Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2195/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TÀI CHÍNH VI MÔ TẠI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 67/TTr-NHNN ngày 07 tháng 4 năm 2011 và văn bản số 205/TTr-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 với nội dung sau:

1. Mục tiêu:

Xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

2. Giải pháp thực hiện:

a) Xây dựng môi trường pháp lý đồng bộ, phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô:

- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng.

- Ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích phát triển hoạt động tài chính vi mô.

- Có chính sách thuế, phí phù hợp để hỗ trợ phát triển hoạt động tài chính vi mô.

- Nghiên cứu, ban hành các quy định để phát triển hoạt động bảo hiểm vi mô theo hướng chuyên nghiệp.

- Hoàn thiện cơ chế về tín dụng ưu đãi đảm bảo phục vụ đúng đối tượng người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

- Nghiên cứu, ban hành chính sách nhằm đa dạng hóa các loại hình tổ chức tài chính vi mô.

b) Nâng cao năng lực hoạch định chính sách và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước:

- Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, quản lý, thanh tra, giám sát.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia về tài chính vi mô.

c) Nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính vi mô:

- Đối với các tổ chức tài chính vi mô đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép:

+ Có hướng dẫn trong việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành và xây dựng cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ hiệu quả, đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững;

+ Hỗ trợ trong việc đào tạo cán bộ, tìm nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là trong giai đoạn mới thành lập.

- Đối với các chương trình, dự án tài chính vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Quỹ từ thiện, Quỹ xã hội (các tổ chức phi Chính phủ):

+ Triển khai các chương trình đào tạo để hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đảm bảo phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả;

+ Có chính sách hỗ trợ chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép.

- Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội:

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động để thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

d) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tài chính vi mô:

- Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò và hiệu quả của hoạt động tài chính vi mô.

- Tăng cường phổ biến kinh nghiệm và các mô hình hoạt động tài chính vi mô hiệu quả.

đ) Các giải pháp hỗ trợ khác:

- Tạo điều kiện về nguồn vốn cho hoạt động tài chính vi mô.

- Hỗ trợ hình thành cơ sở đào tạo về tài chính vi mô.

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu chung về tài chính vi mô.

- Hỗ trợ việc hình thành Hiệp hội tài chính vi mô.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Giai đoạn 1 (từ năm 2011 đến năm 2015):

+ Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động tài chính vi mô.

+ Tham mưu cho Chính phủ về giải pháp quản lý đối với hoạt động tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.

+ Hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia; hình thành cơ sở đào tạo về tài chính vi mô; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về tài chính vi mô và thành lập Hiệp hội tài chính vi mô.

- Giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến năm 2020):

+ Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý cho phép đa dạng hóa loại hình tổ chức hoạt động và mở rộng sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô.

+ Nghiên cứu, ban hành các quy định để tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng với hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.

b) Bộ Tài chính:

- Giai đoạn 1 (từ năm 2011 đến năm 2015):

+ Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách thuế, phí phù hợp nhằm hỗ trợ phát triển hoạt động tài chính vi mô.

+ Ban hành cơ chế tài chính, chế độ hạch toán, kế toán phù hợp đối với hoạt động tài chính vi mô.

+ Nghiên cứu, ban hành quy định phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm vi mô.

- Giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến năm 2020):

+ Đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế về tín dụng ưu đãi đảm bảo phục vụ đúng đối tượng người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

+ Tham mưu cho Chính phủ về việc tập trung nguồn vốn dành cho tài chính vi mô.

+ Đề xuất chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tham gia sử dụng các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện hoạt động tài chính vi mô.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển tài chính vi mô trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ.

- Hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

d) Bộ Nội vụ:

Hỗ trợ các tổ chức có hoạt động tài chính vi mô do Bộ Nội vụ quản lý, đảm bảo hoạt động bền vững, hướng tới chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép.

đ) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Có chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội.

- Đề xuất ban hành các chính sách phù hợp đối với cán bộ làm việc trong các tổ chức tài chính vi mô.

e) Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM):

Hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô trong việc tiếp cận các nguồn viện trợ, tài trợ nước ngoài.

g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

- Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tài chính vi mô.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô tại địa phương hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý, đảm bảo các hoạt động tài chính vi mô an toàn, bền vững, hướng tới chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép.

h) Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam:

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng các chương trình tuyên truyền về tài chính vi mô.

i) Các tổ chức chính trị - xã hội:

- Chỉ đạo, hỗ trợ để các hoạt động tài chính vi mô thuộc trách nhiệm quản lý phát triển an toàn, bền vững, hướng tới chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép.

- Tuyên truyền về hoạt động tài chính vi mô đến từng hội viên.

- Tổ chức đào tạo, xây dựng các chương trình nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ.

- Nâng cao năng lực cho các chương trình, dự án tài chính vi mô do tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp quản lý.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý.

k) Các Bộ, ngành, tổ chức liên quan:

- Cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động tài chính vi mô thuộc thẩm quyền quản lý cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và định kỳ trước ngày 31 tháng 01 hàng năm gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo về tình hình thực hiện của năm trước để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2195/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2195/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/12/2011
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/12/2011
  • Số công báo: Từ số 645 đến số 646
  • Ngày hiệu lực: 06/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản