Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/LĐTBXH-VPQGGN

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2014

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ 02 NĂM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2195/QĐ-TTG NGÀY 06/12/2011 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phúc đáp Công văn số 7589/NHNN-TTGSNH ngày 15/10/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sơ kết, đánh giá kết quả 02 năm thực hiện Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

I. THỰC TRẠNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH/DỰ ÁN TÀI CHÍNH VI MÔ

1. Số lượng chương trình/dự án do đơn vị quản lý:

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 03 chương trình/dự án, cụ thể: Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm; Chương trình tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương; Mô hình tín dụng vi mô dành cho người nghiện và người sau cai tại cộng đồng thuộc Dự án “Phòng chống HIV/AIDS khu vực Châu Á tại Việt Nam”.

Ngoài ra, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tham gia xây dựng một số chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức thực hiện như: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; Chính sách tín dụng ưu đãi cho huyện nghèo; Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; Chương trình cho vay giải quyết việc làm; Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở...

2. Một số thông tin cơ bản của các chương trình, dự án:

2.1. Quỹ cho vay giải quyết việc làm

a. Cơ chế quản lý, điều hành của Quỹ cho vay giải quyết việc làm

Quỹ Quốc gia về việc làm ra đời từ năm 1992, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm.

Hiện nay, Quỹ cho vay giải quyết việc làm được thực hiện theo quy định của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý và điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi và bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg. Theo đó:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Quỹ cho vay giải quyết việc làm. Hàng năm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ kế hoạch phân bổ nguồn vốn, và giao chỉ tiêu thực hiện cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

- Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn được phân bố.

- Quỹ cho vay giải quyết việc làm được đặt tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiệm vụ quản lý và cho vay theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

b. Đối tượng, mức vay, thời hạn, lãi suất

* Đối tượng vay vốn:

+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh: Hộ kinh doanh cá thể; tổ hợp sản xuất; hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã; cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; chủ trang trại; Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội;

+ Hộ gia đình.

* Mức vốn vay:

+ Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh: mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án và không quá 20 triệu đồng/01 lao động được thu hút mới;

+ Đối với hộ gia đình: mức vay vốn tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ gia đình.

* Thời hạn: tối đa 60 tháng tùy thuộc mục đích vay vốn.

* Lãi suất: Lãi suất cho vay là 7,2%/năm (0,6%/tháng), riêng các đối tượng vay vốn là người khuyết tật là 3,6%/năm (0,3%/tháng).

2.2. Đối với Chương trình tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương:

- Loại hình tổ chức: Chương trình ngân sách;

- Văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động: Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương;

- Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ năm 2014;

- Địa bàn thực hiện: Từ 2014-2016 triển khai thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố, từ năm 2017 sẽ mở rộng ra toàn quốc.

2.3. Đối với Mô hình tín dụng vi mô dành cho người nghiện và người sau cai tại cộng đồng:

- Loại hình tổ chức: Tín dụng vi mô;

- Đối tượng được vay: Người nghiện và người sau cai;

- Địa bàn hoạt động: 03 tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang;

- Tổng kinh phí dành cho Quỹ tín dụng vi mô là 2 tỷ đồng trong đó Tuyên Quang: 700 triệu đồng; Bắc Kạn: 550 triệu đồng, Hòa Bình: 750 triệu đồng;

- Thời gian triển khai thực hiện chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn I, thực hiện thí điểm tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vào năm 2011; Giai đoạn II, triển khai chính thức tại 03 tỉnh bắt đầu từ tháng 12/2013;

- Số vốn đã thu hồi được đến thời điểm 31/8/2014 là 950 triệu đồng (trong đó Tuyên Quang thu hồi được 245 triệu đồng; Bắc Kạn thu hồi được 305 triệu đồng; Hòa Bình thu hồi được 400 triệu đồng);

- Văn bản điều chỉnh hoạt động: Thỏa thuận giữa Chính phủ Ô-xtrây-li-a do Cơ quan phát triển quốc tế Ô-xtrây-li-a làm đại diện và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quyết định số 4497/QĐ-BYT ngày 18/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Hướng dẫn triển khai mô hình tín dụng vi mô cho người nghiện ma túy và người sau cai nghiện tại cộng đồng trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV ban hành kèm theo Công văn số 528/PCTNXH-CS06 ngày 24/8/2012 của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

II. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH/DỰ ÁN:

1. Đối với Quỹ quốc gia giải quyết việc làm

1.1. Mặt được:

Trong những năm qua, Quỹ cho vay giải quyết việc làm đóng vai trò hỗ trợ đắc lực tạo và tự tạo việc làm cho người lao động. Trên cơ sở bổ sung hàng năm từ ngân sách nhà nước, tính đến tháng 9 năm 2014, tổng nguồn vốn tích lũy của Quỹ là 4.363 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 51 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ việc làm địa phương với số vốn khoảng là 1.729 tỷ đồng. Doanh số cho vay bình quân mỗi năm từ 2.000-2.500 tỷ đồng/năm, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100-120 nghìn lao động/năm. Đến hết quý III năm 2014, Quỹ đã thực hiện cho vay hơn 60.000 lượt khách hàng, giải quyết việc làm cho gần 68.000 lao động.

1.2. Một số tồn tại, hạn chế:

- Nguồn vốn bố trí cho các dự án trong CTMTQG việc làm và dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là vốn đầu tư phát triển bổ sung cho Quỹ Quốc gia về việc làm;

- Hiệu quả sử dụng vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm chưa cao, mục tiêu tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm không đạt so với kế hoạch do nguồn kinh phí bổ sung thấp trong khi cơ chế cho vay còn nhiều bất cập; một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kiểm tra sử dụng vốn vay, có dự án sử dụng không đúng mục đích; các dự án cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng vay là các cơ sở kinh doanh chiếm tỷ lệ thấp.

2. Đối với Mô hình tín dụng vi mô dành cho người nghiện và người sau cai tại cộng đồng:

2.1. Mặt được: Hoạt động của dự án đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, quần chúng nhân dân. Hoạt động cho vay đã tạo điều kiện cho người nghiện và người sau cai tại địa bàn dự án có nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, có việc làm và thu nhập giúp người nghiện và người sau cai tái hòa nhập cộng đồng.

2.2. Mặt tồn tại, hạn chế: Theo yêu cầu của nhà tài trợ, hết thời hạn cho vay vốn vay này phải được thu hồi và trả lại cho nhà tài trợ. Hiện nay, việc thu hồi vốn ở các tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn do thời hạn cho vay ngắn ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, sản xuất kinh doanh do các hộ chưa kịp quay vòng vốn hoặc có những hộ chăn nuôi bị bệnh dịch chết mặt khác một số người sau khi được vay vốn vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy hoặc bị vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy nên bị cưỡng chế đi cai nghiện bắt buộc hoặc bị truy tố trước pháp luật, người thừa kế vốn vay lại chưa đủ khả năng tài chính để trả nợ; chi phí cho công tác giám sát, thu hồi vốn vay không có nên ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn vay.

3. Đối với các chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo:

3.1. Mặt được:

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội: Tổng doanh số cho vay của NHCSXH từ năm 2003 đến 31/12/2012 đạt 210.960 tỷ đồng, bình quân đạt 21.096 tỷ đồng/năm, riêng năm 2012 doanh số cho vay đạt 33.027 tỷ đồng. Tổng doanh số thu nợ đạt 105.806 tỷ đồng, bình quân 10.579 tỷ đồng/năm, chiếm 50% tổng doanh số cho vay (trong đó năm 2012 doanh số thu nợ đạt 22.786 tỷ đồng, chiếm 69% doanh số cho vay của năm), góp phần đáng kể trong việc tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó: Chương trình cho vay hộ nghèo vẫn là chương trình lớn nhất, chiếm tỷ trọng 36,5%; Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chiếm 31,4%; Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 11,3%; Chương trình cho vay giải quyết việc làm 5,0% và Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở là 3,4%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các xã, phường trên toàn quốc, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động, hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 88 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 98 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Các chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong những năm qua đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn, hòa nhập với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa cho hàng triệu lượt hộ nghèo, góp phần đáng kể đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, việc cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn tác động quan trọng đối với việc giữ đất, giữ biển đảo, biên cương Tổ quốc, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

3.2. Mặt hạn chế:

Theo quy định, đối tượng vay vốn của NHCSXH là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được UBND cấp xã xác nhận. Tuy nhiên, công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; có nơi chưa rà soát, bổ sung kịp thời những hộ mới phát sinh nghèo, cận nghèo vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ vốn kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Về chất lượng tín dụng: Chất lượng tín dụng chưa đồng đều giữa các khu vực một số tỉnh nợ quá hạn cao so với bình quân chung của cả nước như: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hà Giang ...

III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

- Đối với Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm: Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm, trong đó có nội dung cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ cho vay giải quyết việc làm theo hướng đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của Quỹ, tạo thuận lợi cho người lao động và nâng cao hiệu quả quản lý, cải cách thủ tục hành chính.

- Đối với Mô hình tín dụng vi mô dành cho người nghiện và người sau cai tại cộng đồng:

+ Sau khi kết thúc hoạt động dự án, kinh phí cho hoạt động tín dụng vi mô nên để lại cho các tỉnh quản lý, điều hành tạo cơ hội cho người nghiện và người sau cai có thể tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng này một cách có hiệu quả.

+ Dự án nên xem xét về thời gian thu hồi vốn vay khi hết hạn cho vay: Cần một khoảng thời gian đủ dài để Ban quản lý dự án có thể thu hồi lại các khoản vay. Ngoài ra, Dự án cũng xem xét việc xóa nợ vay cho một số đối tượng vay bị mất vốn vì những lý do khách quan dẫn đến không có khả năng trả nợ.

- Đối với chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Chương trình cho vay xuất khẩu lao động tại huyện nghèo; Chương trình cho vay học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo đề nghị tăng mức cho vay, mở rộng đối tượng là các hộ mới thoát nghèo nhằm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thoát nghèo bền vững.

- Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội, bao gồm cả trẻ em, trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô cần ưu tiên hỗ trợ cho nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo; đồng thời nghiên cứu, áp dụng thí điểm các mô hình tài chính vi mô và trợ cấp bằng tiền mặt có điều kiện cho các gia đình của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhằm giảm tỷ lệ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, VPQGGN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 96/LĐTBXH-VPQGGN năm 2014 về sơ kết, đánh giá kết quả 02 năm thực hiện Quyết định 2195/QĐ-TTg hệ thống tài chính vi mô do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 96/LĐTBXH-VPQGGN
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/11/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản