Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 321/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỀ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG THỜI GIAN QUA VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI CỦA CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Ngày 29 tháng 9 năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trong thời gian tới. Cùng tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, ý kiến của các Bộ và doanh nghiệp về tình hình hoạt động thời gian qua và định hướng phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận như sau:

I. Về kết quả đạt được

Hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cơ bản đã đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Công tác tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thực hiện với khối lượng đơn ngày càng nhiều, thúc đẩy việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp; triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ; hoạt động đào tạo và tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sở hữu trí tuệ đạt được nhiều tiến bộ; công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ được chú trọng và mở rộng.

Bên cạnh đó, hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ còn một số tồn tại, yếu kém. Công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chậm, thời hạn xử lý đơn dài, gây bức xúc cho doanh nghiệp và xã hội. Quy trình, thủ tục và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc còn hạn chế, chậm đổi mới. Công tác đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ sở vật chất kỹ thuật và điều kiện làm việc còn lạc hậu; cơ chế tài chính còn bất cập, mức phí sở hữu công nghiệp chưa khuyến khích thực hiện cơ chế tự chủ trong hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp.

II. Phương hướng, giải pháp thời gian tới:

Đẩy mạnh lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ. Để sở hữu trí tuệ thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ tập trung triển khai thực hiện các vấn đề sau:

- Về chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ: Sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và dịch vụ sở hữu công nghiệp; loại bỏ những quy định gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và xã hội; tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và sản xuất, kinh doanh.

- Về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp: Tập trung từng bước rút ngắn thời hạn xử lý đơn, sớm khắc phục tình trạng tồn đọng đơn. Cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình; đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định đơn; hoàn thiện cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu. Có cơ chế huy động các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy tham gia thẩm định đơn đăng ký sáng chế, từng bước xã hội hóa một số khâu trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp; chia sẻ kết quả trong xử lý đơn. Đẩy mạnh đào tạo để tăng số lượng và nâng cao chất lượng thẩm định viên. Nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến trong việc tiếp nhận, xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

- Về quản lý và phát triển tài sản trí tuệ: Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2016 - 2020, đưa quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

- Sớm kiện toàn nhân sự của Cục Sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đoàn kết, nhất trí trong các hoạt động nội bộ.

III. Về một số kiến nghị:

1. Về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ; ban hành Chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ; các thông tư liên quan:

- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó, chuẩn bị kỹ nội dung, xác định lộ trình, triển khai theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Về Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia: Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng dự thảo, trong đó, xác định các định hướng chiến lược về sở hữu trí tuệ, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2017;

- Đối với các thông tư liên quan đến thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ: Yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, ban hành theo thẩm quyền.

2. Về lập Ban Chỉ đạo quốc gia về sở hữu trí tuệ: Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo về sở hữu trí tuệ để phối hợp thúc đẩy các hoạt động sở hữu trí tuệ.

3. Về áp dụng cơ chế tự chủ tài chính cho Cục Sở hữu trí tuệ.

Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính áp dụng cho Cục Sở hữu trí tuệ, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2016.

4. Về nâng mức phí sở hữu công nghiệp.

- Đồng ý về việc nâng mức phí sở hữu công nghiệp trên cơ sở quy định tại Luật phí và lệ phí, trên cơ sở tham khảo mức phí của các nước trong ASEAN;

- Về mức thu để lại: Thực hiện theo hướng tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ và hệ thống sở hữu trí tuệ trong cả nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng phương án để Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn về phí và lệ phí sở hữu công nghiệp, trong đó, không phân biệt mức phí đối với các đối tượng đăng ký đơn; đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức, cá nhân có đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

5. Về cho phép thuê hạ tầng công nghệ thông tin và chỉ định thầu trong các hoạt động đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ:

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quy định khuyến khích thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo quy định pháp luật về đấu thầu.

6. Về công nhận ngày 26.4 hàng năm làm Ngày Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Văn phòng Chính phủ làm thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: KH&CN, KH&ĐT, TC, CT, NV, VHTTDL, NN&PTNT;
- Đ/c Hoàng Văn Phong, CTHĐCSKHCNQG
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: KTTH, TCCV, KTN, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3). Ph

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 321/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc về tình hình hoạt động thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới của Cục Sở hữu trí tuệ do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 321/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 12/10/2016
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản