Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 427/BC-UBND

Bến Tre, ngày 12 tháng 12 năm 2016

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HĐND TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016 VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NĂM 2017

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HĐND TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, nhưng kinh tế-xã hội tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn, thách thức khá lớn. Đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, mà đỉnh điểm là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra sớm, lấn sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và sự lãnh đạo tập trung của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và sự điều hành năng động, nhạy bén, quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, đã giúp kinh tế - xã hội tỉnh nhà từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững, cụ thể như sau:

A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU NHƯ SAU

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 5,3% (Nghị quyết 6,5%), đạt 81,54% kế hoạch.

- Cơ cấu kinh tế: Khu vực I: 37,5%; khu vực II: 19,1%; khu vực III: 39,9% (Nghị quyết: KV I: 38,6%; KV II: 16,9%; KV III: 40,7%).

- Tổng kim ngạch xuất khẩu 726,3 triệu USD (Nghị quyết: 790 triệu), tăng 11,4% so cùng kỳ, đạt 91,94% kế hoạch.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 13.756 tỷ đồng (Nghị quyết: 14.875 tỷ đồng), tăng 1,9% so năm trước; đạt 92,48% kế hoạch.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 1.915,2 tỷ đồng (Nghị quyết: 1.940 tỷ đồng), tăng 9,2% so năm trước, đạt 98,71% kế hoạch.

- Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 5.191,6 tỷ đồng (Nghị quyết: 4.885 tỷ đồng), giảm 2% so với năm trước; đạt 106,28% kế hoạch.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 52,1% (Nghị quyết: 52%); tạo việc làm cho 20.262 lao động (Nghị quyết: 18.000 người), đạt 112,57% kế hoạch; xuất khẩu lao động 607 người (Nghị quyết: 500 người), đạt 121,4% kế hoạch.

- Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10,61%, giảm 1,5% (Nghị quyết: 1,5%/năm), đạt 100% kế hoạch.

- Duy trì tỷ suất sinh dưới 12‰ (Nghị quyết: duy trì 12‰), đạt 100% kế hoạch.

- Đạt 26,55 giường bệnh/vạn dân, đạt 103,3% kế hoạch; 7,56 bác sĩ/vạn dân, đạt 100% kế hoạch.

- Người dân tham gia BHYT đạt 78,5% (Nghị quyết: 78%), đạt 100,64% kế hoạch.

- Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống còn 11% (Nghị quyết: 11%), đạt 100% kế hoạch.

- Công nhận 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nghị quyết: 9 xã), đạt 66,67% kế hoạch; trong đó có 01 xã chuyển từ năm 2015 sang (xã Lương Quới).

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,77% (Nghị quyết: 99,75%), đạt 100,02% kế hoạch.

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90% (Nghị quyết: 88%) đạt 102,27% kế hoạch; trong đó hộ được sử dụng nước sạch đạt 45% (Nghị quyết: 44%), đạt 102,27% kế hoạch.

- Số vụ tai nạn giao thông đường bộ giảm 7,78% so với năm 2015, số người bị thương giảm 26,04%; nhưng số người chết tăng 3,27% (Nghị quyết: giảm từ 5-10% với cả 3 tiêu chí).

- Điều tra khám phá án hình sự ước đạt 81,2% (Nghị quyết: 75%), đạt 108,25% kế hoạch.

B. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC CHỦ YẾU

I. Lĩnh vực kinh tế

1. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp

Giá trị tăng thêm khu vực nông lâm thủy sản ước đạt 0,9% (Nghị quyết: 4,3%); trong đó nông nghiệp tăng trưởng 0,7%, chăn nuôi tăng khá mạnh với 12%. Nguyên nhân không đạt kế hoạch là do ảnh hưởng của hạn, mặn những tháng đầu năm.

Đến nay hoạt động sản xuất nông nghiệp đang dần hồi phục, ổn định, nhất là lĩnh vực chăn nuôi (heo, bò), sản xuất cây giống phục hồi nhanh, có khoảng 60-70% diện tích vườn cây ăn trái phục hồi khá tốt. Kinh phí hỗ trợ thiệt hại do hạn mặn cho cây lúa (22.003 ha) được thực hiện kịp thời, với tổng số tiền là 40,271 tỷ đồng.

- Cây lúa: Diện tích gieo trồng ước đạt 58.246 ha, giảm 7,5% so cùng kỳ, đã thu hoạch gần 75% diện tích cấy sạ; sản lượng giảm 41,1% so cùng kỳ. Do ảnh hưởng hạn mặn đã làm thiệt hại 20.356 ha lúa vụ Thu Đông, vụ Mùa và vụ Đông Xuân; các mô hình cánh đồng mẫu tiếp tục được duy trì, nhân rộng, với diện tích 1.122 ha năng suất đạt 55 tạ/ha; vùng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Nhơn huyện Thạnh Phú với diện tích 100 ha được sử dụng các giống lúa cao sản, gạo ngon được thị trường ưa chuộng.

- Cây mía: Diện tích tiếp tục giảm 39,5% so cùng kỳ với 823 ha, chủ yếu do chuyển đổi sang trồng dừa và cây ăn trái; hiện toàn tỉnh chỉ còn 1.262 ha mía, sản lượng ước đạt 99.874 tấn, giảm 37,1% so cùng kỳ. Giá mía nguyên liệu hiện đang tăng khá nên người trồng mía có lãi.

- Cây dừa: Diện tích và sản lượng tiếp tục tăng so cùng kỳ, ước đạt 69.330 ha tăng 785 ha, sản lượng ước đạt 587,9 triệu trái, tăng 2,6% so cùng kỳ, diện tích dừa tăng chủ yếu ở các huyện ven biển. Giá dừa khô trái tương đối ổn định và ở mức khá; dịch bọ cánh cứng có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng 3.903 ha dừa bị nhiễm, tăng 4,8% so cùng kỳ. Các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong chuỗi giá trị cây dừa được các ngành chức năng phối hợp thực hiện khá tốt.

- Hoa kiểng, cây giống: Sản lượng hoa kiểng ước đạt 09 triệu sản phẩm các loại, giá cả tương đối tốt, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2016, nên người sản xuất hoa kiểng đạt lợi nhuận khá. Diện tích hoa kiểng bị ảnh hưởng do hạn mặn được phục hồi.

- Cây ăn trái: Diện tích cây ăn trái ước đạt 27.742 ha, tăng nhẹ so cùng kỳ, tập trung ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm. Một số diện tích sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,... bị thiệt hại nặng do hạn mặn, không có khả năng phục hồi được nên người dân trồng mới hoặc chuyển sang cây trồng khác. Công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh được các ngành, địa phương thực hiện nên sản lượng trái cây ước đạt 302.443 tấn.

- Chăn nuôi tiếp tục phát triển, tổng đàn heo, bò, gia cầm đều tăng so cùng kỳ; trong đó, đàn bò ước đạt 197.205 con, tăng 11,7% so cùng kỳ, chất lượng giống qua chọn lọc, cải tạo đã được nâng lên; đàn heo tăng khá, đạt trên 658.927 con, tăng 31,2% so cùng kỳ; giá heo hơi ổn định, đã khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển gia trại, trang trại, gắn với xử lý môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm1. Bên cạnh đó, đàn gia cầm cũng được quan tâm đầu tư phát triển, ước đạt 6,552 triệu con, tăng 14,5%.

- Nuôi thủy sản những tháng đầu năm gặp nhiu khó khăn do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tổng diện tích ước đạt 46.800 ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 0,5% so cùng kỳ; sản lượng 248.623 tấn, đạt 95,6% kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ước 11.328 ha, giảm 11,5% so cùng kỳ, tình hình dịch bệnh đã gây thiệt hại khoảng 538,6 ha, chiếm 7,8% diện tích thả nuôi. Cá tra nuôi chết nhiều trong những tháng đầu năm, do độ mặn tăng cao kết hợp với giá bán thấp (dao động từ 18.500-19.500 đồng/kg) đã gây khó khăn cho người nuôi; hiện nay các cơ sở, hộ nuôi đang tiếp tục thả giống; do sản lượng giảm, làm cho nguồn nguyên liệu khan hiếm, nên từ đầu tháng 10 đến nay giá cả đã tăng trở lại; nuôi nhuyễn thể tương đối ổn định, nhất là nuôi sò2.

- Hoạt động khai thác thủy sản phát triển tốt, sản lượng ước đạt 204.244 tấn, đạt 118,1% so kế hoạch và tăng 1,2% so cùng kỳ; đội tàu khai thác xa bờ được đầu tư cải hoán, nâng công suất, đáp ứng yêu cầu bám biển dài ngày, với 1.913 tàu, công suất bình quân 529 CV/tàu; trong năm, đã vận động thành lập mới 07 tổ hợp tác (25 hộ/90 tàu), nâng tổng số lên 160 tổ với 1.642 tàu3. Tình hình khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài còn diễn ra với 15 tàu cá. Các cảng cá ổn định, lượng tàu cập cảng tăng 4,8%.

- Lâm nghiệp: Công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện khá tốt, không để xảy ra cháy rừng. Trong năm đã tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng; rà soát diện tích đất để xây dựng thiết kế trồng rừng năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; thực hiện trồng mới được 50 ha rừng phòng hộ, đạt 50% kế hoạch, trồng một triệu cây cây phân tán để tạo bóng mát và cảnh quan môi trường. Đồng thời, tổ chức 193 lượt kiểm tra rừng, qua đó phát hiện và xử lý 50 vụ vi phạm.

- Diêm nghiệp: Diện tích muối đạt 1.622 ha, thời tiết thuận lợi nên sản lượng khá cao, đạt 111.318 tấn, tăng 10.964 tấn so cùng kỳ; tuy nhiên đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn do giá muối giảm thấp, tiêu thụ chậm, bình quân chỉ từ 250-350 đồng/kg; đến nay lượng muối tồn kho trong dân khoảng 49.550 tấn. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ muối, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc đã triển khai thu mua 02 đợt với 3.128 tấn, chủ yếu của những hộ nghèo :Với giá 600 đồng/kg; hiện đang thu mua đợt 3.

* Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở 2 huyện Ba Tri và Thạnh Phú4; xây dựng dự án cải tạo vườn tạp để thực hiện trong các năm tiếp theo5; thành lập được 127 tổ liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ dừa; 20 hợp đồng tiêu thụ bưởi da xanh với doanh nghiệp; tổ chức liên kết với các tổ rau được chứng nhận sản xuất an toàn để tiêu thụ (hiện nay toàn tỉnh có 06 tổ sản xuất rau an toàn, diện tích hơn 50 ha) thành lập cơ sở sơ chế đóng gói rau an toàn tại xã Sơn Đông; 20 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất cây ăn trái đặc sản chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, nhãn được chứng nhận GAP; 18 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP tại huyện Mỏ Cày Nam và kết nối với Công ty VISSAN6. Các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả khá tốt và đang được nhân rộng ở các địa phương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi ở các địa phương. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, tập trung trên một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò, tôm biển...

* Chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được tập trung triển khai thực hiện tốt. Có 17 chủ đầu tư đã được vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP để nâng cấp và đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; quyết định hỗ trợ cho 3 dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP, với tổng vốn hỗ trợ 21,5 tỷ đồng, lũy kế từ khi triển khai đến nay đã cấp quyết định hỗ trợ 6 dự án, với tổng vốn hỗ trợ 32,65 tỷ đồng; đồng thời triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh7 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, hỗ trợ hợp tác liên kết sản xuất, hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ.

2. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 10,8% (Nghị quyết 10,04%), vượt chỉ tiêu kế hoạch; trong đó ngành công nghiệp tăng 10%, ngành xây dựng tăng 14,0%.

- Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng hạn mặn, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ khắc phục kịp thời. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,4% so cùng kỳ. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu đều giữ được tốc độ tăng trưởng khá như: thức ăn gia súc, may mặc, sữa dừa,...; bên cạnh đó có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như chỉ xơ dừa, thức ăn thủy sản,...

- Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy Khu Công nghiệp (KCN) Giao Long I, II lần lượt là 95,5% và 94,1%, KCN An Hiệp là 100% diện tích; đang trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư KCN Phú Thuận. Trong năm, đã cấp mới 03 dự án đầu tư vào các KCN, lũy kế đến nay có 45 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng nguồn vốn khoảng 16.266 tỷ đồng8; thu hút được 02 dự án công nghiệp phụ trợ ngành may mặc, với vốn đầu tư 1,7 triệu USD.

Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh có 07 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập, tổng diện tích 220,27 ha, có 03 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 79,27 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 58,356 ha, đã cho thuê 30,5 ha, tỷ lệ lấp đầy 52,26% diện tích. Cụ thể: CCN Phong Nam có 8 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.011 tỷ đồng; CCN Thị trấn - An Đức có 6 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 123,43 tỷ đồng; CCN Bình Thới đã lập quy hoạch chi tiết 1/500, đang kêu gọi đầu tư hạ tầng; CCN Phú Hưng đã được điều chỉnh tại vị trí mới; CCN Thành Thới B (thay thế CCN An Thạnh), CCN An Hòa Tây đang xin vốn khuyến công quốc gia để hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết; CCN Cảng An Nhơn đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư.

3. Thương mại - dịch vụ

Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ ước đạt 7,10% (NQ 7,09%), các hoạt động thương mại (bán buôn, bán lẻ), lưu trú - ăn uống, vận tải - kho bãi, thông tin - truyền thông,... tăng trưởng khá.

- Hoạt động thương mại nội địa tăng trưởng khá, hàng hóa phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, đã triển khai 06 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; công tác quản lý thị trường được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá cả và thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 31.577 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Hạ tầng thương mại nông thôn được quan tâm đầu tư, có 11 chợ được xây dựng mới và nâng cấp, tổng vốn đầu tư là 97,79 tỷ đồng (xây dựng mới 07 chợ); chấp thuận chủ trương đầu tư xây mới 03 chợ với tổng vốn 178,5 tỷ đồng.

- Hoạt động xuất nhập khẩu tương đối ổn định, ước tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 726,3 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 91,94% kế hoạch; một số sản phẩm xuất khẩu giảm (chỉ xơ dừa, kẹo dừa, gạo, bộ dây điện,...) đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Kim ngạch nhập khẩu được kiểm soát tốt, ước đạt 299 triệu USD.

- Hoạt động du lịch phát triển khá, các tuyến, điểm du lịch được đầu tư nâng chất và đa dạng hóa loại hình phục vụ; các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tiếp tục được thực hiện9; hoạt động quảng bá du lịch được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức,... góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách đến Bến Tre. Ước tổng lượng khách du lịch năm 2016 đạt 1,15 triệu lượt, đạt 100% kế hoạch, tăng 15% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 0,5 triệu lượt, tăng 14% so cùng kỳ; ước tổng doanh thu từ du lịch đạt 860 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 22,9% so cùng kỳ.

- Hoạt động vận tải ổn định, chất lượng phục vụ từng bước được nâng lên đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, không xảy ra hiện tượng ùn tắc hoặc thiếu phương tiện trong các ngày lễ, tết và các sự kiện lớn; trong năm 2016 đã mở mới 4 tuyến liên tỉnh và một số chuyến được tăng số chuyến phục vụ; công tác phục vụ của các bến xe, bến phà đảm bảo an toàn. Ước khối lượng vận tải hàng hóa đạt 7,095 triệu tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ; vận tải hành khách đạt 38,183 triệu lượt HK, tăng 4% so cùng kỳ.

- Hoạt động bưu chính, vin thông đáp ứng tốt nhu cầu của người dân10. Công tác kiểm tra, thanh tra được tăng cường, tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet, đăng ký thông tin thuê bao điện thoại trả trước, tần số vô tuyến điện,... Ước doanh thu bưu chính, viễn thông đạt 1.341,4 tỷ đồng, đạt 111,78% kế hoạch và tăng 3,05% so cùng kỳ.

- Hoạt động ngân hàng tăng trưởng khá, đảm bảo nhu cầu vốn vay cho phát triển sản xuất, tổng số dư huy động tiền gửi đạt 24.200 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ; tổng số tiền cho vay đạt 33.800 tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ; dư nợ tín dụng đạt 22.400 tỷ đồng, tăng 18% so đầu năm. Chất lượng tín dụng nâng lên, nợ xấu được kiểm soát, chiếm 1,3% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đã tích cực tham gia Chương trình Đồng Khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp11; hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn12. Các chương trình tín dụng ưu đãi, chính sách được thực hiện có hiệu quả13, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội. Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới tổng số tiền 19.700 tỷ đồng, dư nợ 16.100 tỷ đồng, chiếm 72% tổng dư nợ; ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phát huy tốt vai trò phục vụ chính sách an sinh xã hội14; các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.

4. Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM)

Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trên địa bàn các xã điểm năm 201615, gắn với phát động phong trào thi đua "Đồng Khởi mới" theo tinh thần Chỉ thị 16-CT/TU ngày 07/01/2015 của Tỉnh ủy. Tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM đến cuối năm 2016 ước đạt 2.007,9 tỷ đồng16; từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã hỗ trợ các xã trong việc sắp xếp lại sản xuất và xây dựng mô hình phát triển sản xuất, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí. Tuy nhiên, dự kiến đến cuối năm có thể chỉ công nhận được 6 xã đạt chuẩn NTM, đạt 66,67% chỉ tiêu, nâng tổng số toàn tỉnh có 14 xã NTM; đối với các xã còn lại: có 06 xã đạt 15-18 tiêu chí, 58 xã đạt 10-14 tiêu chí, 64 xã đạt 5-9 tiêu chí (không có xã đạt dưới 5 tiêu chí).

5. Thu - chi ngân sách

Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn 1.915,2 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán Trung ương giao nhưng chỉ đạt 98,7% dự toán địa phương phấn đấu, tăng 9,2% so cùng kỳ; có 12/14 nội dung thu đạt và vượt so dự toán, 2/14 nội dung chưa đạt17. Ước tổng chi ngân sách 5.191,6 tỷ đồng, tăng 9,4% dự toán Trung ương giao, tăng 6,3% dự toán địa phương phấn đấu và giảm 2% so cùng kỳ.

6. Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đạt khá, ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 đạt 13.756 tỷ đồng, tăng 1,9% so cùng kỳ, đạt 92,48% kế hoạch. Tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ NSNN đạt kế hoạch đề ra. Dự kiến đến 31/12/2016 có: 185 dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng (tăng 19 dự án so năm 2015) góp phần gia tăng năng lực sản xuất, tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư công được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả các nguồn vốn Nhà nước.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng:

- Hệ thng giao thông được tập trung đầu tư, đã đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm như: cầu Tân Huề, cầu An Quy trên QL57; nâng cấp thượng tầng cầu An Hóa trên ĐT883; đồng thời phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khởi động dự án nâng cấp, mở rộng 4 đoạn tuyến QL60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên. Khởi động dự án xây dựng cầu 17/1, cầu Ông Bồng; khởi công các cầu Nguyễn Tấn Ngãi, cầu Đỏ, cầu Ba Lạt, cầu Lương Ngang,... trên ĐT 88718. Phê duyệt chủ trương nghiên cứu, đề xuất lập dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Đại lộ Đông - Tây và trục cảnh quan rạch Cái Cá. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng giao thông nông thôn gắn với xây dựng NTM tiếp tục được thực hiện tốt, đã huy động các nguồn lực xây dựng mới 370 km đường với tổng kinh phí 202,6 tỷ đồng,... qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa.

- Hệ thng thủy lợi được quan tâm đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Cổ Chiên, 9,7 km đê và các cống dưới đê trong hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, cống Giồng Keo, Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung huyện Ba Tri. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình đê biển Bình Đại, Thạnh Phú,... qua đó góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt và thích ứng với BĐKH, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp - thủy sản, cũng như dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất.

- Hệ thống cung cấp điện tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Sản lượng điện thương phẩm cả năm ước đạt 1.197 triệu kWh, tăng 11% so cùng kỳ trong đó: điện phục vụ Công nghiệp - Xây dựng tăng 6,68% so cùng kỳ, chiếm 33,52% điện thương phẩm; tiết kiệm điện ước đạt 26 triệu kWh; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,77%. Trong hăm 2016 một số dự án điện gió đang thực hiện chuẩn bị đầu tư như: Dự án Nhà máy điện gió Gia Lai, Nhà máy điện gió Hưng Nguyên Phúc, Nhà máy điện gió Hàn Quốc - Bến Tre,... Triển khai xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.

- Hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Tiến hành nâng cấp mở rộng nhà máy nước Thạnh Phú (giai đoạn 3), nhà máy nước Lương Phú, nhà máy nước Hòa Lợi lắp đặt đường ống và cung cấp nước thêm cho khoảng 6.000 hộ, góp phần nâng tỷ lệ hộ nông thôn;thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 90% trong đó sử dụng nước sạch 45%. Hoàn thiện các thủ tục đầu tư Dự án cấp nước cho dân cư khu vực Cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (SPRCC) từ Chương trình MTQG ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Phát triển đô thị được chú trọng, đã phê duyệt 12 đồ án quy hoạch xây dựng đô thị19; phê duyệt các chủ trương lập quy hoạch chi tiết, phân khu xây dựng đô thị các thị trấn, thành phố Bến Tre; phê duyệt các chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị nhằm tạo điều kiện thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.

7. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, xúc tiến đầu tư

- Công tác sắp xếp DNNN: Đã hoàn thành chuyển đổi Đoạn Quản lý Giao thông thủy bộ sang Công ty cổ phần. Nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả, tập trung sản xuất kinh doanh lĩnh vực, ngành nghề chính; đa số các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đã ổn định tổ chức, hoạt động hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường.

- Kinh tế tập thể tiếp tục được quan tâm củng cố. Đến nay đã thành lập mới 04 hợp tác xã (HTX), chuyển đổi 38 HTX20, thực hiện giải thể 07 HTX, đang vận động thành lập mới 03 mô hình HTX kiểu mới theo Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ước đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 46 HTX, trong đó có 6 HTX gắn với hoạt động hỗ trợ đầu vào - đầu ra của doanh nghiệp; tổng doanh thu bình quân của HTX năm 2016 ước đạt 2.100 triệu đồng, lợi nhuận trung bình 750 triệu đồng; thu nhập của lao động thường xuyên dao động từ 2,8 đến 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 1.380 tổ, nhóm, câu lạc bộ hợp tác đang hoạt động trên các lĩnh vực; trong đó, 661 tổ hợp tác (THT) hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Nhìn chung, các HTX, THT từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động; tuy số lượng HTX giảm, nhưng chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên; một số THT thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp làm dịch vụ phục vụ kinh tế hộ.

- Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển, trong năm đã thành lập 23 trang trại, lũy kế đến nay có 207 trang trại, trong đó 206 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 01 trang trại nuôi thủy sản. Ngoài ra, đến nay toàn tỉnh có 57 làng nghề, trong đó có 39 làng nghề nông nghiệp và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đa số các làng nghề phát triển tốt góp phần giải quyết thu nhập và việc làm lao động nông thôn.

- Phát triển doanh nghiệp: Xác định doanh nghiệp là động lực cho phát triển kinh tế, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các hoạt động Chương trình Đồng khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp (Chương trình). Sau lễ phát động đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu, đã tiếp nhận và xem xét hỗ trợ 10 dự án khởi nghiệp (7 dự án khởi nghiệp trong thanh niên); hỗ trợ phát triển mới 23 doanh nghiệp khởi nghiệp (20 hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp). Song song đó công tác cải thủ tục hành chính cũng được thực hiện khá tốt, thời gian cấp phép được rút ngắn, hoạt động bộ phận một cửa được chấn chỉnh, công tác hỗ trợ danh nghiệp được quan tâm hơn... qua đó góp phần gia tăng số doanh nghiệp đăng ký mới. Ước cả năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký mới đạt 340 DN, tăng gần 19% so cùng kỳ, lũy kế đến cuối năm toàn tỉnh có 3.150 doanh nghiệp. Nhìn chung hoạt động của doanh nghiệp năm nay có dấu hiệu khởi sắc; sản xuất, kinh doanh ổn định, nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, vi phạm Luật doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; qua công tác hậu kiểm, rà soát sau giấy phép được tăng cường thực hiện, qua đó đã phát hiện và thu hồi 92 Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do vi phạm Luật Doanh nghiệp, tăng 148%; có 45/67 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể theo quy định, giảm 32,8% so cùng kỳ.

- Công tác hỗ trợ doanh nghiệp luôn được quan tâm, đã hướng dẫn thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh cho 386 lượt nhà đầu tư/doanh nghiệp21; tập huấn cho 30 chủ doanh nghiệp về kiến thức nâng cao năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai 05 Đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 1,82 tỷ đồng, 08 Dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với kinh phí 828 triệu đồng, xây dựng 08 Đề án đăng ký vốn hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia; giới thiệu và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Nam, qua đó có 6 sản phẩm được bình chọn.

- Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được duy trì, trong năm đã tham gia 13 sự kiện (hội nghị, hội thảo, diễn đàn), trong và ngoài nước; lồng ghép hoạt động xúc tiến đầu tư tại các chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC Hậu Giang năm 2016) với hơn 20 doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và khoảng 80 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, qua đó thu hút và tiếp nhận được hồ sơ của 32 dự án xin chủ trương đầu tư mới.

- Thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh. Đối với đầu tư nước ngoài đã cấp mới 05 Giấy Chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký 17,38 triệu USD; điều chỉnh 08 dự án (trong đó 02 dự án điều chỉnh tăng vốn với 22,8 triệu USD), dự kiến đến cuối năm sẽ cấp mới thêm 01 GCNĐT với tổng vốn đăng ký 181 triệu USD22; ước tổng vốn FDI thu hút năm 2016 đạt 221,18 triệu USD tăng 32,6% so cùng kỳ. Đối với đầu tư trong nước, đã cấp mới 17 GCNĐT với vốn đăng ký 1.933,5 tỷ đồng; cấp điều chỉnh 11 dự án (06 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn 282,7 tỷ đồng và 01 dự án điều chỉnh giảm vốn 5 tỷ đồng); dự kiến đến cuối năm cấp mới thêm 01 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 68 tỷ đồng23; ước tổng vốn thu hút đầu tư trong nước cả năm khoảng 2.279,2 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thu hồi 01 chủ trương đầu tư và 02 GCNĐT theo quy định24. Đến nay (12/10/2016), toàn tỉnh có 52 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 621,5 triệu USD; 136 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 13.310 tỷ đồng.

8. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH

- Công tác quản lý sử dụng đất đai luôn được chú trọng. Đã triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020. Trong năm, đã cấp 229 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDĐ) cho các tổ chức với diện tích 1.887,5 ha, nâng tổng số lên 6.434 giấy với diện tích 10.158,6 ha, đạt 82,66%; cấp 2.503 giấy CNQSDĐ cho cá nhân với diện tích 429 ha, nâng tổng số lên 598.995 giấy với diện tích 175.321,3 ha đạt đạt 98,67%. Đất công, đất bãi bồi trên địa bàn tỉnh hiện có 4.236 thửa với diện tích 7.723,54ha, đã xác lập pháp lý được 3.854 thửa với diện tích 7.570,45ha, đạt 98,02% diện tích.

- Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục được quan tâm. Đã hoàn thành dự án lập bản đồ phân bổ tài nguyên nước dưới đất; phương án tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Đã phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khai thác cát của HTX khai thác cát Ba Tri; cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ cát trên sông Hàm Luông thuộc xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm). Trong năm đã kiểm soát trên 20 cơ sở có nguồn thải vào lưu vực sông; tiêu hủy chất thải cho 5 doanh nghiệp; kiểm tra ô nhiễm môi trường do rác thải và khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Bình Đại. Đồng thời đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đóng cửa bãi rác Phú Hưng.

- Các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được tăng cường. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH được duy trì thường xuyên, nhất là xâm nhập mặn để người dân ứng phó kịp thời; triển khai kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2017; tiến hành cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Bến Tre để chủ động trong triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, đã hoàn thành dự án Xây dựng mốc cao độ địa hình ba huyện ven biển tỉnh Bến Tre; đưa vào sử dụng một số công trình ứng phó với BĐKH và chuẩn bị triển khai một số công trình nhằm tăng cường khả năng thích ứng(25).

II. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

1. Giáo dục đào tạo

Công tác triển khai, quán triệt và tuyên truyền các nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm; và tập trung thực hiện; mạng lưới trường, lớp học được tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Năm học 2015-2016 chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học tương đối ổn định; học sinh khá, giỏi ở bậc THCS tăng 1%, THPT giảm 8,5%; yếu kém giảm; tỉ lệ bỏ học duy trì ở mức thấp26; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 92,74%27, trong đó có 02 trường tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh đã huy động được 44.871 cháu đến trường mầm non, tăng 7,9% so năm học trước; 200.053 học sinh phổ thông ở các cấp học28, tăng 0,2% so năm học trước. Công tác phổ cập giáo dục có nhiều chuyển biến tốt29. Công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm được quan tâm, đã phát hiện 11 trường hợp vi phạm và đã kiểm điểm, xử lý30.

Đã quyết định thành lập 09 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; đưa Trung tâm Đào tạo Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tại Bến Tre đi vào hoạt động31 (tổ chức tuyển sinh năm học 2016-2017, nhưng do số lượng trúng tuyển quá ít 11 sinh viên/05 ngành học nên đã chuyển về Đại học Quốc gia để đào tạo); hiện nay, đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập phân hiệu Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả khá, dự kiến cuối năm 2016 toàn tỉnh có 173 trường đạt chuẩn quốc gia32, tăng 12 trường so với năm trước. Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 đang tiếp tục triển khai33. Các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường; lớp, trao hàng nghìn suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách; giáo khoa cho các em thuộc gia đình chính sách, giúp đỡ học phẩm, học cụ... ước giá trị trên 38,3 tỷ đồng.

2. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

Công tác phòng chống và giám sát dịch bệnh được tăng cường thực hiện, tập trung triển khai các đợt chiến dịch diệt lăng quăng, truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết và Zika, tiến hành dập dịch trên diện rộng; tổ chức tập huấn, truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong tình hình thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn cho ban ngành xã, y tế ấp, tình nguyện viên tại 9 huyện/thành phố; với nỗ lực đó đã góp phần kéo giảm các bệnh truyền nhiễm so với cùng kỳ, riêng bệnh sốt xuất huyết và sốt phát ban tăng cao34. Công tác khám, chữa bệnh được duy trì thực hiện tốt, giải quyết kịp thời các trường hợp bệnh nhân vào viện; công suất sử dụng giường bệnh đạt 92,53%, giảm 0,87% so cùng kỳ. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực35. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện36, toàn tỉnh hiện có 990.263 người tham gia BHYT, chiếm 78,5% dân số, đạt 100,64% kế hoạch (NQ 78%).

Công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, giá thuốc và chất lượng thuốc, vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt 26/407 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân vi phạm với số tiền là 240,5 triệu đồng, 3.101/15.288 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm đã xảy ra 04 trường hợp ngộ độc thực phẩm với 37 người mắc, 01 tử vong37.

Tiến độ đầu tư các công trình y tế được tập trung, đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình: Cải tạo, nâng cấp khu khám, hồi sức cấp cứu, Lò đốt rác y tế và Mua sắm trang thiết bị Khoa Nội A - thuộc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu; Hệ thống xử lý chất thải Trung tâm y tế thành phố Bến Tre; Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS (gói thầu xây lắp); 10 trạm y tế; đồng thời đang thi công 21 trạm y tế theo kế hoạch năm 2016,... Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 500 giường, hiện nay Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan đang hoàn tất thủ tục vay vốn ODA với Chính phủ Hàn Quốc để triển khai thực hiện.

Công tác xã hội hóa về y tế: Đang duy trì việc chuyển giao dịch vụ ngoài chuyên môn kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân ngoài công lập đảm nhận; thực hiện hình thức vay vốn ngân hàng, liên doanh liên kết lắp đặt thiết bị y tế tại một số bệnh viện tỉnh, huyện; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động BVĐK Minh Đức; tiếp và làm việc với đoàn Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản về việc phải hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật.

3. Văn hóa, thể thao

Các hoạt động văn hóa, thông tin và truyền thông được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo không khí sôi nổi nhất là các hoạt động mừng xuân Bính Thân, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, thi đua "Đồng Khởi mới"; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện chính trị ở địa phương, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục phát triển, gắn với xây dựng xã văn hóa NTM và xã NTM; công nhận 878 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo quy định mới38. Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu và Di tích Nhà truyền thống Đồng Khởi; lập hồ sơ thỏa thuận Cục Di sản văn hóa xếp hạng 02 di tích cấp quốc gia: Đình Long Phụng (Bình Đại) va Trường tư thục Bình Hòa (Giồng Trôm); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016 đưa Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, qua 02 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với lĩnh vực văn hóa; môi trường văn hóa được quan tâm đồng bộ từ gia đình đến nhà trường, xã hội; kết hợp hài hòa giữa xây dựng, đề cao gương người tốt và phê phán chống các biểu hiện tiêu cực; các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn đầu tư, tôn tạo và ngày càng phát huy giá trị; hoạt động văn hóa truyền thống được duy trì, hình thành một số lễ hội mới được người dân quan tâm tham. Các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật có tiến bộ, góp phần xây dựng con người và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Phong trào luyện tập thể dục thể thao tiếp tục được duy trì và từng bước được nâng lên. Tỉ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 36,3%, tỉ lệ hộ gia đình thể thao đạt 32,5%. Công tác tập huấn và thi đấu của các đội tuyển được quan tâm, chuẩn bị chu đáo; đã cử các đội tuyển, đội trẻ và năng khiếu tham dự các giải thể thao cấp khu vực, toàn quốc với kết quả đạt 186 huy chương (47 HCV, 67 HCB, 72 HCĐ). Ngoài ra, đã phối hợp tổ chức tốt các giải cụm, khu vực; toàn quốc39; tham dự Hội khỏe Phù đổng cấp toàn quốc tại Nghệ An đạt 13 huy chương (03 HCV, 03 HCB, 07 HCĐ), xếp hạng 32/63 tỉnh, thành và đạt 1.167 điểm, xếp hạng 25/63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Công tác kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử được quan tâm thực hiện, đã tiến hành kiểm tra 224 lượt, nhắc nhở 130 trường hợp, phát hiện lập hồ sơ vi phạm hành chính 18 trường hợp40; bên cạnh đó, việc kiểm tra chấn chỉnh hoạt động nhạc sống, nhạc lễ được thực hiện thường xuyên, đã nhắc nhở và xử lý kịp thời các trường hợp hoạt động quá giờ quy định, để âm thanh quá lớn ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, qua đó đến nay hoạt động này ở các địa phương có giảm và chuyển biến tích cực nhưng chưa triệt để.

Bên cạnh đó, trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong năm đã nghiệm thu hoàn thành công trình Sân vận động tỉnh (giai đoạn 2); tiếp tục thi công các công trình: Nhà văn hóa trung tâm tỉnh; Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre (giai đoạn 1); Tượng đài đánh tàu trên sông Giồng Trôm (phần tượng đài); Hậu cứ Đoàn Cải lương (gói thầu xây lắp); chuẩn bị đầu tư công trình Hồ bơi tỉnh, Tượng đài chiến thắng Giá Thẻ.

4. Lao động, việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội

Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tư vấn dạy nghề đạt kết quả khá tốt; thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm mở rộng kết nối cung cầu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, qua đó đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho 30.835 lượt người (18.606 nữ), giải quyết việc làm cho 20.262 lao động (10.318 nữ), đạt 109,52% kế hoạch, giảm 11,9% so cùng kỳ; xuất khẩu lao động 607 người, đạt 121,4% kế hoạch.

Công tác đào tạo nghề được quan tâm, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các nguồn lực đầu tư cho đào tạo, dạy nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư cho phát triển các lĩnh vực dạy nghề ở địa phương. Trong năm, đã triển khai Kế hoạch Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 34.500 người, trong đó đào tạo mới 22.800 người và đào tạo lại/bồi dưỡng 11.700 người; các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 8.550 người41, đạt 85,5% kế hoạch, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,1%, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề 25,9%.

Công tác quản lý lao động trong các doanh nghiệp được thực hiện khá tốt, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách, đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động. Trong năm đã quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 6.461 trường hợp, giúp người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống trong thời gian chờ tìm việc làm mới. Tình trạng lãn công và đình công của công nhân vẫn còn xảy ra nhưng đã được nhanh chóng chấn chỉnh và khắc phục42.

Công tác giảm nghèo được thực hiện với nhiều giải pháp; các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời. Đã triển khai kế hoạch giảm nghèo bền vững, Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện Chương trình Đồng Khởi Khởi nghiệp thoát nghèo; thực hiện mua và cấp miễn phí thẻ BHYT cho 123.782 người thuộc hộ nghèo và 44.024 người thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo với tổng kinh phí 70 tỷ đồng; hỗ trợ 70% mệnh giá BHYT cho 13.671 người thuộc hộ cận nghèo, kinh phí 6 tỷ đồng; hỗ trợ 104.517 thẻ BHYT cho nhân khẩu thuộc xã bãi ngang ven biển; hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 22.869 lượt người với kinh phí 430,34 tỷ đồng. Hoàn thành công tác tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, kết quả đầu năm 2016 toàn tỉnh có 44.915 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,11%, 16.312 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,4%; ước đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10,61%.

Các chính sách, chế độ ưu đãi đối với các đối tượng có công với cách mạng được thực hiện kịp thời và đầy đủ; công tác thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng bảo trợ nhân dịp lễ, tết được thực hiện tốt, với tổng kinh phí 33,54 tỷ đồng; tiếp nhận và giải quyết 6.862 hồ sơ ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó công nhận 283 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; vận động xây dựng và sửa chữa 252 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, kinh phí 13,82 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 48.811 đối tượng bảo trợ xã hội trợ cấp khó khăn đột xuất cho 183 trường hợp với tổng số tiền 367,7 triệu đồng; quản lý và chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung 411 đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, trợ giúp xã hội được duy trì và phát triển, thông qua các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công trong các dịp lễ, tết; vận động xây dựng và sửa chữa 252 căn nhà tình nghĩa với kinh phí 13,82 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời, với mức từ 500.000 đồng/mẹ/tháng trở lên.

5. Khoa học và công nghệ

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ có chuyển biến, đã triển khai và quản lý 52 đề tài, dự án; một số đề tài nghiên cứu được triển khai ứng dụng có hiệu quả cao43. Đã nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển một số sản phẩm theo chuỗi giá trị như cây dừa, bưởi da xanh. Triển khai ứng dụng và nhân rộng 34 mô hình44, đặc biệt là mô hình tưới nhỏ giọt dinh dưỡng trên xoài; và tưới tiết kiệm nước trên cây dưa hấu đã tiết kiệm nguồn nước tưới, phân bón 3 lần, lợi nhuận tăng gấp 1,05-2,2 lần/01 ha so với trước; hỗ trợ phân tích miễn phí 158 mẫu nước với 835 chỉ tiêu kịp thời phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Xây dựng, ứng dụng mô hình thí điểm về phòng chống bạo lực học đường tại trường trung học phổ thông; đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở kinh doanh ăn uống.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được triển khai tốt45. Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa được tập trung thực hiện46. Khu ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn đã triển khai các hoạt động như chăm sóc vườn cây đầu dòng, trồng và chăm sóc các loại hoa (đang tiến hành khảo sát lập dự án giai đoạn 2); tăng cường năng lực hoạt động của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (giai đoạn 2).

6. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và bình đẳng giới

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và quyền của trẻ em được quan tâm, từng bước xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh thân thiện với trẻ em; toàn tỉnh hiện có 82% đơn vị đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp BHYT; trong năm, đã tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em, diễn đàn trẻ em, lắng nghe trẻ em nói năm 2016; thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động trợ giúp 11.060 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí trên 5 tỷ đồng; tổ chức vui Tết Trung thu với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tặng quà cho trên 200.210 lượt trẻ em, nhất là các xã ven biển, xã vùng khó khăn với kinh phí 7,266 tỷ đồng (Ngân sách 230 triệu đồng; xã hội hóa 7,036 tỷ đồng). Công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, chúc thọ, mừng thọ được quan tâm thực hiện tốt; đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác người cao tuổi giai đoạn 2011-2015 và phát động tháng hành động vì người cao tuổi khó khăn không nơi nương tựa.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện toàn diện hơn, đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tập huấn thực hiện mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới các xã điểm; triển khai thực hiện "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới".

7. Công tác quản lý nhà nước về thanh niên

Công tác thanh niên được tập trung chỉ đạo thực hiện khá tốt, đã tổ chức họp mặt Đề án 500; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP và Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015; xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 16/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bến Tre đến năm 2020. Đồng thời, tổng kết 5 năm triển khai thực hiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên.

III. Quốc phòng - an ninh, nội chính, đối ngoại

1. Quốc phòng - an ninh

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn: được giữ vững, chế độ trực và sẵn sàng chiến đấu được duy trì; lực lượng Công an, Quân sự và Biên phòng luôn chủ động phối hợp chặt chẽ trong xử lý các tình huống. Đã xây dựng hoàn chỉnh Đề án bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-CP của Chính phủ về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Kế hoạch Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng và 20 năm thực hiện Pháp lệnh Dự bị động viên. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2016 với 1.400 công dân (có 496 công dân tình nguyện) đạt 100% chỉ tiêu; tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoàn thành tốt đợt diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện Bình Đại và thành phố Bến Tre năm 2016; diễn tập PCLB huyện Thạnh Phú; tổ chức bắn đạt thật cho 6.166 dân quân tự vệ kết quả đạt khá; đồng thời triển khai quy trình công tác tuyển quân năm 2017.

Lực lượng công an các cấp tăng cường nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn mục tiêu, tuyến, lĩnh vực trọng điểm; tổ chức thực hiện có hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tuần tra đảm bảo an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội bảo vệ an toàn: các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2016 và bầu cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tính đến ngày 15/10/2016, đã phát hiện 615/499 vụ phạm pháp hình sự47 tăng 23,35% so cùng kỳ; tệ nạn xã hội và vi phạm hành chính khác phát hiện 701/632 vụ, tăng 10,92%, trong đó tệ nạn xã hội xảy ra 639/557 vụ, tăng 14,72% so cùng kỳ; tai nạn xã hội xảy ra 405/447 vụ, giảm 9,4% so cùng kỳ48. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tình hình phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội đều tăng so với cùng kỳ; một số loại tội phạm diễn biến khá phức tạp như giết người 17/10 vụ (tăng 70%), trộm cắp tài sản 319/238 vụ (tăng 34%), cướp giật tài sản 60/26 vụ (tăng 130,7%), ma túy 54/19 vụ (184,2%),... Riêng tai nạn giao thông đường bộ (từ ngày 16/12/2015 - 15/10/2016: theo mốc thời gian báo cáo của Ban An toàn giao thông) xảy ra 245/262 vụ, giảm 6,48% so cùng kỳ; làm 163/158 người chết tăng 3,16%; bị thương 170/194 người, giảm 12,37%.

2. Cải cách hành chính, chế độ công vụ - công chức

Công tác CCHC được tập trung chỉ đạo thực hiện theo Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 04/3/2016 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh CCHC trong hệ thống chính trị giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch CCHC năm 2016 của UBND tỉnh. Công bố chỉ số CCHC năm 2015 của các cơ quan, đơn vị; báo cáo tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần chỉ số CCHC năm 2015 của tỉnh và quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước; triển khai kế hoạch xác định chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; kiểm tra công tác CCHC năm 2016 đối với các đơn vị cấp tỉnh, huyện và xã.

Các giải pháp về cải cách chế độ công vụ, công chức được quan tâm thực hiện; công tác sắp xếp, củng cố bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp được thực hiện khẩn trương; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ; hoàn thành việc thẩm định Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính; thành lập và kiện toàn lại các các tổ chức liên ngành của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 201749.

3. Phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật

Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, tính đến ngày 30/9/2016, đã thực hiện 5.305 cuộc tuyên truyền về phòng chống tham nhũng với 109.713 lượt người tham dự; tiến hành 22 cuộc thanh trà trách nhiệm về phòng chống tham nhũng, ban hành kết luận 22 cuộc, qua thanh tra cho thấy các đơn vị thực hiện tương đối tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, bên cạnh đó cũng phát hiện 04 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra.

Công tác thanh tra được thực hiện đúng theo kế hoạch, đến ngày 15/9/2016 đã thực hiện thanh tra chuyên ngành 1.329 cuộc, qua đó phát hiện 956 tổ chức, cá nhân vi phạm; ban hành 621 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,886 tỷ đồng và thu hồi 1,601 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành thanh tra cũng đã tiến hành 41 cuộc thanh tra hành chính về lĩnh vực quản lý ngân sách, xây dựng cơ bản và chính sách; đã có kết luận 32 cuộc, phát hiện sai phạm với tổng số tiền 18,318 tỷ đồng, xử lý 25 tập thể và 45 cá nhân.

4. Tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

Công tác tiếp công dân được thực hiện tốt; tính từ ngày 16/12/2015 đến 15/9/2016 toàn tỉnh đã tiếp 3.680 lượt người50, phản ảnh của công dân tập trung vào lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng chợ nông thôn và cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời; tính đến ngày 15/9/2016, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.520 đơn thư các loại, trong đó có 437 đơn trùng lắp, 520 đơn thuộc thẩm quyền, đã giải quyết được 385 đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 74%. Số đơn tồn là 135 đơn51. Số lượng đơn khiếu nại, tố cáo tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2015 nhưng tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Đối với vụ việc khiếu nại kéo dài: Phần lớn các vụ việc khiếu kiện đông người đều phát sinh từ những năm trước, nhiều vụ đã được xem xét giải quyết đúng pháp luật nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện như: đất tập đoàn sản xuất ở Ba Tri, đất K22 ở Thạnh Phú,... đến nay đang xây dựng kế hoạch giải quyết các khiếu nại liên quan đến đất tập đoàn sản xuất ở Ba Tri; trao thông báo chấm dứt thụ lý khiếu nại hành chính đối với 29 trường hợp khiếu nại đất K22. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 14/01/2013 của UBND tỉnh về kiểm tra việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh có hiệu lực chưa thi hành; cũng như tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, làm việc động viên các đương sự liên quan thi hành quyết định.

5. Công tác tư pháp

Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng. Kiểm tra, xử lý VBQPPL được tập trung và gắn với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Đến cuối tháng 9/2016, đã tiếp nhận, kiểm tra 109 văn bản52, qua đó phát hiện 02 văn bản sai về nội dung và đã thông báo xử lý theo quy định. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức và thường xuyên củng cố lực lượng thực hiện công tác này. Hoạt động trợ giúp pháp lý được củng cố và chủ động triển khai thực hiện các kế hoạch; đã thực hiện trợ giúp pháp lý 259 vụ việc cho 266 người, tăng 6% so với cùng kỳ; tổ chức 34 đợt trợ giúp pháp lý lưu động và 18 cuộc sinh hoạt CLB trợ giúp pháp lý; bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề luật sư chấp hành tốt quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

6. Kết quả bầu cử ĐBQH Khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp

Công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử trên địa bàn tỉnh diễn ra đúng theo quy định, đạt và vượt tiến độ một số công việc theo lịch trình do Trung ương ấn định. Đặc biệt, cuộc bầu cử đã được tổ chức với tinh thần nghiêm túc, tiết kiệm và nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân trong tỉnh, với số lượng cử tri đi bầu cử đạt rất cao, chiếm 99,93% trong danh sách cử tri toàn tỉnh. Kết quả, tỉnh Bến Tre đã bầu đủ 7/7 đại biểu Quốc hội, bầu đủ 55/55 đại biểu HĐND tỉnh53, bầu đủ 321/321 đại biểu HĐND cấp huyện; riêng cấp xã bầu được 4.345/4.369 đại biểu (thiếu 24 đại biểu). Nhìn chung, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã thành công trên phạm vi toàn tỉnh.

* Đánh giá chung: Trong năm 2016, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hạn mặn ở những tháng đầu năm, nhưng kinh tế của tỉnh dần phục hồi và duy trì mức tăng trưởng khá, có 15/21 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ duy trì được mức tăng trưởng ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu du lịch, kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kỳ; qua sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp, đến nay sản xuất nông nghiệp bắt đầu khôi phục và dự kiến khu vực I tăng trưởng dương cho cả năm. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được một số kết quả, nhất là việc tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện hạn, mặn và phát triển bền vững. Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp được các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khá so cùng kỳ. Các hoạt động văn hóa - xã hội và an sinh xã hội được duy trì, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng và các hộ gia đình nghèo được thực hiện tốt; quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 gặp nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như sau:

- Còn nhiều chỉ tiêu kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh nhưng không do công nghiệp - dịch vụ tăng trưởng đột phá, mà chủ yếu do khu vực I tăng trưởng thấp nên giảm tỷ trọng chiếm trong tổng thể nền kinh tế.

- Công tác dự báo tình hình hạn mặn chưa chính sát, diễn biến hạn mặn xuất hiện sớm và sâu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, đặc biệt là gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp... làm cho tốc độ tăng trưởng khu vực I chỉ đạt 0,9%, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

- Hệ thống thủy lợi chủ lực của tỉnh chưa được đầu tư khép kín, đê bao cục bộ chưa hoàn chỉnh nên việc chủ động nguồn nước tưới tiêu còn khó khăn. Một số vùng cây ăn trái bị nhiễm mặn và gây ra hiện tượng rụng trái, chết cây, cần phải có thời gian dài để rửa mặn; do nắng nóng gay gắt, kéo dài, một số dịch bệnh đã phát triển, gây hại trên cây trồng, vật nuôi.

- Chương trình xây dựng Nông thôn mới mặc dù được quan tâm nhưng còn nhiều khó khăn chủ yếu là nhận thức của người dân còn thấp, chưa thể hiện vai trò chủ thể, còn trông chờ vào đầu tư của nhà nước; nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng còn hạn chế, huy động sức dân đạt thấp; bên cạnh đó, một số địa phương còn lúng túng trong công tác vận động giải phóng mặt bằng, công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn hình thức; số xã công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016 không đạt chỉ tiêu đề ra.

- Du khách tăng khá so cùng kỳ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa có những sản phẩm đặc thù để thu hút và giữ chân du khách.

- Một số công trình do ảnh hưởng bởi tình hình hạn, mặn nên làm gián đoạn thời gian triển khai thi công; một số chủ đầu tư chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng NTM giao chậm,... dẫn đến tiến độ giải ngân những tháng đầu năm đạt thấp.

- Nợ ứng trước ngân sách Trung ương và địa phương đến thời điểm hiện tại chưa có nguồn xử lý dứt điểm (dự án 10 cầu trên ĐT.883, đường Giao Long - Nguyễn Thị Định, Nhà làm việc khối Mặt trận và Đoàn thể).

- Kinh tế tập thể hoạt động còn nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh còn yếu; số lượng hợp tác xã ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể còn cao.

- Cơ sở vật chất trường lớp tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày, nhất là ở cấp tiểu học và cấp học mầm non; một số trang thiết bị dạy học xuống cấp do thiếu kinh phí đầu tư, bổ sung; Đề án Kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2008-2012 chưa hoàn thành do khó khăn về nguồn vốn; việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường chưa được chặt chẽ.

- Dịch sốt xuất huyết tăng cao so cùng kỳ; công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực y tế và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến huyện, xã còn hạn chế; việc triển khai hoạt động các dự án thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số còn khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương chưa được phân bổ.

- Nhu cầu lao động có tay nghề rất lớn nhưng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu vì tuyển sinh đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề gặp khó khăn, chủ yếu do khuynh hướng xã hội tập trung học đại học.

- Số người nghiện ma túy tăng nhưng cai nghiện ma túy chỉ đạt khoảng 30% trên tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý ở cộng đồng54; việc đưa người nghiện cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn chưa thực hiện được do các quy định pháp lý chưa phù hợp.

- Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống còn hạn chế. Hiệu quả triển khai hệ thống một cửa điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 chưa cao; việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan chưa được thực hiện.

- Các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, hành vi tham ô, chiếm đoạt tiền trợ cấp chính sách còn xảy ra. Tình hình khiếu nại đông người vẫn diễn biến phức tạp; phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội tăng so với cùng kỳ; tệ nạn ma túy chưa được ngăn chặn hiệu quả, số người nghiện ngày càng nhiều dẫn đến tội phạm gia tăng gây bức xúc trong xã hội; số người chết do tai nạn giao thông đường bộ còn cao.

Phần II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

I. Dự báo tình hình

Dự báo năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ khởi sắc hơn do các dư địa từ tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong năm 2017. Đối với kinh tế tỉnh, sản xuất nông nghiệp sẽ hồi phục và có tăng trưởng nhẹ từ sự tập trung nỗ lực trong thực hiện các giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn, mặn gây ra năm 2016, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu có tác động, cộng thêm việc triển khai chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sẽ có nhiều cải thiện từ sự tập trung thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ và quyết tâm thực hiện Chương trình Đồng Khởi Khởi nghiệp - Phát triển doanh nghiệp; tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu; giải ngân vốn đầu tư cho phát triển sẽ hiệu quả hơn theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ... là những điều kiện thuận lợi để kinh tế của tỉnh lấy lại đà tăng trưởng khá trong năm tới.

Bên cạnh những mặt thuận lợi và cơ hội như trên, dự báo kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; nguồn lực đầu tư hạn chế và phải tập trung xử lý nợ; bên cạnh những cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại đã có hiệu lực là những rủi ro và khó khăn cho doanh nghiệp của tỉnh; sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp... sẽ là những nguyên nhân chủ yếu tác động không nhỏ đến tăng trưởng của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

II Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu

1. Mục tiêu tổng quát: Năm 2017 là năm "hành động" để triển khai đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chương trình, kế hoạch hành động đã được ban hành nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, quy mô doanh nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa và giảm nghèo bền vững; cải thiện tình hình an ninh nông thôn, kéo giảm án hình sự, ngăn chặn tệ nạn ma túy; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,5%, trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản (khu vực I) tăng 2,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng (khu vực II) tăng 11,3%; khu vực dịch vụ (khu vực III) tăng 8,2%;

- Cơ cấu kinh tế (theo giá trị tăng thêm): khu vực I: 36,9%; khu vực II: 19,5%; khu vực III: 40,1%;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu 830 triệu USD, tăng 14,3% so với năm 2016;

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 15.500 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2016;

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3.159 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 7.163,6 tỷ đồng;

- GRDP bình quân đầu người đạt 30,2 triệu đồng/năm;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%; tạo việc làm cho 18.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 600 người;

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%;

- Duy trì tỷ lệ sinh dưới 12‰;

- Đạt 26,65 giường bệnh/vạn dân; 7,93 bác sĩ/vạn dân;

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt 80% dân số;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 10,7%;

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,85%;

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%; trong đó hộ được sử dụng nước sạch đạt 47%;

- Kéo giảm phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông giảm cả ba mặt từ 5-10% so với năm 2016;

- Điều tra khám phá án hình sự đạt ít nhất 78%;

- Huấn luyện lực lượng thường trực đạt 98,5%; diễn tập KVPT 2 huyện, diễn tập cho 25% cấp xã theo các phương án đã được xác định; tuyển quân năm 2017 đạt 100% chỉ tiêu.

III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Về phát triển kinh tế

a) Phát triển nông, lâm, thủy sản

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhất là tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và hoàn thiện chuỗi giá trị. sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu của ngành55 đã đề ra trong năm 2017.

- Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, trước mắt vận động nông dân liên kết, hợp tác để xây dựng chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm chủ lực như: dừa, bưởi, chôm chôm, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển, nhằm xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Khuyến cáo nông dân tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi mùa vụ hợp lý từng vùng, chủ động rãi vụ và thâm canh tăng năng suất, chọn giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn, mặn; đồng thời khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất ít phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường; chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt gây ra.

- Triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch về phòng chống thiếu nước ngọt, hạn hán, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2016 -2017 và Hè Thu 2017; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trữ nước ngọt cục bộ phục vụ sản xuất, áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm,...

- Tăng cường quản lý, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón phục vụ sản xuất; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các chất cấm trong sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Tiếp tục phát triển chăn nuôi hướng trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã; đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tăng cường tập huấn kỹ thuật chăn nuôi - ứng dụng kỹ thuật - công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và xử lý kịp thời khi có phát sinh dịch, không để lây lan.

- Tập trung phát triển nuôi thủy sản theo quy hoạch, đảm bảo năng suất - chất lượng - hiệu quả trên cơ sở đảm bảo nguồn chất lượng con giống, áp dụng đúng các quy trình, kỹ thuật và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban quản lý vùng nuôi. Tiếp tục khuyến khích phát triển đánh bắt xa bờ, nhận rộng mô hình hoạt động theo tổ, đội hợp tác, nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an ninh trên biển; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá, để nâng cao chuỗi giá trị khai thác thủy sản. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt ngư dân thực hiện nghiêm các quy định về vùng biển chủ quyền, luật pháp Việt Nam và quốc tế liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

- Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch; kết hợp phát triển lâm nghiệp với nuôi trồng thủy sản và du lịch. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 100ha rừng; bảo vệ 4.100 ha rừng, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 1,75%.

b) Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp

Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phát triển làng nghề, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và phát triển bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm, hàng hóa có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; tập trung hỗ trợ phát triển những doanh nghiệp có quy mô lớn; tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp; đồng thời, triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và hướng tới năm 2030. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2017 đạt 24.812 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 11,2% so năm 2016; tăng cường năng lực chế biến một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu56.

- Tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ưu tiên triển khai đầu tư hạ tầng KCN Phú Thuận, CCN Thành Thới B (Mỏ Cày Nam), Phú Hưng (Tp Bến Tre), An Đức - thị trấn Ba Tri và mở rộng CCN Phong Nẫm để thu hút đầu tư. Quan tâm theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các dự án đã cấp chứng nhận đầu tư sớm đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần gia tăng năng lực sản xuất toàn ngành; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với những dự án chậm triển khai. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư và sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án lớn đang khảo sát như: nhà máy sữa Vinamilk, nhà máy bia Sài Gòn, các dự án điện gió... Trong quý I năm 2017 tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ra mắt cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu và trao quyết định đầu tư cho một số dự án lớn.

- Tiếp tục tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để nghe phản ánh tình hình, đề xuất, kiến nghị giải pháp, chính sách và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh hoạt động khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao hiệu quả hoạt động; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

- Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án phục vụ phát triển công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết, thành lập và tham gia các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp,... để hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sản xuất, thị trường.

- Tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư và cải tạo lưới điện nhằm đảm bảo nguồn điện ổn định phục vụ cho sản xuất; hỗ trợ nhà đầu tư để sớm triển khai thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

c) Thương mại, dịch vụ

Thực hiện tốt Đề án phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, ban hành kèm theo Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngày 16/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Về thương mại: Phát triển thương mại theo hướng chất lượng, ổn định thị trường nội địa, phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các sản phẩm, hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của ngành theo kế hoạch đã đề ra57.

Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, hợp tác kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và thâm nhập thị trường xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ, nhân rộng mô hình cửa hàng tiện lợi; tiếp tục chuyển đổi, đa dạng hóa mô hình quản lý chợ và thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng mới, nâng cấp chợ, nhất là chợ nông thôn, không để phát sinh tranh chấp trong đầu tư xây dựng chợ và khắc phục các chợ tự phát. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai; các dự án Vincom, Hoàn cầu, Nguyễn Kim... trên địa bàn.

Thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; nâng chất Chương trình "đưa hàng Việt về nông thôn"; phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa đến vùng nông thôn, các khu/cụm công nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin và dự báo thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, tổ chức các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, ổn định thị trường truyền thống, thâm nhập thị trường mới để gia tăng xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong khu vực, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, mở rộng thị trường. Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm về giá.

- Về du lịch: Triển khai Chương trình phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Bến Tre đến năm 2020, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm khác biệt của tỉnh để thu hút du khách; triển khai kế hoạch phát triển du lịch và dịch vụ du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020; nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch; thực hiện chương trình liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố. Tổ chức đào tạo, nâng chất đội ngũ lao động ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn hướng đến chuyên nghiệp. Hoàn thành dự án hạ tầng phục vụ khu du lịch Cồn Bửng, hạ tầng phục vụ du lịch các xã ven sông Tiền...; tiếp tục thực hiện Dự án tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển; khai thác các tour, tuyến du lịch mới58; đồng thời, kêu gọi đầu tư các dự án du lịch có quy mô khá và hiện đại. Phấn đấu trong năm 2017, thu hút khoảng 1,265 triệu lượt khách (trong đó 550 ngàn lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đạt 1.042 tỷ đồng.

- Về vận tải: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải nhằm đưa hoạt động vận tải đi vào nề nếp, cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các phương tiện vận tải và chất lượng phục vụ của các phương tiện. Tuyên truyền chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người điều khiển phương tiện vận tải, đảm bảo an toàn, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.

- Về tín dụng: Tập trung đẩy mạnh công tác huy động vốn, đa dạng hóa hình thức huy động, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn vay. Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng tín dụng trên địa bàn, triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn. Tập trung vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nhất là cho vay phục vụ phát triển Doanh nghiệp Khởi nghiệp, hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến cuối năm 2017, vốn huy động tiền gửi đạt 28.100 tỷ đồng, tăng 16% so đầu năm; dư nợ tín dụng đạt 26.400 tỷ đồng, tăng 18% so đầu năm, trong đó dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 72% tổng dư nợ; kiểm soát nợ xấu ở tỷ lệ dưới 2% tổng dư nợ.

d) Chương trình xây dựng Nông thôn mới

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và người dân và phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là đẩy mạnh các phong trào thi đua "Đồng Khởi mới" theo tinh thần Chỉ thị 16-CT/TU ngày 07/01/2015 của Tỉnh ủy; huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển các công trình hạ tầng cơ bản, của xã, ấp, mô hình tăng thu nhập gắn liền với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân; tập trung xử lý vấn đề môi trường, rác thải, nước sinh hoạt….ở nông thôn. Rà soát, lựa chọn những xã đạt từ 14 tiêu chí nông thôn mới trở lên vào cuối năm 2016 để tập trung dồn sức nhằm hoàn thành các tiêu chí còn lại trong năm 2017 và được công nhận đạt chuẩn NTM; các xã còn lại tăng bình quân từ 2 tiêu chí trở lên.

đ) Phát triển kinh tế nhiều thành phần, xúc tiến đầu tư

- Sắp xếp, doanh nghiệp nhà nước: Triển khai phương án cổ phần hóa Ban Quản lý Khai thác cung cấp nước sạch huyện Châu Thành; hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh sau sắp xếp; thường xuyên giám sát hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

- Doanh nghiệp dân doanh: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời triển khai thực hiện đồng loạt các hoạt động trong Chương trình Đồng Khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp; phát huy tốt vai trò của đơn vị thực hiện chức năng tư vấn khởi nghiệp trong việc kiến tạo môi trường khởi nghiệp, quan tâm xây dựng hệ thống doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh; tiếp tục cải cách quy trình cấp giấy chứng nhận ĐKDN, quyết định chủ trương đầu tư và chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, thủ tục giao đất, đánh giá tác động môi trường theo hướng rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thành lập và khởi nghiệp. Phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp, tổ xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp huyện. Phấn đấu năm 2017 cấp mới 450 giấy chứng nhận ĐKDN cho doanh nghiệp, trong đó có khoảng 70 doanh nghiệp từ hộ kinh doanh cá thể chuyển lên và khoảng 20 doanh nghiệp khởi nghiệp.

- Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp: Tiếp tục cải thiện môi trường và tạo lập cơ chế thông thoáng hơn nữa cho đầu tư; ứng dụng nhanh công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; cung cấp các thông tin về tình hình thị trường, hàng hóa, dự báo thị trường, cơ hội kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp có nhu cầu. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chủ lực của tỉnh để có đủ sức đứng vững và phát triển trong hội nhập.

- Xúc tiến và thu hút đầu tư: Rà soát và phân loại dự án ưu tiên mời gọi đầu tư; lựa chọn các dự án có quy mô, ít ô nhiễm môi trường và có tác động lớn đến phát triển của tỉnh để mời gọi đầu tư; tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng của tỉnh thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường. Tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai không đảm bảo tiến độ như đã cam kết để xem xét và có hướng xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Phấn đấu năm 2017 thu hút ít nhất 2.000 tỉ đồng vốn đầu tư trong nước và khoảng 25 triệu USD vốn đầu tư FDI.

- Kinh tế tập thể: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã. Quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; từng bước mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề. Xây dựng một số HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, thị trường tiêu thụ; chú trọng mở rộng các khâu cung ứng dịch vụ, các dịch vụ mới trong nông nghiệp. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm thu hút được nhiều hộ sản xuất, hộ gia đình tham gia vào THT, HTX. Phấn đấu trong năm 2017 thành lập mới 05 HTX trên các lĩnh vực; xây dựng thành công 03 mô hình HTX kiểu mới cấp tỉnh trên lĩnh vực thủy sản, gạo, trái cây; hoàn tất việc giải thể 24 HTX (100% số HTX hoạt động không đúng theo quy định của Luật HTX 2012); toàn tỉnh có 1.500 THT, trong đó có 50% THT thực hiện theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

e) Thu - chi ngân sách

Cơ cấu lại thu chi ngân sách theo hướng hiệu quả; chăm sóc nguồn thu, tạo nguồn thu mới và chống thất thu các loại thuế. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng thu cho ngân sách. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên, bố trí hợp lý chi đầu tư phát triển; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các đơn vị. Điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp.

g) Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng

Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước59 và Chỉ thị về huy động nguồn lực của Tỉnh ủy; tập trung rà soát, hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020. Ưu tiên vốn đầu tư cho thanh toán nợ, chuyển tiếp và các công trình có tiến độ tốt, các công trình quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2017; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Tăng cường vận động các nguồn vốn ODA, NGOs, cũng như huy động nguồn lực theo các hình thức đối tác công tư (PPP). Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa - thông tin, thể dục thể thao, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các lĩnh vực này. Phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2017 đạt 15.500 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2016.

Tập trung hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khu, cụm công nghiệp; ưu tiên nguồn lực để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm như: khu công nghiệp Phú Thuận; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; các dự án công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

- Giao thông: Đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm của tỉnh như: 05 cầu trên ĐT.887; tiếp tục đầu tư ĐT.883 (đoạn từ KCN Giao Long đến đường vào cầu Rạch Miễu); đường Nguyễn Huệ nối dài; dự án hạ tầng thiết yếu ổn định đời sống dân cư Phường 8, Phú Hưng; cầu 17/1, cầu Ông Bồng (ĐH.22),...; đồng thời nghiên cứu đề xuất xây dựng mới tuyến giao thông từ KCN Giao Long đến giáp QL 60 (song song.ĐT 883); tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn để tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới.

Chủ động liên hệ với các Bộ, ngành Trung ương tìm kiếm nguồn lực đầu tư cho các dự án: Tuyến tránh Phước Mỹ Trung, Đường huyện 173 (từ ngã tư Tuần Đậu - Tượng đài tiểu đoàn 516), Đường dọc Bờ Nam sông Bến Tre (từ cầu Kinh - ngã ba sông Hàm luông), Đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền 3 huyện biển; đường từ Quốc lộ 60 đến ngã tư Tú Điền; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nâng cấp hoàn thiện QL 60 (đoạn từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên), dự án nâng cấp hoàn thiện Quốc lộ 57 và lập dự án tiền khả thi đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2; đồng thời phối hợp với tỉnh Trà Vinh về việc xin Trung ương chủ trương mua lại quyền thu phí cầu Cổ Chiên.

- Thủy lợi: Tiếp tục thực hiện các dự án đê biển Bình Đại, Thạnh Phú, Nâng cấp và mở rộng cảng cá Bình Đại; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá kết hợp cảng cá Ba Tri, kè chống sạt lở bờ sông Giao Hòa (đoạn tiếp giáp sông Ba Lai); dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015-2017. Triển khai thực hiện các dự án lâm sinh thuộc Chương trình thích ứng với BĐKH và tăng trưởng xanh, dự án HTTL Bắc Bến Tre (Dự án JICA 3). Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Hồ chứa nước ngọt Ba Tri, Đê bao ngăn mặn lưu vực Cống Thủ Cửu; CSHT phục vụ phát triển sinh kế cho người dân vùng ven biển Ba Tri thích ứng với BĐKH.

- Điện: Tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành điện đầu tư và cải tạo lưới điện, nhằm đảm bảo nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất và sinh hoạt; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm khởi công các dự án nhà máy điện gió.

- Nước: Triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng hạ tầng cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt giai đoạn 2016-2020. Thực hiện lồng ghép để đa dạng các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới các công trình cấp nước sạch tập trung cho dân cư khu vực nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào sử dụng công trình nâng cấp mở rộng Nhà máy nước Hòa Lợi (Thạnh Phú), Nhà máy nước Thạnh Phú - giai đoạn 3 (Thạnh Phú), Nhà máy nước Lương Phú (Giồng Trôm); thực hiện dự án mô hình xử lý nước nhiễm mặn công nghệ RO Nhà máy nước An Phú Trung và Nhà máy nước Bình Thành; triển khai đầu tư xây dựng Dự án cấp nước cho dân cư khu vực Cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (SPRCC) khi được Trung ương phân bổ vốn. Phối hợp với các đơn vị tài trợ triển khai các dự án cấp nước đạt hiệu quả. Phấn đấu cuối năm 2017, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 47%.

- Phát triển đô thị: Thực hiện rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thiết kế đô thị một số trục chính đô thị thành phố; Đánh giá, phân loại đô thị theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 2939/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre năm 2015 và giai đoạn 2016-2020; hoàn thiện hồ sơ dự án nâng cấp đô thị thành phố Bến Tre (vay WB) và Hệ thống thoát nước thải đô thị thành phố Bến Tre (vay ADB) để sớm được xem xét ký hiệp định; đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư để sớm triển khai Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới đại lộ Đông - Tây và trục cảnh quan rạch Cái Cá.

h) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 19/5/2016 của Tỉnh ủy, về nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện có hiệu quả 05 kế hoạch thực hiện 05 đầu việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X60.

- Triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bến Tre đến năm 2020, lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 của cấp tỉnh; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đấp cấp huyện đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của cấp huyện; thực hiện thống kê đất đai; ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2017; điều tra, đánh giá, hoàn thiện cơ chế hoạt động và tăng cường năng lực các tổ chức dịch vụ công về đất đai tại tỉnh Bến Tre.

- Quản lý chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm trong khai thác sử dụng đất, nguồn nước ngọt; đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho tổ chức và cá nhân. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động sử dụng đất trái phép, thăm dò, khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm không đúng quy định; xử lý thu hồi dứt điểm các trường hợp chiếm giữ cho thuê đất công trái phép và xác lập pháp lý quỹ đất công trong toàn tỉnh.

- Ban hành quy định về kiểm tra và xử lý việc quản lý, khai thác cát sông trái quy định; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Tập trung thực hiện Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là thực hiện tốt các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, sinh hoạt gây bức xúc cho người dân nhằm cải thiện chất lượng và điều kiện sống của người dân; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải).

- Thực hiện dự án Đóng cửa bãi rác Phú Hưng; tác động nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà máy xử lý rác Hữu Định (Châu Thành); xây dựng mô hình xử lý rác thải nông thôn; thu hút đầu tư mô hình lò đốt rác sinh hoạt đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường để xử lý rác thải sinh hoạt đô thị nhằm giảm tải cho các bãi chôn lấp rác. Đồng thời tăng cường kiểm soát, thanh;kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Xây dựng dự án phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Điều tra trữ lượng các nguồn tài nguyên; nâng cao năng lực cảnh báo khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai.

- Chú trọng thực hiện đồng bộ giải pháp: công trình và tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về thích ứng BĐKH nhằm nâng cao khả năng chống chịu, chủ động ứng phó và phòng chống thiên tai cho nhân dân; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án "Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại Bến Tre"; tích cực huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp61.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

a) Giáo dục - đào tạo

Tiếp tục thực hiện các nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Triển khai có hiệu quả các kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 và nhiệm vụ năm học 2016-2017. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp và mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, ưu tiên triển khai đầu tư các công trình trường học xuống cấp, trường học các xã nông thôn mới, trường đạt chuẩn quốc gia. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020"; giữ vững thành quả PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, PCGDTH đúng độ tuổi; thực hiện PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2; tiếp tục thực hiện PCGD trung học. Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, gắn với mục tiêu "Đồng Khởi khởi nghiệp". Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở giáo dục, nhất là phát triển giáo dục mầm non; huy động và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo. Hỗ trợ Phân hiệu Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh tại Bến Tre hoạt động sau khi có quyết định thành lập.

b) Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

Tăng cường công tác giám sát dịch tể, phấn đấu giảm dần tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra, giảm mức độ lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng, ngăn chặn hiệu quả dịch sốt xuất huyết. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; củng cố và phát triển y tế học đường; mở rộng các dịch vụ chăm sóc người già, phục hồi chức năng cho trẻ em và người tàn tật. Tiếp tục phát triển hệ thống y tế theo quy hoạch, đầu tư nâng cấp về cơ sở, trang thiết bị cho bệnh viện, phòng khám đa khoa các tuyến; sớm triển khai dự án Bệnh viện đa khoa 500 giường từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật BHYT, mở rộng đối tượng tham gia BHYT62 hộ gia đình, BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp. Quản lý giám sát chặt chẽ lĩnh vực y tế tư nhân, chủ động phối hợp kiểm tra thị trường thuốc trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý. Tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc chế biến thực phẩm; kiểm tra nhanh thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt gia súc gia cầm... tại các chợ; giám sát, xử lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn, mua bán sản phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; vận động, tuyên truyền các hộ tiểu thương nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về VSATTP, từng bước xây dựng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh ATTP tại các huyện, thành phố; đồng thời thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất về VSATTP. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế, duy trì và củng cố bệnh viện đa khoa tư nhân; khuyến khích sự tham gia của hệ thống y tế ngoài công lập, tiếp tục triển khai quản lý thực hiện tốt mục tiêu các chương trình, dự án hợp tác trong và ngoài nước. Phấn đấu năm 2017 trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin > 95%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế 71%; duy trì 100% trạm y tế có bác sĩ.

c) Văn hóa, thể thao

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Chỉ thị số 11-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa và phát triển toàn diện con người Bến Tre. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương; tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tập trung nâng chất gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xã văn hóa gắn với xây dựng xã văn hóa nông thôn mới; trùng tu, giữ gìn phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa nhằm giáo dục truyền thống kết hợp phát triển du lịch. Tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch của địa phương; phát triển phong trào thể dục thể thao sâu rộng trong quần chúng nhân dân và trong trường học; tổ chức tốt các giải thể thao cấp tỉnh và tham gia các giải cấp khu vực và toàn quốc. Phấn đấu năm 2017, có 09 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới; 37,6% dân số luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, 33,26% hộ gia đình thể thao.

d) Lao động, việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội

Tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án nhằm tạo nhiều việc làm mới cho lao động thông qua phát triển kinh tế, trong đó chú trọng lao động nông thôn, thanh niên và sinh viên mới tốt nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch điều chỉnh mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới công tác đào tạo, gắn đào tạo nghề với nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường và dự báo nhu cầu lao động để phục vụ cho công tác đào tạo nghề; làm tốt công tác phân luồng học sinh, đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp nghề và sơ cấp nghề, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm theo Đề án 1956; tăng cường gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi người có công; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững và Chương trình Đồng Khởi Khởi nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo. Thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ và kịp thời trợ cấp đột xuất cho những trường hợp rủi ro bất khả kháng.

Phấn đấu năm 2017 giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động, trong đó có 600 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 54%, tỉ lệ qua đào tạo nghề 27%; giảm tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 3,5%; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 1,5%/năm.

đ) Khoa học công nghệ

Tập trung nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên nhiệm vụ liên quan đến chuỗi giá trị các sản phẩm: dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, con heo, con bò và tôm biển. Chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến; nghiên cứu các chế phẩm sinh học trong việc xử lý nhiễm mặn trong đất, cây trồng, tạo ra các loại giống cây trồng vật nuôi, thuốc phòng, trị bệnh. Tập trung triển khai 03 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm (phát triển dừa, bưởi da xanh, nông nghiệp đô thị). Tiếp tục triển khai Dự án nâng cao năng suất, chất lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2020; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ để hỗ trợ đổi mới công nghệ; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương. Tiếp tục triển khai Dự án tăng cường năng lực hoạt động của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (giai đoạn 2).

e) Thông tin - truyền thông

Tập trung thực hiện dự án "Nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre"; triển khai vận hành mạng truyền số liệu chuyên dụng kết nối từ UBND tỉnh đến các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố; hoàn thiện Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng thông tin điện tử thành phần của tất cả các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố; tiếp tục triển khai các phần mềm dùng chung như: Quản lý văn bản và điều hành, một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị sở, ngành; tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và người dân nhận thức, hiểu biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị mạng, an ninh thông tin và an toàn hệ thống mạng cho cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin trong các đơn vị. Phấn đấu năm 2017, phát triển mới 500 thuê bao điện thoại cố định, mật độ sử dụng điện thoại 112 máy/100 dân; phát triển mới 1.200 thuê bao Internet, mật độ sử dụng Internet 34 người/100 dân; doanh thu bưu chính viễn thông đạt 1.250 tỷ đồng.

g) Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và thực hiện bình đẳng giới

Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tập trung xây dựng "xã, phường phù hợp với trẻ em", để mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc; tăng cường truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ chăm sóc trẻ em; vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tập trung xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi; tổ chức thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc người cao tuổi; nhân rộng mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại bạo lực tại các xã điểm.

h) Công tác quản lý nhà nước về thanh niên

Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra chương trình phát triển thanh niên và kế hoạch quản lý nhà nước về thanh niên năm 2017, kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư số 18/2014/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đã được thành lập và hoạt động trong các thời kỳ đối với đơn vị chưa được xác định phiên hiệu. Triển khai Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên và Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về ban hành bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam; hoàn thành việc thực hiện chế độ trợ cấp đối với cựu thanh niên xung phong.

3. Cải cách hành chính, công vụ - công chức

Thực hiện nghiêm Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 04/3/2016 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh CCHC trong hệ thống chính trị giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch CCHC, cải cách chế độ công vụ, công chức năm 2017 của UBND tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới và công khai thủ tục hành chính theo quy định; tạo sự đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho các tổ chức và cá nhân. Tiếp tục rà soát hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn của địa phương và quy định của Trung ương; kiểm tra chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh; công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức thích hợp; thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức viên chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.

Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy biên chế cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt việc công khai hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định; phê duyệt va triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị. Rà soát, chỉ đạo các ngành các cấp tăng cường công tác phối hợp, chủ động và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu đảm bảo chất lượng, kịp thời, đúng quy định, nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước; thường xuyên thanh tra kiểm tra tiến độ xử lý công việc, cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị của từng cán bộ, công chức,... nhằm từng bước chuyển nền hành chính từ quản lý sang phục vụ; tiếp tục tinh giản biên chế năm 2017 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện Đề án hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã giai đoạn 2015-2017 phù hợp với quy định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để đầu tư xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo hướng hiện đại; triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của tỉnh, năm 2017, tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2016-2021.

4. Quốc phòng - an ninh; phòng chống tham nhũng; đối ngoại

a) Quốc phòng - an ninh

Thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, Quân sự và Biên phòng trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Quan tâm củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ và các phương án tổ chức diễn tập nâng cao năng lực hiệp đồng tác chiến sát với thực tế địa phương gắn với xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển. Chủ động chuẩn bị lực lượng, nâng cao hiệu quả huấn luyện bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên; chuẩn bị nguồn, bảo đảm giao quân năm 2017 đạt chỉ tiêu trên giao. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển của ngư dân, đặc biệt là vận động ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt thủy sản.

Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 04/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và kiềm chế tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 19/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tập trung giải quyết tình hình khiếu kiện đòi lại đất đã đưa vào tập đoàn sản xuất của các hộ dân ở huyện Ba Tri; triển khai thực hiện kế hoạch công tác trọng tâm về đảm bảo an ninh, trật tự giai đoạn 2016-2020; cụ thể hóa và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030. Thường xuyên mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tập trung giải quyết có hiệu quả các loại tội phạm và tệ nạn xã hội đang nổi lên, nhất là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, cướp giật, trộm cắp tài sản; kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý người nghiện ma túy như: cai nghiện tập trung tự nguyện, cai nghiện tập trung bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, điều trị bằng thuốc Methadone...; bảo vệ tuyệt đối an toàn các lễ hội, tết, sự kiện chính trị của đất nước và địa phương, các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Bến Tre. Tiếp tục đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, ngăn chặn có hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự vùng nông thôn; tập trung kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông đường bộ. Phấn đấu kéo giảm 3 mặt về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương so với năm 2016.

b) Phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 21/2013/NQ-HĐND ngày 6/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, ngân sách, tài sản, đất đai; tăng cường thanh tra, giám sát về phòng chống tham nhũng đối với thủ trưởng các các đơn vị, chủ tịch UBND các huyện/thành phố và một số cơ quan bảo vệ pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; bảo vệ an toàn và khen thưởng kịp thời người phát hiện, tố cáo tham nhũng; đồng thời thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh tra.

Tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược cải cách tư pháp và Chiến lược phát triển luật sư đến năm 2020; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; triển khai kế hoạch phát triển luật sư phục vụ hội nhập. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác ban hành VBQPPL, đảm bảo đúng quy trình, thời gian quy định và phù hợp với thực tế địa phương; đồng thời, tiếp tục nâng chất công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL; triển khai thực hiện tốt Đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý.

c) Tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết nhanh và có hiệu quả các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân và của một số tôn giáo theo đúng pháp luật; không để xảy ra các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ; chủ động nắm tình hình và giải quyết kịp thời, tập trung xử lý vụ việc ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng; đồng thời xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; đề cao trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở.

d) Hoạt động đối ngoại

Tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập; tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về hợp tác kinh tế đối ngoại, nhất là việc nước ta tham gia cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do khác để chủ động khai thác cơ hội, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập, góp phần phát triển doanh nghiệp và kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động và thực hiện có trách nhiệm các cam kết của địa phương với các đối tác trong quá trình hội nhập quốc tế (AEC, FTA, TPP...), đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý của ngành, địa phương mình và mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của tỉnh năm 2017, tiến hành xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch,... ngay từ đầu năm để triển khai thực hiện; đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp, hỗ trợ, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, cả năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện cũng như đề xuất, kiến nghị về Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ tổng hợp báo cáo đánh giá chung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của toàn tỉnh và đề xuất các giải pháp thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Kèm phụ lục
- Văn phòng CP I, II; Kèm phụ lục
- Quân khu IX; Kèm phụ lục
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Kèm phụ lục
- TT. TU; TT. HĐND tỉnh; Kèm phụ lục
- CT, các PCT UBND tỉnh; Kèm phụ lục
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Kèm phụ lục
- UBND các huyện, thành phố; Kèm phụ lục
- Chánh, các PCVP; Kèm phụ lục
- Phòng TH; TTTTĐT; Kèm phụ lục
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CH
Ủ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU NĂM 2017

CHỈ TIÊU

Đơn vị

Thực hiện 2015

Năm 2016

Kế họach 2017

ƯTH 2016 so TH 2015

(%)

KH 2017 so ƯTH 2016 (%)

Kế hoạch

Ước thực hiện

A

B

1

2

3

4

5=3/1

6=4/3

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

 

 

 

 

 

 

 

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

 

 

 

 

 

 

a) Tốc độ tăng trưởng GRDP

%

5,10

6,50

5,30

6,50

 

 

- Khu vực I: Nông-Lâm-Thủy sản

%

3,10

4,28

0,90

2,00

 

 

Trong đó: + Nông nghiệp

%

2,75

2,50

0,70

1,90

 

 

+ Lâm nghiệp

%

5,68

2,00

0,40

12,00

 

 

+ Thủy sản

%

3,79

7,70

1,30

2,00

 

 

- Khu vực II: Công nghiệp-Xây dựng

%

9,50

10,04

10,80

11,30

 

 

Trong đó: + Công nghiệp

%

8,53

10,30

10,00

10,90

 

 

+ Xây dựng

%

13,04

8,80

14,00

12,60

 

 

- Khu vực III: Dịch vụ

%

4,80

7,09

7,10

8,20

 

 

- Thuế sản phẩm

%

6,90

5,54

2,30

6,90

 

 

b) Giá trị tăng thêm (giá SS 2010)

Tr.đồng

25.714.272

27.786.129

27.081.528

28.854.910

105,3

106,5

- Khu vực I: Nông-Lâm-Thủy sản

"

9.624.662

10.221.846

9.710.880

9.902.271

100,9

102,0

Trong đó: + Nông nghiệp

"

6.405.566

6.568.855

6.451.349

6.574.006

100,7

101,9

+ Lâm nghiệp

"

28.619

27.971

28.742

32.192

100,4

112,0

+ Thủy sản

"

3.190.477

3.625.020

3.230.789

3.296.073

101,3

102,0

- Khu vực II: Công nghiệp-Xây dựng

"

4.992.700

5.058.805

5.533.066

6.158.495

110,8

111,3

Trong đó: + Công nghiệp

"

3.941.000

4.230.210

4.334.345

4.808.911

110,0

110,9

+ Xây dựng

"

1.051.700

828.595

1.198.721

1.349.584

114,0

112,6

- Khu vực III: Dịch vụ

"

10.078.910

11.423.397

10.796.469

11.681.195

107,1

108,2

- Thuế sản phẩm

"

1.018.000

1.082.081

1.041.113

1.112.949

102,3

106,9

c) Giá trị tăng thêm (giá HH)

Tr.đồng

34.057.730

37.077.495

35.820.270

38.256.694

105,2

106,8

- Khu vực I: Nông Lâm thủy sản

"

13.189.484

14.304.620

13.442.086

14.102.363

101,9

104,9

+ Nông nghiệp

"

8.819.350

9.366.903

9.020.712

9.339.854

102,3

103,5

+ Thủy sản

"

4.317.473

4.888.034

4.368.201

4.702.955

101,2

107,7

+ Lâm nghiệp

"

52.661

49.683

53.174

59.554

101,0

112,0

- Khu vực II: Công nghiệp-Xây dựng

"

6.176.144

6.267.479

6.838.869

7.477.484

110,7

109,3

+ Công nghiệp

"

4.853.000

5.218.660

5.330.758

5.789.572

109,8

108,6

+ Xây dựng

"

1.323.144

1.048.819

1.508.111

1.687.912

114,0

111,9

- Khu vực III: Dịch vụ

"

13.375.399

15.078.254

14.275.549

15.325.881

106,7

107,4

- Thuế sản phẩm

"

1.316.703

1.427.142

1.263.766

1.350.966

96,0

106,9

2. Cơ cấu kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

* Cơ cấu GTTT phân theo KV kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

KV Nông, lâm nghiệp, thủy sản

%

38,7

38,6

37,5

36,9

 

 

KV Công nghiệp-Xây dựng

%

18,1

16,9

19,1

19,5

 

 

KV Dịch vụ

%

39,3

40,7

39,9

40,1

 

 

* Thuế sản phẩm/GRDP

%

3,9

3,8

3,5

3,5

 

 

3. GRDP bình quân đầu người

Tr.đồng

27,0

29,3

28,3

30,2

105,0

106,7

GRDP bình quân đầu người

USD

1.225,0

1.331,8

1.286,6

1.372,4

105,0

106.7

4. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Tỷ đồng

13.499,0

14.874,8

13.756,0

15.500,0

101,9

112,7

a) Vốn nhà nước

Tỷ đồng

2.899,0

2.689,8

2.726,7

2.807,7

94,1

103,0

- Vốn ngân sách

Tỷ đồng

1.403,5

1.837,4

1.863,3

2.017,7

132,8

108,3

- Vốn tín dụng đầu tư phát triển

Tỷ đồng

410,0

300,0

354,0

240,0

86,3

67,8

- Vốn đầu tư của DNNN

Tỷ đồng

60,0

60,0

60,0

60,0

100,0

100,0

- Vốn trái phiếu chính phủ

Tỷ đồng

199,6

192,4

173,4

190,0

86,9

109,6

- Các nguồn vốn khác (TW bổ sung, vốn sự nghiệp kinh tế, các dự án AN-QP, tạm ứng NSNN)

Tỷ đồng

825,9

300,0

276,0

300,0

33,4

108,7

b). Vốn đầu tư của bộ, ngành TW

Tỷ đồng

1.900,0

1.500,0

1.339,0

1.200,0

70,5

89,6

c). Vốn đầu tư nước ngoài

Tỷ đồng

1.700,0

1.236,0

1.217,0

1.621,0

71,6

133,2

d). Vốn ngoài nhà nước (DN và hộ dân cư

Tỷ đồng

7.000,0

9.449,0

8.473,3

9.871,4

121,0

116,5

- Tổng vốn đầu tư toàn XH/GRDP (giá TT)

%

39,64

40,12

38,40

40,52

96,9

105,5

5. Vận tải

 

 

14.874,800

 

 

 

 

a) Hàng hóa: + Vận chuyển

1000T

6.997

7.300

7.095

7.450

101,4

105,0

+ Luân chuyển

1000TKm

696.863

750.000

717.386

753.000

102,9

105,0

b) Hành khách: + Vận chuyển

1000HK

36.713

39.000

38.183

42.000

104,0

110,0

+ Luân chuyển

1000HKKm

1.321.331

1.418.000

1.441.716

1.575.000

109,1

109,2

6. Thương mại - dịch vụ

 

 

 

 

 

 

 

a) Tổng mức bán lẻ HH và DVXH

Tỷ đồng

28.698

35.353

31.577

37.813

110,0

119,7

b) Xuất nhập khẩu

 

 

 

 

 

 

 

- Tổng kim ngạch xuất khẩu

Tr. USD

651,9

790,0

726,3

830,0

111,4

114,3

Mặt hàng chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

+ Thủy sản các loại

tấn

39.104

46.500

35.130

40.000

89,8

113,9

+ Gạo

"

18.134

30.000

18.730

25.000

103,3

133,5

+ Chỉ xơ dừa

"

65.070

75.000

32.980

43.000

50,7

130,4

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Cơm dừa nạo sấy

"

26.129

28.000

23.390

28.000

89,5

119,7

+ Hàng may mặc

1000USD

71.537

72.000

112.940

145.000

157,9

128,4

- Tổng kim ngạch nhập khẩu

Tr. USD

282,4

270,0

299,0

325,0

105,9

108,7

Mặt hàng chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

+ Nguyên liệu dược, dược phẩm

1000USD

12.069

17.500

9.220

12.000

76,4

130,2

+ Nguyên phụ liệu may

"

27.394

30.000

73.560

85.000

268,5

115,6

c) Tổng doanh thu từ khách du lịch

tỷ đồng

700,0

860,0

860,0

1.042,0

122,9

121,2

7. Thu - chi ngân sách

 

 

 

 

 

 

 

a) Thu ngân sách trên địa bàn

 

 

 

 

 

 

 

- Dự toán Trung ương giao

tỷ đồng

1.753,9

1.800,0

1.915,2

3.159,0

109,2

164,9

- Dự toán địa phương phấn đấu

tỷ đồng

1.753,9

1.940,0

1.915,2

3.159,0

109,2

164,9

+ Thu từ DNNN Trung ương

"

167,0

170,0

180,5

205,0

108,1

113,6

+ Thu quốc doanh địa phương

"

75,5

81,0

85,0

100,0

112,5

117,6

+ Thu ngoài quốc doanh

"

474,8

578,0

525,0

608,0

110,6

115,8

+ Thu từ khu vực có vốn ĐTNN

"

94,4

75,0

95,0

105,0

100,7

110,5

b) Chi ngân sách địa phương

 

 

 

 

 

 

 

- Dự tn Trung ương giao

tỷ đồng

5.299,2

4.744,7

5.191,6

7.163,6

98,0

138,0

- Dự toán địa phương phấn đấu

tỷ đồng

5.299,2

4.885,0

5.191,6

7.163,6

98,0

138,0

+ Chi đầu tư phát triển

 

2.079,5

1.577,4

1.892,3

1.593,0

91,0

84,2

+ Chi thường xuyên

 

4.312,2

3.867,1

4.293,2

4.810,9

99,6

112,1

8. Tỷ lệ hộ sử dụng điện

%

99,71

99,75

99,77

99,85

100,1

100,1

 

 

 

 

 

 

 

 

II. LĨNH VỰC VĂN HÓA-XÃ HỘI

 

 

 

 

 

 

 

- Dân số trung bình

người

1.263.710

1.265.500

1.265.500

1.267.060

100,1

100,1

- Mức giảm tỷ lệ sinh

%0

≤10

Duy trì ≤12

≤12

≤12

 

 

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên

%

0,684

0,656

0,652

0,650

95,3

99,7

- Số giường bệnh/vạn dân

giường

25,60

25,70

26,55

26,65

103,7

100,4

- Số bác sĩ/vạn dân

bác sĩ

7,15

7,56

7,56

7,93

105,7

104,9

- Tỷ lệ xã có bác sĩ

%

100

100

100

100

 

 

 

năm học

2015-2016

2016-2017

2016-2017

2017-2018

 

 

- Số cháu Mầm non

trẻ

41.593

43.227

44.871

44.931

107,9

100,1

- Số học sinh đầu năm học

Học sinh

199.660

198.383

200.053

199.290

100,2

99,6

+ Tiểu học

"

96.025

92.655

95.426

89.377

99,4

93,7

+ Trung học cơ sở

"

73.422

74.594

73.383

76.866

99,9

104,7

+ Trung học phổ thông

"

30.213

31.134

31.244

33.047

103,4

105,8

- Tỷ lệ số hộ được xem truyền hình VN

%

99,0

99,0

99,0

99,0

 

 

- Tỷ lệ số hộ được nghe đài TNVN

%

99,0

99,0

99,0

99,0

 

 

- Số xã văn hóa được công nhận

1

0

0

0

 

 

- Tổng số xã VH đã được công nhận

164

164

164

164

 

 

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo

%

 

1,5

1,5

1,5

 

 

- Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng

%

11,3

11,0

11,0

10,7

97,3

97,3

- Tỷ lệ người dân tham gia BHYT

%

70,0

78,0

78,5

80,0

112,1

101,9

- Số người được giải quyết việc làm

người

23.000

18.000

20.262

18.000

88,1

88,8

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

50,68

52,00

52,10

54,00

102,8

103,6

- Tỷ lệ lao động thất nghiệp KV thành thị

%

3,42

3,40

3,40

≤ 3,5

 

 

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới

5

9

6

9

120,0

150,0

III. LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG VÀ PTBV

 

 

 

 

 

 

 

1. Tỷ lệ che phủ rừng

%

1,66

1,85

1,69

1,75

101,8

103,6

2. Tỷ lệ DS thành thị được cấp nước sạch

%

86

87

87

89

101,2

102,3

- TL hộ dân nông thôn SD nước hợp VS

%

87,0

88,0

90,0

92,0

103,4

102,2

Tr.đó: Hộ được sử dụng nước sạch

%

42,0

44,0

45,0

47,0

107,1

104,4

3. TL thu gom chất thải rắn ở đô thị

%

80,0

80,0

87,0

90,0

108,8

103,4

- Tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn

%

100,0

100,0

100,0

100,0

 

 

- Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn

%

100,0

100,0

100,0

100,0

 

 

IV. QUỐC PHÒNG - AN NINH

 

 

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ khám phá án hình sự

%

87,6

75

81,2

78

92,7

96,1

- Tỷ lệ tuyển quân đạt

%

100

100

100

100

 

 

 

CHỈ TIÊU SẢN XUẤT CHỦ YẾU NĂM 2017

CHỈ TIÊU

Đơn vị

Thực hiện 2015 (NGTK 2015)

Năm 2016

Kế họach 2017

ƯTH 2016 so TH 2015 (%)

KH 2017 so ƯTH 2016 (%)

Kế hoạch

Ước thực hiện

A

B

1

2

3

4

5=3/1

6=4/3

A. NÔNG LÂM THỦY SẢN

 

 

 

 

 

 

 

1. Diện tích cây trồng chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

- Lúa cả năm

ha

62.983

61.680

58.246

40.000

92,5

68,7

- Mía

ha

2.085

2.000

1.262

1.250

60,5

99,0

- Dừa

ha

68.545

68.500

69.330

69.500

101,1

100,2

- Cây ăn quả

ha

27.657

28.000

27.742

28.000

100,3

100,9

- Rau, màu

ha

6.766

7.500

7.021

8.000

103,8

113,9

2. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

- Lúa

tấn

278.769

295.000

164.269

191.000

58,9

116,3

- Mía

tấn

158.803

156.000

99.874

100.000

62,9

100,1

- Dừa

Tr.trái

573,1

562,4

587,9

589,0

102,6

100,2

- Trái cây các loại

tấn

335.734

348.810

302.443

344.000

90,1

113,7

- Rau, màu

tấn

130.199

144.750

123.323

152.000

94,7

123,3

3. Chăn nuôi

 

 

 

 

 

 

 

- Tổng đàn bò

con

176.571

170.000

197.205

210.000

111,7

106,5

- Tổng đàn heo

"

502.095

515.000

658.927

660.000

131,2

100,2

- Tổng đàn gia cầm

1000con

5.723

6.000

6.552

6.600

114,5

100,7

4. Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản

 

 

 

 

 

 

 

a. Diện tích nuôi thủy sản

ha

46.548

46.800

46.800

46.900

100,5

100,2

Tr.đó: Tôm thâm canh, bán TC

ha

12.796

11.732

11.328

11.500

88,5

101,5

b. Sản lượng

tấn

444.233

433.000

452.867

462.000

101,9

102,0

- Khai thác

"

201.750

173.000

204.244

205.000

101,2

100,4

- Nuôi

"

242.483

260.000

248.623

257.000

102,5

103,4

c. Số lượng tàu khai thác thủy sản

tàu

4.303

3.580

4.283

4.180

99,5

97,6

Tr.đó: Số tàu khai thác xa bờ

tàu

1.656

1.820

1.913

1.950

115,5

101,9

B. CÔNG NGHIỆP

 

 

 

 

 

 

 

Giá trị sản xuất (Giá SS 2010)

tỷ đồng

19.338

20.448

22.315

24.812

115,4

111,2

- Khu vực kinh tế trong nước

"

11.122

10.680

12.354

12.946

111,1

104,8

- Khu vực có vốn ĐTNN

"

8.216

9.768

9.961

11.867

121,2

119,1

Sản phẩm chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

- Thủy sản các loại

tấn

52.520

65.000

62.000

70.000

118,1

112,9

- Đường qui cát

"

20.843

26.000

24.940

25.000

119,7

100,2

- Chỉ xơ dừa

"

101.000

96.000

80.000

90.000

79,2

112,5

- Cơm dừa nạo sấy

"

49.089

45.000

43.000

45.000

87,6

104,7

- Sữa dừa

"

38.790

50.000

48.000

50.000

123,7

104,2

- Thuốc lá bao

1000bao

105.060

110.000

101.368

105.000

96,5

103,6

- Thức ăn thủy sản

tấn

70.000

90.000

72.000

80.000

102,9

111,1

- Nước máy ghi thu

1000m3

16.550

20.000

19.500

21.000

117,8

107,7

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP CỤ THỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

TT

Nhiệm vụ

Giải pháp cụ thể

Chỉ tiêu/kết quả năm 2017

Cơ quan phối hợp

Hoàn thành

I

LĨNH VỰC KINH TẾ

1

Sở Nông nghiệp và PTNT

1.1

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

 

 

 

 

a

Mô hình THT, HTX kiểu mới

- Tổ chức tuyên truyền, học tập chủ trương của Đảng và nhà nước về phát triển THT, HTX.

- Tổ chức lại SX theo chuỗi giá trị, thực hiện gắn kết giữa người SX với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.

- Củng cố hoạt động các THT theo Nghị định 151/CP và xây dựng HTX kiểu mới theo Luật HTX.

- 6 HTX kiểu mới trong lĩnh vực sản xuất: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, heo.

- 20 THT trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

CT: CC PT NT

PH: Sở KH và ĐT, LMHTX, Phòng NN và PTNT các huyện

12/2017

b

Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững được xây dựng

 

 

 

 

 

- Xây dựng các mô hình trình diễn với giải pháp sản xuất TU BĐKH, nuôi trồng xen kết hợp, nâng cao chất lượng nông sản gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

- Thực hiện các mô hình từ các dự án tài trợ (DA AMD, tổ chức Seed to Tabe, LCASP, ...).

- Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt biển thích ứng với BĐKH.

- Mô hình tôm chân trắng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.

- Mô hình "Tưới tiết kiệm cho vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn trong tỉnh"

- Mô hình "Trồng rau an toàn trên ruộng lúa". Mô hình tôm - lúa.

- Các mô hình trình diễn thích ứng với BĐKH khác (phối hợp với các chương trình/dự án tài trợ)

13 mô hình trình diễn.

CT: các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT.

PH: Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố; các Tổ chức Seed to Table, BĐPDA AMD, BQLDA LCASP,

12/2017

c

Thực hiện các đề án, dự án ứng dụng công nghệ cao và phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

- Các nghiên cứu: chế biến khẩu phần hỗn hợp được lên men (Fermented Total Mixed Ration - FTMR) cho bò thịt từ nguồn nguyên liệu sẵn có, nhân sinh khối một số loài tảo làm thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản, kéo dài thời gian bảo quản trái dừa tươi xuất khẩu.

- XD mô hình trồng rau, dưa lưới, hoa lan ứng dụng công nghệ cao.

- Nghiên cứu, mô hình trình diễn thuộc Chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản.

03 nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.

03 nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.

15 mô hình

CT: các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT.

PH: Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố;

12/2017

d

Thực hiện các dự án trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm

 

 

 

 

 

Xây dựng và phát triển mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ

- Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và áp dụng chương trình quản lý về ATTP để cải thiện chất lượng sản phẩm.

- Tạo liên kết giữa CSSX, sơ chế và kinh doanh đến người tiêu dùng.

Xây dựng 01 chuỗi thực phẩm an toàn trong lĩnh vực nông sản, hình thành mô hình quản lý ANTP theo chuỗi liên kết.

CT: CCQLCLNLS & TS

PH: Các tổ chức sản xuất kinh doanh, Phòng NN và PTNT các huyện.

12/2017

 

Nâng cao năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP và nhận thức cộng đồng về ATVSTP

- Xây dựng bộ giáo trình và đào tạo về quản lý chất lượng" an toàn thực phẩm phù hợp với công nghệ và sản phẩm đặc thù của Bến Tre.

Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý ATTP

CT: CCQLCLNLS & TS

PH: Các tổ chức sản xuất kinh doanh, Phòng NN và PTNT các huyện.

Đài phát thanh truyền hình, Báo, đài truyền thanh, các hội nghề nghiệp, Khuyến Nông.

12/2017

- Xây dựng tài liệu tuyên truyền, các phóng sự về ATTP; phát hành tờ bướm, tuyên truyền qua đài phát thanh, báo, truyền hình; tuyên truyền để người tiêu dùng nhận thức sản phẩm an toàn và không an toàn.

Thực hiện định kỳ hàng tháng

- Kiểm soát và phân tích đánh giá mức độ ATTP đối với sản phẩm sau thu hoạch.

Thực hiện các đợt thu mẫu SP định kỳ để tiến hành phân tích dư lượng.

1.2

Phát triển Chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp

 

 

 

 

a

Chuỗi sản phẩm dừa

- Xây dựng HTX sản xuất dừa tại huyện Giồng Trôm.

- 01 HTX dừa

CT: Sở CT

PH: TT Khuyến nông,  CC. PTNT, LMHTX, Cty CPXNK Bến Tre, phòng NN và PTNT huyện Giồng Trôm

12/2017

- Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ với Công ty CPXNK Bến Tre.

- 01 chuỗi liên kết.

12/2018

b

Chuỗi sản phẩm bưởi da xanh

- Xây dựng HTX sản xuất bưởi da xanh tại huyện Châu Thành, TP. Bến Tre có liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp/cơ sở thu mua.

- 02 HTX có liên kết tiêu thụ.

CT: CC TTBVTV

PH: CC. PTNT, LMHTX, các Doanh nghiệp thu mua, phòng NN và PTNT huyện Châu Thành và Phòng Kinh tế TP. Bến Tre

12/2017

- Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ với các DN/cơ sở thu mua.

- 02 chuỗi liên kết.

12/2018

c

Chuỗi sản phẩm chôm chôm

- Xây dựng 02 HTX sản xuất chôm chôm tại 2 huyện có liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp/cơ sở thu mua

- Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ với các DN/cơ sở thu mua.

- 01 HTX tại Chợ Lách

- 01 HTX tại Châu Thành

- 02 chuỗi liên kết.

CT: CC TTBVTV

PH: CC.PTNT, LMHTX, các DN thu mua, phòng NN&PTNT Châu Thành, Chợ Lách

12/2017

12/2018

12/2018

d

Chuỗi sản phẩm cây giống - Hoa kiểng

- Xây dựng HTX sản xuất cây giống- hoa kiểng Chợ Lách

- Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ với các DN/cơ sở thu mua.

- 01 HTX

- 01 chuỗi liên kết.

CT: CC. PTNT

PH: LMHTX, các DN tiêu thụ, phòng NN&PTNT Chợ Lách

12/2017

12/2018

đ

Chuỗi sản phẩm Heo

- Xây dựng HTX nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam

- Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ với các DN/cơ sở thu mua.

- 01 HTX

- 01 chuỗi liên kết.

CT: CC. CNTY

PH: LMHTX, DN tiêu thụ, phòng NN &PTNT Mỏ Cày Nam

12/2017

12/2018

e

Chuỗi sản phẩm tôm biển

- Xây dựng HTX nuôi tôm biển tại huyện Ba Tri

- Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ với các DN/cơ sở thu mua.

- 01 HTX

- 01 chuỗi liên kết.

CT: CC. Thủy sản PH: LMHTX, DN tiêu thụ, phòng NN&PTNT huyện Ba Tri

12/2017

12/2018

1.3

Dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển

- Bảo vệ rừng hiện có; Chăm sóc rừng mới trồng; trồng rừng mới; phòng chống cháy rừng; xây dựng CSHT phục vụ quản lý bảo vệ rừng.

- Bảo vệ rừng: 4.100 ha

- Chăm sóc 248,13 ha

- Trồng mới 100 ha rừng.

Ban Quản lý dự án rừng PH và ĐD

12/2017

1.4

Chương trình xây dựng Nông thôn mới:

- Cụ thể hóa các chính sách mới ban hành để thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia, hưởng ứng tích cực tinh thần "Đồng Khởi mới".

- Huy động các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

- 9 xã điểm 2017 phấn đấu đạt ít nhất 14 tiêu chí đúng thực chất.

- Không để nợ đọng trong XDCB, nợ mặt bằng các công trình hạ tầng, huy động không quá sức dân.

- Chăm lo ASXH, lao động việc làm, y tế, văn hóa, giáo dục cho cộng đồng.

- Nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với BĐKH.

- 09 xã đạt chuẩn NTM

- Số chỉ tiêu bình quân tăng thêm: 2 chỉ tiêu

- Số chỉ tiêu bình quân đạt được: 12 tiêu chí/xã

Toàn thể hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và nhân dân từ cấp tỉnh đến xã, ấp.

12/2017

2

Sở Công Thương

 

 

 

 

2.1

Thực hiện Đề án phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, hướng tới năm 2030

Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn; Phối hợp kêu gọi, hỗ trợ triển khai đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh:

- Đầu tư hạ tầng CCN - TTCN Phong Nẫm; An Đức, Ba Tri; Thành Thới B

- Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết CCN Phú Hưng, CCN An Hòa Tây

- Dự án đầu tư CSHT KCN Phú Thuận

- Thực hiện Giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 11,2% so với ước thực hiện năm 2016.

- Thực hiện Kim ngạch xuất khẩu 830 triệu USD, tăng 14,3% so với năm 2016

- Số thị trường xuất khẩu tăng thêm: 05

Các sở, ngành, Ban QLKCN, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp

Năm 2017

2.2

Thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm, hàng hóa có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Thực hiện GTSXCN hỗ trợ chiếm 17,55% giá trị SXCN toàn tỉnh.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố

Tháng 12/2017

2.3

Thực hiện Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm tỉnh Bến Tre đến năm 2020

Thực hiện GTSXCN ngành chế biến chiếm 80,61% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

2.4

Thực hiện Kế hoạch phát triển chợ nông thôn, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020

Tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ; nhân rộng mô hình cửa hàng tiện lợi; tiếp tục chuyển đổi, đa dạng hóa mô hình quản lý chợ và thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng mới, nâng cấp chợ, nhất là chợ nông thôn.

- Đầu tư phát triển 08 chợ nông thôn;

- Đầu tư phát triển 03 siêu thị, trung tâm thương mại

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp

Năm 2017

2.5

Thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020

Đẩy mạnh hoạt động khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp mới khởi nghiệp, DNNVN để nâng cao hiệu quả hoạt động; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho 50 người.

- Nâng cao năng lực QTDN, khả năng cạnh tranh cho 100 người.

- Hỗ trợ triển khai thực hiện 15 dự án chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản suất.

- Tham gia 02 hội chợ triển lãm; hỗ trợ 20 lượt DN tham gia hội chợ triển lãm trong nước.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp

Năm 2017

2.6

Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn 2016-2020

Thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; nâng chất Chương trình "đưa hàng Việt về nông thôn"; phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa đến vùng nông thôn, các khu/cụm công nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin và dự báo thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, tổ chức các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, ổn định thị trường truyền thống, thâm nhập thị trường mới để gia tăng xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm.

- Tổ chức 01 hội chợ Công nghiệp thương mại;

- Tổ chức tham gia 03 hội chợ triển lãm trong nước; Giới thiệu các doanh nghiệp tham gia 20 hội chợ trong nước;

- Tổ chức 03 hội nghị kết nối DN với các tỉnh, thành phố; tham gia và giới thiệu DN tham gia hội nghị kết nối cung cầu tại TP. HCM.

- Tổ chức 01 đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường trong nước.

- Tổ chức 01 đoàn khảo sát, tham gia hội chợ nước ngoài.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp.

Năm 2017

3

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020.

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư CSVC phục vụ du lịch, tạo sản phẩm khác biệt hấp dẫn du khách; thực hiện chương trình liên kết du lịch với các tỉnh bạn.

- Đào tạo, nâng chất đội ngũ lao động ngành du lịch hướng đến chuyên nghiệp.

- Triển khai Đề án Phát triển du lịch xã Thạnh Phong và Thạnh Hải (đến năm 2030).

- Thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Bến Tre đến năm 2020*.

- Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh Bến Tre; tiềm năng, sản phẩm, dịch vụ du lịch, các khu du lịch, điểm du lịch....

Thu hút khoảng 1,265 triệu lượt khách (trong đó 550 ngàn lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đạt 1.042 tỷ đồng.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch

Năm 2017

4

Sở Tài chính

4.1

Đề án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ ngân sách tỉnh Bến Tre giai đoạn 2017-2020

1. Đối với thu ngân sách

- Phối hợp với Cục thuế, KBNN tỉnh tăng cường quản lý thu; rà soát thu hồi nợ đọng thuế, chống thất thu thuế, kiểm soát các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu phát hiện qua ác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,...

- Mở rộng các loại hình thu, nhất là khu vực ngoài quốc doanh; kiểm soát chặt giá tính thuế hàng NK.

2. Đối với chi ngân sách

- Thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới khi cân đối được nguồn; chủ động đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

a) Chi đầu tư phát triển

- Phải phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Bố trí chi theo nguyên tắc: Tổng chi đầu tư phát triển không thấp hơn tổng số vay bù đắp bội chi từ nguồn vốn trong nước và vốn vay nước ngoài cho ĐTPT.

-Việc bố trí vốn kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn NSNN phải thực hiện đúng quy định.

b) Chi thường xuyên:

- Bảo đảm đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán theo đinh mức phân bổ giai đoạn 2017-2020.

- Bảo đảm tiết kiệm, gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính giai đoạn 2016-2020.

- Giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền.

- Phấn đấu tăng thu nội địa (không kể thu tiền SDĐ, XSKT) tăng bình quân tối thiểu 13-15% so với ước thực hiện năm 2016 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

- Thực hiện cơ cấu lại chi NSNN trên địa bàn theo hướng giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, thực hiện cơ chế giá dịch vụ và xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời kiểm soát tăng chi thường xuyên ở mức dưới 10% để chi trả cho các chế độ chính sách an sinh xã hội, thực hiện cải cách tiền lương và đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên cho bộ máy hành chính.

- Phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.159 tỷ đồng

- Tổng chi ngân sách địa phương 7.163,6 tỷ đồng

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố

- Cục thuế tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh

Năm 2017

4.2

Thực hiện cải cách tài chính công

- Tạo lập môi trường thuận lợi nhằm thu hút hiệu quả các nguồn tài chính trong và ngoài nước cho các mục tiêu phát triển KT-XH; động viên hợp lý các nguồn thu ngân sách, đa dạng các nguồn đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển dịch, vụ công.

- Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính.

- Tăng cường kỷ luật tài chính, công khai tài chính; sự giám sát của cộng đồng đối với quá trình huy động, sử dụng nguồn lực công; nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý nợ công.

- Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới cơ chế giá dịch vụ sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính để thu hút các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển sự nghiệp công.

- Thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ; giảm dần mức hỗ trợ từ NSNN đối với đơn vị sự nghiệp công để có nguồn tăng chi đầu tư, hỗ trợ cho người có công, người nghèo..., qua đó thực hiện tái cơ cấu một bước chi NSNN.

- Ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý tài chính ngân sách trên hệ thống TABMIS

- Đảm bảo 100% các cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ về biên chế và kinh phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ

- Triển khai thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh đạt 80% .

Các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Sở Nội vụ

Năm 2017

4.3

Công tác thẩm tra, thanh quyết toán dự án các công trình và tổng hợp quyết toán NSNN tỉnh Bến Tre

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán.

- Thực hiện tổng hợp báo cáo quyết toán đầy đủ, công khai, minh bạch.

- Đảm bảo thanh quyết toán các dự án, công trình hoàn thành trên 80%.

- Báo cáo quyết toán NSNN trên địa bàn đúng quy định

Các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

Năm 2017-2018

5

Chi nhánh NHNN Bến Tre

5.1

Đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn tín dụng cho các dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

- Các tổ chức tín dụng huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, tranh thủ vốn điều hòa trong hệ thống nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của khách hàng.

- Tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ bảo đảm chất lượng tín dụng.

- Tiếp tục thực hiện tốt việc cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; triển khai, phát động phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng NTM" giai đoạn II; chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Phấn đấu đến cuối năm 2017:

- Tăng trưởng tín dụng: 18%

- Tỷ lệ nợ xấu: dưới 2%

Các Ngân hàng thương mại

Năm 2017

5.2

Triển khai thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

- Tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.

- NHNN tỉnh chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn, vận động hội sở chính của các đơn vị dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi tham gia cho vay theo chương trình.

- Thông báo danh sách các dự án được phê duyệt, chỉ đạo các chi nhánh NHTM tiếp cận, thẩm định và cho vay các dự án đủ điều kiện.

 

Cơ quan giúp việc của Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh

Năm 2017

5.3

Hiện đại hóa và phát triển các dịch vụ ngân hàng. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

- Mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện đại hóa và phát triển dịch vụ ngân hàng.

- Tăng cường công tác truyền thông, có các giải pháp phù hợp khuyến khích người dân quan tâm thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

- Phát triển hệ thống ATM và POS rộng khắp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

 

Kho Bạc Nhà nước tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre.

Năm 2017

5.4

Thực hiện các giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Giải quyết nhanh, đúng quy định các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và công dân liên hệ công tác.

- Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, đề nghị cung cấp dịch vụ ngân hàng theo hướng thật sự gọn nhẹ nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ theo quy định, tránh gây phiền hà cho khách hàng.

 

Sở Công Thương; Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre.

Năm 2017

6

Sở Kế hoạch và Đầu tư

6.1

Phát triển doanh nghiệp mới năm 2017.

- Tham mưu rà soát sửa đổi bổ sung TTHC về đăng ký, hoạt động của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo hướng thuận lợi và tiết kiệm chi phí nhất.

- Giảm số lần yêu cầu nhà đầu tư điều chỉnh, bổ sung hồ sơ, thủ tục xin đầu tư.

- Tổ chức định kỳ đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh.

- Rút ngắn thời gian cấp Giấy CNĐKDN xuống còn bình quân 1,5 ngày (phấn đấu ít nhất 30% hồ sơ được giải quyết trong ngày).

- Cấp mới ít nhất 450 giấy CNĐKDN; trong đó có khoảng 70 DN từ hộ KD chuyển lên, 20 DN khởi nghiệp.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Năm 2017

6.2

Xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư

- Rà soát và phân loại dự án ưu tiên mời gọi đầu tư; lựa chọn các dự án có quy mô, ít ô nhiễm môi trường và có tác động lớn đến phát triển của tỉnh để mời gọi đầu tư.

- Tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng của tỉnh thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, thu hút du lịch.

Thu hút ít nhất 2.000 tỉ đồng vốn đầu tư trong nước và khoảng 25 triệu USD vốn đầu tư FDI

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các nhà đầu tư.

Năm 2017

6.3

Cải thiện năng lực cạnh tranh doanh nghiệp tỉnh

- Tiếp tục cải thiện môi trường và tạo lập cơ chế thông thoáng hơn nữa cho đầu tư;

- Ứng dụng nhanh CNTT, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; cung cấp các thông tin về tình hình thị trường, dự báo thị trường, cơ hội kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp có nhu cầu.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển SXKD.

 

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp.

Năm 2017

6.4

Phát triển kinh tế tập thể

- Quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX; từng bước mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề.

- Phối hợp xây dựng một số HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, thị trường tiêu thụ; chú trọng mở rộng các khâu cung ứng dịch vụ, các dịch vụ mới trong nông nghiệp.

- Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm thu hút được nhiều hộ sản xuất, hộ gia đình tham gia vào THT, HTX.

- Thành lập mới 05 HTX trên các lĩnh vực; xây dựng thành công 03 mô hình HTX kiểu mới cấp tỉnh trên lĩnh vực thủy sản, gạo, trái cây.

- Hoàn tất việc giải thể 24 HTX (100% số HTX hoạt động không đúng theo quy định của Luật HTX 2012).

- Toàn tỉnh có 1.500 THT, trong đó có 50% THT thực hiện theo Nghị định 151/CP.

LM HTX, Sở NNPTNT, UBND các huyện có mô hình HTX (Dự kiến là BT, TP, CL, GT, TPBT, MCN) ,

Năm 2017

6.5

Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng

- Tập trung rà soát, hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND ngày của HĐND tỉnh, về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020.

- Ưu tiên vốn đầu tư cho thanh toán nợ, chuyển tiếp và các công trình có tiến độ tốt, các công trình quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2017.

- Tăng cường vận động các nguồn vốn ODA, NGOs, cũng như huy động nguồn lực theo các hình thức đối tác công tư (PPP).

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2017 đạt 15.500 tỷ đồng, tăng 12,7%.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp.

Năm 2017

6.6

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội

- Triển khai Kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2017 cho các sở ngành, huyện, thành phố.

- Theo dõi, phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch.

- Cân đối bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng CSVC, TTB cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao theo kế hoạch để tạo điều kiện phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%.

- Tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 27%

Các Sở: TC, NV, GDĐT, KH&CN VHTT&DL, LĐTB&XH, YT, BQL các KCN, UBND các huyện, thành phố; các trường TCCN, CĐCN; các cơ sở đào tạo nghề.

Năm 2017

7

Sở Giao thông vận tải

 

 

 

 

7.1

Xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông năm 2017

Đề nghị danh mục công trình, dự án cần thực hiện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương tuân thủ Luật đầu tư công

Hoàn thành đề xuất, trình UBND tỉnh phê duyệt

Các Sở, ngành có liên quan, sở GTVT (Phòng KH-TC chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc thực hiện)

T3/2017

7.2

Xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của ngành

Xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết, Kế hoạch do Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND ban hành nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của ngành GTVT

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Các Sở, ngành có liên quan, Sở GTVT (Phòng Kế hoạch-Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc thực hiện)

Theo thời gian yêu cầu

7.3

Đề xuất danh mục công trình, đề xuất vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông

Đề nghị danh mục công trình, dự án cần thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, kéo dài tuổi thọ khai thác của hệ thống hạ tầng giao thông

Hoàn thành đề xuất, trình phê duyệt danh mục để kịp thời triển khai thực hiện

Ban An toàn giao thông, Sở GTVT (Phòng Quản lý Giao thông chủ trì phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa)

T6/2017

7.4

Kiểm tra, bảo vệ hành lang an toàn giao thông, phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất các giải pháp xóa bỏ các điển đen mất ATGT

Thực hiện kiểm tra, bảo vệ hành lang an toàn giao thông kịp thời đề xuất các giải pháp thực hiện

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Ban An toàn giao thông, Sở GTVT (Phòng Quản lý Giao thông chủ trì phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa)

Thường xuyên

7.5

Tăng cường các biện pháp giám sát hành trình vận tải hữu hiệu. Mở mới, đa dạng các tuyến vận tải, các hình thức vận tải. Đề xuất các biện pháp khuyến khích DN đổi mới phương tiện vận tải nâng cao chất lượng vận tải phục vụ nhân dân

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể việc thực hiện

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Các đơn vị vận tải, Sở GTVT (Phòng Quản lý vận tải)

Thường xuyên

7.6

Đề xuất các giải pháp quản lý, cấp, đổi GPLX theo lộ trình đã quy định

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể việc thực hiện

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Các đơn vị vận tải, Sở GTVT (Phòng Quản lý vận tải)

Thường xuyên

7.7

Tăng cường công tác quản lý phương tiện vận tải, phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể việc thực hiện

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Các đơn vị vận tải, sở GTVT (Phòng Quản lý vận tải)

Thường xuyên

7.8

Đảm bảo, nâng cao sản lượng vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải

Triển khai kế hoạch được duyệt

Tiếp tục triển khai thực hiện

Các đơn vị vận tải, Sở GTVT (Phòng Quản lý vận tải)

Trong năm 2017

7.9

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe, kiểm định chất lượng công trình giao thông

Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Trung tâm Đăng kiểm, Đào Tạo, Sát hạch, Tư vấn và kiểm định chất lượng CTGT thực hiện

T3/2017

7.10

Đề xuất giải pháp tăng cường biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, hành lang giao thông, đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải hành hành tại các bến thủy nội địa

Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Ban ATGT, Sở GTVT (Thanh tra Sở chủ trì phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa, các đơn vị liên quan)

T6/2017

7.11

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển GTNT đảm bảo thực hiện các công trình, dự án hạ tầng GTNT theo kế hoạch.

Phối hợp với các địa phương thực hiện công tác thống kê, rà soát hệ thống giao thông nông thôn, đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể đảm bảo tiến độ theo kế hoạch thực hiện chung của tỉnh

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

UBND các huyện, thành phố, Văn phòng Điều phối NTM, Sở GTVT (Phòng KH-TC chủ trì phối hợp với Tổ Công tác NTM thực hiện)

Năm 2017

7.12

Hỗ trợ, theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh trong công tác xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn đạt chuẩn và kịp hoàn thành theo kế hoạch chung của tỉnh đã đề ra

Thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương, có các đề xuất bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo hoàn thành tiêu chí theo kế hoạch

Hoàn thành tiêu chí theo kế hoạch

UBND các huyện, thành phố, Văn phòng Điều phối NTM, Sở GTVT (Phòng KH-TC chủ trì phối hợp với Tổ Công tác NTM thực hiện)

Năm 2017

7.13

Phối hợp với các huyện, xã hoàn thành xây dựng tiêu chí số 2 tại các xã được chọn là xã NTM, hỗ trợ để hoàn thành công nhận huyện Chợ Lách sớm được công nhận là huyện NTM

Thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương, có các đề xuất bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo hoàn thành tiêu chí theo kế hoạch

Hoàn thành tiêu chí theo kế hoạch

UBND các huyện, thành phố, Văn phòng Điều phối NTM, Sở GTVT (Phòng KH-TC chủ trì phối hợp với Tổ Công tác NTM thực hiện)

Năm 2017

7.14

Kéo giảm các vi phạm hành chính về giao thông đường bộ so với năm 2016

Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Ban ATGT, UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh, Sở GTVT (Phòng QLGT chủ trì phối hợp BQLDA nguồn vốn SNKT GTVT)

Năm 2017

7.15

Tuyên truyền nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông

Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Ban ATGT, UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh, Sở GTVT (Phòng QLGT chủ trì phối hợp BQLDA nguồn vốn SNKT GTVT)

Năm 2017

7.16

Rà soát, xóa bỏ các điểm đen mất an toàn giao thông. Bổ sung, thay thế, sửa chữa hệ thống biển báo hiệu, cảnh báo giao thông trên tất cả các tuyến giao thông.

Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Ban ATGT, UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh, sở GTVT (Phòng QLGT chủ trì phối hợp BQLDA nguồn vốn SNKT GTVT)

Năm 2017

7.17

Đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền đảm bảo ATGT đến người dân, chủ phương tiện vận tải, phổ biến Luật An toàn giao thông thường xuyên, liên tục

Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể

Hoàn thành đề xuất, triển khai thực hiện

Ban ATGT, UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh, Sở GTVT (Phòng QLGT chủ trì phối hợp BQLDA nguồn vốn SNKT GTVT)

Thường xuyên trong năm 2017

8

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

 

 

 

8.1

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai

Thực hiện Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG).

Bổ sung CSDL đất đai được hoàn chỉnh, gồm: Thông tin địa chính, quy hoạch, giá đất, hiện trạng sử dụng đất.

BQLDA VILG Trung ương; BQLDA VILG tỉnh.

01/2017 - 12/2019

Nâng cao tỷ lệ cấp Giấy CN QSDĐ lần đầu cho tổ chức và cá nhân.

Tổ chức: 84%.

Hộ gia đình, cá nhân: 98,7%.

Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện, xã

Cuối năm 2017

Giảm số ngày thực hiện thủ tục giao đất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đề xuất cắt giảm 10% thời gian thực hiện

Sở KH&ĐT, Tài chính, Cục thuế

Cuối năm 2017

Liên thông TTHC lĩnh vực đất đai.

Đang thực hiện

 

 

Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bến Tre đến năm 2020, lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 của cấp tỉnh.

Quyết định phê duyệt của Chính Phủ

Văn Phòng UBND tỉnh

Năm 2017

Định giá đất cụ thể.

Xác định hệ số để làm cơ sở cho việc đấu giá cho thuê đất, thu hồi đất thực hiện công trình.

UBND các huyện, thành phố; Sở Tài chính; Hội đồng thẩm giá đất tỉnh.

Năm 2017

Thống kê đất đai.

Báo cáo Thống kê đất đai cấp tỉnh, huyện, xã

UBND các huyện, thành phố; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy QS tỉnh.

Năm 2017

Biên tập và chồng ghép bản đồ quy hoạch lên bản đồ địa chính và đưa lên website Đồ án: Quy hoạch phân khu đô thị số 2, 3.

Chuyển đổi, biên tập, chồng ghép và cập nhật lên Webside Sở TNMT

Sở Xây dựng

Năm 2017

Điều tra thoái hóa đất kỳ đầu trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Báo cáo tổng hợp về thoái hóa đất, các loại bản đồ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố

Năm 2017

8.2

Quản lý chặt chẽ, có hiệu quả việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên.

Xây dựng dự án phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quyết định phê duyệt kế hoạch phân vùng chức năng đới bờ đảm bảo khai thác sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

UBND 03 huyện ven biển

Cuối năm 2018

Tiếp tục triển khai quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Bến Tre đến năm 2020 đến địa phương.

Tất cả các huyện, xã nắm được quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tại địa bàn quản lý.

UBND cấp huyện, xã

Cuối năm 2017

Lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

Quyết định phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.

UBND cấp huyện, xã

Cuối năm 2017

Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Quy hoạch được phê duyệt và triển khai thực hiện

Các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, xã.

Cuối năm 2017

8.3

Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường

Nhân rộng các mô hình chăn nuôi kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre: Đánh giá thực trạng chăn nuôi tại các vùng phân bố đàn heo và bò trọng điểm theo QĐ 2526/UBND ngày 19/12/2012

Báo cáo thực trạng chăn nuôi trên địa bàn huyện: MCN, MCB, GT, BT; Chọn được mô hình điểm về xử lý chất thải chăn nuôi và hiệu quả của các giải pháp xử lý theo từng quy mô.

Sở NN&PTNT; Sở Tài chính; UBMTTQ tỉnh; UBND các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Ba Tri; Đài PTTT; Báo Đồng khởi

Cuối năm 2017

Thực hiện quan trắc môi trường 04 lần/ năm.

Báo cáo kết quả quan trắc môi trường

Trung Tâm Quan trắc TN&MT

Năm 2017

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý môi trường tỉnh Bến Tre.

Cơ sở dữ liệu quản lý môi trường

Các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện;

Đơn vị tư vấn

2017-2018

Xây dựng và triển khai Bộ chỉ thị môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Bộ chỉ thị môi trường

Các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện;

Đơn vị tư vấn

Cuối năm 2017

Xây dựng kết nối quan trắc tự động hệ thống xử lý nước thải tập trung các Khu Công nghiệp về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Kết nối theo dõi kết quả quan trắc tự động hệ thống xử lý nước thải tập trung các KCN về Sở TN&MT

Ban Quản lý các KCN; đơn vị tư vấn

Cuối năm 2017

Đóng cửa Bãi rác Phú Hưng

Cải thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường của Bãi rác Phú Hưng

Sở Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; đơn vị tư vấn

Khi TW vốn 2017-2018

8.4

Thực hiện tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới.

Phối hợp xây dựng kế hoạch liên tịch về bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM năm 2017.

9 xã đạt tiêu chí 17

UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã

Cuối năm 2017

9

Sở Xây dựng

 

 

 

 

9.1

Công bố Bộ TTHC thay thế, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng

- Rà soát theo Bộ TTHC của ngành Xây dựng do Bộ Xây dựng công bố.

- Rà soát các quy định thực hiện thủ tục tại các Thông tư, Nghị định,...

Quyết định công bố

Sở tư pháp

Quý III/2017

9.2

Rà soát cắt giảm TTHC lĩnh vực xây dựng (đối với thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề)

Rà soát, cắt giảm các điều kiện quy định thực hiện thủ tục

- Báo cáo kết quả đơn giản hóa TTHC lĩnh vực chứng chỉ hành nghề

- Cắt giảm 20% TTHC

 

Quý III/2017

9.3

Triển khai KH thực hiện Chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Thực hiện theo nội dung chương trình

Đề án công nhận đô thị loại V: An Thạnh huyện Mỏ Cày Nam, Lộc Thuận huyện Bình Đại

Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Quý IV/2017

9.4

Hướng dẫn cấp phép xây dựng trên địa bàn tỉnh

Thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư, Nghị định hiện hành

Văn bản quyết định

Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Quý I/2017

9.5

Xây dựng mới các bộ đơn giá phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh

Thuê tư vấn thực hiện

Quyết định công bố

Các sở, ngành

Quý II/2016

9.6

Triển khai Đề án cấp nước sạch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020

Thực hiện theo nội dung của Đề án

- Chuyển 02 trạm cấp nước nông thôn cho Cty CP CTN quản lý.

- Lập BCĐ cấp nước an toàn và chống thất thoát.

- Xây dựng Kế hoạch cấp nước an toàn cho đô thị và KCN năm 2017.

- Kêu gọi đầu tư nâng cấp NMN An Hiệp, xây dựng NMN Tân Phú.

 

 

II

LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI

 

 

 

 

1

Sở Giáo dục và Đào tạo

 

 

 

 

1.1

Không để xảy ra các trường hợp học sinh bị trấn lột tại các trường học

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường quản lý an ninh trường học.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền trong học sinh; phối hợp công an, đoàn thể, cha mẹ học sinh để ngăn chặn kịp thời.

Phấn đấu kéo giảm các trường hợp học sinh bị trấn lột

Các tổ chức chính quyền, đoàn thể, công an các cấp

Thực hiện thường xuyên

1.2

Giải pháp quản lý dạy thêm, học thêm

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh và chỉ đạo xử lý vi phạm kịp thời.

- Nâng cao trách nhiệm của Giám đốc Sở trong quản lý dạy/học thêm.

- Đưa công tác quản lý dạy thêm học thêm vào tiêu chí thi đua khen thưởng của ngành.

- Phấn đấu không có vi phạm dạy thêm học thêm trong nhà trường.

- Chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các tổ chức chính quyền, đoàn thể các cấp và quần chúng nhân dân

Báo cáo theo tháng, quý, năm

1.3

Phân luồng học sinh

- Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục hướng nghiệp, gắn với "Đồng Khởi KN"

- Thực hiện Kế hoạch số 1704/KH-SGD&ĐT về thực hiện công tác giáo dục khởi nghiệp trong trường THPT trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ năm học 2016-2017.

Phấn đấu có 100% học sinh cấp THCS, THPT được giáo dục hướng nghiệp; 100% học sinh cấp THPT được giáo dục khởi nghiệp

Các trường Cao đẳng, TCCN, trung tâm GDNN-GDTX

Thực hiện thường xuyên

1.4

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp

- Các trường chú trọng việc xây dựng và thực hiện KH giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh.

- Đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh.

- Hướng dẫn các trường THPT, TT GDNN-GDTX tổ chức dạy học và ôn thi THPT quốc gia năm 2017.

Cấp THCS trên 98%

Cấp THPT trên 95%

 

Kết thúc năm học 2016-2017

1.5

Tỷ lệ học sinh bỏ học

- Chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc nắm tình hình học sinh có dấu hiệu bỏ học ngay từ đầu năm học.

- Phát huy sự gắn kết giữa 03 môi trường giáo dục (nhà trường - gia đình và xã hội).

- Tăng cường công tác phụ đạo; vận động vật chất để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, tạo mọi điều kiện để các em tiếp tục đến trường;...

Cấp TH dưới 0,1%, cấp THCS dưới 1%, cấp THPT dưới 3%.

Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức chính trị-xã hội, hội cha mẹ học sinh và các tổ chức hội ở địa phương

Theo từng năm học

2

Sở Y tế

 

 

 

 

2.1

Kéo giảm số ca sốt xuất huyết so với năm 2016; không để xảy ra tử vong

- Chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động phòng chống SXH trên địa bàn phụ trách.

- Tăng cường truyền thông về phòng chống SXH trên các báo đài, khu dân cư.

- Thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng.

- Nâng cao chất lượng của cán bộ chuyên trách xã qua hoạt động giám sát, thông tin phản hồi

- Tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH cho bác sĩ, điều dưỡng

- Giảm 5% tỉ lệ mắc/100.000 dân so với trung bình giai đoạn 2011-2015.

- Tỷ lệ chết/mắc dưới 0,09%.

Sở Giáo dục và Đào tạo; Đài PTTH tỉnh; Đoàn thể tỉnh, huyện, xã; UBND huyện, thành phố

Năm 2017

2.2

ATVS thực phẩm

- Nâng cao năng lực quản lý chất lượng và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra ATVSTP

- Tuyên truyền ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng

- Số vụ ngộ độc thực phẩm ≥ 30 người mắc: 0

- Số người mắc NĐTP/100.000 dân: ≤ 6

Sở Công an; Sở CT; Sở NN&PTNT, Báo ĐK, Đài PTTH, Đoàn thể tỉnh, huyện, xã; UBND huyện, thành phố

Năm 2017

2.3

Quản lý y, dược tư nhân

- Duy trì việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở Y Dược tư nhân đúng quy định

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở Y dược tư nhân

- Tổ chức các đợt tập huấn nhằm cập nhật các quy định mới của Ngành, cập nhật kiến thức chuyên môn và phổ biến hướng dẫn việc tuân thủ thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề Y Dược tư nhân

100% các cơ sở Y Dược tư nhân được thẩm định và cấp giấy phép hoạt động

Phòng Y tế huyện, thành phố

Năm 2017

3

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

 

 

 

3.1

- Quản lý nhạc sống trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ban hành quy định quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nhất là đối với các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa và hộ kinh doanh cố định thường xuyên có sử dụng thiết bị âm thanh để quảng cáo trên địa bàn các huyện và thành phố.

- Vận động các hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa đăng ký kinh doanh.

 

Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh-Truyền hình; Báo Đồng Khởi và các Sở, Ban ngành tỉnh...

Hàng năm

3.2

- Chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

- Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong phong trào TDĐKXDĐSVH và xây dựng NTM.

- Có giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém, sa sút trong phong trào; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh; kiên quyết thu hồi danh hiệu hoặc không công nhận lại đối với những danh hiệu sa sút nghiêm trọng, không khắc phục.

- Gắn kết việc tuyên truyền, vận động với phát động thi đua "Đồng khởi mới"; lồng ghép nội dung thi đua xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng NTM với cam kết thực hiện quy ước nông thôn; tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng văn hóa và đời sống văn hóa.

- Củng cố, kiện toàn BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp; có kế hoạch triển khai các chương trình lồng ghép, nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phong trào.

- Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở; kiến thức xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa NTM, văn minh đô thị cho cán bộ xã, phường, thị trấn và khu dân cư.

- Nhân rộng các mô hình hoạt động VH-TT có hiệu quả; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, hội thao, giao lưu văn hóa - thể thao hướng về cơ sở gắn với các ngày truyền thống.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát nâng chất các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa NTM và văn minh đô thị.

- Hỗ trợ tập huấn thực hiện Tiêu chí số 06, 16 cho các xã xây dựng "Xã đạt chuẩn văn hóa NTM" và "Xã đạt chuẩn NTM" các năm tiếp theo.

- Vận động 90% công dân từ 16 tuổi trở lên đăng ký tiêu chí XD "Người tốt, việc tốt"; "Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ"; 90% "Người lớn gương mẫu"; 90% "Trẻ em chăm ngoan".

- Hàng năm giữ vững và công nhận 90% hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", trong đó 70% hộ "Gia đình văn hóa" đạt chuẩn 3 năm liên tục.

- Duy trì, nâng chất 90% KDC cư trong tỉnh đạt danh hiệu "Ấp, khu phố văn hóa" hàng năm, trong đó 70% "Ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa" 3 năm liên tục.

- Phát động 90% cơ quan, đơn vị, DN đăng ký và công nhận 80% "Cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa".

- Kiểm tra, giám sát nâng chất 20 xã, phường, thị trấn văn hóa; 10 cơ quan, đơn vị văn hóa (TPBT); kiểm tra, giám sát đột xuất việc xây dựng và nâng chất các danh hiệu văn hóa tại chất 30 xã, phường, thị trấn văn hóa.

- Công nhận 09 "Xã đạt chuẩn văn hóa NTM" 01 phường hoặc thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Các ban, ngành, đoàn thể là thành viên BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh; huyện, thành phố.

Quý III và IV/2017

3.3

- Chất lượng cơ quan văn hóa, xã văn hóa, ấp văn hóa.

4

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

 

 

 

 

4.1

Giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động

- Thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án nhằm tạo nhiều việc làm mới cho lao động thông qua phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, trong đó chú trọng lao động nông thôn, thanh niên và sinh viên mới tốt nghiệp.

- Phân tích tình hình tăng trưởng việc làm, dự báo nhu cầu lao động để phục vụ công tác đào tạo nghề; duy trì cập nhật thông tin. thị trường lao động.

Giải quyết việc làm 18.000 người; xuất khẩu lao động 600 người

UBND các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành và các hội, đoàn thể tỉnh

Tháng 12/2017

4.2

Tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề

- Tập trung thực hiện KH điều chỉnh mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Thực hiện tốt công tác tuyển sinh cao đẳng,trung cấp và sơ cấp nghề, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, tiếp tục đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%; trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 27%

Sở Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Tháng 12/2017

4.3

Giảm tỷ lệ hộ nghèo

Tập trung thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững; thực hiện chương trình ĐKKN, khởi nghiệp thoát nghèo; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ người nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố

Tháng 12/2017

5

Sở Khoa học và Công nghệ

 

 

 

 

5.1

Tỉ lệ số đề tài, dự án đã nghiệm thu ứng dụng vào sản xuất, đời sống xã hội trong năm.

Các đề tài, dự án thực hiện theo đặt hàng của lãnh đạo, các Sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cơ sở sản xuất, kinh doanh

100%

Các tổ chức KH&CN, các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và Cơ sơ SXKD

Tháng 11/2017

5.2

Các sản phẩm, chế phẩm mới được tạo ra trong năm.

Hạn chế gia hạn và đôn đốc thực hiện đúng tiến độ hợp đồng

02 sản phẩm

Các chủ nhiệm và cơ quan chủ trì thực hiện đề tài, dự án KH&CN

Tháng 12/2017

5.3

Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao

- Nâng chất lượng Hội đồng KH&CN

- Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất

21%

Các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cơ sở sản xuất kinh doanh

Tháng 11/2017

5.4

Thực hiện 03 chương trình KHCN trọng điểm của tỉnh.

Hạn chế gia hạn và đôn đốc thực hiện đúng tiến độ hợp đồng

03 chương trình được thực hiện đảm bảo hiệu quả

Các tổ chức KH&CN

Phê duyệt chương trình NN đô thị trong quý II/2017

5.5

Số doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất trong năm.

Khảo sát thực tế và hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp

02 doanh nghiệp

Các doanh nghiệp

Tháng 10/2017

5.6

Kết quả hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương

Khảo sát thực tế và hỗ trợ trực tiếp các hợp tác xã, tổ hợp tác

01 sản phẩm

UBND các huyện, thành phố, hợp tác xã, tổ hợp tác

Tháng 12/2017

5.7

Tỷ lệ sáng chế đăng ký bảo hộ so với số lượng sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ năm 2015

- Hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức

- Phát động phong trào sáng tạo

90%

Các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể

Tháng 12/2017

5.8

Tỷ lệ (tốc độ) đổi mới công nghệ

Khảo sát thực tế và hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp

17%

Các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và doanh nghiệp

Tháng 11/2017

6

Sở Thông tin và Truyền thông

 

 

 

 

6.1

Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh

Tập huấn, hướng dẫn sử dụng; ban hành quy chế quản lý và sử dụng

Đưa vào sử dụng chữ ký số chuyên dùng

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện/thành phố

Thực hiện hàng năm

6.2

Trang bị máy quét văn bản (scanner) phục vụ liên thông văn bản điện tử qua mạng

Trang bị máy quét văn bản cho các cơ quan, đơn vị

Đến UBND cấp xã

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã

Năm 2017

6.3

Hoạt động đào tạo, tập huấn về CNTT

Mở các lớp đào tạo, tập huấn: An toàn, bảo mật thông tin; quản trị mạng; kỹ năng quản lý nhà nước về CNTT; kiến thức CNTT cho lãnh đạo; xây dựng, kiểm tra an ninh hạ tầng mạng, hệ thống máy chủ, các website cho Đội ứng cứu máy tính.

10 lớp

Trung tâm phần mềm thuộc Đại học Cần Thơ

Thực hiện hàng năm

6.4

Tỷ lệ CBCC, VC ứng dụng CNTT trong công việc

Rà soát, bổ sung, cấp mới hộp thư điện tử công vụ

100%

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã

Thực hiện hàng năm

6.5

Tỷ lệ sở, ngành, địa phương áp dụng hệ thống quản lý và điều hành I-Office trong giải quyết công việc

Đưa vào vận hành, khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice

100%

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã

Thực hiện hàng năm

6.6

Hoàn thiện Cổng TTĐT tỉnh và của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố

Rà soát, hoàn thiện nội dung Cổng TTĐT tỉnh và các Cổng thành phần

100%

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện

Thực hiện hàng năm

6.7

Hệ thống một cửa điện tử (Tỷ lệ TTHC cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến)

Mỗi sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện lựa chọn tối thiểu 01 TTHC để triển khai thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên cổng TTĐT tỉnh và cổng hành chính công trực tuyến của tỉnh.

100% đạt mức độ 2; 5% đạt mức độ 3

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện

2020

6.8

Vận hành mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước

Ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác

Đưa vào vận hành chính thức

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện

2017

6.9

Tỷ lệ CBCC,VC được cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ

Rà soát, bổ sung, cấp mới hộp thư điện tử công vụ

100%

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã

Thực hiện hàng năm

6.10

Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phần mềm chuyên dung tại TT THDL tỉnh theo mô hình điện toán đám mây đảm bảo hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho hoạt động ứng dụng CNTT

01 máy chủ; 01 hệ thống SAN; 02 bộ chuyển mạch SAN; 01 tường lửa

 

2018

6.11

Xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh

Khảo sát, kiểm tra, tổng hợp số liệu và đánh giá các hoạt động về bưu chính viễn thông để xây dựng quy hoạch

Hoàn chỉnh quy hoạch

Các doanh nghiệp BCVT

2017

6.12

Đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

Mở các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ phóng viên, nhà báo, biên tập viên và các bộ làm ông tác thông tin và truyền thông cơ sở về: thông tin đối ngoại; công tác phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí; công tác thông tin Truyền thông cơ sở

07 lớp

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã

Thực hiện hàng năm

6.13

Nâng cấp trang thiết bị Đài truyền thanh cơ sở

Đầu tư mua sắm trang thiết bị đài truyền thanh cơ sở

02 Đài Truyền thanh huyện và 15 Đài truyền thanh xã

UBND các huyện và xã được thụ hưởng

Như trên

III

LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG - AN NINH, NỘI CHÍNH, ĐỐI NGOẠI

1

Công an tỉnh

 

 

 

 

1.1

Đảm bảo an ninh chính trị trong mọi tình huống.

- Tham mưu BTV Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo ANTT năm 2017.

- Chủ động phối hợp nắm tình hình, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các trường hợp nghi vấn xâm phạm ANQG.

- Phối hợp tham mưu giải quyết tình hình khiếu kiện đất TĐSX theo Chỉ thị số 14 của Tỉnh ủy.

- Đảm bảo an ninh trên các lĩnh vực (kinh tế, nội bộ, tư tưởng - văn hóa, thông tin, tôn giáo, nông thôn, tuyến biển...).

- Nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử chống đối, cực đoan, cơ hội chính trị; không để xảy ra các tình huống, vụ việc đột xuất, bất ngờ.

- Kiểm soát tình hình, giữ vững an ninh chính trị, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm ANQG.

MTTQ và các sở, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố

Cuối năm 2017

1.2

Kéo giảm phạm pháp hình sự so với năm 2016 (nhất là tội phạm giết người, trộm cắp, cướp giật tài sản...).

- Làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với phòng ngừa xã hội. Tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm.

- Thành lập, củng cố các Tổ, chốt; tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm; tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.

- Phối hợp các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên tịch phòng, chống tội phạm.

Phấn đấu kéo giảm PPHS thấp hơn 615 vụ, trong đó, tội phạm giết người dưới 17 vụ, trộm cắp tài sản dưới 319 vụ, cướp giật tài sản dưới 60 vụ (tính đến 11 tháng năm 2017).

MTTQ và các sở, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố

Cuối năm 2017

1.3

Kéo giảm tội phạm và tệ nạn ma túy so với năm 2016.

- Triển khai các biện pháp nghiệp vụ năm, đấu tranh xử lý nghiêm tội phạm ma túy.

- Tăng cường quản lý người nghiện, chủ động phát hiện, xử phạt các trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy.

- Triển khai thực hiện Nghị định số 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phấn đấu không để xảy ra các vụ án ma túy lớn; phấn đấu lập hồ sơ đưa người nghiện đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, góp phần kéo giảm người nghiện ngoài xã hội.

MTTQ và các sở, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố

Cuối năm 2017

1.4

Kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 mặt so với năm 2016.

- Phối hợp ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT; rà soát, kiến nghị khắc phục các bất cập trong kết cấu hạ tầng giao thông; giải tỏa hành lang ATGT.

- Mở các cao điểm đảm bảo TTATGT; xây dựng các PA, KH phòng, chống ùn tắt giao thông.

- Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, thời gian thường xảy ra TNGT; xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT.

Phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 mặt từ 5-10% so với năm 2016.

MTTQ và các sở, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố

Cuối năm 2017

1.5

Nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự.

- Làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; nâng cao hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra ban đầu, nhất là các vụ trộm cắp tài sản.

- Sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, kể cả biện pháp nghiệp vụ và biện pháp hành chính để tập trung điều tra, làm rõ vụ án.

- Nâng cao hiệu quả công tác bắt truy nã, hạn chế tối đa phát sinh đối tượng mới.

Phấn đấu tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt từ 75% trở lên.

MTTQ và các sở, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố

Cuối năm 2017

2

Sở Nội vụ

 

 

 

 

2.1

Hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm của các đơn vị.

Hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm

28/28 đơn vị

Các cơ quan, đơn vị

Quý IV/2017

2.2

Kết quả thực hiện cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức so với năm 2016

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 6848/KH-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh về thực hiện công tác CCHC năm 2016

Chỉ số CCHC năm 2016 đạt từ 80% trở lên (nhóm khá trở lên)

Các cơ quan, đơn vị có liên quan

2017

2.3

Kết quả thực hiện Kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh.

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 4219/KH-UBND ngày 13/8/2015 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh giai đoạn 2015-2020

Chỉ số PAPI của tỉnh được xếp trong nhóm có điểm trung bình cao trở lên

Các cơ quan, đơn vị có liên quan

2017

2.4

Thi tuyển công chức,viên chức

- Tổng hợp chỉ tiêu

- Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện

- Công chức: 47 chỉ tiêu

- Viên chức: theo nhu cầu và chỉ tiêu được giao

Các cơ quan, đơn vị

Quý IV/2017

2.5

Số cán bộ công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng

Triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC năm 2017 và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC của tỉnh giai đoạn 2016-2020

12.000 lượt

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố

Quý IV/2017

2.6

Chất lượng đội ngũ CBCC, VC đáp ứng yêu cầu công việc

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng.

- Thực hiện tinh giản biên chế.

- Tăng cường công tác nhận xét, đánh giá

99% đáp ứng yêu cầu công việc

Các cơ quan, đơn vị

Quý I/2018

2.7

Thanh tra công vụ

1. Thanh tra nội vụ:

- Thanh tra về tôn giáo

- Thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

- Thanh tra về công tác nội vụ

02 đơn vị

03 đơn vị

03 đơn vị

Ban Tôn giáo

Trong năm 2017

2. Kiểm tra công vụ:

12 cuộc

 

 

3

Thanh tra tỉnh

 

 

 

 

3.1

Tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo so với năm 2016

Tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, tham mưu giải quyết kịp thời các đơn mới phát sinh

85% trở lên

Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Quý IV/2017

3.2

Giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo tồn đọng, kéo dài

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về đất tập đoàn sản xuất huyện Ba Tri

80% trở lên

Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Quý III/2017

3.3

Phòng chống tham nhũng

Thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Tiến hành thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng

03 cuộc

Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Quý II& III/2017

4.4

Thanh tra trách nhiệm

Chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch thanh tra trách nhiệm về tiếp công dân, giải quyết KNTC của Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố

04 cuộc

Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

Quý III/2017

4

Sở Tư pháp

 

 

 

 

4.1

Đề án đẩy mạnh phổ biến Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị.

- Tổ chức các lớp triển khai các văn bản luật mới, những quy định về quyền dân sự, chính trị; nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên.

- Tổ chức 02 lớp (nếu được cấp kinh phí).

Đài PTVTH, Sở LĐTH&XH, BHXH Ban An toàn giao thông ...,

Quý 2- quý 3

- Nâng cao chất lượng Bản tin tư pháp, Chương trình: Tư vấn pháp luật", chuyên mục truyền hình "Pháp luật và Đời sống"; Trang thông tin điện tử của Sở.

- 6 kỳ bản tin Tư pháp; 130 Chương trình "Tư vấn pháp luật", chương trình phát thanh, chuyên mục truyền hình "Pháp luật và Đời sống"; 20 tin, bài phổ biến, giáo dục pháp luật

Thường xuyên

4.2

Hòa giải ở cơ sở

- Vận động thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn; kiện toàn Tổ hòa giải; bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng các tổ hòa giải, hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ.

- Giữ vững đoàn kết trong nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm ANTT, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

- Phấn đấu tỷ lệ hòa giải thành công, đạt 85%

UBMTTQ các cấp, UBND các huyện, thành phố.

Thường xuyên

Giữa năm và cuối năm

4.3

Chất lượng các VB QPPL được ban hành

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác soạn thảo, ban hành VBQPPL cho các cán bộ sở, ban, ngành. UBND cấp huyện, Phòng Tư pháp, công chức pháp chế.

Chất lượng các VBQPPL được nâng lên, giảm sai sót

Các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố; Phòng TP, công chức pháp chế

Quý 3/2017

4.4

Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính

Tập trung vào lĩnh vực: Phát triển nông thôn; chăn nuôi và thú y; ATVSTP; hóa chất; điện; lữ hành; TDTT; nghệ thuật biểu diễn; di sản văn hóa; đầu tư; LĐ, TB&XH; tư pháp; đất đai; xây dựng.

Kiến nghị đơn giản hóa 20 TTHC trên các lĩnh vực

Các sở, ngành có liên quan; UBND cấp huyện, xã

Quý 3/2017

5

Cục Thi hành án tỉnh

 

 

 

 

5.1

Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự

Xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS.

Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao.

 

 

5.2

Xây dựng đội ngũ công chức THADS trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ công chức, người lao động phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ.

Đội ngũ công chức THADS trong sạch, vững mạnh.

 

 

5.3

Thực hiện tốt công tác giải quyết đơn, thư KNTC theo thẩm quyền

 

Đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền được giải quyết đúng thời hạn, đúng trình tự thủ tục theo quy định

 

 

 



1 Đến nay đàn heo thương phẩm trong tỉnh có chất lượng cao, đạt 100% số heo có máu lai 2-3 máu của các giống heo ngoại cao sản. Có 857 hộ và trang trại chăn nuôi ký bảng cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Có 18 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP tại huyện Mỏ Cày Nam và kết nối tiêu thụ với Công ty VISSSAN. Dự án LCASP đã hỗ trợ xây dựng 1.700 hầm khí sinh học nhằm giảm thiểu nguồn ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

2 Sò nuôi phát triển bình thường, giá ổn định mức cao; nuôi nghêu và hàu trong tháng 3/2016 đã xảy ra hiện tượng chết nhưng đến nay đã phát triển ổn định, giá bán nghêu kích cỡ 30-65 con dao động từ 25.000-31.000/kg; các bãi nghêu thịt, nghêu giống được khảo sát thường xuyên, thu mẫu nước, kiểm nghiệm định kỳ các yếu tố môi trường để có giải pháp quản lý kịp thời.

3 Tổng số tàu cá đăng ký toàn tỉnh đạt 4.283 tàu (trong đó tàu xa bờ 1.913 tàu, tăng 93 tàu, CS bình quân 529 CV/tàu).

4 Ba Tri chuyển đổi 20 ha đất lúa sang trồng rau, 50 ha chuyển đổi sang trồng dừa 25 ha sang trồng cỏ nuôi bò; Thạnh Phú 10 ha chuyển đổi sang trồng rau, 13 ha chuyển đổi sang trồng dừa). Xây dựng vùng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP cho xã An Nhơn huyện Thạnh Phú diện tích 100 ha trên các giống lúa cao sản gạo ngon; đồng thời phục tráng 3 giống lúa Mùa địa phương để cung cấp giống sản xuất gạo sạch.

5 Qua kết quả điều tra, tổng DT vườn tạp cần cải tạo là 1.736,4 ha, được phân bố tại vùng ngọt với DT 330,7 ha; vùng mặn với DT 68 ha; vùng lợ với DT 1.337,7 ha, với 5.580 hộ, trong đó có 10% hộ nghèo và 50% hộ cận nghèo.

6 Ngoài ra còn tập trung hỗ trợ các CSSX giống, nuôi thủy sản thương phẩm áp dụng thực hiện nuôi trong thủy sản tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, ASC, BAP, AquaGAP, MSC; xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm và cấp mã số nhận diện ao nuôi cho 26 cơ sở với 600 ao nuôi, diện tích 527,32 ha; xây dựng 1.700 công trình khí sinh học cho các hộ chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung.

7 Nghị quyết số 07/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 về chính sách hộ tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐND về thu tiền bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Nghị quyết số 17/2015/NQ-HĐND ngày 04/12/2015 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 03/8/2016 của UBND tỉnh, về việc quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020.

8 Trong đó: 35 dự án đang hoạt động; 05 dự án đang xây dựng; 04 dự án đang chuẩn bị triển khai xây dựng.

9 CSHT, CSVCKT: du lịch các xã ven sông Tiền, du lịch Cồn Bửng; Khu du lịch Forever Green Resort; Điểm dừng chân du lịch An Khánh; Trạm dừng chân Phú An Khang; Điểm du lịch sinh thái Lan Vương 3; Điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Vườn chim Vàm Hồ; Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường HCM trên biển; Khu du lịch nghỉ dưỡng;sinh thái Mekong Pearl; Điểm du lịch sinh thái Phú Bình.

10 Toàn tỉnh hiện có 43 bưu cục 3; 103 bưu điện văn hóa xã; 15 đại lý bưu điện đa dịch vụ; 1.140 trạm BTS; 1.389.000 thuê bao điện thoại di động; 58.307 thuê bao điện thoại cố định, mật độ sử dụng chung 113,93 máy/100 dân; 60.522 thuê bao Internet, mật độ 31,2 người/100 dân.

11 Các ngân hàng chi nhánh đã dành phần vốn 720 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhu cầu khởi nghiệp và mở rộng sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thông thường 0,5 - 1 %/năm.

12 Các NH đã dành 1.251 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ xây dựng, mua sắm dụng cụ trữ nước, cơ cấu lại nợ cho 3 khách hàng (5,2 tỷ đồng); tài trợ ASXH ở một số địa phương chịu ảnh hưởng mặn với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng;...

13 Chính sách phát triển thủy sản các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với 10 chủ tàu với tổng hạn mức tín dụng 78,8 tỷ đồng đã giải ngân 62,4 tỷ đồng; có một hộ bắt đầu trả nợ vay, số tiền đã trả là 0,3 tỷ đồng. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, cho vay mới 205 doanh nghiệp với số tiền 1.279 tỷ đồng, nâng hạn mức tín dụng cho 65 doanh nghiệp với hạn mức cấp thêm 338 tỷ đồng, giảm lãi suất 34 doanh nghiệp với dư nợ 51,2 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng.

14 Doanh số cho vay của NH CSXH lũy kế từ đầu năm đạt 780 tỷ đồng, dư nợ 1.950 tỷ đồng, tăng 14,1 % so đầu năm

15 Trong 9 tháng đầu năm đã phát hành 14.600 tờ bướm, tổ chức 1.450 cuộc tọa đàm với 50.490 lượt người tham dự; đồng thời đã tổ chức được 25 lớp tập huấn cho cán bộ thực hiện nông thôn mới cấp xã, ấp.

16 Trong đó: vốn Nhà nước 1.652,9 tỷ đồng (82,31%); vốn doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác đầu tư trên địa bàn xã 124 tỷ đồng (6,16%); vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 205 tỷ đồng (10,20%); vốn huy động từ nguồn khác 26 tỷ đồng (1,33%).

17 Do miễn giảm thuế đất phi nông nghiệp; thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh giảm so cùng kỳ do một số doanh nghiệp SXKD gặp khó khăn do tác động của môi trường, khí hậu, nước mặn,...

18 Tiếp tục thi công đường Cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định; ĐT 883 (đoạn từ đường vào cầu Rạch Miễu đến cầu An Hóa); ĐH 173 (đoạn từ đường vào K20 đến cầu Thầy Thông) cầu Hương Điểm (ĐT 887)...

19 Như đồ án quy hoạch Thị trấn Châu Thành, đô thị Trung tâm xã Tân Thành Bình, An Thạnh, Tân Xuân, An Ngãi Trung, An Định, Phú Phụng, Mỹ Chánh, Tân Phong...

20 Trong đó, 36 HTX chuyển đổi trước ngày 30/6/2016; số HTX chuyển đổi chiếm 58,5% số HTX hiện đang hoạt động và 88,4% số HTX có khả năng chuyển đổi.

21 Tập trung vào quy trình xin chủ trương đầu tư (khảo sát, tìm địa điểm thực hiện dự án) đăng ký cấp mới điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký doanh nghiệp và các hoạt động hỗ trợ sau giấy phép.

22 Dự án Nhà máy điện gió Bình Đại - Bến Tre của Công ty Cổ phần Năng lượng dầu khí Châu Á - ASIAPETRO và DoArm Engineering Co., Ltd (Hàn Quốc).

23 Dự án Trường mầm non và tiểu học quốc tế ABI - Bến Tre của Công ty CP giáo dục Thành Thành Công.

24 01 chủ trương đầu tư dự án Làng nghề du lịch SOS của ông Trần Linh Thao; 02 giấy chứng nhận đầu tư (01 FDI và 01 trong nước) của Công ty TNHH Một thành viên Dầu dừa Thủy tinh

(25) Hoàn thành dự án "Đê ngăn mặn cục bộ Hòa Lợi - Mỹ Hưng; trình xin sử dụng nguồn kết dư CTMTQG ứng phó với BĐKH do Chính phủ Đan Mạch tài trợ để thực hiện dự án "Xây dựng tuyến đường di dân tránh bão đoạn từ Đồn biên phòng Cổ Chiên đến cửa sông Khâu Băng xã Thạnh Phong (Thạnh Phú)" và dự án "Mô hình xử lý nước nhiễm mặn trạm cấp nước Bình Thành (Giồng Trôm) và An Phú Trung (Ba Tri)".

26 Cấp tiểu học là 0,02%, tương đương cùng kỳ; THCS 0,64%, giảm 0,03% so cùng kỳ; THPT là 2,17% giảm 0,15% so cùng kỳ.

27 Trong đó hệ THPT là 96,07%, hệ giáo dục thường xuyên là 59,54%; THPT Chuyên Bến Tre và THPT Phan Thanh Giản (Ba Tri) có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%.

28 Trong đó, 95.426 học sinh TH, 73.383 học sinh THCS, 31.244 học sinh THPT.

29 Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ em 5 tuổi với 161 đơn vị cấp xã đạt chuẩn; 100% đơn vị cấp xã, huyện đạt chuẩn PCGD TH đúng độ tuổi mức độ 1; 112 đơn vị cấp xã và huyện Chợ Lách đạt chuẩn mức độ 2; 100% đơn vị cấp xã, huyện đạt chuẩn PCGD THCS; 105/164 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD trung học và TP Bến Tre tiếp tục giữ vững chuẩn PCGD trung học cấp huyện. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 đạt 99,3% từ 36 tuổi trở lên đạt 98,3%.

30 10 trường hợp dạy thêm ngoài nhà trường trái quy định và 01 trường hợp dạy thêm trong nhà trường không phân theo học lực học sinh.

31 Gồm: Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường: 03; ngành Công nghệ thực phẩm: 02; ngành Kỹ thuật công trình xây dựng: 03; ngành Kỹ thuật Điện-Điện tử: 01; ngành Công nghệ sinh học: 02.

32 Gồm 34 trường MN, 79 trường TH (có 08 trường đạt chuẩn mức 2), 51 trường THCS 09 trường THPT.

33 Đến nay đã hoàn thành 2.025/2.439 phòng, đạt tỷ lệ 83%; đang thi công 414 phòng đạt tỷ lệ 17%

34 Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 2.088 ca sốt xuất huyết, tăng 1.521 ca so cùng kỳ, 02 ca tử vong; 1.277 ca hội chứng chân tay miệng, giảm 250 ca, không tử vong; 309 ca sốt phát ban, tăng 228 ca 234 ca thủy đậu giảm 111 ca; 292 ca quai bị, giảm 271 ca; 04 ca liên cầu lợn (năm 2015 không xảy ra); 01 ca cúm A H1N1 và 01 tử vong. Ghi nhận thêm 136 ca nhiễm HIV, 57 ca chuyển AIDS và 39 ca tử vong.

35 đến nay có 100% xã có bác sĩ, 87 xã/phường/thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 26,55 giường bệnh/vạn dân (NQ 25,7 giường bệnh/vạn dân), 7,56 bác sĩ/vạn dân (NQ 7,56 bác sĩ/vạn dân).

36 thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, chuyên mục bảo hiểm xã hội thi viết tìm hiểu Luật BHXH, BHYT, đăng tin bài trên báo, tạp chí, lồng ghép vào các cuộc họp tổ hội ....

37 Vụ thứ nhất: ngộ độc vú dê nướng nhiễm vi sinh vật ở xã Bình Thới (Bình Đại) với 6 người mắc, không tử vong; vụ thứ hai: ngộ độc sò biển ở xã Phú Long (Bình Đại) với 4 người mắc, không tử vong; vụ thứ 3: ngộ độc bánh mì kẹp thịt nhiễm vi sinh vật ở xã Phú Hưng (TP Bến Tre) với 26 người mắc, không tử vong; vụ thứ 4: ngộ độc cá nóc ở xã Bình Thắng (Bình Đại) với 1 người mắc đã tử vong.

38 Tính đến nay có 94,68% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, 77,94% hộ gia đình văn hóa đạt chuẩn 3 năm liên tục; 97,15% ấp, KP đạt chuẩn văn hóa năm 2015; 98,98% ấp, KP đạt chuẩn văn hóa 3 năm liên tục; 10/147 xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới;

39 giải xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Bến Tre lần thứ XVIII năm 2016; các lượt trận đấu giải Bóng đá hạng Nhì Quốc gia; hỗ trợ tổ chức chặng 4 giải Xe đạp nữ toàn quốc mở rộng tranh Cúp Truyền hình An Giang năm 2016; đăng cai tổ chức giải Bóng chuyền hơi trung cao tuổi toàn quốc lần thứ III khu vực 2 năm 2016; giải Trẻ karatedo ĐBSCL; hỗ trợ tổ chức chặng 4 giải Xe đạp ĐBSCL lần thứ 25 tranh cúp Hạt ngọc trời năm 2016; giải Bóng chuyền nam nữ các đội mạnh phí Nam mở rộng...

40 ban hành 13 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 89 triệu đồng (trong đó có 10 vụ đánh bạc); tịch thu 26 máy trò chơi điện tử; đang xử lý 05 trường hợp (đánh bạc).

41 Gồm trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng, trung cấp nghề và cao đẳng nghề; trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là 3.200 người.

42 Từ đầu năm đến nay xảy ra 01 vụ lãn công của 200 CN và 01 vụ đình công của 1.900 CN tại Cty TNHH 1TV PungKook Bến Tre (KCN Giao Long). Nguyên nhân do việc giải quyết nghỉ việc riêng; thái độ của quản lý; chấm dứt hợp HĐLĐ trái pháp luật, tăng ca vượt so với quy định, chỉ đạo điều hành của người quản lý không thống nhất.

43 Quy trình quản lý tổng hợp sâu đục trái bưởi theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững; Quy trình sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh quản lý sâu hại thay thuốc hóa học trên cây cải xanh, tạo ra sản phẩm rau an toàn; phân tích, đánh giá hiện trạng liên kết ngành dừa và đề xuất mô hình liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chế biến dừa; cung cấp luận cứ khoa học quản lý, bảo tồn nguồn lợi nghêu giống vùng biển ven bờ theo tiêu chuẩn MSC nhằm nâng cao uy tín, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nghêu Bến Tre. Chế tạo máy lột vỏ dừa công suất trung bình 1.000 trái/giờ tăng 6,4 lần so với thủ công, cần 1 - 2 người vận hành, chi phí sản xuất giảm 8 lần.

44 Như mô hình trồng, liên kết tiêu thụ cây Hoài Sơn tại thành phố Bến Tre; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực kết hợp tôm thẻ chân trắng tại huyện Thạnh Phú.

45 Hỗ trợ, triển khai xây dựng nhãn hiệu dùng cho 12 sản phẩm đặc sản của tỉnh; hỗ trợ 03 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu và 10 cơ sở xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

46 Đã tổ chức kiểm tra 182 CSKD các mặt hàng xăng dầu, đồ chơi trẻ em, đồ điện - điện tử mũ bảo hiểm, vàng, trang sức và mỹ nghệ; thanh tra 162 tổ chức, cá nhân về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhãn hàng hóa và sở hữu công nghiệp; xử lý 21 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt 193,885 triệu đồng.

47 Trong đó, địa bàn nông thôn xảy ra 486/401 vụ (tăng 21,2%), thành thị xảy ra 129/98 vụ (tăng 31,6%). Làm chết 21/15 người, bị thương 83/90 người, tài sản thiệt hại khoảng 10,6/10,8 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 116 vụ = 23,35%, tăng 6 người chết = 40%, giảm 7 người bị thương = 7,78%, tài sản thiệt hại giảm trên 200 triệu đồng) đã điều tra làm rõ 492/615 vụ (đạt tỉ lệ 80%); khởi tố 518 vụ, 565 bị can, thu hồi tài sản trị giá 1,934 tỷ đồng

48 Giảm 42 vụ so cùng kỳ; làm chết 299/310 người, bị thương 183/216 người, tài sản thiệt hại khoảng 4,6/4,4 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2015 giảm 42 vụ = 9,4%, giảm 11 người chết = 3,55%, giảm 33 người bị thương = 15,28%, tài sản thiệt hại giảm trên 200 triệu đồng).

49 Cử đi đào tạo sau đại học 22 người, học đại học 347 người, trung cấp LLCT 219 người, bồi dưỡng QLNN 364 người, bồi dưỡng lãnh đạo cấp sở 07 người, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ 3.388 người

50 Tiếp thường xuyên 3.312 lượt nguời; lãnh đạo tiếp định kỳ và đột xuất 368 lượt người.

51 Thuộc thẩm quyền UBND tỉnh là 13 đơn, UBND các huyện/thành phố là 115 đơn và các sở, ngành là 07 đơn

52 Trong đó tự kiểm tra 35 quyết định và kiểm tra theo thẩm quyền 74 gồm 42 nghị quyết, 32 quyết định.

53 Tuy nhiên, kết quả chưa đảm bảo cơ cấu các chức danh chủ chốt như: Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Trưởng ban Văn hóa xã hội - HĐND tỉnh.

54 Điều trị thay thế bằng Methadone 225 người, cai nguyện tự nguyện tại cộng đồng 72 người và tại cơ sở chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội 48 người.

55 Đảm bảo diện tích gieo trồng lúa (02 vụ) khoảng 40.000 ha, sản lượng 191.000 tấn; diện tích vườn dừa 69.500 ha, sản lượng 589.000 tấn; diện tích cây ăn trái 28.000 ha, sản lượng 344.000 tấn; diện tích mía còn 1.250 ha, sản lượng 100.000 tấn. Phấn đấu đàn heo đạt 660.000 con, đàn bò 210.000 con, đàn gia cầm 6,6 triệu con. Diện tích nuôi thủy sản khoảng 46.900 ha, trong đó nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh 11.500 ha; sản lượng thủy sản đạt 462.000 tấn, trong đó, sản lượng nuôi 257.000 tấn, sản lượng đánh bắt 205.000 tấn.

56 Thủy sản chế biến 70.000 tấn, tăng 12,9%; sữa dừa 50.000 tấn, tăng 4,17%; cơm dừa nạo sấy 45.000 tấn, tăng 4,64%; thức ăn thủy sản 80.000 tấn, tăng 11,1%; chỉ xơ dừa 90.000 tấn, tăng 12:5%.

57 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 37.813 tỷ đồng, tăng 19,7% so năm 2016; kim ngạch xuất khẩu đạt 830 triệu USD, tăng 14,3% so năm 2016; kim ngạch nhập khẩu là 325 triệu USD, tăng 8,7% so năm 2016.

58 TPBT - Giồng Trôm - Ba Tri, TPBT - Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú, TPBT - Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách.

59 Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/8/2014 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/5/2015 về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2016;của Thủ tướng Chính phủ.

60 Kế hoạch số 4613/KH-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2016 về nhân rộng các mô hình chăn nuôi kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Kế hoạch số 4614/KH-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2016 về việc thực hiện quản lý tài nguyên đảm bảo khai thác, sử dụng đúng quy hoạch và an toàn sinh thái tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 4615/KH-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2016 thực hiện kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 4616/KH-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2016 về nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 4616-KH-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2016 về nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020.

61 Nếu được phê duyệt, sử dụng nguồn kết dư CTMTQG ứng phó với biến đổi khí hậu do Chính phủ Đan Mạch tài trợ để thực hiện dự án "Xây dựng tuyến đường di dân tránh bão đoạn từ Đồn biên phòng Cổ Chiên đến cửa sông Khâu Băng xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú" và dự án "Mô hình xử lý nước nhiễm mặn trạm cấp nước Bình Thành, huyện Giồng Trôm và An Phú Trung, huyện Ba Tri".

62 Tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân năm 2017 là 80%; tỷ lệ lao động tham gia BHXH năm 2017 là 96.609 người.

* Thực hiện theo Chương trình số 4875 /CTr-UBND ngày 16/9/2016 của UBND tỉnh, về phát triển hạ tầng và sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre năm 2020.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 427/BC-UBND tình hình thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2017 do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 427/BC-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Cao Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản