Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 59/2017/TT-BCA về quy định giám sát và đánh giá đầu tư trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Chương II

GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG CỦA CHỦ CHƯƠNG TRÌNH, CHỦ ĐẦU TƯ, CHỦ DỰ ÁN THÀNH PHẦN, CHỦ SỬ DỤNG

Mục 1. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH ĐẦU TƯ CÔNG CỦA CHỦ CHƯƠNG TRÌNH

Điều 7. Thực hiện giám sát, đánh giá chương trình đầu tư của chủ chương trình

1. Chủ chương trình chỉ định một đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư đối với các chương trình thuộc phạm vi quản lý.

2. Nội dung giám sát, đánh giá chương trình đầu tư của chủ chương trình gồm: theo dõi chương trình đầu tư, kiểm tra chương trình đầu tư và đánh giá chương trình đầu tư.

Điều 8. Theo dõi chương trình đầu tư công của chủ chương trình

1. Cập nhật văn bản liên quan đến việc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình; tình hình thực hiện trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình của người có thẩm quyền quyết định đầu tư; lập Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình; tình hình trình thẩm định và phê duyệt chương trình của người có thẩm quyền quyết định đầu tư; sự thay đổi của chính sách, pháp luật có liên quan.

2. Cập nhật những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình khi có phát sinh vượt thẩm quyền, thay đổi về chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc do nguyên nhân bất khả kháng.

3. Tổng hợp tình hình thực hiện dự án thành phần thuộc chương trình, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; thực hiện dự án đầu tư; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, giải ngân, thanh quyết toán; khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thành phần và kết quả xử lý theo thẩm quyền được giao.

4. Cập nhật, xử lý và phản hồi thông tin báo cáo định kỳ của các đơn vị trực thuộc có liên quan đến thực hiện chương trình đầu tư công; giải quyết các vướng mắc, khó khăn, phát sinh.

5. Kịp thời báo cáo, đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền của chủ chương trình.

Điều 9. Kiểm tra chương trình đầu tư công của chủ chương trình

1. Chế độ kiểm tra: chủ chương trình tự tổ chức kiểm tra thường xuyên chương trình được giao quản lý thực hiện.

2. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra việc triển khai thực hiện của cơ quan được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, nội dung kiểm tra gồm:

- Việc quản lý thực hiện chương trình: lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết triển khai chương trình và các dự án thuộc chương trình; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai chương trình, dự án thuộc chương trình (nếu có);

- Việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần thuộc chương trình theo thẩm quyền được giao;

- Tình hình thực hiện chương trình: tiến độ thực hiện các mục tiêu, dự án thuộc chương trình; tổng hợp tình hình thực hiện của từng dự án thành phần thuộc chương trình (tổng vốn kế hoạch được cấp, số lượng dự án thành phần thực hiện, giá trị, khối lượng thực hiện của từng dự án thành phần thuộc chương trình);

- Tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư: việc huy động vốn cho chương trình; giá trị giải ngân từng dự án thành phần thuộc chương trình; nợ đọng vốn xây dựng cơ bản của từng dự án thành phần (nếu có);

- Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình khi phát sinh vấn đề vượt quá thẩm quyền.

b) Kiểm tra năng lực tổ chức thực hiện dự án thành phần thuộc chương trình và việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư của chủ dự án thành phần, nội dung kiểm tra gồm:

- Công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ của dự án theo quy định gồm: văn bản pháp lý có liên quan đến quá trình hình thành và triển khai dự án, hệ thống biên bản nghiệm thu, chứng chỉ kiểm định chất lượng, nhật ký công trình, văn bản thông tin báo cáo của các bên có liên quan đến dự án;

- Tình hình triển khai, tiến độ và công việc đã thực hiện; năng lực quản lý, điều hành của chủ dự án thành phần;

- Việc chấp hành quy định về thực hiện quản lý dự án như: chế độ giao ban định kỳ giữa ban quản lý dự án với các nhà thầu có liên quan và việc phối hợp giải quyết vướng mắc, kiến nghị đề xuất của nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án;

- Việc chấp hành quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động; tác động môi trường sinh thái và tác động khác có liên quan;

- Chế độ thông tin báo cáo của chủ dự án thành phần tới các đơn vị có liên quan theo quy định.

c) Phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án thành phần thuộc chương trình; việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện của chủ dự án thành phần.

3. Quá trình kiểm tra, chủ chương trình phải tiến hành lập Biên bản kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tới chủ dự án thành phần và cơ quan, đơn vị có liên quan.

4. Cơ quan được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện báo cáo theo yêu cầu của chủ chương trình.

Điều 10. Đánh giá chương trình đầu tư của chủ chương trình

Chủ chương trình tổ chức thực hiện đánh giá theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP; trong trường hợp cần thiết, chủ chương trình có thể đề xuất, báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn đánh giá chương trình đầu tư.

Điều 11. Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của chủ chương trình

1. Chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của chủ chương trình:

a) Lập báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: quý I, 6 tháng, quý III và năm gửi Cục Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và Cục Tài chính để theo dõi;

b) Báo cáo trước khi khởi công dự án thành phần thuộc chương trình gửi Cục Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và Cục Tài chính để theo dõi;

c) Khi điều chỉnh chương trình, phải lập báo cáo giám sát đầu tư gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, đồng thời gửi Cục Kế hoạch và đầu tư để tổ chức kiểm tra giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh và gửi Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Cục Tài chính để theo dõi;

d) Khi kết thúc chương trình, phải lập báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc đầu tư gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, Cục Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Cục Tài chính và đơn vị quản lý chuyên ngành để theo dõi;

đ) Báo cáo đánh giá chương trình do mình tổ chức thực hiện theo quy định và gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, Cục Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và Cục Tài chính;

e) Ngoài việc thực hiện báo cáo theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, chủ chương trình phải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ 6 tháng, năm và báo cáo quy định tại các điểm b, c và d khoản này.

2. Thời hạn báo cáo:

a) Gửi báo cáo trước khi khởi công chương trình 15 ngày;

b) Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh chương trình;

c) Gửi báo cáo quý trước ngày 10 của tháng đầu quý tiếp theo;

d) Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;

đ) Gửi báo cáo năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;

e) Gửi báo cáo kết thúc đầu tư trước khi bắt đầu khai thác vận hành chương trình 15 ngày;

g) Gửi báo cáo đột xuất về giám sát, đánh giá đầu tư khi cần thiết và khi có yêu cầu của người có thẩm quyền quyết định đầu tư và Cục Kế hoạch và đầu tư.

3. Chủ chương trình thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá theo các biểu mẫu được ban hành theo Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư và mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Mục 2. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG CỦA CHỦ ĐẦU TƯ

Điều 12. Thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư của chủ đầu tư

1. Chủ đầu tư chỉ định một đơn vị hoặc một bộ phận trực thuộc thực hiện nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý.

2. Nội dung giám sát, đánh giá dự án đầu tư của chủ đầu tư gồm: theo dõi dự án đầu tư, kiểm tra dự án đầu tư và đánh giá dự án đầu tư.

Điều 13. Theo dõi dự án đầu tư của chủ đầu tư

1. Cập nhật văn bản liên quan đến việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án; tình hình trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án; lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; tình hình trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tình hình trình thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và lập Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án.

2. Quản lý thực hiện dự án: lập kế hoạch và cụ thể hóa kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung quản lý dự án; cập nhật tình hình và kết quả thực hiện so với kế hoạch đề ra; điều chỉnh kế hoạch (nếu có).

3. Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: tiến độ thực hiện; khối lượng và giá trị thực hiện; chất lượng công việc; các biến động trong quá trình thực hiện dự án.

4. Tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư: việc huy động vốn cho dự án; giải ngân (tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán); quyết toán vốn dự án hoàn thành; nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (nếu có) và việc xử lý.

5. Cập nhật, xử lý và phản hồi thông tin báo cáo định kỳ của các đơn vị trực thuộc có liên quan đến dự án và các nhà thầu; giải quyết các vướng mắc khó khăn, phát sinh và kết quả xử lý theo thẩm quyền.

6. Kịp thời báo cáo, đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền của chủ đầu tư.

Điều 14. Kiểm tra dự án đầu tư của chủ đầu tư

1. Chế độ kiểm tra: chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra thường xuyên dự án do mình làm chủ đầu tư.

2. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra hoạt động của đơn vị được giao quản lý thực hiện dự án, nội dung kiểm tra gồm:

- Công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ của dự án theo quy định gồm: văn bản pháp lý có liên quan đến quá trình hình thành và triển khai dự án, các biên bản nghiệm thu, chứng chỉ kiểm định chất lượng, nhật ký công trình, văn bản thông tin báo cáo của các bên có liên quan đến dự án;

- Tình hình triển khai, tiến độ và công việc đã thực hiện; việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư, năng lực quản lý, điều hành của ban quản lý dự án;

- Việc chấp hành quy định về thực hiện quản lý dự án như: chế độ giao ban định kỳ giữa ban quản lý dự án với các nhà thầu có liên quan và việc phối hợp giải quyết vướng mắc, kiến nghị đề xuất của nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án;

- Việc chấp hành quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động; tác động môi trường sinh thái và tác động khác có liên quan;

- Chế độ thông tin báo cáo của ban quản lý dự án tới các đơn vị có liên quan theo quy định.

b) Kiểm tra việc triển khai thực hiện của các nhà thầu gồm các nội dung:

- Sự phù hợp của bộ máy nhân lực, năng lực đội ngũ cán bộ tại hiện trường và các trang thiết bị thực hiện gói thầu so với cam kết trong hồ sơ dự thầu;

- Tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc thực hiện so với kế hoạch và hợp đồng ký kết; năng lực quản lý, điều hành và triển khai thực hiện dự án của các nhà thầu;

- Việc chấp hành quy định về quản lý chất lượng, chứng chỉ về chất lượng, an toàn lao động, tác động môi trường và quy định khác có liên quan.

c) Phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; giám sát việc chấp hành và xử lý vấn đề đã phát hiện của ban quản lý dự án và nhà thầu.

3. Quá trình kiểm tra, chủ đầu tư phải tiến hành lập Biên bản kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tới các cơ quan, đơn vị, nhà thầu có liên quan.

Điều 15. Đánh giá dự án đầu tư của chủ đầu tư

1. Việc đánh giá dự án của chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP; đối với các dự án có phân kỳ đầu tư theo giai đoạn thì chủ đầu tư phải thực hiện đánh giá giữa kỳ khi kết thúc từng giai đoạn thực hiện. Trường hợp cần thiết khi có biến động, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định chủ đầu tư thực hiện các loại đánh giá khác.

2. Chủ đầu tư có thể đề xuất, báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn đánh giá dự án đầu tư.

Điều 16. Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của chủ đầu tư

1. Chủ đầu tư thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các loại báo cáo sau:

a) Báo cáo quý I, 6 tháng, quý III và báo cáo năm gửi Cục Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Cục Tài chính và đơn vị quản lý chuyên ngành để theo dõi;

b) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi trình phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt đầu tư dự án. Nội dung báo cáo theo các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này;

c) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi khởi công dự án gửi Cục Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Cục Tài chính và đơn vị quản lý chuyên ngành để theo dõi;

d) Khi điều chỉnh dự án, chủ đầu tư phải lập báo cáo giám sát đầu tư gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, Cục Kế hoạch và đầu tư để tổ chức kiểm tra giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh và gửi Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Cục Tài chính để theo dõi;

đ) Khi kết thúc dự án, chủ đầu tư phải báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc đầu tư gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, Cục Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Cục Tài chính và đơn vị quản lý chuyên ngành để theo dõi;

e) Báo cáo đánh giá dự án đầu tư do mình tổ chức thực hiện theo quy định và gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, Cục Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Cục Tài chính;

g) Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, ngoài việc gửi báo cáo tới các đơn vị được quy tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này, chủ đầu tư phải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ 6 tháng, năm và báo cáo quy định tại các điểm c, d và đ khoản này.

2. Thời hạn báo cáo:

a) Gửi báo cáo khi trình phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án;

b) Gửi báo cáo trước khi khởi công dự án 15 ngày;

c) Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh dự án;

d) Gửi báo cáo kết thúc đầu tư trước khi bắt đầu bàn giao, khai thác, vận hành dự án 15 ngày;

đ) Gửi báo cáo quý trước ngày 10 của tháng đầu quý tiếp theo;

e) Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;

g) Gửi báo cáo năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;

h) Chủ đầu tư có thể có báo cáo đột xuất về giám sát, đánh giá đầu tư khi cần thiết và khi có yêu cầu của người có thẩm quyền quyết định đầu tư và Cục Kế hoạch và đầu tư.

3. Chủ đầu tư thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá theo các biểu mẫu được ban hành theo Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư và mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Mục 3. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CỦA CHỦ DỰ ÁN THÀNH PHẦN, CHỦ SỬ DỤNG

Điều 17. Thực hiện giám sát, đánh giá của chủ dự án thành phần

1. Chủ dự án thành phần được giao triển khai thực hiện dự án thành phần tổ chức theo dõi dự án đầu tư, kiểm tra dự án đầu tư và đánh giá dự án đầu tư.

2. Việc theo dõi dự án thành phần thuộc chương trình của chủ dự án thành phần thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP.

3. Nội dung kiểm tra, đánh giá của chủ dự án thành phần thực hiện theo trình tự quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Thông tư này.

4. Báo cáo giám sát của chủ dự án thành phần:

a) Chủ dự án thành phần thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các loại báo cáo sau:

- Báo cáo quý I, 6 tháng, quý III và báo cáo năm gửi chủ chương trình để tổng hợp báo cáo;

- Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc đầu tư dự án thành phần gửi chủ chương trình để tổng hợp, theo dõi.

b) Thời hạn báo cáo:

- Gửi báo cáo quý trước ngày 05 của tháng đầu quý tiếp theo;

- Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 05 tháng 7 của năm báo cáo;

- Gửi báo cáo năm trước ngày 05 tháng 02 năm sau;

- Chủ dự án thành phần có thể có báo cáo đột xuất về giám sát, đánh giá đầu tư khi cần thiết và khi có yêu cầu của người có thẩm quyền quyết định đầu tư và Cục Kế hoạch và đầu tư.

5. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá của chủ dự án thành phần thực hiện theo các biểu mẫu được ban hành theo Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư và mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 18. Thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư của chủ sử dụng

1. Chủ sử dụng tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra toàn bộ quá trình khai thác, vận hành dự án và báo cáo nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP.

2. Chủ sử dụng dự án lập báo cáo giám sát, đánh giá tình hình khai thác, vận hành dự án và Báo cáo đánh giá tác động dự án khi có yêu cầu của người có thẩm quyền quyết định đầu tư và Cục Kế hoạch và đầu tư.

3. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá của chủ sử dụng thực hiện theo mẫu số 06 được ban hành theo Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư.

Thông tư 59/2017/TT-BCA về quy định giám sát và đánh giá đầu tư trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 59/2017/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/12/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH