9/2001) về sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2001-2005 chỉ rõ:

“…Doanh nghiệp nhà nước phải không ngừng được đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, giữ vững vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế…Kiên quyết điều chỉnh cơ cấu để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, lãnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, chiếm thị phần đủ lớn đối với sản phẩm và dịch vụ chủ yếu; không nhất thiết phải giữ tỉ trọng lớn trong tất cả các ngành, lãnh vực của nền kinh tế. Đại bộ phận doanh nghiệp nhà nước phải có qui mô vừa và lớn, công nghệ tiên tiến; một bộ phận cần thiết có qui mô nhỏ để kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa,…Đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không cần giữ 100% vốn. Xem đó là khâu quan trọng để tạo chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước…”

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước và để chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 2007- 2010 theo nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X (2-2007) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO:

“Khẩn trương thực hiện chương trình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, trọng tâm là thực hiện cổ phần hóa, thúc đẩy việc hình thành loại hình Công ty Nhà nước đa sở hữu chủ yếu là các Công ty cổ phần. Thực hiện có hiệu quả việc chuyển một số Tổng Công ty Nhà nước sang tập đoàn kinh tế, hoạt động theo mô hình công mẹ - Công ty con có sự tham gia cổ phần của tư nhân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối”. Công tác cổ phần hóa trong thời gian tới cần quán triệt mục tiêu và yêu cầu sau: Thông qua thị trường để xác định đúng giá trị doanh nghiệp, không để tài sản nhà nước bị thất thoát; tạo sự gắn bó, phát huy vai trò làm chủ của người lao động tại doanh nghiệp và giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

II. VỀ CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA THÀNH ỦY VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ:

Tại Hội nghị lần thứ 6 ( khóa VII) Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Thành ủy đề ra nguyên tắc, định hướng sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với tư tưởng chỉ đạo là sau khi sắp xếp doanh nghiệp nhà nước phải có quy mô lớn, được đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả hoạt động và đủ sức cạnh tranh trên thương trường. Việc tổ chức thực hiện đề án sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước cần quán triệt yêu cầu và nội dung sau:

- Nâng cao sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng bộ và nhân dân Thành phố, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp về vị trí, vai trò, thực trạng của doanh nghiệp, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu ra trong đề án.

- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn; thí điểm chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn theo hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Kiên quyết sáp nhập, giải thể, làm thủ tục phá sản các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả; giao, bán, khoán, cho thuê những doanh nghiệp có quy mô nhỏ mà Nhà nước không cần nắm giữ và không cổ phần hóa được.

- Tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổng Công ty nhà nước thuộc Thành phố quản lý và thí điểm chuyển đổi theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con để hình thành một số Tổng Công ty mạnh, làm nòng cốt cho khu vực kinh tế nhà nước; bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chấm dứt tình trạng nợ không có khả năng thanh toán; tập trung vốn đầu tư hiện đại hóa thiết bị công nghệ, nâng cao trình độ quản lý cho các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ và nắm giữ cổ phần chi phối.

- Kiên quyết thực hiện việc tách các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hiện do Sở - ngành, quận - huyện quản lý để phân loại và sắp xếp theo phương án tương ứng. Ủy ban nhân dân quận - huyện chủ yếu thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn; cấp Quận - Huyện và Sở - Ngành thành phố chỉ quản lý một số ít doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích.

- Sắp xếp lại các Tổng Công ty nhà nước hiện có theo hướng giảm số lượng, tăng quy mô, hoạt động đa ngành và có ngành chuyên sâu; điều chỉnh lại các thành viên trực thuộc các Tổng Công ty nhằm tạo sự liên kết và hỗ trợ về sản xuất - kinh doanh, tài chính, thị trường.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 16 tháng 01 năm 2002 về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố quản lý đến năm 2005 của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai như sau:

- Chỉ thị số 26/2002/CT-UB ngày 17 tháng 12 năm 2002 về việc đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN của thành phố và tăng cường quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa .

- Chỉ thị số 20/2004/CT-UB ngày 06 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX);

- Trong giai đoạn 2007 – 2010, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 14/2007/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2007 ban hành chương trình hành động về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thành phố Hồ Chí Minh: “ Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp và cổ phần hóa các Công ty Nhà nước, kể cả các Tổng Công ty và Công ty Nhà nước họat động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con và các Công ty Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích. Hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ các Công ty thuộc diện Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ sang hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty cổ phần vào năm 2009.”.

Và để triển khai công tác này Thành phố đã xây dựng quy trình chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Quyết định số 2465/QĐ-UBND và Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2008).

III. XÂY DỰNG PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP VÀ ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ TỪ NĂM 2001 ĐẾN 2008:

Trong quá trình xây dựng các đề án sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước Thành phố đã bám sát tiêu chí, danh mục phân loại sắp xếp do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng giai đoạn. Đó là, Quyết định số 58/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2002, Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2004 và Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tương ứng với từng giai đoạn, Thành phố tiến hành xây dựng phương án sắp xếp để ban hành Kế hoạch số 1461/UB-CNN ngày 06 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh (2002-2005) và sau đó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

- Quyết định 128/2003/QĐ-TTg về phê duyệt đề án tổng thể giai đoạn 2003 đến năm 2005. Trong 269 doanh nghiệp nhà nước năm 2003, Nhà nước giữ lại 104 doanh nghiệp (trong đó có 46 doanh nghiệp công ích, 58 doanh nghiệp kinh doanh), cổ phần hoá 117 doanh nghiệp, giải thể 06 doanh nghiệp, phá sản 05 doanh nghiệp, giao hoặc bán doanh nghiệp (02 doanh nghiệp).

- Quyết định 131/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2005 về phê duyệt điều chỉnh phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Thành phố năm giai đoạn năm 2005-2006 với tinh thần tích cực khẩn trương, tập trung chủ yếu vào giải pháp: Mở rộng đối tượng và quy mô diện cổ phần hóa và chuyển đổi các Tổng Công ty và Công ty lớn của Thành phố sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ-Công ty con.

- Quyết định số 1057/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 về phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2007- 2010. Theo đề án này đến hết năm 2009, Thành phố hoàn tất việc chuyển đổi 117 doanh nghiệp, trong đó:

- Cổ phần hóa: 95 doanh nghiệp

- Chuyển đổi thành Công ty TNHH 1 thành viên: 11 doanh nghiệp

- Chuyển đổi thành Công ty TNHH 2 thành viên: 01 doanh nghiệp

- Sáp nhập: 02 doanh nghiệp

- Bán: 05 doanh nghiệp

- Chuyển thành đơn vị sự nghiệp: 03 doanh nghiệp

IV. KẾT QUẢ SẮP XẾP VÀ ĐỔI MỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ TỪ NĂM 2001 ĐẾN 2008 LÀ 381 DOANH NGHIỆP, CỤ THỂ NHƯ SAU (xemphụ lục 5, 6):

- Cổ phần hoá: 200 doanh nghiệp

- Chuyển thành Công ty TNHH một thành viên: 24 doanh nghiệp

- Chuyển thành Công ty TNHH 2 thành viên: 01 doanh nghiệp

- Sáp nhập: 49 doanh nghiệp

- Giải thể: 17 doanh nghiệp

- Phá sản: 10 doanh nghiệp

- Chuyển thành đơn vị sự nghiệp: 06 doanh nghiệp

- Chuyển cơ quan chủ quản 41 doanh nghiệp

- Bán doanh nghiệp: 01 doanh nghiệp

- Chuyển sang Công ty nhà nước độc lập: 01 doanh nghiệp

- Giao doanh nghiệp: 02 doanh nghiệp

- Chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc: 10 doanh nghiệp

- Chuyển từ đơn vị hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập: 02 doanh nghiệp

- Chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con: 17 doanh nghiệp.

- Trong đó: (2 năm 2007-2008), Thành phố chỉ sắp xếp và đổi mới được 10 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gồm: cổ phần hóa (04 DN), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (03 DN), Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên (01 DN), chuyển thành đơn vị sự nghiệp (02 DN), chuyển thành đơn vị hành chánh đặc thù (01 DN) (xem phụ lục 1).

1. Về thực hiện công tác sắp xếp doanh nghiệp nhà nước:

Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ 7 nhiệm kỳ ( 2001-2005) xác định sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là 1 trong 12 công trình, chương trình trọng điểm của Thành phố. Từ đó, nhận thức của các Sở ngành, Quận huyện và cả Doanh nghiệp được thông suốt khi thấy rằng sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước vừa là yêu cầu đồng thời là cơ hội để khắc phục tình trạng hoạt động manh mún không đủ năng lực tài chính để đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ. Việc hình thành các Tổng Công ty để sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước có cùng ngành nghề kinh doanh đã từng bước xóa bỏ tình trạng cạnh tranh lẫn nhau và có chuyển biến tích cực khi chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con vì đã tập trung được nguồn lực để làm chức năng điều hòa vốn giữa các doanh nghiệp thành viên thông qua hình thức liên kết thị trường, vốn, đầu tư công nghệ…

Trước năm 2001 Thành phố đã thành lập 7 Tổng Công ty theo Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ: Tổng Công ty Thương mại Sài gòn, Tổng Công tỷ lệ Nông nghiệp Sài gòn, Tổng Công ty Xây dựng Sài gòn, Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Sài gòn, Tổng Công ty Địa ốc Sài gòn, Tổng Công ty Bến thành, Tổng Công ty Du lịch Sài gòn. Sau đó thành lập thêm 4 Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, Tổng Công ty Công nghiệp Sài gòn và 7 Công ty có Hội đồng quản trị: Công ty Dược Sài Gòn, Công ty Dệt may Gia định, Công ty Vàng bạc đá quí SJC, Công ty Phát triển CN Tân Thuận, Công ty Phát triển KCN Sài gòn, Công Cholimex, Công ty Liksin. Đến năm 2003 sáp nhập Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Sài gòn vào Tổng Công ty Xây dựng Sài gòn và năm 2007 chuyển Công ty Liksin thành Tổng Công ty Liksin).

Đến nay, Thành phố quản lý 17 Tổng Công ty, Công ty mẹ-con có vốn nhà nước bình quân (không tính giá trị quyền sử dụng đất) tại một Công ty mẹ là 931.485 triệu đồng và các Công ty mẹ là chủ sở hữu vốn của 122 Công ty con và 151 Công ty liên kết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc Ban Tài chính Quản trị Thành ủy và các Đoàn thể đã hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng giải thể, phá sản đã có thêm hình thức sắp xếp khác: giao, bán, khoán doanh nghiệp có điều kiện xử lý vấn đề tồn đọng của quá khứ bằng các chính sách về xử lý nợ khó đòi, giải quyết lao động dôi dư… Thời gian qua, Thành phố đã kiên quyết sáp nhập, giải thể, phá sản các đơn vị làm ăn kém hiệu quả hoặc thua lỗ kéo dài. Đây là công việc hết sức phức tạp, kéo dài vì phải giải quyết những tồn đọng, tồn tại qua nhiều đời giám đốc doanh nghiệp. Cụ thể như sau: Công ty Sakyno, Công ty Ôtô Sài gòn, Công ty Cơ khí công nghiệp Sài gòn, Công ty Thương mại Vật tư quận 3, Công ty XNK và đầu tư Cần Giờ, Công ty Công trình giao thông Sài gòn, Công ty Thương mại tổng hợp Gò Vấp, Công ty Dịch vụ du lịch tổng hợp Gò Vấp, Công ty Sản xuất dịch vụ Đông Hưng.

Trong các năm qua, nhìn chung doanh nghiệp nhà nước đã có những thay đổi cơ bản tạo điều kiện cho lành mạnh hóa trong việc cơ cấu vốn, lao động, thị trường để tăng sức cạnh tranh trong sân chơi chung với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, vấn đề bức xúc nhất là vẫn chưa xử lý dứt điểm số doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản tại Tòa án nhưng chưa được Hội nghịchủ nợ đồng ý mặc dù trên danh nghĩa đã ngừng hoạt động từ lâu. Đến nay, có một số doanh nghiệp nhà nước thuộc diện phá sản đã được củng cố lại như: Công ty Đông lạnh Hùng Vương, Công ty Sakyno để cổ phần hóa hoặc được sáp nhập vào các Tổng Công ty (Xí nghiệp Cơ khí Khuôn Mẫu, Công ty Ôtô Sài gòn…) (kèm theo danh sách).

2. Về thực hiện công tác cổ phần hóa:

Tính từ thời điểm triển khai cổ phần hóa năm 1992 đến 30 tháng 10 năm 2008, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cổ phần hóa được 262 doanh nghiệp nhà nước.

Theo số liệu báo cáo dựa trên kết quả khảo sát được từ 208 doanh nghiệp trong tổng số 262 doanh nghiệp đã cổ phần hóa tại thời điểm tháng 10/2008 thì kết quả thực hiện như sau:

- Tổng số vốn nhà nước trên sổ sách trước khi cổ phần hóa là 3.033.836 triệu đồng, bình quân số vốn trên sổ sách của một doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là 14.585 triệu đồng.

- Tổng giá trị doanh nghiệp theo thực tế được định giá lại để cổ phần hóa là 11.611.733 triệu đồng, vốn nhà nước được đánh giá lại để cổ phần hóa là 3.979.213 triệu đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được duyệt:

Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa là 4.428.975 triệu đồng với cơ cấu vốn điều lệ bình quân như sau:

- Nhà nước nắm giữ: 37,02%

- Cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp: 30,30%

- Tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp nắm giữ: 0,05%

- Nhà đầu tư chiến lược: 2,01%

- Cổ đông bên ngoài nắm giữ: 30,62%

Cơ cấu vốn điều lệ sau khi thực hiện phương án cổ phần hóa được duyệt:

Tổng vốn điều lệ theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 4.346.858 triệu đồng, với cơ cấu vốn điều lệ như sau:

- Nhà nước: 38%

- Cán bộ công nhân viên: 30%

- Nhà đầu tư chiến lược: 1%

- Cổ đông bên ngoài: 31%

Tất cả các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa khi bán cổ phần lần đầu về cơ bản đã được thực hiện đúng theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt. Riêng tổ chức công đoàn không tham gia mua cổ phần như cơ cấu vốn lệ theo phương án đã được duyệt vì kém tính thanh khoản (không được chuyển nhượng) và chưa có văn bản hướng dẫn nguồn vốn hợp pháp để mua.

Tình hình thu cổ phần hóa:

Các doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện thu và nộp tiền bán cổ phần theo đúng quy định hiện hành. Tổng số tiền thu từ bán cổ phần là 3.790.975 triệu đồng.

Tình hình chi cổ phần hóa:

Các khoản chi được thực hiện đúng theo các quy định của chế độ hiện hành. Cụ thể các khoản chi như sau:

- Chi phí cổ phần hóa: 44.346 triệu đồng

- Giá trị cổ phần phát hành thêm theo mệnh giá:   98.813 triệu đồng

- Hỗ trợ giải quyết lao động dôi dư: 18.671 triệu đồng

- Đào tạo, đào tạo lại người lao động: 2.214 triệu đồng

Số đã nộp quỹ theo chế độ:

- Số đã nộp về quỹ Tổng Công ty, Công ty mẹ: 2.697.855 triệu đồng

- Số đã nộp về quỹ Trung ương: 102.800 triệu đồng

- Số đã nộp về quỹ địa phương: 468.697 triệu đồng

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa:

Đa số các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kinh doanh đều có hiệu quả, đời sống người lao động được cải thiện, thể hiện cụ thể qua các chỉ tiêu sau:

- Vốn điều lệ năm 2007 gấp 1,86 lần so với năm cổ phần hóa.

- Vốn nhà nước gấp 1.31 lần so với năm cổ phần hóa.

- Doanh thu thực hiện năm 2007 gấp 2.04 lần so với năm cổ phần hóa.

- Lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2007 gấp 4,73 lần so với năm thực hiện cổ phần hóa, với tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ tính bình quân đạt 31%.

- Tổng số nộp ngân sách thực hiện năm 2007 gấp 2,35 lần so với năm cổ phần hóa.

- Tổng số người lao động năm 2007 gấp 1,1 lần so với trước năm cổ phần hóa.

- Trong năm 2007, thu nhập bình quân người lao động được 4.000.000 đồng người/tháng gấp 1,64 lần so với trước khi cổ phần hóa (2.660.000 đồng/người tháng).

- Cổ tức được chia bình quân 10,54%/năm.

Niêm yết trên thị trường chứng khoán

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với 24 doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố đã cổ phần hóa niêm yết trên sàn với mức vốn hóa thị trường là 1.972.806 triệu đồng.

Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước:

Tính đến thời điểm hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã bàn giao về cho Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn 04 doanh nghiệp, với tổng số vốn nhà nước bàn giao theo sổ sách là 9.640 triệu đồng.

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa tuy nhiều nhưng tập trung chủ yếu vào các DNNN có quy mô nhỏ và vừa, số vốn nhà nước trên sổ sách của các DNNN
nhà nước được chọn cổ phần hóa bình quân khoảng 14.585 triệu đồng, số doanh nghiệp có vốn trên sổ sách từ 50.000 triệu đồng được thực hiện cổ phần hóa rất thấp chiếm khoảng 6,73% trên tổng số DNNN đã cổ phần hóa.

Trong quá trình cổ phần hóa, mặc dù các doanh nghiệp nhà nước được xử lý tài chính như: loại trừ tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, hàng hóa tồn kho kém phẩm chất, hư hỏng, nợ tồn đọng … hoặc có những doanh nghiệp giá trị vốn nhà nước đánh giá lại thực tế thấp hơn sổ sách nhưng xét trên tổng thể tính chung đối với 208 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, giá trị vốn nhà nước đánh giá lại (không tính giá trị quyền sử dụng đất) là 3.979.213 triệu đồng, tăng 31% so với sổ sách (tương ứng giá trị tăng là 945.376 triệu đồng).

V. ĐÁNH GIÁ:

1. Đối tượng cổ phần hóa:

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa tuy nhiều (263 doanh nghiệp) nhưng tập trung chủ yếu vào các DNNN có quy mô nhỏ và vừa, số vốn nhà nước trên sổ sách của các DNNN nhà nước được chọn cổ phần hóa bình quân khoảng 14.585 triệu đồng, số doanh nghiệp có vốn trên sổ sách từ 50.000 triệu đồng được thực hiện cổ phần hóa rất thấp chiếm khoảng 6,73% trên tổng số DNNN đã cổ phần hóa.

2. Xử lý tài chính trong quá trình cổ phần hóa:

a) Trong quá trình cổ phần hóa, mặc dù các doanh nghiệp nhà nước được xử lý tài chính như: loại trừ tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, hàng hóa tồn kho kém phẩm chất, hư hỏng, nợ tồn đọng … hoặc có những doanh nghiệp giá trị vốn nhà nước đánh giá lại thực tế thấp hơn sổ sách nhưng xét trên tổng thể tính chung đối với 208 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, giá trị vốn nhà nước đánh giá lại (không tính giá trị quyền sử dụng đất) là 3.979.213 triệu đồng, tăng 31% so với sổ sách (tương ứng giá trị tăng là 945.376 triệu đồng).

b) Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa xử lý dứt điểm nợ tồn đọng (nợ khó đòi nhưng không đủ hồ sơ chứng từ) trước khi cổ phần hóa nên tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hồi đối với khoản nợ khó đòi này. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những cơ chế tạo điều kiện cho phép các DNNN xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng trước khi chuyển đổi nhưng chưa có hướng dẫn cách giải quyết dứt điểm nợ tồn đọng nhưng hồ sơ đã thất lạc và qua nhiều đời Giám đốc và Kế toán trưởng. Do đó, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn nằm trong vòng lẩn quẩn nợ nần không phát triển được, kém hiệu quả, đời sống người lao động tiếp tục khó khăn.

3. Phương thức xác định giá trị doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chủ yếu chọn phương pháp tài sản làm phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp.

Việc xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý để tính giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp theo Thông tư 146/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính đã đẩy giá trị doanh nghiệp tăng quá cao, làm cho doanh nghiệp gặp khókhăn khi xây dựng vốn điều lệ của Công ty cổ phần cũng như thực hiện phương án cổ phần hóa, vì hiệu suất kinh doanh trên vốn rất thấp (thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng) nên không thu hút các nhà đầu tư mua cổ phần, kể cả nhà đầu tư là cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp.

Từ khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Thông tư số 146/2007/TT-BTC đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh chưa có một doanh nghiệp nào có thuê mặt bằng của nhà nước có thể hoàn thành xong đề án cổ phần hóa, vì còn nhiều vướng mắc ở khâu tính giá trị lợi thế vị trí địa lý.

4. Phương thức bán cổ phần:

Việc tổ chức theo phương thức bán đấu giá công khai cổ phần lần đầu đối với các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa được thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước. Riêng quy định đối với các doanh nghiệp có số cổ phần bán ra có giá trị trên 10 tỷ đồng phải được thực hiện bán thông qua Sở Giao dịch chứng khoán, càng làm cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trở nên công khai và minh bạch hơn.

Việc thực hiện chế độ bán cổ phần cho người lao động với giá ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công bình quân theo quy định hiện hành là quá cao, thu nhập phần lớn của đa số người lao động không cao, nên việc tích lũy được cũng rất hạn hữu, người lao động khi mua cổ phần ưu đãi thường phải đi vay tiền ngân hàng, nếu mức cổ tức thấp hơn lãi vay người lao động sẽ khó giữ được cổ phần.

Cổ phần bán cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp với giá ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công bình quân, nhưng không được chuyển nhượng (không có tính thanh khoản) do đó chính sách này khó khả thi (trong thực tế đến nay, các tổ chức công đoàn không mua cổ phần nào).

Từ cuối năm 2007 và cả năm 2008, thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh giảm, làm cho việc bán đấu giá cổ phần của một số doanh nghiệp không đạt như phương án được phê duyệt, phải điều chỉnh tăng vốn nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ của một số doanh nghiệp cổ phần hóa.

5. Quản lý và sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa:

Hiện nay việc quản lý và sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa được thực hiện theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Bộ Tài chính, nhưng còn tồn tại 2 vấn đề sau:

a) Trước đây một thời gian dài (từ năm 2004-2008) quy chế về quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp chậm được ban hành thay thế cho phù hợp với các Nghị định về hướng dẫn chuyển đổi cổ phần hóa (Quyết định 76/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành quy chế quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp & cổ phần hóa DNNN được ban hành ngày 28 tháng 5 năm 2003 căn cứ theo Nghị định 64/2002/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần nhưng sau đó, ngày 16 tháng 11 năm 2004 Nghị định 187/2004/NĐ-CP đã thay thế Nghị định 64/2002/NĐ-CP và ngày 26 tháng 6 năm 2007 Nghị định 109/2007/NĐ-CP thay thế Nghị định 187/2004/NĐ-CP).

Đến khi, Quyết định số 113/2008/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương cho phép hỗ trợ kinh phí giải quyết chính sách lao động của Công ty cổ phần chuyển đổi theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP được thực hiện mỗi năm một lần và theo quy định tại Điều 36 Nghị định 187/2004/NĐ-CP , nhưng Quyết định này không đề cập gì đến các doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định số 109/2007/NĐ-CP (trường hợp người lao động bị thôi việc, mất việc từ năm thứ 2 đến năm thứ 5 sau cổ phần hóa).

b) Theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Bộ Tài chính về ban hành quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, Công ty mẹ, chưa có quy định nào cho phép hỗ trợ kinh phí để đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty con thuộc diện giữ lại 100% vốn nhà nước nhưng chưa đủ vốn theo quy định hoặc đầu tư cho các dự án nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các Công ty con này.

6. Quản lý sau khi cổ phần hóa:

Cổ phần hóa mang lại cho doanh nghiệp cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả thích nghi với thị trường vì doanh nghiệp hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động theo pháp luật và kết quả sản xuất kinh doanh trước cổ đông. Việc kiểm tra, giám sát của các cổ đông tại doanh nghiệp cổ phần hóa đòi hỏi tính công khai minh bạch về tổ chức hoạt động và tài chính của Công ty cổ phần.

Thông qua cổ phần hóa, một bộ phận quan trọng người lao động ở doanh nghiệp nhà nước trở thành cổ đông, là người chủ thực sự phần vốn góp của mình, có quyền dự họp Đại hội cổ đông để thông qua điều lệ Công ty, ứng cử, đề cử và bầu các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, biểu quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền; góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nuớc về tạo điều kiện cho người lao động tham gia quản lý doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nhất là trong quan hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chưa xác định được cơ quan nào là đầu mối tổng hợp nhận báo cáo và giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Phần 2.

KẾ HOẠCH SẮP XẾP, ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TỪ NĂM 2009 ĐẾN 2010

Chương trình hành động về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thành phố Hồ Chí Minh giai đọan 2007- 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 14/2007/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố có nêu: “Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp và cổ phần hóa các Công ty Nhà nước, kể cả các Tổng Công ty và Công ty Nhà nước họat động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con và các Công ty Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích. Hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ các Công ty thuộc diện Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ sang hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công tycổ phần vào năm 2009”.

Căn cứ Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 03 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại 100% vốn nhà nước, thành phố xây dựng phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1057/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 có tiến độ sắp xếp như sau: năm 2007 (27 doanh nghiệp), năm 2008 (53 doanh nghiệp), năm 2009 (37 doanh nghiệp).

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 2 NĂM (2007-2008):

Sau 2 năm thực hiện Thành phố chỉ sắp xếp được 10 doanh nghiệp, (xem phụ lục 1 đính kèm) có chậm tiến độ so với kế hoạch nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi về cơ chế, chính sách theo hướng ngày càng chặt chẽ trong việc xác định giá trị tài sản nhà nước thể hiện qua việc tính lợi thế vị trí địa lý đối với tài sản hình thành trên đất đô thị đối với hình thức thuê đất khi cổ phần hóa. Việc đưa giá trị lợi thế vị trí địa lý này vào cổ phần hoá nhà nước đã làm tăng từ 6 đến 10 lần giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp (chỉ còn 2% đến 5 % năm) không thu hút được nhà đầu tư vì tính ra thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Vấn đề này, Ủy ban nhân dân thành phố đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ là không tính giá trị lợi thế vị trí địa lý mà cần điều chỉnh gía cho thuê đất sát với giá thị trường áp dụng cho mọi thành phần kinh tế có thuê đất thuộc sở hữu nhà nước. Nếu được chấp thuận thì cách tính này sẽ tạo công bằng cho tất cả doanh nghiệp nhà nước đã và đang cổ phần hóa. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cho Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất trình chính phủ sửa đổi Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ theo hướng chống thất thoát tài sản nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế.

Quán triệt chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu việc thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo ổn định thị trường và vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn suy giảm kinh tế nên cần nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đọan 2007- 2010 theo Quyết định số 1057/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

II. KẾ HOẠCH ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP VÀ ĐỔI MỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC (XEM PHỤ LỤC 2,3,4):

Được sự chấp thuận của thường trực Thành ủy tại Công văn số 2801-CV/VPTU ngày 20 tháng 02 năm 2009 của Văn phòng Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, tập thể Thường trực Thành ủy đã thống nhất phương án Điều chỉnh sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007-2010 mà Ủy ban nhân dân thành phố đã nêu tại Công văn số 362/UBND-CNN ngày 23 tháng 01 năm 2009.

Theo kế hoạch điều chỉnh này, Thành phố sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các nội dung:

1. Về tiến độ: theo kế hoạch cũ thì công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước sẽ hoàn thành vào năm 2009 nhưng nay sẽ giãn đến năm 2010.

2. Về loại hình sắp xếp: so với phương án được duyệt thì thành phố còn cổ phần hóa 37 doanh nghiệp, nhưng nay sẽ chuyển sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chia ra như sau:

a) Đối với các doanh nghiệp nhà nước có hoạt động công ích thuộc các Sở ngành, Quận - huyện (29 doanh nghiệp trong đó quận, huyện là 24 doanh nghiệp) chuyển từ loại hình cổ phần sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vì:

- Là đô thị lớn cần phân cấp quản lý độ thị cho 24 Quận - huyện nên duy trì hình thức Công ty nhà nước 100% vốn hoạt động công ích theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu.

- Lĩnh vực hoạt động công ích chủ yếu làm công tác duy tu, bảo dưỡng: cầu đường bộ, phà công viên cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, vệ sinh, thu gom rác, nạo vét cống rãnh…Quản lý, cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, xây dựng nhà ở xã hội.

b) Đối với các doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh: (08 doanh nghiệp) điều chỉnh từ cổ phần hóa sang Công ty trách hiệm hữu hạn một thành viên:

- Công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco): để thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo (qua vay tín chấp để đi xuất khẩu lao động) và chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng có thu hồi đất thực hiện các dự án (Làm công tác đào tạo nghề cho con em các gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo và các hộ nông dân mất đất).

- Công ty Phát triển khu công nghệ cao: theo chương trình hành động số 08/CTr/TU ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về đầu tư xây dựng khu công nghệ cao.

- Thảo Cầm viên Sài gòn thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh từ đơn vị sự nghiệp chuyển thành Công ty TNHH một thành viên để tạo nhiều thuận lợi trong việc phục vụ nhu cầu tham quan và chủ động trong việc liên doanh liên kết xây dựng Khu giải trí Sài gòn SAFARI.

- Các doanh nghiệp nhà nước thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố (Công ty Đầu tư và Xây dựng, Công ty Sản xuất kinh doanh Thương mại và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Thanh niên Xung phong và Công ty Khai thác Chế biến Nông lâm sản trồng rừng Vyfaco) từ cổ phần hóa chuyển sang sáp nhập vào Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong để thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội và công ích do thành phố giao. Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong từ cổ phần hóa chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để thực hiện nhiệm vụ chính trị và xã hội của thành phố (Hiện nay, các đơn vị thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ giúp nước bạn Lào đầu tư trồng cây cao su. Trước mắt, việc sáp nhập lại các đơn vị trên nhằm tạo điều kiện về nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị này và sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, sẽ tiếp tục cổ phần hóa ba bộ phận doanh nghiệp đã sáp nhập).

- Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học kỹ thuật: đề nghị không cổ phần hóa và chuyển sang đơn vị sự nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật của thành phố.

c) Các Công ty thành viên của các Tổng Công ty và Công ty theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con: 09 doanh nghiệp

- Công ty Giống cây trồng thành phố (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn): không cổ phần hóa và chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (doanh nghiệp đang quản lý hơn 75 ha đất của thành phố).

- Xí nghiệp Khai thác chế biến và dịch vụ thủy sản (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn): từ bán doanh nghiệp chuyển sang sáp nhập vào Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn để củng cố và phục vụ chiến lược kinh tế biển của thành phố.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Bến nghé (thuộc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài gòn): giữ nguyên như hiện nay để thực hiện di dời. Sau năm 2010 sẽ tiếp tục cổ phần hóa.

- Các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài gòn: Xí nghiệp Cấp nước Trung An, Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa không cổ phần hóa và chuyển sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vì qua khảo sát 6 doanh nghiệp cấp nước đã cổ phần hóa có cổ tức thấp khó thu hút các nhà đầu tư. Công tỷ lệ trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác xử lý nước ngầm không cổ phần hóa và giữ nguyên như hiện nay.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt nam kỹ nghệ súc sản Việt Nam Vissan (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài gòn): giữ nguyên như hiện nay để thực hiện chính sách bình ổn giá của thành phố và thực hiện di dời. Sau năm 2010 sẽ tiếp tục cổ phần hóa.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại và dịch vụ Gia định (thuộc Công ty Phát triển khu công nghiệp Sài gòn) và Công tỷ lệ trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (thuộc Công ty Cholimex): không cổ phần hóa và giữ nguyên như hiện nay để cổ phần hóa cùng Công ty mẹ.

d) Tổng Công ty và Công ty nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty mẹ- Công ty con:

Theo phương án được duyệt tại Quyết định số 1057/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thì trong tổng số 17 Tổng Công ty và Công ty nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con có 02 đơn vị chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Tổng Công ty Công nghiệp Sài gòn, Tổng Công ty Liksin}, còn 15 đơn vị sẽ thực hiện cổ phần hóa.

Kế hoạch điều chỉnh có tăng thêm Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn chuyển từ Công ty cổ phần thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Còn lại 14 Tổng Công ty và Công ty nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con đều chuyển thành Công ty cổ phần.

III. GIẢI PHÁP:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố nhằm đạt được sự thống nhất cao về chủ trương, đẩy nhanh và vững chắc công tác sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước của thành phố với mục tiêu đến 01 tháng 7 năm 2010 các doanh nghiệp nhà nước sẽ hoạt động dưới 02 hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Công ty cổ phần theo Điều 166 Luật Doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm chế độ giao ban định kỳ, họp chuyên đề dưới sự chủ trì của lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố để nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Thành phố. Các Tổng Công ty và doanh nghiệp chuyển đổi phải xây dựng lộ trình tiến độ thực hiện thật cụ thể chi tiết, tập trung giải quyết ngay các khâu thủ tục giao tài sản, kiểm kê xử lý tài chính, quyết toán tài chính, quyết toán thuế để xác định giá trị doanh nghiệp, khắc phục tình trạng để dồn công việc cuối năm.

Tiếp tục cải tiến các thủ tục hành chính, thống nhất các biểu mẫu sắp xếp chuyển đổi để việc xem xét trình duyệt ký các văn bản nhanh chóng và đúng quy định, không chồng chéo gây phiền hà và bảo đảm đúng thời gian quy định. Trong đó, chú ý rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính về thủ tục giao tài sản cố định để chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang Công ty TNHH một thành viên nhà nước, Công ty cổ phần theo Quyết định số 2465/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2008 và Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Nâng cao trình độ đối với người đại diện trực tiếp chủ sở hữu vốn nhà nước để thực hiện quyền của cổ đông góp vốn theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ.

IV. KIẾN NGHỊ:

1. Cơ chế chính sách cổ phần hóa:

a) Về cơ chế tài chính:

Hiện nay những doanh nghiệp có khó khăn vướng mắc về xử lý nợ khó đòi, âm quỹ khen thưởng phúc lợi, lỗ lũy kế chưa có cơ chế hạch toán giảm vốn nhà nước trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp thua lỗ khi cổ phần gặp ách tắc không thực hiện được nếu xử lý như doanh nghiệp họat động bình thường về xử lý nợ khó thu theo Thông tư 13/2006/TT-BTC ngày 27 tháng 6 năm 2006. Đề nghị có cơ chế xử lý dứt điểm nợ khó thu còn tồn đọng nhưng không đủ điều kiện xử lý theo Thông tư 13/2006/TT-BTC , để giảm gánh nặng cho Công ty cổ phần và lành mạnh hóa tình hình tài chính trước khi cổ phần hóa.

Nhiều doanh nghiệp đã mất hết vốn nhà nước trên sổ sách, nhưng phải tiếp tục thực hiện cổ phần hóa vì vẫn còn vốn khi xác định lại giá trị thực tế vốn nhà nước, mà chủ yếu là do giá trị lợi thế vị trí địa lý mang lại, trong khi đó lỗ lũy kế vẫn chưa được xử lý.

Đề nghị Bộ Tài chính Chính phủ cho phép không tính giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa mà điều chỉnh giá cho thuê đất sát với giá thực tế trên thị trường để tránh tình trạng hai giá cho thuê đất.

Đề nghị Chính phủ cho phép người lao động mua cổ phần với giá ưu đãi là 60% giá trúng đấu thấp nhất (thay vì 60% giá đấu thành công bình quân).

Đề nghị Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm có Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc sử dụng nguồn quỹ nào để Công đoàn được mua cổ phần với tỷ lệ 3% vốn điều lệ trong doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa.

Về bán cổ phần giá ưu đãi cho tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ cho phép tổ chức công đòan trong doanh nghiệp được mua với giá bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất và quy định thời gian hạn chế được chuyển nhượng, để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn góp phần làm chủ doanh nghiệp và chủ động hơn trong việc sử dụng đồng vốn.

b) Về cơ chế sắp xếp lao động dôi dư:

Các doanh nghiệp cổ phần hóa theo Nghị định số 64/2002/NĐ-CP và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP , theo quy định về chế độ trợ cấp tiền thôi việc, mất việc làm cho người lao động trong năm đầu tiên được chi từ nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, trường hợp người lao động bị thôi việc, mất việc trong 4 năm tiếp theo thì Công ty cổ phần có trách nhiệm chi trả 50% tổng mức trợ cấp theo quy định của Bộ luật Lao động, 50% còn lại được thanh toán từ tiền thu cổ phần hóa.

Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2007 thì không quy định khoản chi hỗ trợ đối với trợ cấp thôi việc, mất việc như tinh thần của Nghị định 187/2004/NĐ-CP. Đề nghị Chính phủ vẫn cho phép chi hỗ trợ 50% trợ cấp mất việc, thôi việc cho người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang Công ty cổ phần theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP giống như Nghị định 187/2004/NĐ-CP.

c) Về quản lý và sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa:

- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép Ủy ban nhân dân thành phố được giữ lại số dư tại các quỹ hổ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tổng Công ty và Công ty mẹ thuộc Thành phố quản lý (không điều về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2008) để Thành phố có nguồn vốn nhằm chủ động trong việc đầu tư các dự án trọng điểm theo mục tiêu phát triển của mình.

- Kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép các Tổng Công ty và Công ty mẹ con được sử dụng nguồn thu từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (theo Quyết định 09/2008/QĐ-BTC) để hỗ trợ đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty con thuộc diện giữ 100% vốn nhà nước nhưng chưa đủ vốn theo quy định hoặc đầu tư cho các dự án nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các Công ty con.

d) Về xử lý đất đai khi cổ phần hóa:

Sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty cổ phần, một số Công ty cổ phần thay đổi mục đích sử dụng nhà xưởng và cho các đơn vị khác thuê lại vì cho rằng theo Luật Doanh nghiệp, Công ty cổ phần có toàn quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình (trong đó có nhà xưởng) nhưng hợp đồng thuê đất tại nhà xưởng này không cho phép thuê lại. Do đó, vướng mắc này đã gây nhiều lúng túng cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa và các cơ quan quản lý nhà nước. Đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên môi trường có văn bản hướng dẫn xử lý về trường hợp cho thuê lại này.

2. Về cách thức chỉ đạo, điều hành:

- Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế về đấu giá quyền được mua cổ phần phát hành thêm của cổ đông nhà nước trong trường hợp nhà nước từ chối không mua thêm cổ phần khi Công ty cổ phần phát hành tăng vốn điều lệ, để tránh thiệt thòi quyền lợi của nhà nước.

- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu giao một cơ quan làm đầu mối tổng hợp trong quản lý nhà nước với Công ty cổ phần để giải quyết các khó khăn vướng mắc và các kiến nghị của các Công ty cổ phần.

3. Về kiểm tra, giám sát sau cổ phần hóa:

Kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quy định thật chặt chẽ về việc phát hành cổ phần riêng lẻ, đặc biệt đối với Công ty cổ phần có tình hình họat động không hiệu quả, tài chính không minh bạch nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các cổ đông./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT/TU; TT/HĐNDTP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp;
- Sở Tài chính; Chi cục Tài chính DN;
- Viện Nghiên cứu PT; Cục Thuế TP;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nội vụ;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- VPUB: CVP, PVP/KT; P. CNN (2), THKH;
- Lưu: VT, (CNN/KH) P.
 (Đính kèm 6 phụ lục)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo số 74/BC-UBND về việc sơ kết công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2001 đến 2008 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 74/BC-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/07/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Trung Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản