Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 8 năm 2012

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2011, NĂM 2012 VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2013

Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1046/BTNMT-KH ngày 06 tháng 4 năm 2012 về hướng dẫn xây dựng và dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường năm 2013; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG NĂM 2011 - 2012

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của thành phố trong năm 2011 và năm 2012:

- Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo thành phố; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý cấp thành phố và quận - huyện đã ngày càng chuyên sâu và đi vào nề nếp. Mức ngân sách chi cho công tác bảo vệ môi trường luôn cao hơn 1%.

Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2011

Năm 2012

Dự toán

Thực hiện

Dự toán

Thực hiện đến ngày 30/6/2012

Tổng chi ngân sách địa phương

35.797.370

55.527.435

42.809.870

39.234.114

Chi sự nghiệp môi trường

1.654.627

1.873.199

2.291.616

989.615

Tỷ lệ % chi Sự nghiệp môi trường/Tổng chi ngân sách địa phương

4,62

3,37

5,35

2,52

- Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ Chính trị - khóa VIII về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Cơ chế chính sách từng bước được hoàn thiện, tác động có hiệu quả đến công tác bảo vệ môi trường. Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các Sở ngành khẩn trương xúc tiến việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể, xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường; đặc biệt là đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp; góp phần giảm thiểu ô nhiễm trên địa bàn thành phố.

- Triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Tổ chức thực hiện tốt: Chương trình hành động của Thành ủy “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX về chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015”, Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX về chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011- 2015, Chỉ thị số 13/2006/CT-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2006 về tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời và các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường được phép xử lý ô nhiễm tại chỗ; tiếp tục triển khai Quyết định số 200/2004/QĐ-UB ngày 18 tháng 8 năm 2004 về việc công bố các danh sách các ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung.

- Triển khai hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền về môi trường như: Giờ Trái đất, Ngày Trái đất (22/4), Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (29/4 - 06/5), Ngày Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (19/9); tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường và tình hình chi ngân sách sự nghiệp môi trường năm 2011 và 2012:

2.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng:

Năm 2011, thành phố đã tiếp tục triển khai các chương trình liên tịch bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững giữa các cấp Sở - ngành, Ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; triển khai các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng như tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức hội thảo, hội thi, tổ chức lễ phát động hưởng ứng các sự kiện lớn về môi trường, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt. Qua đó, ý thức về bảo vệ môi trường của các cán bộ công chức, hội viên các đoàn thể và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực. Chủ trương và chỉ đạo của thành phố đã nhanh chóng được triển khai, phổ biến đến các quận - huyện, phường - xã, thị trấn. Các quận - huyện, các đoàn thể đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thi, các đợt ra quân tổng vệ sinh và tuyên truyền đến người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường, góp phần nhắc nhở và tạo thói quen tốt cho cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm và thu hút được sự tham gia của cộng đồng, điển hình là ngày càng nhiều các mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương được hình thành, phát triển và đạt được hiệu quả cao như mô hình khu phố không rác, mô hình Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, mô hình khu nhà trọ xanh sạch đẹp… ; đồng thời triển khai nhân rộng mô hình khu phố không rác trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2012, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các chương trình liên tịch phối hợp hành động bảo vệ môi trường với các đoàn thể, nâng cao chất lượng của các mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương, đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm đưa thông tin đến với nhân dân một cách sinh động và hiệu quả hơn. Công tác tuyên truyền sẽ được thực hiện theo những trọng tâm trong chương trình giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đã đề ra.

2.2. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường:

Xem xét tăng thêm biên chế phụ trách lĩnh vực môi trường cho các phường - xã, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường trên địa bàn thành phố.

2.3. Kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường:

Đến nay việc triển khai thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ như sau:

- 14 cơ sở đã được rút tên vì đã hoàn thành công tác khắc phục và xử lý ô nhiễm môi theo quy định (Nhà máy sữa Trường Thọ, Nhà máy sữa Thống Nhất, Công ty cổ phần giấy Vĩnh Huê, Công ty may Thành Công, Công ty dệt Phong Phú, Công ty TNHH một thành viên kỹ nghệ súc sản Vissan, Công ty liên doanh TNHH tôn Posvina, Công ty dệt Phước Long, DNTN bột giấy Nguyễn Thị Hòa, Công ty TNHH nhuộm Đông Anh, Công ty cổ phần giấy Linh Xuân, Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Nhà máy thép Nhà Bè, Nhà máy bia Sài Gòn);

- 10 cơ sở đã di dời, ngưng hoạt động (Xí nghiệp chăn nuôi heo 3/2, Xí nghiệp chăn nuôi heo Phước Long, Công ty nhuộm dệt len Việt Phó, Công ty liên doanh Maruviena, Xi măng Quân khu 7, Nhà máy thuốc lá Vĩnh hội, Công ty dệt kim Đông Phương, Nhà máy thuốc lá Sài Gòn, Xí nghiệp da Bình Lợi, Xí nghiệp Cofidec);

- 11 cơ sở đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để (Nhà máy thép Tân Thuận, Bãi rác Đông Thạnh, Bãi rác Gò Cát, Nhà máy lưới thép Bình Tây, Công ty đúc số 1, Công ty cổ phần giấy Viễn Đông, Công ty dệt may Đông Á, Nhà máy phân bón Bình Điền, Bệnh viện 7A, Công ty may Thắng Lợi, Công ty Nipponvina);

- 02 cơ sở đã khắc phục ô nhiễm nhưng chưa triệt để (Nhà máy xi măng Hà Tiên, Nhà máy đóng tàu Ba Son). Hai đơn vị chưa khắc phục triệt để là do đặc thù ngành nghề; thành phố đã phối hợp với các Bộ chủ quản để có kế hoạch di dời theo quy hoạch.

2.4. Công tác bảo vệ và phục hồi cảnh quan lưu vực sông:

Trên địa bàn thành phố có khoảng 3.000 km sông, kênh rạch. Hiện nay việc quản lý các sông, kênh rạch được phân cấp cho nhiều cơ quan chức năng trực thuộc Trung ương và thành phố thực hiện (Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ngoài dự án Đại lộ Đông - Tây cơ bản đã hoàn thành phần cơ sở hạ tầng ven kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, Thành phố đang tiếp tục triển khai dự án cải thiện môi trường nước tại các lưu vực: Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Các dự án này khi hoàn thành sẽ góp phần rất lớn vào việc cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố, phục hồi cảnh quan ven bờ, đặc biệt là tại các quận nội thành.

Bên cạnh đó, thành phố hiện đang triển khai thi công dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; nhiệm vụ của dự án này là tiêu thoát nước, chống ngập úng cho khu vực rộng 14.900 ha đất nông nghiệp và khu dân cư, góp phần cải thiện tình hình ô nhiễm, kết hợp giao thông thủy trên các tuyến kênh hiện có. Đồng thời, thành phố cũng đã triển khai nhiều đợt nạo vét, vớt rác bồi lấp gây ô nhiễm môi trường kênh rạch tại một số khu vực.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục phối hợp với tỉnh Bình Dương thực hiện các hoạt động kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm kênh Ba Bò và triển khai dự án “Cải tạo kênh Ba Bò”. Mục tiêu của dự án là nhằm cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực, tránh gây ngập úng khu vực vào mùa mưa; cải thiện môi trường, cảnh quan khu vực.

2.5. Hợp tác khu vực về bảo vệ môi trường:

Trong thời gian qua thành phố đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành phố trong lưu vực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ bảo vệ lưu vực sông theo kết luận tại các phiên họp của Ủy ban sông Đồng Nai và các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thành phố tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các địa phương lân cận (Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh như cải tạo kênh Ba Bò, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xả thải ra sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thầy Cai - An Hạ; giải quyết vấn đề ô nhiễm và bồi thường thiệt hại ở sông Thị Vải, xây dựng khu xử lý chất thải rắn chung giữa thành phố Hồ Chí Minh và Long An, xây dựng năng lực ứng phó sự cố tràn dầu ở vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai.

2.6. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố năm 2011:

- Hoàn thiện bản dự thảo Kế hoạch hành động ứng phó Biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015, dự kiến phê duyệt trong tháng 8 năm 2012;

- Đã triển khai 13/16 nhiệm vụ, dự án trong năm 2010, 2011 và tiếp tục triển khai 3/16 nhiệm vụ, dự án còn lại trong năm 2012 để các Sở ngành nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong từng lĩnh vực của thành phố. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 2,4 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Triển khai Chương trình thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố. Chương trình đã hoàn tất giai đoạn 1 - công bố bản đồ Atlas thành phố Hồ Chí Minh.

- Tham gia giai đoạn khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu - lĩnh vực giao thông và năng lượng do ADB tài trợ.

2.7. Công tác phát triển rừng và nâng diện tích thảm thực vật:

- Duy trì tỷ lệ che phủ rừng là 18,76%.

- Tổ chức quản lý, bảo vệ 42.523,27 ha rừng và đất lâm nghiệp của thành phố.

- Tiếp tục thực hiện Đề án trồng rừng và cây xanh thành phố giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế tối đa các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn thành phố.

2.8. Phân tích, đánh giá:

a) Thuận lợi:

- Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo thành phố trong bảo vệ môi trường; Ưu tiên nguồn vốn cho công tác đầu tư, cải tạo và bảo vệ môi trường, giải quyết các sự cố môi trường.

- Tuyên truyền vận động, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân và đã được đa số người dân tích cực hưởng ứng. Người dân quan tâm vấn đề môi trường cùng tham gia phản ánh, phối hợp với chính quyền thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

b) Khó khăn:

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, vừa thiếu vừa chồng chéo nên hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn thấp.

- Công tác quy hoạch vùng, quy hoạch khu dân cư mới và cải tạo các khu dân cư cũ chưa được đồng bộ, các dự án nhìn chung chưa đánh giá đúng mức vấn đề tác động môi trường. Ý thức của người dân về bảo vệ môi trường chưa cao. Chính quyền cấp xã, thị trấn gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp vận động, tuyên truyền người dân cùng phối hợp. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn kém. Trình độ quản lý môi trường của cán bộ cấp phường - xã còn hạn chế, đồng thời kiêm nhiệm nhiều công tác dẫn đến việc phối hợp thực hiện công tác không thường xuyên.

3. Kiến nghị và đề xuất:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ban hành quy chế hoạt động, phối hợp giữa các đơn vị trong công tác thanh kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm về lĩnh vực môi trường, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn làm giảm hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh việc phân cấp thẩm quyền đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động đối với các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng quy định tại Điều 48 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2013

1. Hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương:

- Đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất không chấp hành hoặc chậm trễ thi hành quyết định di dời của thành phố; Kiểm tra các cơ sở được phép xử lý ô nhiễm tại chỗ hoặc gia hạn thời gian di dời.

- Vệ sinh các tuyến kênh rạch hở, đảm bảo chức năng tiêu thoát nước của kênh rạch; Tập trung kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh phát sinh nước thải gây ô nhiễm nguồn nước.

2. Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường:

- Thực hiện lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các chương trình, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm; Tiếp tục thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố; Đảm bảo nguồn nước sông Sài Gòn đạt Quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT về chất lượng nước mặt;

- Tập trung phối hợp các ngành chức năng kiểm tra thường xuyên việc xả thải của các đơn vị sản xuất trong các khu chế xuất - khu công nghiệp. Đối với các đơn vị sản xuất mới đầu tư trong khu công nghiệp, đảm bảo 100% các đơn vị này phải đấu nối vào mạng lưới thu gom xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp.

- Tăng cường năng lực Nhà nước về bảo vệ tài nguyên nước và khoáng sản: phối hợp các ngành chức năng để tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn, nhất là trong giai đoạn mùa khô đang diễn ra, dọc theo tuyến sông Sài Gòn, làm ảnh hưởng giao thông đường thủy, gây sạt lở bờ bao.

3. Quản lý chất thải:

- Kiểm tra việc xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải không thể tái chế của các cơ sở thu mua, vận chuyển phế liệu công nghiệp trên địa bàn thành phố; kiểm tra hồ sơ và năng lực của các đơn vị đang hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại.

- Xem xét, điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường theo Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố đối với các đối tượng chủ nguồn thải khác nhau.

4. Bảo vệ đa dạng sinh học:

Tổ chức quản lý bảo vệ ổn định diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện hữu là 42.523,27; Tổ chức triển khai đề án bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn 2025.

5. Tăng cường năng lực quản lý và tuyên truyền về môi trường:

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước cho cán bộ làm công tác quản lý môi trường; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý môi trường tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn trong nước và quốc tế.

- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu và hiệu quả các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và truyền thông môi trường đến với đông đảo nhân dân nhằm hạn chế tình trạng xả rác, phóng uế xuống kênh rạch và nơi công cộng.

- Tiếp tục tổ chức truyền thông môi trường, giáo dục môi trường cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.

- Tổ chức truyền thông môi trường cho các lực lượng thu gom rác về việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và có thái độ tế nhị, hòa nhã khi thu gom rác.

- Triển khai thông tin đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Vận động các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại không sử dụng các sản phẩm khó tái chế, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ về các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn.

6. Tăng cường hợp tác môi trường trong vùng và khu vực:

- Phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương để giải quyết tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò, với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để giải quyết ô nhiễm sông Thị Vải, với Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Bình Dương và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh để giải quyết ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế về môi trường; Tham gia, trao đổi kinh nghiệm tại các diễn đàn, hội nghị, chương trình hợp tác quốc tế trong khu vực; Tìm kiếm các nguồn đối tác mới hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường.

Trên đây là báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2011, 2012 và kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2013 trên địa bàn thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kính gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết./.

(Đính kèm phụ lục)

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các Sở - ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- VPUB: CPVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (ĐTMT-LHT) D.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 116/BC-UBND về tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2011, năm 2012 và kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2013 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 116/BC-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/08/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản