Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 184/BC-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2016

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT MƯỜI NĂM THI HÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2006), được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ) là văn bản pháp lý quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội về một lĩnh vực rộng lớn liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ, trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ). Việc tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ là hoạt động quan trọng nhằm đánh giá những kết quả đạt được; chỉ ra các bất cập, hạn chế, tìm nguyên nhân và đưa ra đề xuất kiến nghị. Trên cơ sở Báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương (55/63) và kết quả khảo sát, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp và xây dựng Báo cáo như sau:

Phần thứ nhất

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC QUA MƯỜI NĂM THI HÀNH

I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình cấp có thẩm quyền ban hành, ban hành theo thẩm quyền và phối hợp xây dựng, ban hành một số văn bản sau:

- Trình Chính phủ ban hành 06 Nghị định, trong đó 02 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ (Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, Nghị định số 85/2011/NĐ-CP); 03 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về QTG, QLQ (Nghị định số 131/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 47/2009/NĐ-CP và Nghị định số 109/2011/NĐ-CP); 01 Nghị định về nhuận bút, thù lao (Nghị định số 21/2015/NĐ-CP);

- Ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư hướng dẫn hoạt động giám định QTG, QLQ và quy định điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của văn phòng giám định tư pháp về di vật, cổ vật, QTG, QLQ (Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL và Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL);

- Phối hợp với các Bộ, ngành ban hành 04 Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án; quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trung gian bảo hộ QTG, QLQ trên môi trường Internet và mạng viễn thông; hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa, Thông tin trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về QTG, QLQ (Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP, Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BVHTTDL-BNV, Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV thay thế Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BVHTTDL-BNV).

2. Các Bộ, ngành liên quan đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản có nội dung về QTG, QLQ và quản lý nhà nước về QTG, QLQ:

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ (Nghị định số 105/2006/NĐ-CP và Nghị định số 119/2010/NĐ-CP).

- Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (Nghị định số 18/2014/NĐ-CP).

- Các Bộ ngành gồm Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành 01 Thông tư liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTC-BTP).

- Bộ Tài chính đã ban hành 03 Thông tư có nội dung hướng dẫn, quy định về QTGQLQ (Thông tư số 29/2009/TT-BTC, Thông tư số 13/2015/TT-BTC thay thế Thông tư số 44/2011/TT-BTC).

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 02 Thông tư có quy định chế tài xử phạt đối với những vi phạm về quyền tác giả khi làm luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ (Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT), 01 Quyết định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học, trong đó có quy định về QTG, QLQ (Quyết định số 78/2008/QĐ-BGDĐT). Các cơ sở giáo dục đại học như Trường đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế... cũng đã ban hành văn bản áp dụng riêng về quản lý sở hữu trí tuệ (Phụ lục số 1).

II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC THI HÀNH LUẬT

1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ đến các cán bộ thuộc cơ quan quản lý, thực thi từ Trung ương đến địa phương. Trong 10 năm (2006 - 2015), Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức được hơn 80 hội thảo, tập huấn với hơn 7.000 lượt người tham dự (Phụ lục số 2). Trong 5 năm (2011 - 2015), Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức biên soạn, dịch và xuất bản 09 đầu sách với 59.150 cuốn, 02 tờ rơi với 30.000 bản in và 7 tập phim “Trí tuệ Việt Nam - thông điệp từ những di sản” phát miễn phí cho các đối tượng nhằm trang bị kiến thức, pháp luật Việt Nam và quốc tế về QTG, QLQ.

Website Quyền tác giả Việt Nam (www.cov.gov.vn) với hơn 25 triệu lượt truy cập trong 5 năm (2011 - 2015) chứa dữ liệu về hệ thống pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế, tổ chức bộ máy quản lý và thực thi của Việt Nam, các tổ chức quốc tế liên quan và hoạt động bảo hộ QTG, QLQ bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Bộ Niên giám đăng ký quyền tác giả Việt Nam thông tin dữ liệu đăng ký QTG, QLQ từ năm 1986 được xuất bản lần đầu năm 2004, xuất bản thường niên từ năm 2005 trở đi.

Hằng năm, hưởng ứng ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) và ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), một loạt chương trình tuyên truyền được tổ chức hoặc phối hợp tổ chức như gameshow “Bản quyền và Sáng tạo” - sân chơi cho các bạn sinh viên tìm hiểu về bản quyền; phát tờ rơi nội dung tuyên truyền về hoạt động bảo hộ QTG, QLQ; tổ chức giao lưu, nói chuyện với sinh viên đại học về vấn đề bản quyền; trình chiếu clip tuyên truyền về tôn trọng QTG, QLQ...

Các địa phương đã tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ cho các đối tượng. Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật về QTG, QLQ dưới nhiều hình thức, cách thức đa dạng, phù hợp đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân như lồng ghép nội dung tại lớp tập huấn hàng năm của địa phương, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác quản lý nhà nước về QTG, QLQ hoặc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về QTG, QLQ cho các nhóm đối tượng như đài phát thanh, truyền hình, hộ kinh doanh Karaoke, vũ trường nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, các đoàn nghệ thuật biểu diễn...

Bộ Tài chính đã tổ chức 16 khóa đào tạo nghiệp vụ từ năm 2009 đến nay về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả và hàng hóa sao chép lậu, trong đó có QTG, QLQ dành cho gần 1.200 cán bộ Hải quan trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả tại biên giới; phối hợp tổ chức hơn 20 khóa đào tạo phân biệt hàng thật, hàng giả, trong đó có hàng hóa vi phạm QTG, QLQ cho cán bộ hải quan chuyên trách về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và một số cán bộ của cơ quan liên quan gồm Công an, Tòa án, Quản lý thị trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn chương trình tài liệu giảng dạy sở hữu trí tuệ, trong đó có QTG, QLQ ở cấp đại học và cao đẳng cho bốn lĩnh vực bao gồm khoa học giáo dục, khoa học công nghệ nông - lâm - ngư và y dược. Một số trường đại học luật đã lập các tổ Bộ môn về sở hữu trí tuệ, giao cho người học nghiên cứu luận văn, luận án về hoàn thiện, thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, góp phần tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách về sở hữu trí tuệ, trong đó có QTG, QLQ. Việc phổ biến và tuyên truyền rộng rãi trong sinh viên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng về QTG, QLQ cũng được thực hiện.

“Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” giai đoạn I (2005-2010) và giai đoạn II (2012-2015) ký kết giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành hữu quan, “Biên bản ghi nhớ hợp tác thực thi bảo hộ chương trình máy tính” ký kết năm 2008 giữa Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh Phần mềm doanh nghiệp và Hiệp hội Phần mềm Việt Nam góp phần trong công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về QTG, QLQ.

Một số cơ quan báo chí đã mở các chuyên mục riêng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về QTG, QLQ với nội dung phong phú, đa dạng, đề cập đến nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp độ, kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm. Việc trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan quản lý, thực thi bảo hộ QTG, QLQ với cơ quan thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội được tiến hành thường xuyên.

2. Công tác thực thi pháp luật

2.1. Công tác tự bảo vệ QTG, QLQ

a. Công tác đăng ký QTG, QLQ

Theo quy định của pháp luật, đăng ký QTG, QLQ không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng QTG, QLQ. Tuy nhiên, nhận thức được lợi ích của việc đăng ký QTG, QLQ, nhiều tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ đã nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Từ năm 2006 đến hết năm 2015, Cục Bản quyền tác giả đã thụ lý và cấp 43.450 Giấy chứng nhận đăng ký, trong đó có 43.321 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; 129 Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Số lượng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan tăng hàng năm khoảng 6% (Phụ lục số 3).

Hoạt động thụ lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký QTG, QLQ góp phần quan trọng trong phát hiện và xử lý vi phạm QTG, QLQ.

b. Hoạt động đại diện tập thể QTG, QLQ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với một số Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ tài chính ban đầu để thành lập tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ đối với một số lĩnh vực mà khả năng tự quản lý, khai thác cá nhân tỏ ra không hiệu quả; Từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, đặc biệt là thực hiện đàm phán cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền sử dụng tác phẩm, đối tượng quyền liên quan cho các chủ thể đã ủy thác cho các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ đó.

Đến nay, đã có 05 Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ được thành lập và hoạt động; đó là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC (ra đời năm 2002), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam - RIAV (năm 2003) và Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam - VLCC (năm 2004), Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - VIETRHO (năm 2010) và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam - APPA (năm 2015).

VCPMC, trực thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam, thực hiện quản lý tập thể đối với các quyền tác giả âm nhạc được ủy quyền. Tính đến tháng 11/2015, VCPMC được ủy thác quyền từ 3.297 tác giả với 124.333 tác phẩm trong nước; ký hợp đồng hợp tác song phương với 63 Tổ chức quốc tế tương ứng với 4.721.656 tác phẩm quốc tế, nhờ đó, các tác phẩm âm nhạc Việt Nam được VCPMC quản lý, khai thác ở 157 quốc gia và vùng lãnh thổ, các tác phẩm âm nhạc của nước ngoài cũng được quản lý, khai thác sử dụng tại Việt Nam thông qua VCPMC. Trong năm 2015, VCPMC thu được hơn 68 tỷ đồng (chưa thuế VAT), tăng 12.9% so với năm 2014.

RIAV tập hợp các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa (ghi âm và hình) ở Việt Nam. Hiện RIAV quản lý cấp phép thu tiền khai thác, sử dụng bản ghi thông qua các hợp đồng ủy thác quyền với hội viên, hợp đồng với các đối tác. Tính đến cuối năm 2015, RIAV có 59 hội viên, trong đó có 42 hội viên tổ chức và 17 hội viên cá nhân là nhạc sỹ, ca sỹ có bản ghi ủy thác quyền.

VLCC trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, có 1.096 tác giả văn học ủy quyền với hơn 8.000 đầu tác phẩm, trong đó có 1.000 tác phẩm có bản mềm và sách cứng. Năm 2015, VLCC cấp phép 11 đơn vị sử dụng tác phẩm và phân phối khoảng 423 triệu đồng nhuận bút đến các tác giả ủy quyền.

VIETRRO là tổ chức đại diện theo ủy quyền cho các cá nhân, tổ chức trong việc quản lý tập thể quyền sao chép tác phẩm tồn tại dưới dạng ấn phẩm. Tính đến tháng 12/2015, VIETRRO có 169 hội viên pháp nhân, 1.757 hội viên cá nhân ủy thác với 45.887 tác phẩm.

APPA là Hiệp hội bảo vệ quyền của các nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam, được thành lập ngày 1/12/2015 và tính đến ngày 25/2/2016, có 130 hội viên.

Các tổ chức đại diện tập thể này được thành lập theo quy định của pháp luật, thông lệ quốc tế và đang từng bước hướng tới hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, có hiệu quả, tạo niềm tin cho các văn nghệ sĩ, trí thức ủy thác quyền.

c. Hoạt động của t chức tư vn dịch vụ QTG, QLQ

Các tổ chức tư vấn, dịch vụ QTG, QLQ thực hiện các hoạt động theo yêu cầu của tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ. Trong 10 năm qua, theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ, các tổ chức tư vấn dịch vụ đã nộp hồ sơ cấp 17.380 Giấy chứng nhận đăng ký QTG, QLQ, chiếm khoảng 40% tổng số Giấy chứng nhận được cấp. (Phụ lục số 3).

Hệ thống các tổ chức tư vấn và dịch vụ QTG, QLQ đã góp phần không nhỏ trong công tác bổ trợ, hỗ trợ các hoạt động thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ tại các cơ quan hành chính nhà nước hoặc Tòa án.

2.2. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết tại Tòa án

a. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm QTG, QLQ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản về thanh tra, kiểm tra và quản lý, thực thi bảo hộ QTG, QLQ (Kế hoạch số 352/KH-BVHTTDL ngày 18/02/2009; kế hoạch số 1896/BVHTTDL-BQTG ngày 17/6/2009).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về QTG, QLQ. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong lĩnh vực chương trình máy tính, đã tiến hành thanh tra 541 doanh nghiệp với 27.602 máy tính được kiểm tra, ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nộp thu ngân sách Nhà nước 8 tỷ 613 triệu đồng; trong môi trường số, đã xử phạt vi phạm hành chính một số công ty có các website lưu trữ, cung cấp và phổ biến đến công chúng số lượng lớn các bản ghi không được sự đồng ý của chủ sở hữu, nộp thu ngân sách Nhà nước 227 triệu đồng và yêu cầu buộc tháo gỡ các file âm nhạc vi phạm bản quyền trên máy chủ các công ty này; trong hoạt động triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh, đã lập các Đoàn kiểm tra.

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoặc sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng chương trình và tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về QTG, QLQ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như Công an, Quản lý thị trường mở các đợt kiểm tra đột xuất tại các điểm dịch vụ văn hóa công cộng như kinh doanh karaoke, cơ sở bán băng, đĩa, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Riêng địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 218 vụ vi phạm về QTG, QLQ và băng đĩa được phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính, nộp thu ngân sách Nhà nước hơn 16 tỷ đồng, tịch thu nhiều tang vật đĩa, nhãn đĩa, sách, ổ đĩa, tranh, block lịch, bảng kẽm….

Trong 10 năm (2006 - 2015), Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận và giải quyết 258 vụ khiếu nại, tố cáo về QTG, QLQ, trong đó có những vụ việc phức tạp, thời gian giải quyết kéo dài (Phụ lục số 4).

Trong lĩnh vực xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện kiểm tra cam kết bản quyền trong hồ sơ xuất bản phẩm; xử lý theo quy định của pháp luật các kiến nghị, phản ánh, tố cáo về QTG, QLQ đối với hoạt động của nhà xuất bản, đối tác liên kết thực hiện xuất bản sách đã được đơn vị khác mua quyền sử dụng hoặc xuất bản sách không có sự đồng ý của tác giả... Thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính về QTG, QLQ đối với một số trường hợp, trong đó có 4 vụ việc liên quan đến xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình.

Về quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường tập trung nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật liên quan; quản lý chặt chẽ địa bàn, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, năm tình hình và có phương án tổ chức kiểm tra kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Trong 6 năm (2009 - 2014), Chi Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã xử lý trên 1.100 vụ vi phạm hành chính, nộp thu ngân sách nhà nước gần 03 tỷ đồng.

Bộ Tài chính phân công Tổng cục Hải quan chủ trì, thực hiện nhiệm vụ thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có QTG, QLQ. Hệ thống dữ liệu điện tử phục vụ công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ từ Tổng cục Hải quan đến các đầu mối thuộc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố được thiết lập nhằm chuyển toàn bộ hồ sơ và cập nhật thông tin bổ sung về sở hữu trí tuệ do doanh nghiệp cung cấp đến các đơn vị trong toàn ngành, đảm bảo thời gian, nội dung kịp thời cho công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả tại biên giới.

b. Công tác giải quyết tại Tòa án nhân dân các cp

Số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, từ ngày 01/7/2006 đến ngày 30/9/2015, Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết được 328 vụ việc trong tổng số 363 vụ việc đã thụ lý bao gồm vụ việc dân sự và kinh doanh - thương mại, vụ án hành chính tranh chấp sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ và vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ (Phụ lục số 5).

2.3. Công tác hội nhập quốc tế

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 05 Điều ước quốc tế đa phương về QTG, QLQ (Công ước Berne, Công ước Geneva, Công ước Brussels, Hiệp định TRIPs, Công ước Rome); đàm phán, ký kết 02 Hiệp định song phương (Hiệp định quyền tác giả và Hiệp định Bảo hộ Sở hữu trí tuệ) và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về QTG, QLQ (Hiệp định Thương mại, AFTA, ACFTA, AKFTA, AJFTA, AIFTA, AANZFTA, TIFA, VCFTA, VJEPA, VKFTA, VCUFTA, EVFTA, TPP) (Phụ lục số 6). Theo các cam kết quốc tế trên, tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ của Việt Nam được hưởng sự bảo hộ tại các quốc gia thành viên và ngược lại, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ QTG, QLQ cho tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ của các quốc gia thành viên.

Mặt khác, trong khuôn khổ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các chương trình hợp tác với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc..., Việt Nam đã tiếp nhận sự giúp đỡ kỹ thuật, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về quyền tác giả, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong xây dựng hoàn thiện pháp luật và thực thi bảo hộ QTG, QLQ. Quan hệ hợp tác quốc tế trong thời gian qua đã mang lại những lợi ích đáng kể đối với nước ta, trong đó sự trợ giúp kỹ thuật quý báu của các tổ chức quốc tế và các quốc gia.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Qua phân tích trên, có thể rút ra một số nhận xét tổng quát về thực trạng hoạt động quản lý, thực thi pháp luật bảo hộ QTG, QLQ ở nước ta như sau:

1. Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành về QTG, QLQ đã tiến gần tới chuẩn mực quốc tế, đặt nền móng pháp lý cho việc thiết lập cơ chế bảo hộ QTG, QLQ và bộ máy vận hành cơ chế đó. Các quy định pháp luật về QTG, QLQ, về cơ bản, đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực, thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng thụ hưởng. Các quyền cơ bản gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan được tôn trọng, từ quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm do mình sáng tạo, quyền công bố, quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm, bảo vệ toàn vẹn tác phẩm, đến quyền được hưởng nhuận bút, thù lao và các lợi ích vật chất do việc cho phép sử dụng tác phẩm để biểu diễn, xuất bản, phát thanh, truyền hình, trưng bày, triển lãm, dựng phim, xây dựng chương trình sân khấu...

2. Hệ thống cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về bảo hộ QTG, QLQ đã được hình thành với tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương, đội ngũ làm công tác quản lý và thực thi bảo hộ QTG, QLQ dần đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả hơn. Tại địa phương, một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao có cử cán bộ kiêm nhiệm về QTG, QLQ (Phụ lục số 7).

Hoạt động thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đưa pháp luật QTG, QLQ vào đời sống, khuyến khích hoạt động sáng tạo và sử dụng thành quả sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học.

3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về QTG, QLQ đã được tăng cường, triển khai đến các đối tượng có liên quan. Giới khai thác, sử dụng và công chúng đã có nhận thức và bước đầu thể hiện sự tôn trọng bản quyền trong các hoạt động khai thác, sử dụng, phổ biến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng thông qua việc thực hiện nghĩa vụ thỏa thuận và trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu QTG, QLQ ở hầu hết hình thức sử dụng từ báo chí, xuất bản, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, tạo hình, kiến trúc, đến phát thanh, truyền hình, sản xuất bản ghi âm - hình.

4. Hệ thống đại diện tập thể QTG, QLQ với 05 tổ chức đã được thành lập và đang từng bước hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, có hiệu quả, tạo niềm tin cho các văn nghệ sĩ, trí thức ủy thác quyền.

5. Công tác hội nhập quốc tế đã đạt được kết quả đáng kể bằng việc tham gia 05 Điều ước quốc tế đa phương về QTG, QLQ, ký kết 02 Hiệp định song phương và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương và khu vực có nội dung về QTG, QLQ. Việc thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương về QTG, QLQ đã ký kết và tham gia nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam cũng như từng bước thực hiện nghĩa vụ pháp lý với các nước thành viên.

Phần thứ hai

BẤT CẬP, HẠN CHẾ TRONG THI HÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ QTG, QLQ VÀ NGUYÊN NHÂN

I. MỘT SỐ BẤT CẬP, HẠN CHẾ

1. Hệ thống pháp luật về QTG, QLQ với những quy định khác biệt về nguyên tắc, nội dung và cơ chế thực thi bảo hộ so với các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ (quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng và dược phẩm) nhưng lại được sắp xếp không hợp lý trong hệ thống pháp luật nói chung gây trở ngại, khó khăn lớn trong quá trình thực thi.

2. Hệ thống cơ quan quản lý và thực thi QTG, QLQ bao gồm nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả thực thi còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý và thực thi QTG, QLQ còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều công việc. Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao không có biên chế quản lý QTG, QLQ, đa số bố trí cán bộ kiêm nhiệm dẫn đến mức độ chuyên sâu của nhân lực quản lý và thực thi QTG, QLQ còn hạn chế. Hoạt động tư pháp kéo dài ở một số vụ án.

3. Hệ thống tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ mới được hình thành đang trong giai đoạn hoạt động thể nghiệm, thiếu quy phạm điều chỉnh, thiếu nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất.

4. Tình trạng xâm phạm QTG, QLQ còn xảy ra ở một số lĩnh vực, nhất là trong môi trường số. Điều này đã và đang là thách thức đối với hoạt động bảo hộ QTG, QLQ nói riêng và hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa nói chung.

II. NGUYÊN NHÂN

1. Nguyên nhân khách quan

- Thứ nhất, nhiều quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại và trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh các quan hệ dân sự thuộc quyền sở hữu trí tuệ nói chung và QTG, QLQ nói riêng có những thay đổi đáng kể và phát triển nhanh chóng từ việc thi hành các quy định pháp luật về QTG, QLQ tại quốc gia và hội nhập quốc tế các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

- Thứ hai, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung, pháp luật QTG, QLQ nói riêng qua 10 năm thi hành đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo, không còn thích hợp khi quy định ghép các đối tượng chuyên ngành độc lập cùng trong Luật Sở hữu trí tuệ, đòi hỏi sớm được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo hướng xây dựng, ban hành các chuyên ngành luật độc lập như thông lệ quốc tế (140/192 quốc gia thành viên WIPO ban hành Luật Bản quyền tác giả, ví dụ: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Niu Zi lân, Áo, Azerbaijan, Belarus, Bỉ, Ấn Độ, Inđônêsia, Iran, Ý, Kazakhstan, Malaysia, Mehycô...).

- Thứ ba, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ còn có nhiều “tầng lớp” và “cấp độ” văn bản khác nhau điều chỉnh nhiều đối tượng khác nhau trong Luật Sở hữu trí tuệ nên gặp nhiều vướng mắc trong xây dựng và thi hành; văn bản pháp luật được ban hành phải chờ các văn bản dưới luật hướng dẫn mới đi vào thực tiễn cuộc sống, ảnh hưởng lớn đến tính khả thi của luật.

- Thứ tư, các quan hệ dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ rất rộng như: QTG, QLQ, quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu, giải pháp hữu ích, kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý, thiết kế mạch tích hợp), quyền đối với giống cây trồng, dược phẩm nên Luật Sở hữu trí tuệ sẽ khó quy định đầy đủ, đồng thời các quan hệ này. Nếu giải quyết vấn đề trên bằng việc tiếp tục ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ thì sẽ luôn trong tình trạng gặp khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo.

2. Nguyên nhân chủ quan

- Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và về QTG, QLQ nói riêng còn chưa sâu rộng, chưa kịp thời, không thường xuyên và hiệu quả thấp. Trong khi QTG, QLQ là lĩnh vực phức tạp, mới mẻ đối với nước ta; Nhận thức chung của cộng đồng đang trong giai đoạn đầu; Hiểu biết trong các cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan còn hạn chế.

- Thứ hai, bộ máy thực thi bảo hộ QTG, QLQ chưa được hoàn thiện và tăng cường đủ sức đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ từ trung ương đến địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy thực thi bảo hộ QTG, QLQ chưa đồng bộ, thường xuyên, kịp thời; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về QTG, QLQ còn hạn chế. Hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng xâm phạm QTG, QLQ. Hoạt động tư pháp kéo dài ở một số vụ án.

- Thứ ba, các chủ thể quyền chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình; hệ thống tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ ở Việt Nam mới được hình thành đang trong giai đoạn hoạt động thể nghiệm; có tổ chức còn thiếu nhân lực, bộ máy hoạt động kiêm nhiệm, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa có phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu thực hiện hoạt động cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền.

Thứ tư, vẫn còn thói quen sử dụng tài sản QTG, QLQ mà không trả tiền bản quyền; kinh tế thị trường với những mặt trái của nó đã thúc đẩy không ít các tổ chức, cá nhân bất chấp pháp luật và đạo đức kinh doanh, chạy theo lợi nhuận bất chính xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ.

Phần thứ ba

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị:

1. Kính trình Thủ tướng Chính phủ:

- Cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cơ quan có thẩm quyền về việc xây dựng Luật Bản quyền tác giả (tách khỏi Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành) nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bất cập và chồng chéo trong quá trình thi hành và theo thông lệ quốc tế;

- Chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm xây dựng, thực hiện kế hoạch, bố trí nhân lực, cơ sở vật chất đảm bảo thực thi có hiệu quả pháp luật về bảo hộ QTG, QLQ.

2. Đề nghị các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan thực thi bao gồm Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; Bố trí cán bộ, tổ chức đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi; Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và thực thi bảo hộ QTG, QLQ.

3. Đề nghị Ban Truyền giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về pháp luật và thực thi bảo hộ QTG, QLQ nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cho các đối tượng trong toàn xã hội, đặc biệt là người sáng tạo và người sử dụng, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trong nước và quốc tế.

4. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch hàng năm về bảo hộ QTG, QLQ và tổ chức thực hiện; Bố trí nguồn nhân lực, trước mắt, ít nhất 01 biên chế kiêm nhiệm, về lâu dài, ít nhất 01 cán bộ chuyên trách quản lý về QTG, QLQ. Đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bố trí ít nhất 01 biên chế chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý QTG, QLQ tại các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao.

Trên đây là Báo cáo tổng kết mười năm thi hành và đề xuất những định hướng lớn xây dựng, hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, ngành;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, BQTG, NH.90

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Thiện

 

PHỤ LỤC SỐ 1

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QTG, QLQ
(Ban hành theo Báo cáo số 184/BC-BVHTTDL ngày 21/9/2016 của Bộ VHTTDL)

STT

Số VB

Ngày BH

Tên gọi/Trích yếu

Bộ luật, Luật

1

50/2005/QH11

29/11/2005

Luật Sở hữu trí tuệ (phần QTG, QLQ)

2

36/2009/QH12

19/06/2009

Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) (phần QTG, QLQ)

Nghị định

3

100/2006/NĐ-CP

21/9/2006

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan

4

105/2006/NĐ-CP

22/9/2006

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

5

47/2009/NĐ-CP

(Hết hiệu lực)

13/5/2009

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về QTG, QLQ

6

119/2010/NĐ-CP

30/12/2010

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

7

85/2011/NĐ-CP

20/9/2011

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan

8

109/2011/NĐ-CP

(Hết hiệu lực)

30/12/2011

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/NĐ-CP ngày 13/5/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về QTG, QLQ

9

131/2013/NĐ-CP

16/10/2013

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về QTG, QLQ (sửa đổi)

10

18/2014/NĐ-CP

14/03/2014

Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

11

21/2015/NĐ-CP

14/02/2015

Nghị định quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác

Thông tư liên tịch

12

02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP

03/04/2008

Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án

13

01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTC-BTP

29/02/2008

Thông tư liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

14

43/2008/TTLT-BVHTTDL-BNV

(Hết hiệu lực)

06/6/2008

Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

15

07/2012/TTLT- BTTTT-BVHTTDL

19/6/2012

Thông tư liên tịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông

16

07/2015/TTLT- BVHTTDL-BNV

14/9/2015

Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa, Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Thông tư Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

17

15/2012/TT- BVHTTDL

13/12/2012

Thông tư hướng dẫn hoạt động giám định QTG, QLQ

18

07/2014/TT- BVHTTDL

23/07/2014

Thông tư quy định hồ sơ, các mẫu văn bản thực hiện giám định tư pháp; áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của văn phòng giám định tư pháp về di vật, cổ vật, QTG, QLQ

Thông tư Bộ Tài chính

19

29/2009/TT-BTC

10/02/2009

Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận QTG, QLQ

20

44/2011/TT-BTC

(Hết hiệu lực)

11/4/2011

Thông tư hướng dẫn về công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan

21

13/2015/TT-BTC

30/01/2015

Thông tư quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Thông tư, Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung về QTG, QLQ

22

78/2008/QĐ-BGDĐT

29/12/2008

Quyết định ban hành quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học

23

10/2011/TT-BGDĐT

28/2/2011

Thông tư ban hành Quy chế đào tạo thạc sỹ

24

10/2009/TT-BGDĐT

7/5/2009

Thông tư ban hành Quy chế đào tạo tiến sỹ

 

PHỤ LỤC SỐ 2

HỘI NGHỊ, HỘI THẢO, TẬP HUẤN VỀ QTG, QLQ DO CỤC BẢN QUYỀN TỔ CHỨC/PHỐI HỢP TỔ CHỨC
(Ban hành theo Báo cáo số 184/BC-BVHTTDL ngày 21/9/2016 của Bộ VHTTDL)

STT

Năm

Tổng số hội nghị, hội thảo

Lượt người tham dự

1

2006

11

1.000

2

2007

7

750

3

2008

10

630

4

2009

9

560

5

2010

5

475

6

2011

3

415

7

2012

5

312

8

2013

9

790

9

2014

16

1.980

10

2015

6

550

Tổng

81

7.122

 

PHỤ LỤC SỐ 3

SỐ LƯỢNG GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ QUYỀN LIÊN QUAN ĐƯỢC CẤP GIAI ĐOẠN 2006-2015
(Ban hành theo Báo cáo số 184/BC-BVHTTDL ngày 21/9/2016 của Bộ VHTTDL)

 

Số lượng GCNĐK quyền tác giả

(1)

Số lượng GCNĐK quyền liên quan

(2)

Số lượng GCNĐK quyền tác giả và GCNĐK QLQ

(1) + (2)

Năm 2006

3.142

4

3.146

Năm 2007

3.225

6

3.231

Năm 2008

4.922

9

4.922

Năm 2009

4.718

20

4.738

Năm 2010

3.747

7

3.753

Năm 2011

3.951

15

3.966

Năm 2012

4.135

13

4.148

Năm 2013

4.914

14

4.928

Năm 2014

4.930

10

4.929

Năm 2015

5.656

31

5.687

Tổng cộng

43.321

129

43.450

 

PHỤ LỤC SỐ 4

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN TẠI CỤC BẢN QUYỀN TÁC GIẢ
(Ban hành theo Báo cáo số 184/BC-BVHTTDL ngày 21/9/2016 của Bộ VHTTDL)

STT

Năm

Số vụ khiếu nại, tố cáo

1

2006

15

2

2007

29

3

2008

52

4

2009

33

5

2010

25

6

2011

15

7

2012

12

8

2013

21

9

2014

25

10

2015

31

Tổng

258

 

PHỤ LỤC SỐ 5

KẾT QUẢ CÔNG TÁC THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ, KINH DOANH THƯƠNG MẠI, VỤ ÁN HÀNH CHÍNH VÀ VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ QTG, QLQ TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP
(Ban hành theo Báo cáo số 184/BC-BVHTTDL ngày 21/9/2016 của Bộ VHTTDL)

1. Công tác thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự và kinh doanh-thương mại tranh chấp sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ

1.1. Công tác thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự tranh chấp sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ

NĂM GIẢI QUYẾT

SỐ VỤ VIỆC THỤ LÝ

SỐ VỤ VIỆC ĐÃ GIẢI QUYẾT

SỐ VỤ VIỆC CÒN LẠI

Cũ còn lại

Thụ lý mới

Tổng số

Chuyển hồ sơ vụ án

Đình chỉ giải quyết

Công nhận sự thỏa thuận của đương sự

Xét xử hoặc giải quyết

Tổng số

2006

 

1

1

 

 

 

1

1

 

2007

 

14

14

 

3

1

9

13

1

2008

1

6

7

1

 

1

1

3

4

2009

4

41

45

2

3

12

21

38

7

2010

7

24

31

 

2

8

8

18

13

2011

13

5

18

 

5

4

3

12

6

2012

4

0

4

 

 

 

 

 

4

2013

4

11

15

2

4

 

 

6

9

2014

9

22

31

1

15

2

5

23

8

2015

8

18

26

2

13

 

3

18

8

1.2. Công tác thụ lý, giải quyết các vụ việc kinh doanh-thương mại tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có QTG, QLQ

NĂM GIẢI QUYẾT

SỐ VỤ VIỆC THỤ LÝ

SỐ VỤ VIỆC ĐÃ GIẢI QUYẾT

SỐ VỤ VIỆC CÒN LẠI

Cũ còn lại

Thụ lý mới

Tổng số

Chuyển hồ sơ vụ án

Đình chỉ giải quyết

Công nhận sự thỏa thuận của đương Sự

Xét xử hoặc giải quyết

Tổng số

2006

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2007

 

7

7

 

1

2

2

5

2

2008

2

9

11

1

3

1

4

9

2

2009

2

12

14

1

1

5

2

9

5

2010

5

19

24

1

3

3

6

13

11

2011

11

20

31

2

6

4

7

19

12

2012

12

20

32

1

6

2

7

16

16

2013

16

16

32

2

6

2

10

20

12

2014

12

37

49

2

12

6

7

27

22

2015

22

34

56

3

20

4

8

35

21

2. Công tác thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính tranh chấp về sở hữu trí tuệ, trong đó có QTG, QLQ

NĂM GIẢI QUYẾT

SỐ VỤ VIỆC THỤ LÝ

SỐ VỤ VIỆC ĐÃ GIẢI QUYẾT

SỐ VỤ VIỆC CÒN LẠI

Cũ còn lại

Thụ lý mới

Tổng số

Chuyển hồ sơ vụ án

Đình chỉ giải quyết

Xét xử

Tổng số

2006

 

 

 

 

 

 

 

 

2007

 

4

4

 

 

3

3

1

2008

1

 

1

 

 

 

 

 

2009

1

 

1

 

1

 

1

 

2010

 

3

3

 

1

1

2

1

2011

1

7

8

 

7

 

7

1

2012

1

5

6

 

5

 

5

1

2013

1

3

4

 

3

1

4

 

2014

 

 

 

 

 

 

 

 

2015

 

1

1

 

 

1

1

 

3. Công tác giải quyết các vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ

NĂM

SỐ VỤ ÁN PHẢI GIẢI QUYẾT

PHÂN TÍCH SỐ VỤ ÁN ĐÃ GIẢI QUYẾT

SỐ VỤ ÁN CÒN LẠI

Tổng số

Chuyển hồ sơ vụ án

Đình chỉ

Trả hồ sơ cho VKS

Xét xử

Tổng số

Vụ

Bị cáo

Vụ

Bị cáo

Vụ

Bị cáo

Tổng số

Tổng số

Vụ

Bị cáo

Vụ

Bị cáo

Vụ

Bị cáo

2006

9

17

 

 

 

 

 

 

9

17

 

 

2007

10

17

 

 

 

 

1

1

8

14

1

2

2008

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2009

4

5

 

 

1

2

 

 

2

2

1

1

2010

0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2011

1

3

 

 

 

 

 

 

1

3

 

 

2012

0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2013

0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2014

0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2015

0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao)

 

PHỤ LỤC SỐ 6

DANH MỤC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ NỘI DUNG VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN MÀ VIỆT NAM ĐÃ KÝ KẾT HOẶC THAM GIA
(Ban hành theo Báo cáo số 184/BC-BVHTTDL ngày 21/9/2016 của Bộ VHTTDL)

STT

Tên gọi

Hiệp định song phương

1

Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCNVN và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả (Hiệp định quyền tác giả)

2

Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCNVN và Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Hiệp định Bảo hộ Sở hữu trí tuệ)

Điều ước quốc tế đa phương

1

Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật (Công ước Berne)

2

Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ Công ước Geneva)

3

Công ước Brussels liên quan đến tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh (Công ước Brussels)

4

Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

5

Công ước Rome bảo hộ quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (Công ước Rome)

Hiệp định kinh tế, thương mại tự do

1

Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCNVN và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại (Hiệp định Thương mại)

2

HĐ Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA)

3

HĐ Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)

4

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)

5

HĐ Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJFTA)

6

HĐ Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)

 

7

HĐ Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA)

 

8

Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA)

 

9

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chilê (VCFTA)

 

10

HĐ Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)

 

11

HĐ Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)

 

12

HĐ Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (VCUFTA)

 

13

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)

 

14

HĐ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (Kết thúc đàm phán 10/2015)

 

 

PHỤ LỤC SỐ 7

DANH SÁCH SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HOẶC SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO CỬ CÁN BỘ KIÊM NHIỆM VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN
(Ban hành theo Báo cáo số 184/BC-BVHTTDL ngày 21/9/2016 của Bộ VHTTDL)

STT

Tên cơ quan

1.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên

2.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang

3.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang

4.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông

5.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng

6.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận

7.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai

8.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu

9.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

10.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định

11.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định

12.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang

13.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ

14.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa

15.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh

16.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ

17.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An

18.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La

19.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh

20.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An

21.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

22.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

23.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang

24.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị

25.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi

26.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long

27.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước

28.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc

29.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn

30.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng

31.

Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng

32.

Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng

33.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

34.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế

35.

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 184/BC-BVHTTDL năm 2016 tổng kết mười năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 184/BC-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/09/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản