Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 120-HĐBT | Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 1992 |
Trong mấy năm vừa qua do đổi mới cơ chế quản lý, phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi và nhân tố mới đa dạng để các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở, các tổ chức xã hội và toàn dân chủ động tạo chỗ làm việc mới, đã giải quyết được một bước yêu cầu về việc làm và đời sống của người lao động, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, do dân số nước ta tăng nhanh, hàng năm có trên một triệu người đến tuổi lao động cần việc làm, đồng thời một số không nhỏ lao động dôi thừa do sắp xếp lại tổ chức sản xuất và bộ máy trong khu vực Nhà nước, bộ đội xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về... đang có nhu cầu bố trí việc làm, dẫn đến sức ép về việc làm ngày càng tăng và bức bách hơn.
Xuất phát từ tầm quan trọng và tính bức xúc của vấn đề giải quyết việc làm đối với các mặt đời sống kinh tế - xã hội, xuất phát từ nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người lao động, Hội đồng Bộ trưởng quyết định một số chủ trương, phương hướng và các biện pháp giải quyết sau đây:
1. Về chủ trương:
a) Giải quyết việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và của mỗi người lao động. Nhà nước tạo những điều kiện cần thiết thông qua cơ chế, chính sách, luật pháp và hỗ trợ một phần về tài chính để khuyến khích các tổ chức, đơn vị kinh tế và người lao động ở mọi thành phần kinh tế tự giải quyết việc làm và tạo việc làm mới.
b) Người lao động được tự do hành nghề, lập hội nghề nghiệp, liên doanh, liên kết, hợp tác và tự do thuê mướn lao động trên cơ sở pháp luật và sự hướng dẫn của Nhà nước. Nhà nước bảo vệ và khuyến khích các chủ doanh nghiệp, kể cả các chủ tư nhân, gia đình và mọi người làm giàu chính đáng, tạo được nhiều chỗ làm việc mới và thu hút được nhiều lao động.
c) Phát huy mọi nguồn tiềm năng trong nước, khai thác đến mức tối đa tiềm năng trong dân (vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm làm ăn...), đồng thời tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các chương trình và dự án việc làm có mục tiêu.
2. Phương hướng:
a) Phương hướng cơ bản là gắn việc giải quyết việc làm với nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng các thành phần kinh tế, gắn lao động với đất đai và tài nguyên của đất nước; kết hợp giữa giải quyết việc làm tại chỗ là chính với mở rộng hoạt động để phát triển việc làm ngoài nước.
b) Tổ chức đào tạo, đào tạo lại và phổ cập nghề cho lao động xã hội để họ tự tìm việc làm, tự hành nghề.
c) Hướng trọng điểm giải quyết việc làm là khuyến khích, thu hút các lực lượng lao động, kể cả lao động "chất xám", nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của 10 triệu ha đất rừng đất đồi, đất ven biển, vào việc định canh, định cư đồng bào dân tộc ít người để ổn định đời sống, phát triển sản xuất hàng hoá và chống nạn phá rừng; đồng thời cần tổ chức việc làm cho lao động dôi thừa trong khu vực Nhà nước, bộ đội xuất ngũ, học sinh đã tốt nghiệp các trường lớp đào tạo, thanh niên đến tuổi lao động, người đi lao động ở nước ngoài về vào việc phát triển sản xuất, chế biến các mặt hàng xuất khẩu, mở rộng các hoạt động dịch vụ cho sản xuất và đời sống ở thành thị, vùng đồng bằng đông dân, trong đó cần chú ý đúng mức giải quyết việc làm ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
d) Đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các nông, lâm trường quốc doanh theo hướng giao đất, giao rừng cho người lao động; các nông, lâm trường tập trung làm các dịch vụ như cung ứng vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và công nghệ sản xuất, tổ chức chế biến sản phẩm, tìm thị trường và tiêu thụ sản phẩm; làm cho các nông, lâm trường quốc doanh trở thành trung tâm tổ chức lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hoá.
Uỷ ban nhân dân địa phương và Bộ chủ quản cần tổ chức đánh giá tình hình sử dụng đất đai của từng nông, lâm trường; có kế hoạch chuyển giao cho các hộ gia đình hoặc đưa dân từ nơi khác đến sử dụng phần đất chưa được sử dụng. Các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, Ngành liên quan sớm trình Hội đồng Bộ trưởng tổ chức hội nghị toàn quốc để tổng kết, rút kinh nghiệm và phổ biến các cơ chế, chính sách và các mô hình hoạt động có hiệu quả của các nông, lâm trường quốc doanh.
e) Tập trung thực hiện các chương trình quốc gia về việc làm trong kế hoạch 5 năm 1991 - 1995 và các năm tiếp theo, bao gồm:
- Chương trình việc làm tổng thể gắn lao động với đất đai và tài nguyên đất nước hướng vào mục tiêu khai thác và sử dụng có hiệu quả 3 triệu ha đất trống, đồi trọc, diện tích hoang hoá, tiềm năng ven biển để phát triển việc làm trong kế hoạch 1992-1995. Chương trình này được thực hiện ở các vùng sau:
+ Vùng đồng bằng đông dân ít đất (đặc biệt là đồng bằng Sông Hồng) chủ yếu là phát triển kinh tế hộ gia đình, thu hút lao động vào thâm canh, nâng hệ số sử dụng đất lên trên 2 vòng năm, tận dụng các mảnh đất trũng, đất sình lầy, gò đồi cải tạo thành đất nông nghiệp để tạo thêm việc làm tại chỗ, phát triển chăn nuôi (nhất là chăn nuôi cho xuất khẩu), phát triển ngành nghề ở nông thôn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sinh học để nuôi trồng đặc sản xuất khẩu có giá trị cao.
+ Vùng núi trung du phía Bắc, Tây Nguyên, miền Đông nam Bộ, ven biển có tiềm năng lớn nhưng điều kiện khó khăn, thông qua các dự án khai hoang, lấn biển, trồng rừng, di dân, định canh định cư đồng bào dân tộc ít người.
+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long thông qua các chương trình phối hợp khai thác tiềm năng các vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, tây Sông Hậu, bán đảo Cà Mâu.
- Chương trình tổng thể giải quyết việc làm ở thành thị, đặc biệt là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, hướng vào giải quyết việc làm cho lao động dôi ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại lao động trong khu vực Nhà nước, bộ đội xuất ngũ, lao động ở nước ngoài trở về, thanh niên mới đến tuổi lao động thông qua thực hiện các kế hoạch cụ thể sau:
+ Tiếp tục sắp xếp việc làm cho lao động giảm biên chế trong khu vực Nhà nước theo các Quyết định số 111-HĐBT, 176-HĐBT và 315-HĐBT.
+ Chương trình đào tạo, đào tạo lại và dạy nghề gắn với dịch vụ việc làm (giới thiệu, tư vấn, cung ứng lao động...) thông qua các dự án phát triển các trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm, trung tâm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ ở một số địa phương và thành phố lớn, ở các tổ chức xã hội (Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân...).
+ Chương trình phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn, nhất là ở địa bàn có điều kiện lập các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, phát triển các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, các dự án thu hút vốn đầu tư của nước ngoài để tạo việc làm trong nước thông qua gia công xuất khẩu, liên doanh, các dự án viện trợ (kể cả viện trợ nhân đạo) cho mục đích phát triển và gắn với việc làm.
+ Chương trình kết hợp việc chữa bệnh, giáo dục với dạy nghề và tạo việc làm cho các đối tượng tệ nạn xã hội (xì ke, ma tuý, lang thang bụi đời, gái mãi dâm...) thông qua các dự án phát triển các trung tâm xã hội.
+ Chương trình giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ngoài trở về, đồng thời tiếp tục tìm và mở rộng thị trường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
f) Trong năm 1992, trên cơ sở nguồn kinh phí để giải quyết việc làm từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và sự giúp đỡ quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thuỷ sản, Lâm nghiệp, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo thực hiện các chương trình nói trên.
3. Biện pháp:
a) Lập quỹ quốc gia về giải quyết việc làm từ các nguồn: Trích một tỉ lệ nhất định trong ngân sách Nhà nước; một phần từ nguồn thu do đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; từ sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế hoặc Chính phủ các nước cho giải quyết việc làm.
b) Xây dựng chương trình việc làm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, trong đó cần xác định rõ mục tiêu, nội dung dự án đầu tư, hiệu quả kinh tế, các điều kiện thực hiện.
c) Bổ sung và sửa đổi một số chính sách cụ thể khuyến khích các lĩnh vực, các doanh nghiệp, các hộ gia đình và cá nhân tạo thêm chỗ làm việc mới, thu hút thêm lao động, trước hết là các chính sách định canh, định cư và di dân xây dựng các vùng kinh tế - xã hội mới; phát triển kinh tế hộ gia đình ỏ nông thôn; phát triển kinh tế quy mô nhỏ và linh hoạt ở thành thị; chính sách tự do di chuyển lao động và hành nghề; chính sách và việc làm thích hợp đối với thương binh và người tàn tật; chính sách phát triển hình thức thanh niên xung phong làm kinh tế; hình thức hội, hiệp hội làm kinh tế; hình thức giáo dục cải tạo gắn với dạy nghề và tạo việc làm cho các đối tượng tệ nạn xã hội; chính sách cho vay với lãi suất nâng đỡ hoặc bảo toàn vốn, miễn giảm thuế đối với những hộ mới đăng ký kinh doanh thời kỳ đầu v.v...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu và trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định trong quý II năm 1992.
d) Ngoài hệ thống đào tạo, hướng nghiệp và dạy nghề chính quy cần mở rộng và phát triển các trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm ở một số ngành, tổ chức xã hội và địa phương có yêu cầu lớn về dạy nghề, trước hết là cho thanh niên đến tuổi lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng quy chế dạy nghề và dịch vụ việc làm, hướng dẫn và chỉ đạo hệ thống các trung tâm này, đồng thời tăng cường liên kết với các trường đào tạo và dạy nghề để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có và bảo đảm chất lượng dạy nghề; mở rộng quan hệ và tham gia vào các tổ chức lao động, xã hội quốc tế và khu vực để phát triển công tác quản lý lao động và các vấn đề xã hội.
4. Chỉ đạo thực hiện:
a) Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trên cơ sở nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề việc làm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết này.
b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thi hành Nghị quyết này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Quyết định 33/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 176-HĐBT năm 1989 về việc sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Quyết định 315-HĐBT năm 1990 về việc chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất và kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Quyết định 111-HĐBT năm 1991 về một số chính sách trong việc sắp xếp biên chế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 5Thông tư liên tịch 17-TT/LB năm 1992 bổ sung chính sách cho vay đối với các dự án nhỏ giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120-HĐBT do Bộ Lao động, thương binh và xã hội-Bộ Tài chính-Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành
- 6Thông tư liên tịch 6-TT/LB năm 1993 bổ sung chính sách cho vay đối với các dự án nhỏ giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120-HĐBT do Bộ Lao động, thương binh và xã hội-Bộ Tài chính-Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành
- 7Thông tư liên bộ 03-TT/LB năm 1996 sửa đổi chính sách cho vay đối với các dự án nhỏ giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành
- 8Thông tư liên tịch 10/TT-LB năm 1992 hướng dẫn cho vay đối với các dự án nhỏ giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Bộ Tài chính - Ủy ban kế hoạch nhà nước ban hành
- 9Thông tư liên bộ 03/TT-LB năm 1995 bổ sung đối tượng ưu tiên cho vay, quy trình, chuyển vốn, nhiệm vụ thẩm định của hệ thống kho bạc về việc kiểm tra của liên Bộ đối với các dự án nhỏ giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT do Bộ lao động - Thương binh và xã hội - tài chính - Ủy ban kế hoạch nhà nước ban hành
- 10Công văn về việc hướng dẫn xây dựng dự án nhỏ xin vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ
- 11Thông tư 47-TC/CĐTC năm 1993 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ do Bộ Tài chính ban hành
- 12Thông tư 1360-TC/KBNN năm 1992 về thể lệ cho vay bằng nguồn vốn từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm do Bộ Tài chính ban hành
- 13Thông tư liên tịch 08/1999/TT-LTBLĐTBXH-BTC-BKHĐT về việc giải quyết các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm bị rủi ro do Bộ Lao động,thương binh và xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành
Nghị quyết số 120-HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 120-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 11/04/1992
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 19
- Ngày hiệu lực: 26/04/1992
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra